Văn hóa du lịch trong kinh tế du lịch đương đại việt nam

Triển khai Nghị quyết 8-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam, chúng tôi tiếp cận và đưa ra hướng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong kinh tế du lịch Việt Nam dưới góc độ văn hóa du lịch. Đó là việc tiếp cận và giải quyết các vấn đề có liên quan đến hai quá trình kinh tế hóa văn hóa và văn hóa hóa kinh tế diễn ra đồng thời trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam.

Trong kinh tế đương đại, văn hóa du lịch góp phần quan trọng tạo nên thành công của kinh tế du lịch. Văn hóa du lịch là một bộ phận của du lịch học hiện đại. Sự biến chuyển của kinh tế du lịch sẽ làm thay đổi nhanh chóng đời sống xã hội, trong đó có đời sống văn hóa đương đại cũng như kho tàng di sản văn hóa. Xác định rõ nhiệm vụ cơ bản của văn hóa du lịch là tiến hành đồng thời hai quá trình kinh tế hóa văn hóavăn hóa hóa kinh tế trong hoạt động du lịch. Quá trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế hóa văn hóa đương nhiên phải bằng những phương cách mang nội hàm văn hóa hóa kinh tế, bao gồm các nhiệm vụ:

Biến di sản thành tài sản

Thực tế hoạt động du lịch ở Việt Nam trong thời gian qua luôn đặt ra những vấn đề như: làm sao khai thác, phát huy một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch của đất nước, mà vẫn bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng các giá trị của văn hóa bản địa; tổ chức hoạt động du lịch như thế nào để nâng cao hàm lượng văn hóa trong các mối quan hệ giữa những người kinh doanh với các đối tượng du khách cùng với các chủ thể văn hóa ở nơi diễn ra hoạt động du lịch; phải làm gì để nâng cao giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch, tạo sự phát triển du lịch bền vững; làm thế nào để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước vừa góp phần tích cực vào việc bảo tồn và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Đó thực sự là những câu hỏi lớn giữ vai trò quyết định đến sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đồng thời cũng chính là những yêu cầu cơ bản của quá trình xây dựng và phát triển văn hóa du lịch ở Việt Nam hiện nay.

Dưới góc độ kinh tế du lịch, chúng ta phải coi việc biến giá trị của văn hóa thành hàng hóa đặc hữu là nhiệm vụ quan trọng. Phải xuất phát từ các quan điểm về bảo tồn và khai thác di sản văn hóa khách quan, khoa học mới thay đổi được phương cách tổ chức khai thác các di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Đây chính là phương pháp “bảo tồn động” di sản văn hóa, một cuộc cách mạng trong tư duy và nhận thức về di sản văn hóa; đặt di sản văn hóa trong sự phát triển của đời sống xã hội, gắn sự tồn tại và phát triển của các di sản văn hóa trong sự vận hành của đời sống xã hội. Không tách rời sự tồn tại và vận động của các di sản văn hóa với những biến chuyển của đời sống kinh tế xã hội trong những thời điểm cụ thể. Bảo tồn động di sản văn hóa là cách thức và biện pháp đưa hoạt động xã hội phù hợp vào trong môi trường mà các di sản văn hóa tồn tại. Hoạt động này nhằm tận dụng và phát huy tốt nhất sức mạnh nội và ngoại lực của các di sản văn hóa; đem lại những lợi ích khác nhau cho các đối tượng công chúng tham gia hoạt động cũng như những cá nhân và tổ chức quản lý di sản. Những lợi ích thu được từ hoạt động du lịch sẽ chi phối trở lại các hoạt động của di sản, tạo điều kiện cho di sản tồn tại và phát triển bền vững, nhân đó tài sản được tăng thêm không ngừng.

Biến văn hóa thành hàng hóa

Trong kinh tế đương đại, có nhiều loại sản phẩm hàng hóa với các chủng loại khác nhau, trong đó có một loại hàng hóa đặc biệt là “hàng hóa văn hóa”. Hàng hóa văn hóa là loại hàng hóa đặc biệt, nó chứa đựng đầy đủ các thuộc tính của hàng hóa nhưng mang nội hàm văn hóa (vật thể và phi vật thể). Hàng hóa văn hóa có các đặc điểm: nội hàm văn hóa thể hiện rõ qua hình thái của sản phẩm và nội dung hàm chứa của sản phẩm; hàng hóa văn hóa có thể sử dụng nhiều lần cho nhiều người; gắn bó mật thiết với thời gian và không gian hiện hữu; hàng hóa văn hóa kén chọn người tiêu dùng, giá trị của nó chỉ thực sự có ý nghĩa với những chủ nhân thích hợp.

Muốn xây dựng văn hóa du lịch, trong nhận thức của người tổ chức quản lý, người khai thác tài nguyên văn hóa trước hết phải coi những giá trị văn hóa là tài nguyên du lịch đặc biệt của các địa phương. Nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá giá trị của tài nguyên văn hóa để khai thác trở thành nguồn lực cho du lịch của địa phương. Trên cơ sở đánh giá tài nguyên, nguồn lực du lịch cần xác định rõ kinh tế du lịch có vai trò và vị trí như thế nào trong tổng thể kinh tế xã hội của địa phương. Việc xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm hay du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương có vai trò quan trọng đến quy hoạch, đầu tư, xúc tiến, tái cơ cấu lao động xã hội; thay đổi nội dung và phương thức đầu tư; liên minh, liên kết giữa các địa phương trong vùng và cả nước.

Trong khái niệm văn hóa du lịch, chúng tôi dùng từ “khai thác” có chọn lọc các giá trị của văn hóa để phát triển du lịch, trong khi chúng ta thường dùng cụm từ “phát huy” giá trị của văn hóa. Sở dĩ chúng tôi dùng từ “khai thác” vì du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mà một ngành kinh tế tất yếu phải tạo ra các sản phẩm hàng hóa; muốn có sản phẩm phải khai thác nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm hàng hóa đó. Trong kinh tế du lịch, văn hóa là một trong những nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất; là một dạng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Do vậy cần khai thác giá trị các tài nguyên văn hóa để tạo ra sản phẩm du lịch. Việc khai thác có chọn lọc các giá trị của văn hóa tức là tìm ra giá trị đặc sắc của văn hóa, đưa nó vào cuộc sống đem lại những giá trị đích thực cho con người. Điều đó giúp khơi nguồn nội lực, giúp văn hóa tăng thêm sức mạnh để phát triển, chứ không phải khai thác văn hóa mang tính cạn kiệt. Khai thác giá trị của văn hóa tức là làm tăng giá trị và tạo cho văn hóa có đầu ra là các sản phẩm du lịch. Đó chính là giải pháp bảo tồn động các giá trị của văn hóa; là những biểu hiện tích cực của quá trình kinh tế hóa văn hóa trong hoạt động du lịch. Đi cùng với việc khai thác các giá trị của văn hóa là việc nâng cao hàm lượng văn hóa trong kinh doanh du lịch, văn hóa hóa kinh tế trong hoạt động du lịch ở Việt Nam hiện nay.

Biến tài nguyên thành tài chính

Nhiệm vụ của văn hóa du lịch là biến tài nguyên thành tài chính tức là thông qua hoạt động du lịch, tổ chức khai thác, phát huy giá trị các dạng vật chất, tri thức có thể tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đặc hữu; bán các sản phẩm hàng hóa đó với tư cách là sản phẩm du lịch cho các đối tượng du khách khác nhau thông qua những phương thức riêng biệt để đem lại nguồn thu tài chính. Đây chính là những biểu hiện cụ thể của quá trình kinh tế hóa văn hóa trong hoạt động du lịch. Để làm tốt điều này cần đẩy mạnh nghiên cứu văn hóa theo hướng ứng dụng: biến những giá trị của văn hóa thành hàng hóa, đem lại lợi ích kinh tế trong du lịch. Khai thác, phát huy giá trị tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn qua con đường du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế chính là những động thái cụ thể để biến tài nguyên thành tài chính.

Biến môi trường thành thị trường

Xét về hoạt động, du lịch là hoạt động của con người rời khỏi nơi cư trú thường xuyên để khám phá, thẩm nhận và trải nghiệm các giá trị của cuộc sống. Trong quá trình du lịch, con người luôn gắn bó mật thiết với môi trường sống trong thời gian đi và ở nơi họ đến; sự gắn bó đó sẽ tác động đến môi trường theo hai hướng cơ bản: tích cực và tiêu cực. Trong nội dung bài viết chúng tôi không đề cập đến những tác động tích cực hay tiêu cực đến môi trường, mà đề cập tới việc tổ chức hoạt động du lịch trong những không gian và thời gian nhất định ở môi trường nào đó; khi đó môi trường trở thành thị trường dành cho những kẻ bán – người mua trong các dịch vụ du lịch. Do vậy, khi khai thác tài nguyên để phục vụ phát triển du lịch là chúng ta đã biến môi trường ở đó thành thị trường của kinh tế dịch vụ. Phát triển hoạt động du lịch chính là những động thái để biến môi trường thành thị trường. Khi đưa du khách tới nơi nào đó du lịch, nghỉ dưỡng thì lập tức biến môi trường ở nơi đó thành thị trường. Vì vậy, phát triển thị trường, tức là phát triển không gian và thời gian diễn ra hoạt động du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thị trường cần chú ý bảo vệ môi trường. Điều đó trở thành tiền đề căn bản, yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của kinh tế- xã hội nói chung trong đó có kinh tế du lịch.

Biến nguồn lực thành động lực

Văn hóa du lịch là khoa học nghiên cứu mối liên hệ phổ biến giữa những đối tượng, thành phần tham gia hoạt động du lịch, bao gồm 3 thành tố chính: con người – phương tiện – cơ chế điều tiết, kiểm soát hoạt động của con người trong du lịch. Trong các mối quan hệ này, con người giữ vai trò quyết định. Trong hoạt động du lịch, các đối tượng tham gia bao gồm 5 thành phần thể hiện qua sơ đồ:


 

Trong bất cứ xã hội nào, nguồn lực phát triển kinh tế xã hội cũng giữ vai trò quyết định sự tăng trưởng, phát triển. Nguồn lực để tăng trưởng, phát triển xã hội bao gồm: cơ chế chính sách, con người, khoa học – công nghệ, tài chính… Các nguồn lực này được khai thác, phát huy đúng sẽ tạo nên động lực của sự phát triển.

Bản thân hoạt động du lịch mang tính động cao; tính khả biến, thích ứng cao của kinh tế du lịch đã biến các nguồn lực thành động lực của sự phát triển, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Suy đến cùng thì tất cả các ngành kinh tế đều hướng tới đạt được lợi ích cung cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, cung – cầu trong kinh tế du lịch là cung cầu văn hóa, bởi bản chất và nội hàm của du lịch là văn hóa. Dưới góc độ này, muốn cho du lịch phát triển bền vững phải nghiên cứu mối liên hệ phổ biến giữa các tiềm năng, nguồn lực du lịch của một địa phương, đất nước với bộ máy tổ chức quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn đó để đưa ra những cách thức và biện pháp khai thác có hiệu quả tài nguyên và nguồn lực này. Đồng thời nâng cao hàm lượng văn hóa trong hoạt động kinh doanh, “văn hóa hóa” các mối quan hệ cung – cầu trong du lịch. Thông qua mối liên hệ này, đánh giá tác động tương hỗ của hoạt động du lịch đến mọi mặt của đời sống xã hội; chỉ ra cách thức, biện pháp để khai thác, phát triển du lịch bền vững. Hai quá trình kinh tế hóa văn hóa và văn hóa hóa kinh tế diễn ra đồng thời trong hoạt động du lịch cũng chính là quá trình biến nguồn lực trở thành động lực của kinh tế du lịch.

Biến giá trị thành giá cả

Nền kinh tế thị trường chính là nền kinh tế hàng hóa; nền kinh tế của sự trao đổi, mua – bán các sản phẩm hàng hóa. Câu hỏi được sử dụng nhiều trong quá trình giao dịch, mua bán các chủng loại hàng hóa là bao nhiêu?… Điều đó cho thấy giá cả giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường. Suy đến cùng, mọi người, mọi vật tồn tại đều phải trả lời hai câu hỏi lớn: giá trịgiá cả. Tuy nhiên, cái quyết định giá cả là: giá trị của sản phẩm và cách thức cung cấp, chuyển giao giá trị sản phẩm. Người ta thường nói, văn hóa không có giá, văn hóa không đo được bằng tiền… Điều này có nghĩa là văn hóa là vô giá, vì vậy, muốn xác định giá cả của văn hóa phải thông qua những hoạt động cụ thể. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc”. Như vậy, du lịch là ngành kinh tế mà nội dung văn hóa của nó sẽ đem lại những giá trị cho kinh tế du lịch; giá trị đó được tính bằng tiền, mà tiền chính là giá cả. Từ logic trên cho thấy một trong những nhiệm vụ của văn hóa du lịch là biến giá trị thành giá cả. Biến văn hóa thành tiền, đo giá trị của văn hóa thông qua một công cụ đặc hữu là tiền. Bởi thông qua hoạt động du lịch, các thành tố của văn hóa sẽ trở thành một hàng hóa đặc biệt: hàng hóa văn hóa.

Du lịch là hoạt động đặc thù của xã hội hiện đại. Trong hoạt động này, nhu cầu đòi hỏi được hưởng thụ các giá trị văn hóa ngày càng cao. Trong quá trình kinh doanh du lịch, các cá nhân và tổ chức phải kinh tế hóavăn hóa hóa các hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách, mà cần phải định hướng và tạo ra nhu cầu mới cho du khách. Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu còn phải kích cầu về số lượng du khách mới tạo ra sự phát triển tăng trưởng không ngừng. Đó chính là những yêu cầu căn bản của văn hóa du lịch Việt Nam, đồng thời là yêu cầu mang tính thời đại.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : DƯƠNG VĂN SÁU

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *