Ngày 17-11-2005, Đảng ủy Quân sự TƯ (nay là Quân ủy TW) đã ra Nghị quyết 513, lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị về việc Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên (CTV) trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhờ vậy, vị trí, vai trò của CTV được nâng lên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội luôn đi đúng hướng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. So với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, vấn đề nâng cao năng lực toàn diện về kiến thức, phương pháp, tác phong công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống, nhất là văn hóa lãnh đạo, quản lý (VHLĐQL) của CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược.
VHLĐQL của CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội là sự kế thừa, tiếp nối của dòng chảy lịch sử, những cống hiến, đóng góp của đội ngũ cán bộ chính trị các cấp qua nhiều thời kỳ. Đó là sự cụ thể hóa, thể chế hóa những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thông qua cơ chế, chính sách, xác định phương hướng, mục tiêu, đường hướng cho sự hoạt động của quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn là lực lượng nòng cốt của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; thông qua đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, thổi vào mỗi cán bộ, chiến sĩ, học viên thuộc quyền quản lý sự trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng với quân thù, làm chủ mọi tình huống.
VHLĐQL của CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội là bộ phận cấu thành của văn hóa nói chung, là sự “chắt lọc”, “gạn đục khơi trong” những gì tinh túy nhất, được “chưng cất” qua thực tiễn lịch sử. Đối với CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội thì VHLĐQL là tổng thể những cách thức, biện pháp mà bản thân CTV tạo ra trong công việc, cuộc sống, giải quyết các mối quan hệ xung quanh; không phải là sự gán ghép, gượng ép của một cá nhân, tổ chức, mà là sự tự ý thức được suy nghĩ, hành động của bản thân, ứng với yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của cán bộ chính trị trong quân đội. VHLĐQL của CTV không tách rời văn hóa của Đảng, của văn hóa quân sự Việt Nam, nằm trong tổng thể hệ thống những quy tắc chuẩn mực đạo đức của người quân nhân cách mạng.
VHLĐQL của CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội là hoạt động rất thiết thực, cụ thể, được biểu hiện thông qua sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với hoạt động của đơn vị; thông qua việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác Đảng, công tác chính trị, công tác cán bộ; thông qua giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý. Nói như vậy, không có nghĩa là CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội nắm hết quyền lực về mình, mà phải có sự tôn trọng, phát huy dân chủ, không được áp đặt chủ quan. Tất cả kế hoạch, chương trình đều phải có sự bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ, công khai, minh bạch, nắm vững các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, Điều lệ của Đảng.
Trong những năm qua, VHLĐQL của CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội đã được xác lập một cách đầy đủ, có vị thế, uy tín với tập thể đơn vị; được đồng chí, đồng đội xung quanh kính trọng, nể phục… Tuy nhiên, VHLĐQL của CTV vẫn còn một số hạn chế, như: chưa nắm chắc chức trách, vị trí của mình còn để cán bộ quân sự lấn lướt, vượt mặt; năng lực còn hạn chế, nhất là trong thực hành huấn luyện quân sự, xây dựng kế hoạch, thông qua kế hoạch diễn tập, chiến đấu, xây dựng đơn vị quyết thắng; phương pháp, tác phong công tác còn chậm, chưa nắm chắc điều lệnh quản lý bộ đội…
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Từ đó, đặt ra yêu cầu, đòi hỏi CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội cần phát huy hơn nữa VHLĐQL để truyền thụ tri thức, kinh nghiệm, đào tạo ra những lớp học viên vừa hồng, vừa chuyên, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trước tiên, cần tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu sắc ý nghĩa tầm quan trọng về vị thế của CTV đơn vị. Khi nhận thức đẩy đủ ý nghĩa tầm quan trọng về vị thế của mình, CTV sẽ không ngừng tự học, tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn công tác, rèn luyện VHLĐQL, để khẳng định uy tín trước tập thể quân nhân. Theo đó, mỗi CTV cần tiếp tục quán triệt, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy TƯ, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với TƯ Đảng, Quân ủy TƯ, Bộ Quốc phòng về nội dung, biện pháp xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới; đổi mới công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác, không để suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Thứ hai, nâng cao năng lực công tác, thường xuyên rèn luyện về đạo đức, lối sống, đáp ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. VHLĐQL của CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội được đánh giá, ghi nhận qua năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống hằng ngày. Năng lực công tác biểu hiện cụ thể ở kết quả duy trì quản lý đơn vị, những lần tham gia hội thi, hội thao do đơn vị tổ chức, tham gia đấu tranh trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận, quản lý học viên, đơn vị. Thông qua những hoạt động như vậy, VHLĐQL của CTV được mọi người thừa nhận, đánh giá cao. Biết duy trì, điều tiết các mối quan hệ, bản thân là hạt nhân đoàn kết của đơn vị, là linh hồn trong kết nối, đưa cán bộ, học viên gần nhau hơn trong mọi hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, năng lực và phẩm chất nhân cách về đạo đức, lối sống của CTV không được xa rời thực tiễn; đặc biệt, không được có biểu hiện tự cao, tự mãn, kiêu ngạo cộng sản. VHLĐQL thấm sâu vào mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm của CTV để mỗi cán bộ, học viên học tập.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, một số CTV có phương pháp, tác phong luộm thuộm, chưa chuyên tâm vào năng lực chuyên môn, còn lúng túng trong quản lý, điều hành, từ đó giảm sút đi vị thế, uy tín. Vì vậy, yêu cầu đặt ra xuyên suốt đối với VHLĐQL của CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội là phải không ngừng tu dưỡng phấn đấu rèn luyện về mọi mặt, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải làm chủ được tình huống, sự việc, xứng đáng với sự tin cậy, mong muốn của Đảng; quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11-2-2019 của Quân ủy TƯ về Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, để chỉ đạo, triển khai công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.
Thứ ba, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao VHLĐQL của chính ủy và cơ quan chính trị đối với CTV đơn vị. VHLĐQL của CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội không hình thành, phát triển một cách biệt lập với người chỉ huy và cơ quan chính trị, mà luôn có mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tác động qua lại với nhau một cách chặt chẽ, thông qua kế hoạch, chương trình công tác Đảng, công tác chính trị hằng tháng do cơ quan chính trị lập và được chính ủy ở các Học viện, Trường sĩ quan phê duyệt. Căn cứ vào đó, cơ quan chính trị tiến hành triển khai mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của việc tổ chức bồi dưỡng VHLĐQL cho CTV ở các đơn vị; xác định rõ những mặt yếu của VHLĐQL, tập trung lực lượng, phương tiện vào nội dung đó; tổ chức hội thi, hội thao cho CTV ở các đơn vị tham gia với các nội dung khác nhau, trên cơ sở đó xếp loại, đánh giá năng lực, phương pháp, tác phong công tác của từng CTV. Những nội dung trên được thực hiện thông qua nhiều con đường, hình thức, biện pháp khác nhau, nhưng chủ yếu thông qua: thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị; giao nhiệm vụ của cấp trên; giải quyết các mối quan hệ hằng ngày; giao ban, thực hành huấn luyện, hướng dẫn học viên thực hiện các hoạt động bổ trợ ngoài giờ lên lớp. Trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng đó, đòi hỏi chính ủy và cơ quan chính trị thường xuyên hướng dẫn, chỉ rõ những ưu, khuyết điểm của từng CTV để sửa chữa, bổ sung những hạn chế, thiếu sót. Có như vậy, mới tạo được sự thống nhất trong các hoạt động công tác, không có sự vênh nhau giữa cơ quan và CTV đơn vị mỗi khi triển khai nội dung thực hiện nhiệm vụ của cấp trên.
Thứ tư, phát huy tinh thần tự bồi dưỡng, rèn luyện về VHLĐQL của CTV quản lý học viên. Nhân tố chủ quan của bản thân mỗi CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan vẫn là cơ bản, chủ yếu quyết định đến việc nâng cao VHLĐQL. Không ai khác, CTV quản lý học viên vừa là chủ thể tiếp nhận, vừa là chủ thể chuyển hoá hoạt động tự bồi dưỡng, rèn luyện đó ra bên ngoài, thông qua kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Theo đó, việc nâng cao VHLĐQL cho bản thân cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; chủ động đặt ra những yêu cầu, mục tiêu phấn đấu cho phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn, đề cao tinh thần, trách nhiệm với bản thân và với đơn vị; rèn luyện tốt tư cách của người CTV theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn; gắn việc tự rèn luyện, tự bồi dưỡng với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao khả năng tự đề kháng của bản thân trước tác động tiêu cực của tệ nạn xã hội, sự chống phá điên cuồng của các thế lực phản động bằng chiến lược diễn biến hòa bình, phi chính trị hóa quân đội. Tự mình đối chiếu kết quả hoàn thành nhiệm vụ với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế thế giới.
VHLĐQL của CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội đã, đang và sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao bản lĩnh chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng mới đặt ra. Mỗi CTV cần định hình rõ vị trí, vai trò, dù ở đâu, làm gì cũng phải khẳng định được năng lực, phẩm chất của mình, có như vậy, mới xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng, tăng thêm sức mạnh, quyền bính cho CTV nói chung và CTV ở các Học viện, Trường sĩ quan quân đội nói riêng.
Tác giả: Bùi Việt Phương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng