Tết đến, nỗi háo hức mong chờ, ước ao bao điều tốt lành may mắn theo sắc đào, mai, nắng mới, xuân non, chồi biếc, lộc xuân, cứ ăm ắp dội vào lòng người và vạn vật. Xuân qua rồi xuân lại tới, cứ tuần hoàn mà nhật nhật tân, hựu nhật tân. Tết này là tết Trâu thứ nhiều nhiều, nhiều lắm trong lịch sử, nhưng trâu này đã khác trâu xưa. Xuân Kỷ Sửu (2009) chào TK XXI khác xa xuân Đinh Sửu (1997), Ất Sửu (1985)…, của TK XX đã trở thành quá khứ. Đời sống vật chất đã cho con người những đổi thay trong điều kiện sinh hoạt nhưng về văn hóa, những hàm ý ẩn chìm, các lớp văn hóa cũ mới vẫn xuyến luyến với nhau khiến người ta hay hoài niệm, nhớ nhung.
Đầu xuân mới, tìm đến các bậc đại quân sư, các bậc thầy tri thức (sách là người thầy im lặng và nghiêm khắc) để học hỏi về văn hóa gắn với con vật thuộc tiêu sinh thứ hai trong thập nhị địa chi, chúng tôi thấy thú vị, tâm đắc quá. Từ câu chữ dạy học trò ê a thuở ban sơ cắp sách đi học với thầy đồ: “Ngưu trâu, mã ngựa”; “Ngưu là con bò tót, đinh là giằng cối xay”… đến câu chuyện lục súc tranh công đã dẫn dắt tâm trí thơ ngây bước vào thế giới văn hóa rất sớm. Sau này, những câu thành ngữ, ngạn ngữ theo tri thức Nho giáo, Hán hóa đã thâm nhập vào đời sống học vấn để truyền lan ra các câu nói về con trâu – loài trâu mà câu chuyện diễm lệ bậc nhất được nhân cách hóa, có lẽ chính là chuyện tình yêu Ngưu Lang – Chức Nữ: truyền thuyết Trung Hoa về chàng chăn trâu (Ngưu Lang) và cô gái dệt vải (Chức Nữ), gợi liên hệ đến thất tịch (đêm mồng 7 tháng 7) và mưa ngâu (tháng bảy mưa nhiều như nước mắt hai vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ khi gặp nhau)…
Ngưu ẩm ưu hà: con trâu uống nước ở sông Hoàng Hà, nghĩa rộng hơn là cuộc sống đầy đủ thoải mái.
Ngưu giác quải thư: đeo sách ở sừng trâu – chuyện kể Lý Mật đời Đường nhà nghèo mà chăm học, vừa đi chăn trâu vừa đeo sách (học) ở sừng trâu.
Ngưu đầu mã diện: đầu trâu mặt ngựa – quỷ sứ trong hình dạng thú (như dưới âm phủ)
Ngưu quỷ xà thần: yêu ma quỷ quái – như câu đầu trâu mặt ngựa trên.
Ngưu đầu bất đối mã chủy: đầu trâu không xứng với mõm ngựa – cũng như các câu ông nói gà bà nói vịt, trống đánh ngược kèn thổi xuôi, râu ông nọ cắm cằm bà kia, nồi vuông úp vung tròn…, câu này tỏ ý so sánh không tương xứng.
Ngưu giác tiêm hay còn là toan ngưu giác tiêm: chui (rúc) vào sừng trâu – chui (đi) vào ngõ cụt, đi vào chỗ bế tắc.
Ngưu đao cát kê hay còn là cát kê yên dụng ngưu đao (sách Luận Ngữ): dùng dao to (mổ bò) để giết gà – có tài mà phải làm những công việc (nhỏ nhoi) không xứng. Ý nghĩa câu này còn được thể hiện bằng câu ví von Ngưu đỉnh phanh kê: vạc nấu trâu (bò) mà nấu gà – có tài mà làm việc nhỏ.
Ngưu y đối khấp: khóc với nhau trong manh áo tả tơi – đôi vợ chồng cùng nghèo khổ…
Ngưu đao tiểu thí (thử): chỉ cho thấy phần nào tài nghệ thật sự của mình – ý nói giấu nghề hoặc cũng có ý chỉ sự khiêm tốn.
Ngưu sưu mã bột: ngưu sưu và mã bột là các vị thuốc Trung Hoa, rất dễ kiếm, rẻ tiền mà lại có ích với sức khỏe.
Ngưu nhân mã nhân: làm việc như trâu ngựa – đời sống cực khổ.
Ngưu mã sinh hoạt: sống đời cực khổ như trâu ngựa.
Ngưu mã bất như: sống đời cực khổ còn hơn trâu ngựa.
Ngưu đề chi sầm: khả năng có giới hạn.
Ngưu ký đồng tạo: trâu và ngựa cùng chuồng – như vàng thau lẫn lộn, không phân biệt người khôn ngoan và người ngu tối.
Ngưu khuyên lý bất yêu tháp tiến mã chủy lai: không để mõm ngựa trong bầy trâu (bò). Lời khuyên chúng ta rằng không phải chuyện của mình thì đừng xen vào chuyện người khác.
Ngưu bì đại vương: người ưa khoe khoang, ảo tưởng, tự khoác áo đẹp hơn thực chất bản thân.
Đối ngưu đàn cầm: gẩy đàn cho trâu nghe – đàn gẩy tai trâu, chả khác gì người yêu nho nhã, văn nghệ lại đánh đàn cho kẻ thô lỗ, cục mịch không biết thưởng thức nghe. Chả khác gì phải nói năng, giải thích cho người điếc nghe (Tiếng Hán Việt, cầm là từ chỉ cái đàn; đàn tức là gẩy – gẩy đàn trở thành từ ghép giải thích như kiểu bông hoa, bắp ngô… Đúng ra, gẩy đàn phải gọi là đàn cầm).
Ngưu ngưu niệt niệt: niệt là nắm, bóp – ý nói tư cách ngại ngùng, ngập ngừng không nói được ý mình muốn nói.
Trong văn hóa Việt Nam, lớp Hán văn và Nôm văn hay sau này được La tinh hóa trở thành quốc ngữ như văn tự ngày nay chúng ta sử dụng thì những câu, chữ, từ ngữ, tục ngữ, thành ngữ, điển ngữ… về trâu ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng đã làm nên một phổ văn hóa xã hội phong phú xung quanh con giáp này khá.
Trâu hiện diện thường xuyên trong thành ngữ, ca dao Việt Nam, từ hoạt động kinh tế căn bản nhất (mua trâu) đến việc dựng vợ gả chồng hướng về tương lai là sự nghiệp của một đời người.
– Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay...
– Mua trâu chọn giống
Cưới gái lựa dòng
– Rủ nhau đi cấy đi cầy
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Hay là:
– Con trâu là đầu cơ nghiệp
– Ruộng sâu trâu nái
– Muốn giầu nuôi trâu nái
Muốn lụn bại nuôi bồ câu
Các kinh nghiệm chọn mua trâu, bán trâu, nuôi trâu, thịt trâu đã tổng kết cho biết:
Tướng trâu phải là trâu cổ cò, bò cổ giải; tai lá mít, đít lồng bàn, sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, khoáy tròn…
Và kinh nghiệm khi mua bán trâu:
– Xa sừng, mắt lại nhỏ con
Vụng đàn, chậm chạp, ai còn nuôi chi
– Khô chân, gân mặt, đắt tiền cũng mua.
– Đốm đầu thì mua – đốm đuôi thì thịt
– Hàm nghiến, lưỡi đốm hoa cà
Vểnh sừng, tóc chớp, cửa nhà không yên
– Trâu năm, sáu tuổi còn nhanh
Bò năm, sáu tuổi đã tranh cõi già
Nhưng dân gian cũng cảnh báo:
Lái trâu, lái lợn lái bè
Trong ba lái ấy chớ nghe lái nào
Kinh nghiệm dân gian cho thấy:
– Trâu ra mạ vào (cày xong thì phải cấy ngay);
– Tuổi Sửu, con trâu kềnh càng
Cày chưa đúng buổi lại mang cày về
– Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn…
Nhưng cũng chính dân gian lại có cách nhìn khác, có vẻ “biện chứng!” hơn là:
Vợ dại thì đẻ con khôn
Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm
Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu: Trâu chó là loài vật nhớ đường về.
Trâu phục vụ sản xuất phải là trâu khỏe, cày bừa tốt, thậm chí còn phục vụ các hoạt động khác như kéo gỗ, kéo xe, là cơ nghiệp, – niềm tự hào hãnh diện của người dân. Con trâu là tài sản lớn (đầu cơ nghiệp), là thước đo của cải (ba bò, chín trâu), là vật trao đổi (chiêng ché trị giá mấy trâu…), là lễ vật dâng thần linh trong hội làng, trong đám xử kiện, trong tiệc khao vọng, giỗ chạp, đám cưới, đám tang. Trâu là một trong ba con vật lớn nhất thuộc đại lễ tam sinh (gọi là đại sinh dã).
Trong lớp nghĩa đen, trâu là con vật phục vụ công việc đồng áng nhà nông, phục vụ những công việc nặng nhọc mất sức người của cư dân miền sơn cước. Dần dần, trâu được thiêng hóa, nâng cao giá trị thuần túy cơ bắp để trở nên “có giá” hơn qua các hoạt động thương mại và tâm linh. Việc chọn lựa trâu là vật tế lễ cũng có ý nghĩa tương tự tục chọi trâu trong lễ hội để tế thần, mua vui, làm hài lòng thánh thần khiến thánh thần phù trì phụ giúp con người sinh sôi và mùa màng tươi tốt hơn.
Tục chọi trâu không chỉ có ở Việt Nam mà còn là phong tục chung của cư dân vùng Đông Nam á như các nước Malayxia, Inđônêxia …
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng mười tháng tám cũng về chọi trâu
Bên cạnh lớp nghĩa đen đi từ tục đến thiêng, con trâu đi vào lớp nghĩa bóng, hoặc chen lẫn lớp nghĩa bóng bằng các thủ pháp so sánh ví von, ẩn dụ, ngoa dụ, phúng dụ… khá phong phú, phản ánh đời sống tâm lý phức tạp muôn vẻ của con người với con người và xã hội loài người.
Loại trâu loại chó, thân trâu thân bò là thân phận người lao động thấp kém trong xã hội xưa kia, bị rẻ rúng, khinh miệt, coi thường.
Đầu trâu mặt ngựa là bọn hung hãn, phường trộm cắp bất chính, phi pháp. Chúng thuộc loại trâu bò vô sừng sẹo, không biết sợ hãi, bất chấp tất cả, hành động liều lĩnh và bừa bãi không ai kiểm soát nổi, rất dễ dẫn đến cảnh trâu điên, trâu lồng bất trị.
Trâu buộc ghét trâu ăn là câu phản ánh thói ganh ghét, không mang tính xây dựng, là thói đố kỵ tiểu nông khá đặc trưng.
Trâu lấm vấy càn liên hệ đến kẻ ưa nói xấu người khác.
Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng, ý nói người ích kỷ chỉ biết lo cho phần mình.
Trâu trắng đi đâu mất mùa đến đấy. Trâu trắng là con trâu bị bạch biến, rất hiếm thấy, ý chỉ người không may mắn vì khác mọi người xung quanh, bị coi là lạc loài, là điềm xấu.
Từ thói tị nạnh so bì mà có các cảnh thiệt thòi vì lẽ trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, kẻ dưới thiệt thòi khi cấp trên xung đột.
Trâu lành không ai mặc cả, trâu ngã khối kẻ cầm dao, lợi dụng lúc người đang yếu thế mà tấn công. Để từ đó dẫn đến cảnh làm ăn như mổ bò – mổ trâu, huyên náo ầm ỹ mà hiệu quả không ra gì. Nhưng mà ở đời, trâu chết để da, người chết để tiếng, trâu chết còn da để dùng làm nhiều việc, người ta chết để lại tiếng thơm hay xấu cho nên những câu ví von so sánh như trên có giá trị cảnh tỉnh rất cao. Và nét tâm lý phức tạp này có giá trị phổ biến bởi nó là một dạng suy nghĩ và hành động giống nhau của mọi người: Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Với mọi người, sức khỏe là yếu tố hàng đầu trong lao động. Ai có sức khỏe tốt thì đó là một ngọn nguồn của hạnh phúc vì trâu ho bằng bò rống; yếu trâu còn hơn khỏe bò. Những người khỏe làm thêm cũng không sao: Trâu khỏe chẳng lo cày trưa. Y như là mười bảy bẻ gãy sừng trâu, sức vóc hây hây của con người đương bước vào mùa xuân cuộc đời. Họ sẽ nhờ lao động chăm chỉ mà sẽ được cảnh trâu dắt ra, bò dắt vào giầu có, của cải sung túc. Và dù cho không được như ý chăng nữa nhưng có khi lại may mắn được cảnh: Trâu chậm uống nước đục, trâu ngờ ăn cỏ béo (đến sau mất phần, nhưng có khi ngờ nghệch lại gặp may mắn).
Các cảnh huống khác trong xã hội cũng được phản ánh qua các ứng xử như: Trâu đi tìm cọc, cọc chẳng tìm trâu, ai cần thì người đó phải đi mà tìm. Vậy nên chớ có lo bò trắng răng, lo chuyện không đâu, rỗi hơi thiên hạ, dù cho quan hệ người với người là rất gắn bó như thể là bò chết chẳng khỏi rơm.
Văn hóa dân gian còn truyền lại một số chuyện quái mang màu sắc thần bí về trâu được ghi lại trong sách Vũ trung tùy bút ở TK XVIII như sau:
“Năm Nhâm Tuất, phía Tây núi than đá Xuân An, có một con bò sinh ra một đứa con trai, chỉ mới vài ngày mà lớn bằng đứa trẻ 12,13 tuổi, có râu. Nó ăn nhiều hơn người thường những cũng không biết nói. Có người sợ, cho đó là yêu quái, lén giết chôn đi. Sau bệnh dịch lan tràn, chỉ mới hơn tháng mà dân ấp ấy chết cả trăm người, người bệnh ngổn ngang ngoài đường chờ chết. Nhiều người phải dời đi xa để tránh dịch bệnh”…(1).
“Truyền rằng ở trong đầm khi xưa, có một con trâu chết đuối thành ma. Những đêm trăng, có lúc nó vùng vẫy ở trong nước, kẻ điền phu dã lão thường thường trông thấy. Ôi! người chết đuối thành ma thì có, còn trâu chết đuối thành ma, thì trong các sách dã sử cũng không thấy chép. Xem thế mới biết trong khoảng vũ trụ, không vật gì là không có”(2).
Phạm Đình Hổ là nhà Nho sinh thời rất ghét thói tệ mê tín dị đoan và ông là người lên án các hủ tục trong xã hội, ông chê những tập tục không hợp thời. Chuyện về trâu (bò) xuất hiện trong tác phẩm của ông là những sự việc, hiện tượng không mang tính cá biệt trong xã hội đương thời. Tâm lý thiêng hóa, thần bí hóa những điều chưa lý giải được trong cuộc sống tinh thần – ở đây gắn với trâu (bò) cũng là tâm lý phổ biến.
Các nhà nghiên cứu có thể đưa ra kiến giải khác nhau về văn hóa liên quan đến con trâu. Nhưng ở góc độ thực hành văn hóa tín ngưỡng qua các dấu vết vật chất và tinh thần đến nay vẫn kiểm chứng được với những mức độ khác nhau, chúng tôi thấy rằng vùng đất Bắc Ninh xứ Bắc, vùng Bắc Hà Nội còn lưu dấu vết khá phong phú.
Trâu Sơn là địa danh bên khúc sông Lục Đầu Giang, đối chiếu với bên kia là ngôi đền Vạn Kiếp. Trâu Sơn có tên khác là Võ Linh Sơn, xung quanh có địa danh Trâu Quỳ và bên núi Phật Tích vẫn còn có những con trâu đá – được truyền rằng đó là con của bà Tồ Cô, Nguyệt Hằng đẻ ra. Trâu đá về sau thành Trâu Vàng (Kim Ngưu) chạy vòng quanh, rạch thành dòng sông Đuống/Luống, dòng sông Kim Ngưu (đường đi của trâu), bao quanh bảo vệ kinh thành Thăng Long làm giàu thịnh cho xứ sở Kinh Kỳ Kẻ Chợ. Trâu Vàng còn đằm thành vũng là Hồ Trâu Đằm (Hồ Tây).
Trâu là thần vật Tổ. Tiền thân của trâu là Thổ Ngưu hay Nê Ngưu là tượng là cho đất và nước nên thời phong kiến có lễ Tế Xuân Ngưu, Đả Xuân Ngưu… Việt sử thông giám cương mục còn ghi vua Lê Đại Hành đích thân cày luống cày đầu năm, mở mùa vụ. Các triều đại vua khác còn nặn trâu tế Xuân Ngưu cầu mùa.
Mục đích cầu mùa còn được biểu hiện qua tục tế trâu thật (trâu sống). Vào hội làng, từ vùng trung du xuống đồng bằng, và ven biển, dân ta tế trâu sống vào những năm được mùa, gọi là tế Tam sinh. Trâu tế sống hoặc thui vàng, hoặc nồi da xáo thịt, chế sơ rồi mới tế lễ, chia phần cho quan dân thụ lộc. Những nghi lễ diễn ra trước và sau thời điểm tế lễ đều được thiêng hóa, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của con người. Lúc này, trâu – vật hiến tế trở thành cầu nối, vật thay thế, là phương tiện để con người thông linh đến lực lượng bên trên linh thiêng. Không những bản thân con trâu hiến tế mà cả những gì liên quan đến việc hiến tế cũng đều được sàng lọc qua lăng kính văn hóa và tồn tại dưới dạng ẩn mã văn hóa phục vụ mục đích cầu mùa.
Trâu tế phải được chọn lựa kỹ càng, xem tướng trâu, trải qua các nghi thức thanh tẩy trâu để tránh ô uế. Vật dụng chung quanh như chuồng trại (tạm thời), dao thớt, dây, nong nia, cọc buộc trâu và đối tượng tham dự trực tiếp lễ hiến tế (những người có chức phận hạ gục trâu) đều phải thanh sạch, kiêng khem, trai giới.
Những con vật chết không tự nhiên cho người đều ẩn chứa nguồn gốc của sự suy tôn vật tổ, biểu hiện của sự hy sinh mà điển hình là cái đầu trâu, sau này là cặp sừng trâu. “Đầu trâu, đầu bò, có sừng là tín hiệu vinh quang ở châu Á, châu Âu, ở Creest, Ai Cập, Lưỡng Hà, Mohanjô – Daro, với nghĩa hiến sinh cao cả xưa kia của trâu. Người đi săn hay kỵ sĩ về sau trở thành những vệ sĩ cột trụ của vương quyền cho nên có trường hợp quan binh xưa được gọi là Ông Trâu (3).
Hiến sinh trâu là lễ hiến sinh cuộc sống bản thể, tự nguyện nhằm phục hồi năng sinh của mẹ Đất đã mòn mỏi do con người bòn rút lấy phần máu thịt của mình. Hiến dâng để cho yên lòng mẹ Đất, để của cải vì đó mới sinh sôi nảy nở. Lễ hiến sinh trâu là lễ thể hiện tình nghĩa mẹ – con. Con chết cho mẹ, cho cộng đồng, biểu thị quyền năng của nữ quyền – Mẫu hệ trong giai đoạn từ quần hôn tiến tới hôn nhân tay ba.
Trong lễ đâm trâu, bao giờ cũng bôi máu trâu lên thân cây cột biểu hiện lễ hiến sinh đã hoàn thành. Cây nêu bôi đỏ nên còn gọi là cây đỏ… ý nghĩa của máu trong lễ đâm trâu là “Con trâu là đối tượng của người đi săn, nó có nhiệm vụ chết để nuôi người, hy sinh cho người. Người đi săn thú vật rừng hung hãn cũng dũng cảm như trâu, sẵn sàng đổ máu, chết vì nhiệm vụ, cho cộng đồng, được ví như “Trâu” biểu tượng ” (4).
Con người đi săn trâu, hạ gục trâu thần để trở thành Trâu Quỵ/ Trâu Quỳ. Trâu tuy phải chiến đấu đến cùng nhưng kết cục vẫn bị con người tiêu diệt, trở thành vật tế thần phục vụ mục đích của con người. Con người có lương tri, sám hối, thông qua việc việc giết trâu để đồng hóa với vật tổ (Bộ Lạc Trâu) – với trâu nhằm tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng và cá nhân qua quá trình thiêng hóa trâu.
Điện Mẫu của người Việt có rắn giữ cửa thì tháp Chàm của người Chăm có trâu giữ đường hầm. Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng có con trâu đá đang há mồm, từ đó chui ra một người nhoi ra một nửa.
Truyện cổ Chàm còn ghi rõ cuộc chiến của bò Kapin với cả đàn bò của nhà vua. Hoặc chuyện trâu của vua Pô Tabai đánh nhau với đàn ong khổng lồ của vua Po Yang In. Hoặc việc tạo ra các vết đâm chém trên thân thể con trâu hiến sinh trong lễ ăn trâu – đâm trâu ở Tây Nguyên hiện nay hay ở châu thổ Bắc Bộ như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, các lễ tế trâu, tế tam sinh, các lễ cầu trâu… ở vùng trung du cũng đều nhằm tạo ra các vết thương trong cuộc chiến, hoặc trong quá trình hành lễ để tăng thêm thánh tích cho con vật tổ. Trong tư cách chiến binh – anh hùng – vật hiến sinh – vật tổ… trâu được mọi người sùng bái hân hoan để cổ vũ, nâng đỡ, đề cao năng lực siêu phàm của đối tượng. Thật ra, nguồn gốc sâu sa của hiện tượng này là kết quả của một câu chuyện hoàn toàn ngược lại. Truyện cổ Chàm cho biết thỏa thuận hay lời dặn, lời khẩn cầu của bò Kapin với người em, trâu với vua… đều mang nội dung im lặng, chịu đựng và chấp nhận thất bại tạm thời mong sao có kết quả khả quan trong tương lai. Dẫu vậy, kết quả khả quan tươi sáng không bao giờ đến bởi lẽ lời dặn, lời khẩn cầu, lời ước bị chối bỏ, bị phá vỡ trước khung cảnh rùng rợn của hoàn cảnh cuộc đấu hiện hữu lúc sự việc xảy ra. Sau này, các lớp văn hóa khác xen lấn, luyến vào để tạo ra sản phẩm khôn ngoan là giải pháp hò, reo, hô, hú, hét lên vui mừng hoặc đồng loạt khấn nguyện hoặc đánh lừa cảm thức đau thương bằng cách giải thiêng, thế tục hóa dưới dạng các trò chơi bách hý.
Người ta thường tạo ra cái hư ảo để hiện thực hóa cái thật, phồn vinh hóa cái thực. Bên cạnh đó là sự năng động vận hành để tái hiện cái hư ảo trong cái thực/thật nhằm thông qua đó trao gửi lời cầu mong khấn nguyện. Đó chính là cội rễ văn hóa để cứ tuần hoàn lần lượt, 12 con giáp thay nhau xuất hiện, thiêng hóa và giải thiêng, rồi lại linh thiêng hóa, tôn vinh từng con giáp khi đến hạn, đến kỳ.
Chuyện cười dân gian kể về ông quan huyện thanh liêm, hết đời phụ mẫu chi dân, trở về làm dân vạn đại đã tiếc hùi hụi qua câu buột miệng: Sao không bảo tôi tuổi Sửu? để mong cầu lợi hơn tuổi Tí – tẹo tèo teo. Dân gian cũng tin tưởng rằng, Sửu – Trâu là tượng trưng cho Âm – đất, sự bền vững, to lớn, nhẫn nại, biết chờ đợi và thịnh vượng sẽ có kết quả khả quan nhờ triết lý giản đơn: Đất – Trời không bao giờ phụ lòng người có Tâm, có Tình và có Tài chắt lọc văn hóa.
_______________
1, 2. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Bản địch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, tái bản, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 1998, tr.110, 200.
3, 4. Nguyễn Ngọc Chương, Trầu cau Việt điện thư, Nxb TP.HCM, 1997, tr.44-45, 51, 57.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009
Tác giả : Hoàng Quốc
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám