Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có bản sắc văn hóa truyền thống riêng biệt về ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán… trong đó, ẩm thực là một trong những đặc trưng nổi bật nhất thể hiện các yếu tố đặc sắc của văn hóa dân tộc. Đồng bào Vân Kiều ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cư trú chủ yếu ở vùng núi phía Tây thuộc địa giới hành chính các xã Sơn Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung… Sống trong lòng núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, được thiên nhiên bao bọc chở che nên cái nếp ăn, nếp ở của đồng bào nơi đây giao hòa với thiên nhiên, thể hiện thái độ tôn trọng tự nhiên, sống hài hòa với núi rừng. Vì vậy, trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, người Vân Kiều đã tạo nên những nét văn hóa ẩm thực độc đáo đượm nồng hương vị của đất trời. Chính sự phong phú của môi trường sống đã đưa lại nguồn nguyên liệu dồi dào với hệ động thực vật phong phú kết hợp cùng cách dự trữ và chế biến dân gian độc đáo đã tạo nên một thực đơn đa dạng trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong các dịp lễ, Tết của đồng bào Vân Kiều sống ở miền Tây huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cơm tẻ không thường xuyên có mặt trong bữa ăn của người Vân Kiều xưa. Thay vào đó, món ăn truyền thống trong mỗi bữa ăn của đồng bào chính là bồi. Bồi được làm từ ngô, khoai, sắn hoặc may mắn hơn nữa là gạo nấu với các loại thực phẩm khác khai thác được từ rừng. Theo lời kể của bà Hồ Thị Miền ở bản Khe Ngát – thị trấn Nông trường Việt Trung, trước đây công việc đầu tiên trong ngày của các chị em phụ nữ Vân Kiều là thức dậy thật sớm để chuẩn bị làm bồi cho gia đình sử dụng trong cả ngày. Bồi được chế biến khá kỳ công, các loại ngũ cốc như gạo, ngô… được đem ngâm vào nước lạnh cho nở ra để khi nấu sẽ nhanh nhuyễn. Các loại rau rừng như đọt đoác, măng đem luộc qua để bỏ bớt đi vị đắng sau đó đem cắt thành khúc nhỏ. Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu thì đem tất cả các loại ngũ cốc, rau rừng, cá… vào nấu chung trong một chiếc nồi đến khi tất cả các nguyên liệu chín nhừ là dùng được.
Ngày nay, khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, cái đói cái rét không còn thường trực nữa thì bữa cơm của các gia đình Vân Kiều được cải thiện hơn. Cũng như các dân tộc khác người Vân Kiều ăn cơm hằng ngày, bữa phụ buổi sáng, hai bữa chính là trưa và chiều, song điều đặc biệt là người Vân Kiều thường xuyên ăn xôi nếp (giống nếp nương do đồng bào trồng được). Thường thì vào các buổi sáng sớm , mỗi nhà đồ một chõ xôi để ăn sáng và mang theo khi đi nương đi rẫy. Thức ăn đi kèm là cá, tôm bắt từ các con suối, khe nấu cùng với các loại rau rừng như rau dớn, rau dền, rau tàu bay, rau ngót rừng, măng rừng… Những lúc may mắn bẫy được thú rừng thì bữa ăn có thêm các món thịt nướng hoặc nấu canh như thịt nai nấu lá tơng, lá lốt rừng….
Thức uống của người Vân Kiều cũng khá đặc biệt, với tri thức dân gian và kinh nghiệm sinh sống giữa núi rừng đồng bào đã biết khai thác các loại cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên để làm thức uống hằng ngày cho gia đình mình. Các loại lá rừng phổ biến như lá vối, lá đung, cam thảo đất… được bà con lựa chọn để làm nên những bát nước mà bà con thường gọi là “nước chè rừng” thơm lừng, xanh ngát. Bên cạnh đó, người Vân Kiều thường dùng rượu cần vào các dịp lễ, Tết hay những lúc có công việc trọng đại trong gia đình. Rượu cần của đồng bào Vân Kiều được làm từ ngô, sắn, được lên men từ những viên men làm từ lá cây rừng nên có vị nồng đượm của ngô, sắn, vị thơm dịu ngọt rất riêng của men rừng.
Có thể nói rằng, ẩn sau những giá trị vật chất của hệ thực đơn phong phú trong nếp sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Vân Kiều là một hệ thống các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Tìm hiểu đôi nét về ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều cư trú ở phía Tây huyện Bố Trạch cho thấy, hệ ẩm thực thường ngày cũng như trong dịp lễ, Tết, hội hè của đồng bào đã phản ánh rõ nét các giá trị văn hóa xã hội mang đậm chất bản địa, gắn với môi trường cư trú cụ thể, thể hiện sự hài hòa và sự thích ứng tuyệt vời giữa con người với thiên nhiên. Ở đó, ẩn chứa cả một kho tàng trí thức bản địa trong cách thức khai thác, dự trữ, chế biến và sử dụng từng món ăn, thức uống. Chính vì vậy, những kiến thức, kỹ năng cũng như các đặc trưng trong đời sống văn hóa ẩm thực nơi đây là những giá trị văn hóa quý báu cần bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hôm nay.
Tác giả: Lê Hữu Lợi
Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Tôm đất khô ở đâu ngon nhất Hà Nội? Gợi ý 3 món ngon được làm từ tôm đất khô
Mua ruốc tôm tại Hà Nội ở đâu uy tín? Cách bảo quản ruốc tôm
Mua chả mực ở đâu ngon và chất lượng?