Hình thể địa lý chữ S của đất nước Việt Nam được tổ tiên mở mang dài dần về phương Nam trải qua từng vùng phong thổ khác nhau, vào nhiều thời đoạn lịch sử khác nhau, vừa đi vừa kết bạn “bốn phương” trong đó có cả người bản địa và người nước ngoài châu Á lẫn châu Âu. Từ bản sắc văn hóa dân tộc, diễn ra quá trình tiếp biến làm nên diện mạo đa sắc thái theo từng vùng dân cư là quy luật tất yếu của sự vận động văn hóa.
“Gia định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) khái lược lịch sử – địa lý vùng Đốc Huỳnh Cảng: “Rộng 4 trượng, sâu 10 thước ta, cách đạo Long Xuyên (Cà Mau) về phía tây 107 dặm rưỡi. Trong đạo có quán xá đông đúc, thuyền bè tấp nập. Từ cảng cách 84 dặm đến ngã ba sông Khoa Giang rồi thông ra biển. Năm Đinh Dậu (1777), Tây Sơn vào chiếm, thành Gia Định thất thủ; khi ấy Thế Tổ (hiệu của Nguyễn ánh ) còn ở tiềm đế (còn tẩu quốc chưa lên ngôi), cưỡi thuyền buồm nhỏ theo vua Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) lưu lạc đến đây, đến khi quân Tây Sơn đánh úp, ngự giá đang tạm trú ở thủ ngự Long Xuyên thì bị quân Tây Sơn bắt giải về mạn Bắc, quan binh hộ tống đều bị bắt cả, chỉ có thuyền buồm nhỏ tách riêng đậu ở sông Khoa Giang nên được bình yên. Vua muốn thừa lúc đang đêm chạy ra biển để đi xa nhưng thuyền tới đâu cũng bị cá sấu cản đường không sao chạy được, dù chỉ gang tấc, trong thuyền ai nấy đều kinh hải. Sáng ra dân ở đấy bẩm báo rằng đêm qua thuyền của quân Tây Sơn vây khắp dọc bờ biển, đi tuần tiểu bốn phía không thấy bóng dáng quan binh đâu cả, đến quá trưa quân Tây Sơn mới dẫn nhau đi mất. Khi ấy thuyền buồm nhỏ mới chạy ra đảo Thổ Châu được yên ổn. Như vậy là trời sắp sinh ra thánh nhân để thành tựu khai sáng nghiệp lớn…”.
Nhà văn Sơn Nam khái quát trong Gia Định xưa: “…Nếu muốn tìm hiểu những nơi có người định cư, lập làng sớm nhất thì cứ đến đất giồng, đất gò, đất cù lao, ngã ba sông rạch…Phía Mũi Cà Mau đất thấp, vẫn thấy nhiều giồng ở bờ sông Cái Lớn, Cái Bé, Gành Hào, Ông Đốc, lưu dân đến rất sớm, sống như một thế giới riêng, mua bán thẳng với ghe buôn từ Hải Nam hoặc từ Xiêm tới”. Dân cư vùng này buổi đầu còn khá phức tạp, người Xiêm, người Chà Và có mặt với tổ chức xã, thôn và đội riêng biệt.
1. Đặc điểm môi trường thiên nhiên làm nên sắc thái văn hóa:
Địa danh Cà Mau (nói chại từ tiếng Khơme Tưk Kmâu nghĩa là vũng nước đen) đã có từ thời Mạc Cửu khai khẩn đất Hà Tiên từ khoảng 1680 và hiển danh dần trên bản đồ. Đến 1777, Nguyễn Huệ kéo quân vào Gia Định, Nguyễn Ánh tẩu quốc cùng vua Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần), trên đường tìm trốn ra đảo Thổ Chu (Phú Quốc) theo ngả sông Khoa Giang; xuất hiện nhân vật đốc binh Huỳnh cứu Chúa thoát nạn. Do đó, Trịnh Hoài Đức ghi chép trong Gia Định thành thông chí vào khoảng 1820-1822 đã chính thức gọi đây là Đốc Hùynh Cảng. Bản đồ Tabera 1838 đã ghi địa danh Mũi Ông Đốc và Cửa Ông Đốc.
Cả 2 lần đến cửa sông Ông Đốc để tẩu quốc và phục quốc, đoàn quân của Nguyễn Ánh đều được bầy cá sấu, 2 con rái cá, cá heo báo điềm ngăn cứu; về sau được phong tặng các mỹ hiệu thành những nhiên thần: Tân ngạc ngư long, Lang lại nhị đại tướng quân. Trịnh Hoài Đức gọi là hải linh, có miếu thờ trên núi Bạch Thạch, là hòn đá bạc, nằm gần cửa sông Ông Đốc ngày nay.
Cửa sông Ông Đốc là một trong vài ba điểm có dân cư sớm nhất của Cà Mau. Với địa thế nằm trong vịnh Xiêm La, nơi mà lịch sử bang giao giữa triều đình nhà Nguyễn với Chân Lạp, Xiêm La diễn ra đầy biến cố, khi ấm lúc lạnh, khi là bạn, lúc lại là thù. Thêm vào đó, xã hội lưu dân nhiều thành phần phức tạp, với nhiều dân tộc trà trộn người tốt – kẻ xấu… khiến cho vùng cửa sông Ông Đốc ngay từ buổi đầu tụ cư đã trở thành một bàn đạp hướng biển khá nhộn nhịp với: đảo Thổ Chu, hòn Khoai, đất Xiêm, Kong pong thom, Rạch Giá…
Có lẽ nhờ sự sớm có mặt người Hoa – Hải Nam đến đây bằng tàu, thuyền nhanh nhạy phát hiện nguồn lợi hải sản, nắm bắt thời cơ kinh doanh đã tác động tích cực tạo ra một diện mạo kinh tế, thương mại cho vùng đất này. Sự có mặt của những ngư thuyền, thương thuyền người Hoa đã thật sự mở cửa tiềm năng kinh tế cho sông Ông Đốc, đóng vai trò chi phối, mở ra công việc mua bán, từ lao động nghề đánh bắt, làm ruộng, chế biến thủy hải sản, cất nhà… đến các lĩnh vực văn hóa tinh thần: thờ cúng, thờ tự; tập tục gia đình; tổ chức cộng đồng…
Vốn gốc dân xứ Quảng quen sống vùng cao, di chuyển xuống đồng bằng, thích chọn vùng đất giồng cao ráo, thuận khai thác làm ruộng và nương rẫy, thu hoạch lúa gạo là chính. Nhưng gặp điều kiện tự nhiên ở vùng ven biển, những kinh nghiệm sống được tích tụ qua vài thế hệ ở vùng đất giồng cao ráo miệt trên của đồng bằng Cửu Long phải biến cải mạnh mẽ.
Cửa sông Ông Đốc dù đã từng có quan quân triều đình cả 2 phía kéo đến đây, nhưng chủ yếu xem đây là bãi chiến trường tiểu phạt nhau; là bàn đạp để bôn tẩu. Đến khi Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho triều đình, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh triều đình vào Nam để sắp xếp hành chính thì cũng chỉ đến một số tỉnh Tây Nam cận Sài Gòn. Đến thời Pháp, chế độ khai thác thuộc địa với trên 3.000km đường kênh được đào cũng chỉ để phục vụ khai thác vận chuyển lúa gạo.
Dân chúng sống tự quản là chính, xử sự theo đạo nghĩa giang hồ, với phong cách của người hạ bạn. Lịch sử địa lý vùng sông Ông Đốc đã đặc tuyển những con người thuộc sinh thể mạnh mẽ, cá tính táo bạo, mang theo những tập tục văn hóa nhiều tộc người khác nhau tạo nên sự hỗn dung văn hóa điển hình.
Với địa hình trú ngụ dọc hai bờ, nơi này thuận tiện cho giao tiếp đường sông, song không được sự quan tâm kiến tạo của các nhà nước trong lịch sử, việc phân bổ dân cư nặng tính tự phát. Đoạn đường từ Rạch Ráng về thị trấn chỉ khoảng 14km, chưa bao giờ giữ vị trí giao thông huyết mạch đường bộ. Tình cảnh đó khiến cho vùng đất sông Ông Đốc rơi vào sinh cảnh tự nhiên của một bán đảo rõ rệt. Lịch sử địa lý để lại một thị trấn sông Ông Đốc ngổn ngang, chồng lấn, đường đi lối lại lấy sông làm trục trông giống hình xương cá khúc khuỷu, tạo ra một dạng thức cảnh quan đơn điệu, nhưng lại rất phức tạp.
2. Một số thành tố văn hóa phi vật thể điển hình
Cửa sông Ông Đốc xưa là nơi có cộng đồng dân cư sớm nhất của Cà Mau, là những lưu dân nhiều vùng miền trôi dạt về đây sinh sống. Đồng thời cũng là cửa ngõ tiếp nhận tự phát người nước ngoài ghé lại: tàu buôn Hải Nam, chiến thuyền của Xiêm La, người Chà Và xuống từ Rạch Giá… Tính chất định cư không bền vững kéo dài qua nhiều biến động lịch sử, cộng thêm thành phần xã hội của đại bộ phận lưu dân mang theo những lề thói văn hóa không định hình, cho nên tình trạng hỗn dung văn hóa rất sâu đậm.
Tập tục tín ngưỡng dân gian đối với cá ông
Năm 1938 lăng Ông Nam Hải được dân trong xóm lập nên, ban đầu dựng tại vàm sông. Đến năm 1942, lập ra ban trị sự, dần dần tạo ra nền nếp trong việc thờ, cúng.
Trong mọi phương thức đánh bắt thủy hải sản lớn như hàng đáy, thả lưới biển không may cá heo vướng bẫy là điều tối kiêng kỵ, một sự phạm thượng đáng lo sợ. Trong những trường hợp như vậy, ngư phủ lập tức quay về làm lễ cúng kiếng tạ lỗi cầu xin ông đừng quở phạt.
Khi bắt gặp xác cá heo chết trôi mắc cạn trên bờ, cả vạn chài coi đó là vận may đến với vạn của mình, quy tập hài cốt rửa ráy sạch sẽ, xức dầu thơm mang về thờ cúng. Người ta phân biệt cá lớn sống ngoài khơi thì gọi là ông lớn, ông khơi, cá nhỏ sống gần bờ gọi là ông cậu, ông lộng.
Lễ hội nghênh ông hàng năm là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Tập tục thờ cúng trong gia đình ngư dân
Là vùng hỗn dung văn hóa, cư dân đan xen Kinh, Hoa, Khơme, cộng đồng gia đình ở thị trấn Sông Đốc tiếp nhận nhiều tập tục thờ cúng khá thoáng đạt, ít câu nệ tiểu tiết; từng gia đình căn cứ hoàn cảnh, điều kiện sinh sống riêng thuận thế nào thì làm thế nấy khá tự do.
Mọi thần thánh thờ cúng trong nhà được cư xử rất bình đẳng, hàng đêm đều được thắp nhang như nhau. Ngày giỗ ông bà đều đi kèm cúng kiếng thần thánh có thờ trong nhà.
Niềm tin thể hiện trong mọi tập tục, thờ cúng đều trọng ở tấm lòng, không xem nặng hình thức. Mọi nghi thức đều được giản lược tối đa.
Vật phẩm dâng cúng trong gia đình, trong các đám tiệc được ưa chuộng nhất là heo (heo quay, heo chế biến) rồi gà, vịt; rất ít dùng vật phẩm thủy hải sản làm món cúng hoặc đãi tiệc.
Một số hình thức thờ cúng có những biểu hiện độc đáo, có sắc thái vùng văn hóa thể hiện những đặc trưng của con người vùng sông biển: Cửu Huyền – Thất Tổ, Thần Tài – Thổ Địa, Bà Quan Âm Nam Hải và Bà Thiên Hậu (trên tàu, ghe đánh bắt), ông Táo trong nhà bếp…
Ngoài ra còn nhiều tập quán cúng kiếng khác như: lập trang thờ mẹ Sanh – mẹ Độ, cúng sao giải hạn, cúng kiến nhất, cúng cô hồn, cúng tạ lễ; những tập tục cúng kiến trong các lễ nghi vòng đời: cưới gả; đầy tháng, thôi nôi; sinh nhật, mừng thọ… Đúng như trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi: mỗi nhà có mỗi tục lệ riêng.
Cơ sở tôn giáo
Thị trấn Sông Đốc đất chật, người đông, đường đi lối lại ngổn ngang, điều kiện sinh cư chen chúc. Nhưng các cơ sở tôn giáo lớn đều có mặt như: Phật giáo, Cao Đài, Thiên chúa giáo. Cơ sở tín ngưỡng có: lăng ông Nam Hải, chùa bà Thiên Hậu của người Hoa, miếu Bà Chúa Xứ.
Thiên Hậu Cung
Dân gian quen gọi là chùa bà Thiên Hậu, bà Mã Châu; danh xưng được ghi tại đây là Cung Thiên Hậu, bằng chữ Hán. Từ cổng đi vào bên phải là khuôn viên dựng tượng Phật bà Quan Âm, bên trái tháp đốt vàng mã. Ban thờ Thiên phụ Địa mẫu nằm chính diện trước cung bà, kề bên là am thờ Hỏa Đức nương nương, có bộ y phục.
Phía trên mặt chính điện có các bích họa mô tả các điển tích Trung Quốc: Đào viên kết nghĩa, Quần thần khánh hội, Bát tiên quá hải… Ngoài ra là các hình ảnh cây cối, sơn thủy, tàu bè trên biển…
Bố cục trong gian thờ chính điện: Gian giữa thờ Thiên Hậu thánh mẫu, dưới bệ thờ bà là Thiên soái Hổ gia thờ cọp. Gian bên trái thờ Phước Đức lão gia (người Việt gọi là ông Bổn). Gian bên phải đề Thành hoàng lão gia thờ vị thần trấn nhậm tại địa phương.
Thánh thất Cao Đài
Trên mái đỉnh chính điện có biểu tượng chữ khí (khí sinh quan tách đôi nhất nguyên thành trời và đất = âm và dương của thuyết âm dương). Biểu tượng thiên nhãn (mắt trái đàn ông) với quan niệm nhãn thị chủ tâm.
Từ ngòai vào là gian Định Tâm Đài, mọi người đều phải tập trung gạt bỏ mọi phiền lụy nhân gian ở nơi đây, định tâm trong sáng để bước tiếp vào bên trong bằng tấm lòng thánh thiện.
Ngoài các đạo sự thường thấy của nơi khác, tại thánh thất Cao Đài Sông Đốc còn có các việc đời thường lập trại hàng (hòm) từ thiện dành chôn cất cho người nghèo neo đơn, cơ nhỡ, tổ nghi lễ chuyên về quan, hôn, tang, tế, giúp đỡ người cô đơn hoạn nạn tại địa phương…
Tịnh độ cư sĩ Hưng Hải Tự
Tên chính thức của tự được đề ngay trên mặt tiền phía trên cao: Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam / Hưng Hải Tự / Quận hội Sông Đốc. Mọi cơ cấu tổ chức, hoạt động của phòng chẩn trị thuốc nam Phước Thiện đều theo hệ thống của Giáo hội Tịnh độ Việt Nam. Tại Tịnh Độ Sông Đốc, ban Y tế chịu trách nhiệm tất cả mọi họat động đối nội, đối ngoại cũng như lễ nghi cúng kiếng của tự. Tên gọi Hưng Hải tự là do giáo hội Trung ương đặt với từ hải chỉ miền biển, sinh sống nghề biển. Phần trên cùng có trưng biểu tượng chữ nhất (chung nhất là biểu tượng của Tịnh độ Cư sĩ Việt Nam).
Nghề thủ công truyền thống
Thị trấn Sông Đốc là vùng cửa biển với sản lượng cá, tôm, mực dồi dào, ghe tàu tập kết mang hải sản vào bờ để vận chuyển đi khắp nơi. Do đó khâu sơ chế, bảo quản nguổn sản phẩm là việc có tính liên hoàn của nghề đánh bắt, trong đó có nhiều nghề truyền thống như: nghề xẻ khô, nghề làm nước mắm, làm mắm, nghề muối cá…
Văn hóa ứng xử của cộng đồng cư dân thị trấn Sông Đốc, dù là tầng lớp ngư phủ hay lớp thương nhân, cũng nhất quán trong lề thói sinh hoạt đã hình thành bao đời, trong đó có niềm tin vào thế lực siêu nhiên của biển. Cho dù trong điều kiện đô thị hóa chuyển nhanh sang mô hình hành chính thị xã trên quy hoạch phát triển của tỉnh, thì các giá trị văn hóa ứng xử ấy vẫn được lưu truyền bền vững.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 351, tháng 9-2013
Tác giả : Vưu Nghị Lực
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai