Văn hóa chính trị của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong các trường quân đội

Văn hóa chính trị (VHCT) của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) trong các nhà trường quân đội là những giá trị chân, thiện, mỹ, phản ánh bản chất giai cấp công nhân và bản sắc văn hóa dân tộc được biểu hiện trên phương diện sự hiểu biết về nhận thức, tình cảm, niềm tin, thái độ chính trị tồn tại trong phẩm chất, tri thức và các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của người giảng viên.

Đội ngũ giảng viên trong các nhà trường quân đội không chỉ là nhà giáo, nhà khoa học mà còn là nhà chính trị, hoạt động giáo dục và đào tạo nhằm đào tạo ra lớp người lao động mới, có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của quân đội và đất nước. Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 86 của Quân ủy Trung ương về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020… đòi hỏi công tác giáo dục, đào tạo của các nhà trường quân đội nói chung và công tác xây dựng VHCT cho đội ngũ giảng viên KHXHNV nói riêng có vai trò quan trọng và cấp thiết. Không ngừng nâng cao nhận thức, tình cảm, niềm tin, thái độ và bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống và trình độ năng lực chuyên môn sâu trong quá trình giảng dạy, truyền thụ và nghiên cứu.

Đội ngũ giảng viên KHXHNV trong các nhà trường quân đội ngoài những phẩm chất, năng lực của giảng viên nói chung, họ còn là những người có tinh thần giác ngộ cách mạng cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu, tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận. Đội ngũ giảng viên KHXHNV là nhân tố góp phần quyết định đến uy tín, vị thế của các nhà trường quân đội trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của VHCT đối với đội ngũ giảng viên KHXHNV, trong những năm qua các nhà trường quân đội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng, giáo dục nâng cao VHCT ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đào tạo con người – xây dựng nguồn lực cho các nhà trường, đơn vị toàn quân và quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn có một số giảng viên trẻ còn thiếu hệ thống, chưa nắm chắc thực chất VHCT là gì? Vị trí, vai trò của VHCT trong thực tiễn ra sao? Cho nên chưa vận dụng VHCT như một công cụ hàng ngày trong công tác giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Để nâng cao VHCT cho đội ngũ giảng viên KHXHNV của các nhà trường quân đội hiện nay, cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên KHXHNV đủ về số lượng, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo của các nhà trường quân đội trong giai đoạn hiện nay. Trọng tâm công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giảng viên kế cận, kế tiếp; nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ý thức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên trẻ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, có tuổi đời ngày càng trẻ. Họ có một số lợi thế nhất định so với các thế hệ đi trước, đó là có trình độ về ngoại ngữ và công nghệ, khả năng nắm bắt thông tin nhanh, được làm việc trong môi trường thông tin mở… Tuy nhiên, do chưa có nhiều trải nghiệm thực tiễn chính trị, nên độ chín trong tư duy, đặc biệt là tư duy về lý luận chính trị ở họ còn hạn chế. Vì vậy, để phát huy được những ưu điểm, không ngừng củng cố, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ cần phát huy vai trò của các nhà nghiên cứu lâu năm, những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, giúp đỡ họ; đồng thời khuyến khích họ tích cực tự học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu, đấu tranh lý luận trong tình hình mới. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng viên KHXHNV. Ngoại ngữ là hành trang cần thiết giúp cho người nghiên cứu, giảng dạy có thể trực tiếp nghiên cứu tài liệu có giá trị bằng tiếng nước ngoài; giao lưu, trao đổi lý luận với các nhà khoa học trên thế giới; trực tiếp đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế, trên báo, tạp chí nước ngoài để phản bác lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Cần có chính sách phù hợp để thu hút đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại học viện.

Xây dựng đội ngũ giảng viên KHXNNV có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhân cách và có lối sống trong sáng. Đây là một trong những tiêu chuẩn cơ bản đầu tiên yêu cầu phải có đối với mỗi người giảng viên. Phẩm chất chính trị của nhà giáo được chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao: có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Bản lĩnh chính trị được thể hiện ở trình độ lý luận chính trị, khả năng nhận thức chính trị, tình cảm và niềm tin chính trị, trình độ hoạt động chính trị. Bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ tin vào tương lai tươi sáng của đất nước, từ đó sẽ có khả năng xử lý những tình huống chính trị nảy sinh trong hoạt động thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với người giảng viên, điều quan trọng không chỉ có nhận thức chính trị đúng, mà còn phải có khả năng xử lý được nhũng tình huống chính trị ở mức độ nhất định. Các đối tượng người học rất phong phú và đa dạng, vì vậy, việc định hướng nhận thức chính trị xã hội cho họ là rất cần thiết; người giảng viên không chỉ dừng lại ở mức độ tuân thủ những quy tắc đạo đức thông thường, mà còn đạt đến mức độ mẫu mực, là tấm gương sáng để học viên thuyết phục, noi theo và kính trọng.

Nâng cao bản lĩnh khoa học, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, có tình cảm, tâm huyết với nghề của đội ngũ giảng viên KHXHNV. Mỗi hành động của người giảng viên trong quan hệ chính trị – xã hội đều phải cân nhắc trên cơ sở những tri thức cơ bản, biết vận dụng tri thức và hiểu biết vào cuộc sống hiện thực, vận dụng sáng tạo các quy luật khách quan của xã hội, phát huy tư duy sáng tạo vào việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Để có được bản lĩnh khoa học, yếu tố quan trọng là sự nỗ lực của bản thân, sự tự phấn đấu nâng cao năng lực sáng tạo thông qua hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năng lực sáng tạo, tiềm năng trí tuệ của người trí thức – nhà giáo thể hiện qua chất lượng bài giảng, các công trình khoa học, khả năng xử lý tình huống trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Ngoài ra, còn biểu hiện ở nhu cầu nâng cao trình độ, năng lực khám phá cái mới và ở cả sản phẩm của người thày, đó là những học viên giỏi. Đối với nhà giáo – người giảng viên có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo những người lao động mới, có tri thức khoa học, kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, một trong những yêu cầu quan trọng là phải có khả năng truyền đạt tri thức với hiệu suất cao, có khả năng lôi cuốn, thuyết phục, động viên, cũng như uy quyền đối với người học. Lao động của nhà giáo là loại lao động đặc biệt bao gồm cả sự tổng hợp về nhân cách, trí tuệ và tâm hồn của người giảng viên. Tác động lớn, sâu sắc nhất đến người học chính là sự tổng hòa, sự thăng hoa nhiều mặt của trí tuệ, trong đó có phương pháp sư phạm của người thày giáo. Hiệu quả của giáo dục khó đo lường ngay tức khắc, nhưng tác động của nó lại rất lâu bền. Do vậy phương pháp làm việc khoa học, có năng lực sư phạm là một trong những tiêu chí chủ yếu để xác định người giáo viên giỏi đáp ứng yêu cầu phát triển của quân đội và đất nước.

Đội ngũ giảng viên KHXHNV trong các nhà trường quân đội phải có tình cảm, tâm huyết với nghề, trong hoạt động nghề nghiệp chuyên môn được giao. Muốn trở thành người lao động giỏi, nhà giáo, nhà khoa học để cống hiến cho xã hội, thì bản thân họ phải yêu nghề. Giáo viên là người trực tiếp gợi mở, đặt những dấu ấn trong tâm hồn người học về tình yêu tổ quốc, chủ nghĩa xã hội, tình yêu con người, gia đình, cộng đồng… Khi có tình cảm chính trị cao, thái độ chính trị đúng đắn thì trong hoạt động nghề nghiệp sẽ có tâm huyết với nghề. Lòng yêu nghề sẽ tạo nên động lực lớn cho hoạt động sáng tạo và sự phấn đấu vươn lên của mỗi giảng viên.

Bốn là, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để nâng cao VHCT cho đội ngũ giảng viên KHXHNV.  Môi trường dân chủ là yếu tố quan trọng để đội ngũ giảng viên phát huy tiềm năng, trí tuệ trong hoạt động sáng tạo. Xây dựng môi trường dân chủ trong giáo dục – đào tạo, ở đó trò phải kính thày, thày phải quý trò. Phải bảo đảm uy quyền của giảng viên đối với người học. Để có được uy quyền trong giáo dục, người giảng viên phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu – tức là phải có uy tín. Thông qua công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, người trí thức giáo dục đại học không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực xử lý tình huống và phẩm chất đạo đức, tư cách… và phải có trình độ mọi mặt cao hơn ít nhất một bậc mà họ tham gia đào tạo. Mặt khác, tạo cơ hội cho đội ngũ trí thức nhà giáo được giao lưu giảng dạy, nghiên cứu khoa học với các cơ quan, nhà trường trong và ngoài quân đội, tiếp xúc với công nghệ, thông tin, phương tiện hiện đại, phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu, tiếp cận nhiều với thực tiễn xã hội. Tạo điều kiện cho giảng viên trẻ tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học lớn cấp nhà nước, bộ, ngành. Đó chính là môi trường thuận lợi cho tri thức trẻ phát triển và phát huy tiềm năng trí tuệ trong khám phá tri thức mới, tạo điều kiện cho họ nâng cao năng lực xử lý tình huống rèn luyện bản lĩnh cần thiết của một cán bộ khoa học, một nhà giáo thực thụ.

Năm là, kết hợp việc nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ giảng viên KHXHNV với tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận, chống những quan điểm sai trái về đường lối, chính sách của Đảng.

Quá trình xây dựng và phát triển VHCT trong đội ngũ giảng viên KHXHNV trong các nhà trường quân đội cần phải gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm tư tưởng sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Tập trung đấu tranh chống lại những luận điệu thù địch, phản động tấn công từ bên ngoài; chống lại các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nghiêm trị, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn, tiêu cực xã hội. Góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, truyền thống của quân đội và bản sắc văn hóa dân tộc. Muốn xây dựng và phát triển VHCT lành mạnh và tiến bộ phải kết hợp giữa chốngxây, trong đó lấy chống để xây và nhiệm vụ xây dựng là trọng tâm. Do vậy, cần phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ giảng viên KHXHNV đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận, góp phần làm thất bại âm mưu thủ đoạn diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, phi trính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch.

Trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là cuộc cách mạng khoa học 4.0 và nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo hiện nay. Để nâng cao VHCT cho đội ngũ giảng viên KHXHNV trong các nhà trường quân đội, trước hết cần đổi mới tư duy, nâng cao trình độ nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và niềm tin chính trị; thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ nói chung và giảng viên KHXHNV nói riêng. Góp phần xây dựng dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

Tác giả : KHUẤT TRỌNG NAM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *