Trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh, lực lượng công an nhân dân (CAND) luôn luôn là sự quan tâm đặc biệt. Vì thế, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã để lại cho lực lượng CAND nhiều di huấn quý báu, trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, là nền tảng lý luận, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, góp phần quan trọng làm nên những chiến công to lớn, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Ngay từ khi chính quyền cách mạng mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất cách mạng của CAND: “Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân… Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân” (1). Người nhấn mạnh: “Mỗi người công an phải là một chiến sĩ… Tôi mong rằng toàn thể công an sẽ cố gắng thi đua để lập công trong cuộc thắng lợi chung”.
Xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng CAND đối với sự nghiệp cách mạng, tháng 3 – 1948 trong bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai – Giám đốc Công an khu XII, Người đã chỉ rõ tư cách người công an cách mạng là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo
Sáu điều dạy của Người là mô hình hoàn chỉnh về nhân cách của người cán bộ, chiến sĩ CAND. Qua 70 năm, những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị, góp phần hun đúc, rèn luyện nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND Việt Nam.
Văn hóa giao tiếp ứng xử là một bộ phận của văn hóa, góp phần tạo nên cái hay, cái đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người. Văn hóa giao tiếp, ứng xử giúp xây dựng và củng cố các mối quan hệ xã hội ngày càng bền chặt. Nó còn thúc đẩy các hoạt động khác, tạo tiền đề thuận lợi cho những hoạt động đó diễn ra đạt hiệu quả. Thông qua giao tiếp văn hóa lan tỏa từ người này sang người khác, chuẩn mực giá trị cũng theo đó mà lan rộng, thấm sâu vào đời sống xã hội, làm cho xã hội trở thành xã hội văn hóa. Các hoạt động sống của con người nhờ đó cũng trở nên tốt đẹp hơn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả hơn.
Sáu điều Người dạy CAND là những nguyên tắc ứng xử mà cán bộ chiến sĩ công an cần phải tuân theo trong các lĩnh vực hoạt động, với các đối tượng khác nhau. Thực hiện được lời dạy của Người có nghĩa là cán bộ chiến sĩ công an có văn hóa ứng xử cao. Phân tích 6 lời Người dạy CAND dưới góc độ văn hóa giao tiếp có thể thấy:
Một là, Người đã đề cập đến các nguyên tắc đạo đức ứng xử cốt lõi của cán bộ công an: trung thành, tận tụy, tôn trọng, lễ phép, quan tâm giúp đỡ…
Hai là, Người đã nhấn mạnh các yếu tố, các phẩm chất nhân cách làm nền tảng cho giao tiếp ứng xử: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Ba là, Người đã đề cập đến kỹ năng giao tiếp ứng xử linh hoạt, khéo léo, thay đổi theo từng loại đối tượng.
Thời gian qua, bên cạnh những chiến công xuất sắc được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, chúng ta còn thấy xuất hiện những câu chuyện không vui về văn hóa giao tiếp, ứng xử của lực lượng CAND. Tổng cục Cảnh sát đã thẳng thắn chỉ ra phần lớn những thiếu sót đó tồn tại trong quá trình hoạt động của 5 lực lượng phải thường xuyên tiếp xúc với nhân dân là: cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, công an xã phường, quản lý hành chính và xuất nhập cảnh. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CAND có biểu hiện giảm sút về đạo đức, lối sống, tư thế tác phong không nghiêm túc, cửa quyền, hách dịch, vòi vĩnh, sách nhiễu… Những nụ cười thân thiện, những câu trả lời lễ phép dường như trở nên hiếm hoi ở một bộ phận cảnh sát khi tiếp xúc với nhân dân. Cách ứng xử thiếu văn hóa đã làm xấu đi hình ảnh đẹp của người cán bộ chiến sĩ công an trong lòng nhân dân. Phân tích cội nguồn của thực trạng cho thấy có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra hiện tượng trên. Một trong những nguyên nhân nổi trội đó là do chúng ta chưa nhận thức đầy đủ, chưa đánh giá và dành sự quan tâm đúng mức về vấn đề văn hóa giao tiếp ứng xử CAND.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu CSTĐ toàn quốccho các chiến sĩ công an. Ảnh Quang Hiếu
Với tư cách là một lực lượng quan trọng của xã hội, CAND phải là lực lượng tiên phong, gương mẫu trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới, nếp sống văn hóa kiểu mẫu. Vì vậy, văn hóa giao tiếp, ứng xử còn giữ vai trò quan trọng hơn nữa đối với lực lượng CAND. Văn hóa giao tiếp, ứng xử luôn được lồng ghép thực hiện thường xuyên trong quá trình hoạt động và giao tiếp của lực lượng CAND. Do vậy, khó có thể bóc tách vai trò của văn hóa giao tiếp, ứng xử đối với CAND trên từng khía cạnh hoạt động cụ thể. Sự phân chia dưới đây chỉ là một góc nhìn tương đối về vai trò của văn hóa giao tiếp, ứng xử trong CAND:
Văn hóa giao tiếp, ứng xử làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi, góp phần hình thành phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ chiến sĩ CAND. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ bản chất của lực lượng công an: “Công an của ta là công an nhân dân”. Do vậy, công an phải hết lòng phục vụ nhân dân. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10 (1956), Người khẳng định: “Nhiệm vụ của công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”. Bảo vệ cho dân an cư lạc nghiệp chính là bảo vệ cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thể hiện sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Giao tiếp, ứng xử có văn hóa với nhân dân chính là sự hiện hữu của tư tưởng lấy dân làm gốc. Văn hóa giao tiếp, ứng xử CAND vì lẽ đó là một biểu hiện của tinh thần và đạo đức cách mạng CAND Việt Nam.
Văn hóa giao tiếp, ứng xử giúp CAND xây dựng và củng cố mối quan hệ tốt đẹp với các lực lượng xã hội khác, tạo ra sự tôn trọng, hiểu biết, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Văn hóa giao tiếp, ứng xử tạo điều kiện để chúng ta thành công hơn trong việc xây dựng thế trận lòng dân. Hiện nay, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lai và tàn tích lạc hậu của nền văn hóa cũ để lại, một bộ phận cán bộ chiến sĩ CAND có biểu hiện thoái hóa, biến chất làm giảm sút niềm tin ở nhân dân. Trong bối cảnh đó, văn hóa giao tiếp, ứng xử CAND càng phát huy vai trò quan trọng là góp phần từng bước vực dậy hình ảnh của lực lượng CAND, củng cố niềm tin của nhân dân vào lực lượng.
Văn hóa giao tiếp, ứng xử là một nhân tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của CAND trên các mặt công tác. Lực lượng công an chỉ mạnh lên và thực sự mạnh lên khi biết dựa vào nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Năm vạn người chỉ có năm vạn cặp mắt và năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn’’(2). Văn hóa giao tiếp, ứng xử CAND thể hiện ở việc người chiến sĩ công an biết xử lý thông minh, khôn khéo nhiều tình huống nhạy cảm, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng để thực hiện nhiệm vụ một cách nhẹ nhàng và giảm thiểu được tổn thất.
Văn hóa giao tiếp, ứng xử còn mang tính chất là một biện pháp giáo dục. Khi giao tiếp, ứng xử có văn hóa thì chủ thể giao tiếp sẽ trở thành một chủ thể văn hóa. Tới lượt mình, mỗi chủ thể đó tiếp tục nêu gương cho những chủ thể khác trong việc học tập và rèn luyện. Sự lan tỏa này sẽ đưa văn hóa giao tiếp, ứng xử thấm sâu vào toàn bộ đời sống, hoạt động và quá trình công tác của lực lượng CAND. Là chủ thể giao tiếp có văn hóa, mỗi cán bộ chiến sĩ CAND kiềm chế được những kích thích không cần thiết, làm chủ trạng thái cảm xúc, điều tiết được bản thân cho phù hợp với đối tượng. Nhờ văn hóa giao tiếp, ứng xử, chúng ta xích lại gần nhau hơn, đối xử với nhau bao dung, độ lượng hơn trên tinh thần nhân văn cách mạng. Văn hóa giao tiếp, ứng xử CAND được thực hiện đúng mực sẽ tạo ra sức lôi cuốn, cảm hóa mạnh mẽ, hướng con người tới cái thiện và sự phục thiện.
Người luôn căn dặn cán bộ chiến sĩ công an phải mềm dẻo trong giao tiếp với nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến. Cái bất biến đó là mục tiêu vì người dân, vì hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập tự do của dân tộc. Cái vạn biến là hiểu trong thực tiễn luôn vận động và biến đổi không ngừng, do vậy trong giao tiếp mỗi cán bộ chiến sĩ CAND phải linh hoạt, năng động, thích nghi với sự thay đổi đó.
Đánh giá kết quả thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử, lực lượng CAND sẽ tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp trong việc phát động và thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Lực lượng CAND sẽ vừa là nòng cốt trên mặt trận đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm, vừa tiên phong trong phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới. Với những vai trò quan trọng đó, văn hóa giao tiếp, ứng xử CAND đã và đang thực sự trở thành một nhân tố cấu thành nên nền tảng tinh thần của xã hội, trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội trong giai đoạn cách mạng mới.
Thấm nhuần sáu lời dạy của Bác, nhiều cán bộ chiến sĩ công an đã thể hiện được phong cách văn hóa giao tiếp trong thực tiễn công tác, giành được sự tin yêu, quý trọng của nhân dân, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh – trật tự mà Đảng và nhân dân giao phó. Việc học tập và thực hiện sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND suốt 70 năm qua luôn là nội dung trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, tư tưởng của lực lượng CAND trong các giai đoạn cách mạng.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục ráo riết thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn, lật đổ ở nước ta với quy mô ngày càng mở rộng, cường độ ngày càng quyết liệt, tính chất ngày càng nguy hiểm. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, có mặt nghiêm trọng hơn, gây bức xúc trong nhân dân. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND vẫn mang tính thời sự, còn nguyên vẹn giá trị và là bài học quý báu đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là đối với lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và mở rộng đối ngoại của đất nước.
___________
1, 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.365, 366.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018
Tác giả : TẠ THỊ THU HUẾ
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn