Sắc phong


         Sắc phong là những văn bản do nhà vua ban tới các địa phương nhằm lấy đó làm căn cứ cho việc thờ phụng thần thánh tại đình làng.

Tuy nhiên, sắc phong không chỉ liên quan đến việc thờ phụng thành hoàng làng mà còn mang tính khen thưởng của triều đình đối với dòng họ, cá nhân có công với đất nước. Vì thế, sắc phong không chỉ được lưu giữ tại đình làng, mà còn là tài sản của các dòng họ, cá nhân.

Các sắc phong thần – thánh được thờ tự trong cộng đồng làng xã thường có nhiều đạo khác nhau, gắn với các đời vua ở mỗi triều đại. Tức là, cùng một hay nhiều vị thần trong làng, các đời vua nối tiếp nhau gia phong sắc thần, cho địa phương tiếp tục được thờ phụng với những mỹ tự mới, gọi là gia tăng phẩm trật cho thần. Cũng có khi, đời vua sau hạ phẩm trật của thần so với đời vua trước, thậm chí, không cho thờ phụng nữa với lý do liệt thần làng xã đó vào loại “dâm thần”, nghiêm cấm thờ phụng. Trường hợp giáng truất thần thánh như trên không nhiều.

Thông thường, mỗi đạo sắc phong gồm những yếu tố: Địa chỉ thờ thần (thôn, xã, phủ, huyện, tỉnh); Tên gọi của thần (thần hiệu, huy hiệu, duệ hiệu, mỹ tự); Lý do thần được sắc phong hoặc nâng cấp phẩm trật (trung đẳng thần, thượng đẳng thần); Trách nhiệm của thần đối với dân sở tại (che chở bảo hộ cho dân); Trách nhiệm của dân đối với thần (tôn kính, thờ cúng thần); Ngày tháng năm (thuộc đời vua nào) ban sắc.

Sắc phong cho cá nhân và gia tộc có đóng góp nhiều công trạng cho đất nước thường được kết cấu tương đối giống sắc phong cho thần thánh. Vì sắc phong cho người – còn sống hoặc đã khuất – nên các yếu tố công trạng, thành tích cũng được ghi cụ thể, tỉ mỉ hơn. Phần khen thưởng bằng vật chất thường cũng được liệt kê thể hiện trong sắc phong.

Trong lịch sử Việt Nam, nhiều đợt sắc phong dưới các triều vua đã được ban ra. Người có công lớn trong việc soạn và biên chép các sắc phong là Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính (TK XVI) và Quản giám bách thần tri điện, Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền (TK XVIII).

Lịch sử phong thần Việt Nam khá đa dạng và phức tạp. Cùng với các tín ngưỡng dân gian, hệ thống sắc phong đã trở thành di sản quý báu của địa phương, được các thế hệ công dân Việt Nam gìn giữ, bảo quản nơi làng xã qua nhiều thế kỷ. Các sắc phong đã trở thành tư liệu chữ viết quan trọng cùng với hệ thống hoành phi, câu đối, thần phả, truyền thuyết địa phương khiến cho việc phục dựng khuôn diện tín ngưỡng cha ông ta có những cơ sở đáng tin cậy.

Tuy nhiên, dù rất giá trị, nhưng các sắc phong không phải là những tài liệu sử học có độ tin cậy cao, bởi lẽ, trong lịch sử, đã từng có vụ làm giả sắc phong bị phát hiện dưới thời vua Gia Long (năm 1804). Số sắc phong giả này lên tới 560 đạo sắc. Những kẻ chủ ý làm giả sắc phong đã bị lịch sử nghiêm trị đích đáng. Và đây cũng là vụ làm sắc phong giả lớn nhất và duy nhất bị phát hiện và nghiêm trị.

        Hiện  nay, các đạo sắc phong còn tồn tại phổ biến ở nhiều di tích khắp đất nước Việt Nam. Một phần sắc phong được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tại tư gia một số nhà sưu tập cổ vật. Tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng (Hiệu trưởng trường đại học dân lập Hồng Bàng) là người đang lưu giữ số lượng sắc phong lớn nhất Việt Nam – 181 đạo sắc thuộc về thời các vua triều Nguyễn, một số ít thời Lê, Mạc và đặc biệt là hai sắc phong thời Quang Trung.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009

Tác giả : Tuệ Minh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *