Văn hóa nam bộ qua hình tượng tác giả hồ biểu chánh

Hồ Biểu Chánh là nhà văn Nam Bộ tiêu biểu cuối TK XIX, đầu TK XX. Đọc tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, ta thấy hiện lên những nơi bước chân ông đã đi qua, mảnh đất mà ông gắn bó suốt đời, những mối quan hệ đặc biệt trong công việc, những vấn đề lịch sử, xã hội mà ông trăn trở, những ấn tượng sâu đậm, những vang động của cuộc sống thường nhật quanh ông… Tìm hiểu văn hóa Nam Bộ qua hình tượng tác giả Hồ Biểu Chánh, thể hiện trong chính tác phẩm của ông, trên các phương diện ý thức sáng tác, chọn mảng đề tài, bài viết mong muốn thể hiện được dấu ấn của chủ thể sáng tạo trong hành trình phản ánh hiện thực.

1. Về hình tượng tác giả


 

Hình tượng tác giả là: “Phạm trù thể hiện cách tự ý thức của tác giả về vai trò xã hội, vai trò văn học của mình trong tác phẩm, một vai trò được người đọc chờ đợi. Hình tượng tác giả trong tác phẩm văn học gắn với ý thức của tác giả về vai trò xã hội, tư thế văn học rất đa dạng của mình”(1). Cơ sở nghệ thuật của hình tượng tác giả trong văn học là tính chất gián tiếp của văn bản nghệ thuật, văn bản của tác phẩm bao giờ cũng là lời của người trần thuật, người kể chuyện hoặc nhân vật trữ tình. Nhà văn xây dựng một văn bản đồng thời với việc xây dựng ra hình tượng người phát ngôn văn bản. Các vấn đề nhà văn muốn phản ánh về hiện thực đời sống, văn hóa, xã hội đều thông qua hình tượng người phát ngôn này. Đề tài, hệ thống nhân vật, ngôn ngữ, văn phong tác phẩm đều phản ánh hình tượng tác giả.

Hình tượng tác giả cũng là một hình tượng được sáng tạo ra trong tác phẩm nhưng theo một nguyên tắc: “Nếu hình tượng nhân vật xây dựng theo nguyên tắc hư cấu, được miêu tả theo một quan niệm nghệ thuật về con người, theo tính cách nhân vật thì hình tượng tác giả được thể hiện theo nguyên tắc tự biểu hiện sự cảm nhận, thái độ thẩm mỹ đối với thế giới nhân vật” (2).

Theo L.N. Tolstoy, khi đọc tác phẩm văn học, hứng thú chủ yếu chính là tính cách của tác giả thể hiện trong đó (3). Một nhà văn không có gì mới, không có sự sáng tạo nghệ thuật, nét riêng, cái mới thì tác phẩm không gây được sự chú ý của người đọc. Chính vì thế, điều mà một nghệ sĩ cũng như độc giả trông đợi là cái riêng, mới, độc đáo mà nhà văn đem đến trong mỗi tác phẩm.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hình tượng tác giả là yếu tố quyết định nên phong cách nhà văn. Hình tượng tác giả trong văn học là cái được biểu hiện trong tác phẩm một cách đặc biệt, không giống với nhân vật. Ai đó đã nói rằng, mỗi nhà văn bất kể muốn hay không, đều miêu tả chính mình trong tác phẩm một cách đặc biệt. Có nghĩa là trong tác phẩm văn học, cái tôi nghệ sĩ của nhà văn biểu hiện cảm nhận của mình về thế giới, cách suy nghĩ, diễn đạt của mình. Cảm nhận đó quyết định cách thức tổ chức tác phẩm, tạo thành sự thống nhất nội tại của tác phẩm, đó cũng là sự thống nhất của tác phẩm về mặt phong cách học.

A. Chichêrin cho rằng: “Hình tượng tác giả được sáng tạo ra như hình tượng nhân vật. Đây cũng là sự chân thật nghệ thuật, không phải là chân lý của sự kiện, mà là chân lý của ý nghĩa, tư duy, như chân lý của thi ca” (4). M. Bakhtin cũng khẳng định: “Không có hình tượng tác giả ngoài tác phẩm, tư tưởng nghệ thuật nhà văn chỉ tồn tại trong tác phẩm, tác giả hiện diện như một điểm nhìn, cái nhìn thể hiện qua tác phẩm” (5).

Hình tượng tác giả biểu hiện qua nhiều phương diện của tác phẩm nghệ thuật: “Có người xem hình tượng tác giả biểu hiện ở phương diện ngôn ngữ, có người xem hình tượng tác giả biểu hiện trên tất cả các yếu tố, cấp độ tác phẩm: từ cách quan sát, cách suy nghĩ, thích cái gì, ghét cái gì trong lập trường đời sống, đến giọng điệu lời văn. Trong giọng điệu thì không chỉ giọng điệu người trần thuật mà cả trong giọng điệu nhân vật” (6). Nhìn chung, hình tượng tác giả được tạo thành bởi những yếu tố cơ bản sau: ý thức sáng tác của nhà văn, cách chọn đề tài, hệ thống nhân vật, ngôn ngữ, văn phong. Chúng tôi tập trung nghiên cứu về ý thức sáng tác, cách chọn đề tài của nhà văn.

2. Các biểu hiện của văn hóa Nam Bộ qua hình tượng tác giả Hồ Biểu Chánh

Ý thức sáng tác

Ý thức viết về phong tục, tập quán

Trong Đời của tôi về văn nghệ, Hồ Biểu Chánh cho biết ngay từ lúc mới bắt đầu viết tiểu thuyết, ông đã cố tâm viết loại tả chân về phong tục. Theo cái nhìn của tác giả, Ai làm được là tiểu thuyết nửa diễm tình, nửa phong tục; Cay đắng mùi đời là truyện phong tục, phiêu lưu; Tỉnh mộng, Tiền bạc bạc tiền, Thày thông ngôn, Kẻ làm người chịu, Vì nghĩa vì tình… đều là những truyện phong tục. Ông quan sát, mô tả phong tục tập quán, nếp sống của nhiều giới trong xã hội miền Nam thời Pháp thuộc. Hồ Biểu Chánh viết: “Quan sát phong tục rồi lần lượt viết ra tiểu thuyết để cho bạn đồng thời xem giải muộn, ấy là một cách chơi mà tôi ưa, tôi thích hơn hết trong đời tôi” (7).

Cuối TK XIX, đầu TK XX, do sự tiếp xúc với phương Tây, văn hóa Việt Nam có sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ. Nam Bộ là nơi diễn ra sự tiếp xúc, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Thói quen sinh hoạt, phong tục không chỉ biến đổi mạnh mẽ ở chốn thị thành mà ngay cả ở những làng quê yên bình sau rặng dừa, lũy tre. Hồ Biểu Chánh không đả phá những giá trị cũ, hô hào mọi người theo cái mới như rất nhiều nhà văn lúc bấy giờ. Ngược lại, ngòi bút ông kiên trì đi vào mọi ngõ ngách của nông thôn, hang cùng ngõ hẻm của thị thành Nam Bộ để ghi lại diện mạo văn hóa lúc bấy giờ. Muôn mặt của đời sống con người từ cưới xin đến tang ma, các thói quen ăn, mặc, ở, đi lại của con người ở phía Nam được ông cẩn thận ghi lại. Những chất liệu quý báu từ đời sống này giúp cho tác phẩm của ông trở nên chân thực, sinh động như ở ngoài đời thường.

Có nhà nghiên cứu cho rằng: “Điều Hồ Biểu Chánh quan tâm sâu xa, thể hiện đậm nét trong tác phẩm của mình là: làm thế nào cho xã hội có được phong hóa lành mạnh. Vốn là người bản chất nhân hậu, ông chưa bao giờ đứng về phía cái mới để đả kích cái cũ hay ngược lại đứng về phía cái cũ để đả kích cái mới. Thái độ của ông là tìm cách dung hòa cái mới với cái cũ, theo ông cái mới hay cái cũ đều có những ưu điểm riêng của nó…” (8). Người đọc dễ dàng bắt gặp quan niệm này trong rất nhiều tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Nhà văn để cho nhân vật thày Thiện phát biểu suy nghĩ của mình: “Phong tục là gì? Ấy là những thói người ta quen làm. Người đời nào thì có phong tục riêng theo đời nấy. Đời dời đổi, người tấn hóa, thì phong tục cũng dời đổi tấn hóa theo vậy” (9). Viết về phong tục hay các tập quán sinh hoạt của người Nam Bộ, Hồ Biểu Chánh đều có sự so sánh những giá trị truyền thống với sự biến đổi hiện tại, qua đó gửi gắm suy nghĩ của mình đến với người đọc.

Hồ Biểu Chánh ý thức ghi lại phong tục, tập quán nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Sau mỗi câu chuyện về phong tục là quan điểm của nhà văn. Trong nhiều tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh chỉ cho người đọc thấy thái độ khắt khe tàn nhẫn hoặc sự tính toán vụ lợi của cha mẹ trong việc định vợ gả chồng cho con cái, rồi ở đoạn kết ông đặt vào miệng họ những lời hối hận muộn màng, sau khi con cái của họ hoặc đã phải chịu biết bao ê chề đau khổ hoặc đã chết một cách thảm thương. Trong nhiều tác phẩm, Hồ Biểu Chánh cho rằng chỉ cần sự hồi tâm, sự khoan dung, sự thay đổi thái độ của bậc làm cha mẹ thì đại gia đình có ngay cảnh thuận hòa vui vẻ: “Ông hội đồng nhìn con, ngó cháu, trong lòng thư thái, ngoài mặt tươi cười. Nhiều khi ông nói nhỏ một mình: hạnh phúc như vậy mà mười mấy năm nay mình không biết hưởng” (10).

Ý thức viết về đạo lý

Hồ Biểu Chánh cho biết chủ ý của ông là “viết tiểu thuyết để cảm hóa đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh”(11). Trong hầu hết các tác phẩm, nhà văn triệt để thể hiện quan điểm văn dĩ tải đạo của mình. Quan điểm này kế thừa sâu sắc truyền thống văn học Nam Bộ vốn rất coi trọng đạo lý mà điển hình là thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Nguyễn Trọng Quản… Hầu hết truyện của ông đều dẫn đến một kết cục có hậu, thiện bao giờ cũng thắng ác. Lòng thương người, sự rộng lượng, tu thân lập chí, hiếu hạnh, cải tà quy chính của các nhân vật, những lời giảng giải, giáo huấn về đạo lý của tác giả đầy rẫy trong truyện. Các câu chuyện bao giờ cũng xây dựng lý tưởng; gia đình phiêu bạt, lưu lạc, lênh đênh rồi cũng có lúc sum họp, đoàn viên; gây oan trái phải trả nợ đền; gây ra tội lỗi thì phải bị trừng phạt, nếu không thì họ cũng phải đi đến tỉnh ngộ, sám hối, đi tu hay tự tử… Những kẻ ăn ở bất nhân, bất nghĩa như Thị Lựu, Vĩnh Thái phải chết. Những kẻ tham phú phụ bần rồi kết cục không ra sao cả. Trái lại những kẻ có lòng dù vất vả, gian lao song cuối cùng đều được an vui, hạnh phúc. Đôi khi tác giả còn can thiệp vào tình tiết câu chuyện, dừng mạch truyện lại để giảng giải, phát biểu quan niệm về luân lý của mình. Thường đó là luân lý tiếp thu từ đạo lý của truyền thống của người Nam Bộ, cha lành con thảo, vợ chồng chung thủy, trọng nghĩa khinh tài, con người đối xử với nhau bằng cái nghĩa, bộc trực, chân chất, thẳng thắn… Những vấn đề thuộc về đạo lý được tác giả bàn đến nhiều trong tác phẩm như chữ trung ở Ngọn cỏ gió đùa, Nặng gánh cang thường, chữ hiếu ở Cay đắng mùi đời, Chút phận linh đinh, Cha con nghĩa nặng, chữ tiết ở Thày thông ngôn, Cười gượng, chữ nghĩa ở Ai làm được, Chúa tàu Kim quy. Những yếu tố đạo lý phản ánh đặc trưng nếp nghĩ, tính cách, phẩm chất của người Nam Bộ. Trong nhiều trường hợp, nhà văn để cho nhân vật phát biểu suy nghĩ của mình, đồng thời gửi gắm vào nhân vật những ước mơ, hoài bão góp phần đổi thay xã hội ngày một tốt đẹp hơn của mình: “Toa nói trúng lắm. Moa cũng thấy cái làn sóng vô luân lý, vô giáo dục này nó càng lên mạnh thêm hoài, nếu không ai tìm phương mà ngăn cản, thì nó sẽ tràn khắp trong nước rồi cái xã hội Việt Nam, khi xưa tôn trọng đạo đức nên được cao thượng cứng cỏi, sẽ thành ra một xã hội hỗn độn tham lam, nên phải thấp hèn yếu ớt” (12). Đây cũng là nỗi lòng của nhà văn trước sự tác động mạnh mẽ, ồ ạt của văn hóa phương Tây vào Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng.

Chọn mảng đề tài

Ý thức viết về phong tục, tập quán văn hóa, đạo lý của người Nam Bộ quy định việc lựa chọn đề tài trong sáng tác của nhà văn. Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh phản ánh nhiều mảng hiện thực khác nhau trong xã hội Nam Bộ những năm đầu TK XX. Đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều hạng người, suy tư nhiều về cuộc đời, Hồ Biểu Chánh có một vốn sống vô cùng phong phú. Đây là một trong những yếu tố giúp tác giả thành công trong việc phản ánh muôn mặt đời sống của người dân Nam Bộ.

Ở thành thị, Hồ Biểu Chánh đã khai thác hiện thực cuộc sống sôi động, bề bộn của đô thị miền Nam trong những năm đầu TK XX khi tác động của văn hóa phương Tây diễn ra một cách mạnh mẽ, ồ ạt. Xã hội xuất hiện nhiều kiểu người mới. Ngoài cai tổng, tri phủ, hội đồng là giới thông ngôn ký lục, rồi những kẻ sợ sệt quan trên, thích bắt nạt dân lành, ăn chơi trác táng, trọng tiền tài danh lợi, xem nhẹ nhân nghĩa. “Qua sự nghiệp của Hồ Biểu Chánh, một hình thức sống mới được phác họa, cái cuộc sống đen tối, bấp bênh, chui rúc của công nhân” (13). Từ những thập niên đầu TK XX, đô thị hóa, những vấn đề văn hóa đô thị đã được Hồ Biểu Chánh đề cập đến trong tác phẩm. Vấn đề giao thông, nhà ở đô thị, việc làm được nhà văn phản ánh khá rõ nét.

Diện mạo văn hóa nông thôn Nam Bộ hiện lên trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh cũng hết sức chân thực, rõ nét. Ông đã phác họa cho người đọc sự hình dung về bộ máy tổ chức làng ở nông thôn Nam Bộ những năm đầu TK XX. Người đọc có thể nắm bắt cụ thể đến từng chi tiết mọi hoạt động quản lý của làng, ban hội tề bao gồm các hương chức, đứng đầu là hương cả; đứng thứ hai, cố vấn cho hương cả các vấn đề về văn hóa, chính trị là hương chủ; đứng thứ ba trong ban hội tề là hương sư, làm các việc liên quan đến luật lệ; hương giáo, với tư cách là thày dạy, người cố vấn cho các hương chức trẻ; hương quản trông coi việc giữ gìn trật tự an ninh, xét xử; ngoài ra còn có một số chức sắc nhỏ khác như hương bộ, hương thân, hương hào, giữ nhiệm vụ trung gian giữa địa phương, chính quyền, tòa án cấp trên; kế hiền là người có đạo đức, uy tín, thay mặt dân làng dâng hương cầu nguyện trong ngày Kỳ Yên; cai tuần là đội trưởng dân tuần phòng. Về mặt hành chính còn có xã trưởng, thôn trưởng, một số chức sắc khác. Việc tranh giành chức sắc, quyền lực trong làng, xã, thôn cũng được nhà văn phản ánh trong Tơ hồng vương vấn.

Không chỉ phản ánh tầng lớp chức sắc ở nông thôn, Hồ Biểu Chánh còn đi sâu miêu tả đời sống của người nông dân. Đó là cuộc sống quanh năm vất vả, đầu tắt mặt tối của người làm ruộng, là bi kịch của người dân thấp cổ bé họng bị bóc lột sức lao động, quyền tự do. Thế nhưng, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, họ vẫn toát lên phẩm chất, tính cách rất đặc trưng của người Nam Bộ: chịu khó, chất phác, bộc trực, thẳng thắn, hào hiệp, nghĩa khí. So với tiểu thuyết của các nhà văn cùng thời, giá trị tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh được đánh giá cao ở cách khai thác, chọn mảng đề tài này. “Cái mới thứ hai mà Hồ Biểu Chánh đem vào tiểu thuyết là tính cách hoàn toàn bình dân: bình dân từ tâm tình các nhân vật cho đến khung cảnh trường sở của câu chuyện. Văn minh mới đang làm mất dần đi cái cuộc sống êm đềm, lặng lẽ của đồng quê, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là một bức truyền thần ghi lại bộ mặt của một thời” (14).

Không chỉ viết về hiện thực xã hội, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn khai thác những đề tài thuộc phạm vi đời sống gia đình, đặc biệt là phản ánh một số mặt tiêu cực trong quan hệ gia đình của người dân Nam Bộ trong bối cảnh văn hóa đang giằng co giữa cái cũ, cái mới. Ảnh hưởng của quan niệm phong kiến vẫn còn đang rất nặng nề. Văn hóa phương Tây ồ ạt tràn vào, khiến cho con người cảm thấy bị choáng ngợp trước cái mới. Bám lấy cái cũ của phong kiến hay đi theo cái mới của phương Tây, đó là vấn đề bức thiết của thời đại. Là một trí thức tân học, Hồ Biểu Chánh có tư tưởng dung hòa giữa cái cũ với cái mới. Ông cho rằng cái cũ, cái mới đều có hay, dở riêng, điều cần thiết là phải biết chọn lọc lấy những mặt tích cực của nó. Ngòi bút tinh tế của Hồ Biểu Chánh đã khai thác những vấn đề được xem là quan trọng, tạo sự quan tâm của nhiều người trong xã hội. Ông đã bàn đến những mặt tiêu cực như cưỡng bức, vụ lợi trong hôn nhân, môn đăng hộ đối đồng tôn giáo, tục nôm vợ, đa thê… Một mặt Hồ Biểu Chánh phê phán lối sống cổ hủ, lạc hậu, khắt khe trong quan niệm phong kiến, mặt khác ông lại cho rằng nếu chạy theo cái mới một cách quá tự do, thoải mái cũng không mang đến hạnh phúc cho con người. Bên cạnh đó, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn đề cập đến hiện tượng tranh giành gia tài, mê tín dị đoan, cưỡng hiếp, ngoại tình, án mạng… Vấn đề đạo đức được đặt ra trong hầu hết các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Ông đã phê phán những mặt trái của xã hội trên lập trường đạo đức. Nhà văn hy vọng có thể dùng đạo đức để sửa chữa mọi hành vi xấu xa của con người.

Như vậy, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh bao quát hầu như mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa Nam Bộ: thành thị, nông thôn, thiên nhiên, con người, phong tục tập quán. Nghiên cứu hình tượng tác giả Hồ Biểu Chánh từ các bình diện ý thức sáng tác, chọn mảng đề tài, xây dựng nhân vật, có thể thấy rõ chất văn hóa Nam Bộ rất đậm nét trong đó. Nếu ý thức viết về phong tục, tập quán của nhà văn dẫn đến sự ra đời của những tiểu thuyết trong đó có nhiều trang văn mô tả tỉ mỉ, cẩn thận, chi tiết về nếp sống, thói quen sinh hoạt, cách ăn ở của người Nam Bộ thì ý thức viết về đạo lý lại cho ta thấy mạch nguồn văn hóa truyền thống Nam Bộ đang chảy trong cây bút của ông. Trong hầu hết các tác phẩm, quan điểm văn dĩ tải đạo được nhà văn triệt để thể hiện, kế thừa sâu sắc truyền thống văn học Nam Bộ vốn rất coi trọng đạo lý. Viết về đạo lý thì các văn gia miền Bắc, miền Trung nói riêng, các nhà văn Việt Nam nói chung đều trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến vấn đề này. Nhưng các quan điểm về đạo lý như: trọng nghĩa khinh tài, tứ hải giai huynh đệ, kiến ngãi bất vi vô dõng giả, chữ trung, chữ nghĩa… thì trong văn học Nam Bộ, trong các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh mới được thể hiện một cách đậm nét, độc đáo, riêng biệt. Đề tài trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng cho thấy chỉ có nhà văn sinh ra, lớn lên, làm việc suốt đời với đất, với người Nam Bộ thì mới có thể phản ánh một cách chân thực, sinh động, sâu sắc, bao quát diện mạo đời sống, văn hóa Nam Bộ đến thế.

Dù còn nhiều hạn chế trong cách sử dụng ngôn ngữ, hành văn song Hồ Biểu Chánh tạo ra cho mình một phong cách văn học riêng đậm chất Nam Bộ, đúng như nhận xét: “Phong cách của Hồ Biểu Chánh là phong cách viết như nói, nói tiếng mà dân chúng Nam Bộ thường dùng hàng ngày vào đầu TK XX. Điều cần phải ghi nhận ở văn Hồ Biểu Chánh qua cả vạn trang tiểu thuyết của ông là ông viết tiểu thuyết bằng tiếng của dân chúng vùng ĐBSCL. Lẽ tự nhiên ai cũng hiểu đó vẫn là tiếng Việt, nhưng đó là tiếng Việt ở một vùng cư dân đông đúc tại nơi phía Nam của tổ quốc với những đặc sắc riêng của nó” (15).

__________

1. Lê Bá Hán, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.32.

2, 4, 6. Trần Đình Sử, Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.107, 127, 129.

3. Phương Lựu, Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.204.

5. M. Bakhtin, Những vấn đề về thi pháp Đôxtôiepxki, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993, tr.78.

7. Hồ Biểu Chánh, Ăn theo thuở ở theo thời, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006, tr.5.

8. Hoài Anh, Hội thảo khoa học về Hồ Biểu Chánh, hobieuchanh.com.

9. Hồ Biểu Chánh, Bỏ chồng, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr.21.

10. Hồ Biểu Chánh, Chút phận linh đinh, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr.224.

11. Nguyễn Khuê, Ý hướng chủ yếu trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, hobieuchanh.com.

12. Hồ Biểu Chánh, Đoạn tình, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006, tr.28.

13, 14. Thanh Lãng, Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958), hobieuchanh.com.

15. Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.301, 308. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : LÊ THỊ THANH TÂM

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *