Văn hóa kinh doanh đang được xã hội quan tâm đặc biệt. Việc đề cao doanh nhân và công việc kinh doanh báo hiệu sự đi lên của nền kinh tế xã hội hiện nay. Từ tầng nền văn hóa của xã hội trọng nông ức thương, trải qua thời kỳ bế quan tỏa cảng, đến nay, thương mại, dịch vụ đã đi những bước dài trên thương trường trong nước và quốc tế.
Kinh doanh là “gây dựng, mở mang thêm”; là “tổ chức việc sản xuất, buôn bán, dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi” để tái đầu tư và đảm bảo lợi ích của người quản lý, người lao động và làm thoả mãn tối đa nhu cầu hàng hóa và các dịch vụ xã hội.
Quan tâm đến văn hóa, kết hợp văn hóa với kinh doanh làm cho cái lợi gắn bó với chân, thiện, mỹ là xu hướng chung của các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Đó là biểu hiện của kinh doanh có văn hóa. Kiếm lời chân chính dựa vào tài năng, sức lực của mình thông qua việc nhanh nhạy nắm bắt thông tin và nhu cầu thị trường, không ngừng cải tiến kỹ thuật, kiểu dáng sản phẩm, đổi mới các hình thức dịch vụ hướng tới sự tiện ích ngày càng cao và biết quan tâm đến lợi ích tinh thần, khuyến khích tài năng sáng tạo, giữ gìn và ngày càng củng cố chữ tín đối với bạn hàng và khách hàng chính là văn hóa kinh doanh và cũng là kinh doanh có văn hóa. Và bản chất của kinh doanh là gắn với văn hóa đạo đức. Nói cách khác, kinh doanh có văn hóa là kinh doanh trung thực, giữ chữ tín, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống, không chạy theo lợi ích của cá nhân hay nhóm người để làm ăn dối trá, lừa đảo, chụp giật, bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả việc loại trừ đối thủ trên thương trường. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã chủ trương đưa ra hình ảnh tối ưu nhằm nâng cao uy tín cho doanh nghiệp qua những triết lý kinh doanh như phục vụ khách hàng hoàn hảo, coi khách hàng là thượng đế, chữ tín quý hơn vàng… Phải chăng đây chính là những tác động lâu dài và bền vững nhất của văn hóa khi nó thâm nhập vào công việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Xây dựng văn hóa kinh doanh không chỉ đơn thuần là sự kết hợp giữa kinh doanh và văn hóa mà cao hơn, nó phải là sự nhập thân của văn hóa vào công tác kinh doanh. Điều đó có nghĩa là chủ thể – người làm kinh doanh phải thực sự là những doanh nhân văn hóa.
Để đánh giá một doanh nhân có phải là doanh nhân văn hóa hay không, theo chúng tôi cần nhìn nhận trên 6 yếu tố/ điều kiện sau: Là người có đạo đức tốt, có “tâm” theo những chuẩn mực của lối sống, văn hóa dân tộc; có sự trung thực và chữ “tín”; tôn trọng pháp luật; có trình độ học vấn và ngoại ngữ; phát triển bền vững, sáng tạo và vì quyền lợi quốc gia; hoạt động xã hội – một tiêu chuẩn của văn hóa doanh nhân.
Văn hóa kinh doanh là khái niệm đã có từ lâu trên thế giới, song nó là một khái niệm mới và mở ở Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009
Tác giả : Hoàng Anh
Bài viết cùng chủ đề:
Giá trị lịch sử – văn hóa đình làng vân chàng
Sức hút của công tử bạc liêu qua lịch sử, giai thoại
Khu trưng bày khảo cổ học tầng hầm nhà quốc hội