LTS: Tục thờ vật tổ, hay còn gọi là Totem giáo (totemisme) trước đây vẫn được coi là một thể chế cơ sở của tôn giáo và tồn tại một cách khá phổ biến của các tộc người nguyên thủy. Tuy nhiên, từ những năm 30 của TK XX, nhiều nhà khoa học phủ nhận tư cách đó. Họ coi các biểu thị vật tổ chỉ là một dấu hiệu khu biệt, hoặc một kiểu tư duy phân loại. Do vậy, nó chỉ là một ảo ảnh khoa học. Chúng ta hãy theo dõi diễn biến của câu chuyện này…
Trong vùng các hồ lớn (hồ Huron, hồ Thượng…), nơi biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada, có một lãnh thổ truyền thống của người da đỏ Ojibwas. Vào TK XVIII, nhiều nhà truyền giáo, thương nhân và người du hành đã sự tiếp xúc được với các thị tộc săn bắt và đánh bẫy ấy. Người thì để cải đạo cho họ, kẻ thì để mua lông thú của họ, kẻ khác nữa thì vì tính hiếu kỳ của người thám hiểm. Một trong những thương nhân và du hành ấy, người Anh John L.Long, đã ghi lại những quan sát của mình về lối sống của người Ojibwas trong một cuốn du ký xuất bản năm 1791: Voyages and Travels of an Indian Interpreter and Tradeur. Trong chuyện kể của mình, J.K.Long giải thích rằng những người da đỏ ấy được tổ chức thành các bộ lạc, những bộ lạc này lại chia thành các thị tộc, mỗi thị tộc mang tên một con vật. Có thị tộc gấu, thị tộc cá, thị tộc sếu, thị tộc rái cá, thị tộc cá hồi, thị tộc sóc… Các thành viên của mỗi thị tộc giữ những mối liên hệ bạn hữu và thân tộc. Khi một thành viên thị tộc gấu đón tiếp một người cùng thị tộc, anh ta nói: “Hãy vào đi, anh bạn, anh là người của thị tộc tôi (của vật tổ tôi) mà”, hoặc: “thị tộc (vật tổ) chúng ta là thị tộc gấu”. Những người da đỏ này còn tôn kính những vị thần bảo hộ có khuôn mặt thú vật (gấu, chó sói, bò rừng…) hiện lên với họ trong giấc mơ. Cuối cùng, những chuyện kể và truyền thuyết của họ nói năng như những thực thể lai, nửa người nửa rùa, hoặc nửa người nửa gấu, mà xưa kia đã từng sống trên mặt trái đất. J.K.Long, người nắm ngôn ngữ của người Ojibwas rất tồi, đã kết luận hơi nhanh rằng con vật tổ của một thị tộc ứng với hồn con vật được thị tộc ấy cúng trong những nghi lễ của nó. Do vật tổ được biểu hiện ở nơi này nơi kia một chút – trên vũ khí, trong nơi cư trú, dưới hình thức xăm mình – nên nó có thể được coi như một vị thần bảo trợ, một linh hồn bảo đảm sự bảo hộ cho mỗi bộ lạc. Trong suốt TK XIX, có những nhà quan sát khác thông báo những sự kiện tương tự diễn ra ở châu Úc, ở Pêru, ở châu Phi,… Thậm chí người ta xét đoán rằng thể chế vật tổ rất giống với những tập quán đã được biết tới ở các cư dân thời cổ, chẳng hạn ở người Celtes, là những người cũng thờ linh hồn động vật.
Mốt vật tổ trong tộc người học
Năm 1865, nhà tộc người học người Scotland John F. MacLennan (1927-1881) viết một bài cơ bản về vật tổ trong Chamber’s Encyclopedia, về sau trở thành một tài liệu gốc được nhiều người dựa vào. J.F. MacLennan cho rằng tục thờ vật tổ là một giai đoạn phổ quát mà tất cả các xã hội người đều đã trải qua, bằng chứng là nó được báo hiệu ở nhiều vùng trên thế giới. Theo ông, có lẽ đó là nguồn gốc của hiện tượng xã hội và tôn giáo. J.F. MacLennan còn nhận xét rằng thể chế vật tổ gắn với một sự cấm kỵ tính dục không cho phép lấy một người thuộc bộ lạc mình. Tác giả này cho rằng đằng sau sự cấm kỵ ấy là một sự bắt buộc được che đậy nhằm khuyến khích một quy tắc “ngoại hôn” (thuật ngữ tộc người học mà ông là người đặt ra, có nghĩa là bắt buộc phải tìm một người chồng ở bên ngoài bộ lạc mình). Chẳng hạn, những thành viên của bộ lạc quạ bắt buộc phải lấy người thuộc bộ lạc chim ưng (và ngược lại). Hơn nữa, người ta có thể tìm thấy những cấm kỵ về ăn uống có liên quan với con vật được coi là vật tổ: cấm giết và ăn thịt con vật ấy, vì đó là một người anh em hay một vị tổ tiên. Sự gắn kết này giữa tổ chức xã hội (bộ lạc), tôn giáo (thờ một linh hồn động vật), cấm đoán tình dục (ngoại hôn) và những cấm kỵ về ăn uống chưa thấy nêu ra ở những nhà tộc người học đầu tiên. Thật vậy, từ những năm 1880, việc thờ vật tổ mới trở thành một trong những chủ đề đặc biệt ưa thích của bộ môn tộc người học vừa mới ra đời.
Tất cả những tên tuổi lớn của môn học này – Herbert Spencer, Edward B.Tylor, Willam R.Smith, John Lubbock, James George Frazer, Arnold Van Gennep, Emile Durkheim – sẽ lấy việc thờ vật tổ làm đối tượng nghiên cứu. Một số tác giả, như tu viện trưởng Breuil (1877-1961) hay Salomon Reinach (1858-1932), còn gợi ý rằng các con vật được phát hiện trong các hang động tiền sử có thể là biểu hiện của một lối thờ vật tổ tiền sử. Đằng sau những khác biệt về lý giải, tất cả đều đồng ý coi đó là một thể chế nguyên thủy nằm ngay trong những nguồn gốc của tôn giáo.
Ba cuốn sách quan trọng về chủ đề này được xuất bản đầu những năm 1910. Đó trước hết là của J.G.Frazer xuất bản năm 1910, Tôtem giáo và tục ngoại hôn (1), một cuốn sách đồ sộ gồm bốn tập, liệt kê tất cả những dữ kiện đã được biết tới về chủ đề này vào thời đó, và rất nhanh chóng được coi là một sự quy chiếu. Rồi đến năm 1912, Sigmund Freud (1856-1939) công bố Vật tổ và cấm kỵ (2). Cuốn sách là một kiểu kịch bản hư cấu về những nguồn gốc, được xây dựng chung quanh đề tài giết cha. Theo S.Freud, việc giết cha là nền tảng của tôn giáo và của đạo đức. Cùng năm đó, E.Durkheim cho ra mắt cuốn sách lớn về Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo, với phụ đề Hệ thống vật tổ ở châu Úc.
E.Durkheim (giống như S.Freud hay J.G.Frazer), chưa bao giờ đích thân quan sát hiện tượng vật tổ. Là một nhà tư tưởng phòng giấy, ông khai thác nhiều nguồn thư tịch đề để dựng lên lý thuyết của mình. Điều đó rất phù hợp với sự phân công lao động theo cách hiểu của ông: với nhà tộc người học về việc chăm nom thu thập những dữ kiện điền dã, với nhà xã hội học về việc phân loại, tổng hợp những dữ kiện để tìm được một sự giải thích chung. Trong những nguồn được E.Durkheim sử dụng, có nhiều cuộc điều tra cẩn thận về việc thờ vật tổ châu Úc của Francis J.Gillen (1856-1912) và Baldwin Spencer (1860-1929).
Người Irland F.J.Gillen đã di cư sang châu Úc, nơi ông làm nghề điện tín viên. Nhà nghiên cứu tự học này quan tâm tới thổ dân và trong nhiều năm đã tích lũy được nhiều sự quan sát về lối sống của họ. Việc ông gặp B.Spencer, một nhà tự nhiên học, giáo sư ở Melbourne đã tới khu vực này để tìm kiếm con dúi có túi (một thứ chuột chũi có túi), là có ý nghĩa quyết định. Hai ông quyết định liên kết với nhau để nghiên cứu thổ dân. Họ cùng nhau công bố nhiều cuộc nghiên cứu mà về sau trở thành những tài liệu cơ sở không thể bỏ qua được. Trong đó họ mô tả tỉ mỉ những phong tục, những tín ngưỡng và những nghi thức của các bộ lạc ở miền nam và miền bắc châu Úc.
Ở những người thổ dân
Thổ dân thường sống thành bầy vài cá thể, từ mười đến hai mươi người, tương ứng với một hai gia đình: chẳng hạn hai anh em và những người vợ của họ (theo chế độ nhiều vợ và có thể có hai hay ba vợ) và con cái. Đàn ông làm công việc săn bắt (kanguru, đà điểu,…) như một hoạt động sang trọng mà đàn bà bị cấm, cũng như làm những nghi thức tôn giáo chủ yếu. Đàn bà thì hái lượm (các quả mọng, trứng, thằn lằn, côn trùng…) và giữ lửa. Những nhóm gia đình nhỏ du cư trên cùng một lãnh thổ ấy liên kết với nhau bằng những liên hệ bộ lạc. Mỗi bộ lạc, như của người Walpiri hay người Arunta, chia làm hai, bốn hay tám thị tộc và mang những tên gọi khác nhau. Họ có những quy tắc xác định rõ những luật lệ hôn nhân giữa các bộ lạc ấy. Nếu bộ lạc chia thành hai (trường hợp đơn giản nhất), thì những thành viên của thị tộc A nhất thiết phải tìm cho được một người chồng ở thị tộc B và ngược lại. Khi các bộ lạc chia thành nhiều thị tộc, các quy tắc kết hôn trở nên rất phức tạp. Vào một số thời kỳ trong năm, thành viên của nhiều thị tộc thường tụ tập trong những nghi lễ lớn kéo dài nhiều ngày. Những nghi lễ ấy đưa tới những nghi thức ca hát và nhảy múa trong nhiều giờ liền, thân hình tô vẽ những huy hiệu của thị tộc mình. Người ta lợi dụng những nghi lễ ấy để vẽ lên nền đất, lên vỏ cây hoặc lên vách hang đá nhiều hình ảnh mà chỉ những người đã qua lễ trưởng thành mới có thể “đọc” được. Mỗi thị tộc còn có những huyền thoại phức tạp phù hợp với thời gian nằm mơ (dreamtime), một kiểu xứ sở bên kia có những linh hồn làm sống dậy thế giới. Trong những linh hồn ấy, nhiều linh hồn mang tên động vật hay cây cối: giấc mơ con vật có túi đuôi quấn, giấc mơ thằn lằn, giấc mơ ngôi sao,… F.J.Gillen và Spencer còn gợi ra sự tồn tại của những vật thiêng, như churinga, môt vật bằng gỗ hay bằng đá được dùng làm nơi trú cho một linh hồn tổ tiên, mà một số trong đó rõ ràng được dùng cho việc thờ vật tổ.
Những nghi lễ tập thể lớn ấy, như đã được F.J.Gillen và B.Spencer cho biết, khiến cho E.Durkheim rất quan tâm, vì ông thấy đó là một trong những nền tảng của tôn giáo châu Úc, và do đó, của việc thờ vật tổ. Giống như đối với những nhà tộc người học khác, việc thờ vật tổ đối với E.Durkheim là hình thức đầu tiên của tôn giáo. Nhưng ông lại bác bỏ những luận điểm của các tác giả khác, như E.B.Tylor, J.G.Frazer hay Max Muller (1823-1900), những người từng giải thích sự ra đời của tôn giáo bằng tâm lý cá nhân: nhu cầu giải thích những bí ẩn của tự nhiên hay để được che chở đối với những bí ẩn ấy. Việc thờ vật tổ, E.Durkheim nhận xét, trước hết là một hiện tượng tập thể. Linh hồn – vật tổ được tôn sùng bởi một nhóm lấy nó làm biểu hiệu (embleme). Luận điểm trung tâm của E.Durkheim, vì thế, cho rằng tôn giáo vật tổ có chức năng gắn kết những thành viên của xã hội với nhau. Khi tôn sùng một vị thần được biểu hiện bằng một vật tổ tập thể, người ta chỉ thiêng liêng hóa một cách vô thức mối liên hệ gắn họ với nhau. Vật tổ chỉ là sự phản ánh lý tưởng xã hội của họ. “Thượng đế là xã hội”, E.Durkheim tóm tắt như vậy; và những vị thần hiện thân dưới hình thức động vật hay cây cối vật tổ chỉ là hình ảnh hiện thân của nhóm. Rốt cuộc, thờ vật tổ không phải là một sự sùng bái con vật mà là thờ cúng một sức mạnh đem lại linh hồn cho nó: mana. Khi thổ dân cầu xin linh hồn của chó sói hay của rắn cầu vồng, thì đó là một sức mạnh che giấu, “linh hồn” hay mana (sức mạnh, linh hồn…), được họ dựa vào mà không phải là bản thân con vật.
Theo E.Durkheim, chỉ khi có những cuộc tụ hội lớn của họ, như F.J.Gillen và B.Spencer mô tả rất rõ, có ca hát và nhảy múa, khi đó nhóm mới có ý thức về bản thân nó. Vào dịp này, nhóm tạo ra một biểu tượng thống nhất của nó qua những hình ảnh tượng trưng (những hình động vật và thực vật). Và đến lượt nó, biểu tượng tập thể ấy tạo ra xã hội bằng cách gắn kết những thành viên của nó chung quanh một biểu hiệu chung. Như vậy, thờ vật tổ là “một cộng đồng tinh thần” được rèn đúc bởi một sức mạnh tâm thần vô hình (mana) hiện thân dưới những hình thức khác nhau theo từng nhóm: một con chim cắt, một con chim ưng, một con thằn lằn, một con rắn, đôi khi một vầng trăng lưỡi liềm…
Những năm 30: những phê phán và việc giải cấu trúc
Nhưng không phải tất cả các nhà tộc người học đều tán thành quan điểm về vai trò trung tâm của vật tổ ấy. Trong khi những công trình nghiên cứu về thờ vật tổ tích dồn lại, thì một số tác giả bắt đầu thấy ra tính nước đôi của thuật ngữ này, thậm chí nghi ngờ tính thống nhất của hiện tượng này.
Franz Boas (1858-1942), một tên tuổi lớn của nhân học Mỹ, nhận xét rằng từ vật tổ được dùng để mô tả những hiện thực khác nhau. Một trong những học trò của ông, Alexander A.Goldenweiser (1880-1940), đã chứng minh trong một loạt nghiên cứu ở người Iroquois rằng trong nhiều bộ lạc không có sự tương ứng giữa việc gọi thị tộc mình với tên một con vật và việc thờ cúng đối với con vật ấy. Cũng vậy, sự liên kết giữa thờ vật tổ và cấm kỵ tính dục hay ăn uống là không có tính hệ thống. Chẳng hạn, ở người Iroquois, nếu các thị tộc được chỉ bằng tên gọi những con chim hay những con vật có vú, thì không có một cấm kỵ nào không được ăn con vật ấy; cũng thế, họ không sùng kính con vật ấy như một vị tổ tiên. A.Goldenweiser, do đó, đã lầm lẫn khi liên kết tổ chức thị tộc (được đồng nhất với tên một con vật), việc thờ các thần linh và các quy tắc hôn nhân thành một hệ thống thống nhất.
Việc nghiên cứu trường hợp Polynésie cũng góp phần làm nổ tung khái niệm thờ vật tổ. Năm 1914, nhà tâm lý học William H.Rivers (1864-1922) tưởng rằng có thể chứng minh sự tồn tại của việc thờ vật tổ trên hòn đảo nhỏ Tikopia. Nhưng vài năm sau, người Anh Raymond W.Firth đã lấy lại hồ sơ ấy và chứng minh rằng việc thờ vật tổ của Rivers trên thực tế là tương ứng với những thể chế không ăn khớp nhau: một bên là tổ chức của thị tộc, và một bên là mối liên hệ ma thuật – tôn giáo giữa người và con vật. Không có sự tương ứng giữa việc tự gọi bằng tên một con vật và việc tôn thờ nó, cũng như không có chuyện lấy con gà trống Gaulois làm biểu hiệu của nước Pháp tại một số môn thể thao có nghĩa là người Pháp thực hành một sự thờ cũng gà trống, hay coi nó như tổ tiên của họ và không ăn thịt nó!
Từ những năm 30, việc thờ vật tổ mà cho tới lúc đó là một trong những nền tảng nghiên cứu nhân học, đã bắt đầu tan rã. Một số tác giả, như Adolphus P.Elkin (1891-1979), xuất phát từ những cuộc điều tra so sánh ở châu Đại dương, đã làm vỡ tung khái niệm này bằng cách phân biệt những cách thờ vật tổ cá nhân, tính dục, thị tộc, địa phương, phức hợp, mỗi cách có những hành vi xã hội khác nhau. Một số tác giả khác thậm chí còn đi tới chỗ từ bỏ khái niệm này. Càng ngày nó càng bị các nhà tộc người học xuất sắc, như Robert Lowie (1883-1957), Alfred Radcliffe Brown (1881-1955) hay Edward Evans Pritchard (1902-1973) coi là giả tạo. Từ những năm 1940, việc thờ vật tổ bắt đầu mất đi sự quan tâm của tộc người học đối với nó. Những tác giả còn tiếp tục nói tới nó từ nay chỉ coi nó như một liên hệ rất chung để thống nhất một nhóm người với một cái tên động vật.
Claude Lévi Strauss: suy nghĩ lại về việc thờ vật tổ
Thế nhưng, năm 1962, Claude Lévi Strauss đã lấy lại hồ sơ này và công bố một cuốn sách nhỏ: Thờ vật tổ ngày nay. Về căn bản, nhà nhân học này tán thành những sự phê phán của những người đi trước mình. Ông bác bỏ sự đồng nhất giữa tên gọi của một thị tộc, tín ngưỡng tôn giáo và các quy tắt ngoại hôn. Nhưng không chỉ bác bỏ, ông còn đề xướng một con đường khác: suy nghĩ lại về hiện tượng vật tổ trong một cái khung giải thích mới.
Từ cái người ta gọi là thờ vật tổ, nhà nhân học người Pháp đề nghị chỉ giữ lại một yếu tố: tên gọi một thị tộc bằng một cái tên động vật, cây cối hay một hiện tượng tự nhiên nào khác (một con chim, một cái cây, mặt trời, sấm sét,…). Đối với C.Lévi Strauss, mối liên hệ này chỉ là một hình thức “xưng danh”, nghĩa là một cách để cho nhóm tự gọi. Chính xác hơn, đó là một cách tự xác định đối với các thị tộc khác. Vì cái căn bản là nằm trong sự đối lập và sự giống nhau với các thị tộc khác. Ở đây, C.Lévi Strauss lấy lại, bằng cách phổ quát hóa, một ý tưởng đã có ở E.Durkheim, Henri Bergson (1859-1941) và của A.Radcliffe Brown. Bằng cách tự gọi là “chó sói”, không phải là để một nhóm khẳng định một nguyên tắc đồng nhất đối với những thành viên của nó, đó trước hết là để xác định một dấu hiệu phân biệt với các thị tộc láng giềng. Các thị tộc Úc ở triền sông Darling, ở Nouve Galles phía Nam cho chúng ta một ví dụ rõ ràng. Các thị tộc này chia thành hai nửa; thị tộc chim cắt và thị tộc quạ. Cả hai đều là những con chim ăn thịt. Nhưng trên một bình diện khác, chim cắt và quạ đối lập với nhau: một bên là loài chim săn mồi, bên kia là loài chim kền kền bất nhân (charognard). Giống nhau về một vài mặt, chúng lại ngược nhau về một vài mặt khác. Và đó chính là hiện tượng vật tổ, theo C.Lévi Strauss. Việc so sánh này cho phép diễn đạt những mối liên hệ giữa hai thị tộc trên bình diện tượng trưng. Chúng thuộc một giống (chim ăn thịt), nhưng lại rất trái ngược nhau (một bên là chim săn mồi, bên kia là chim lấy trộm thức ăn). Mối liên hệ giống nhau/ ngược nhau ấy cho phép các thị tộc tự phân biệt nhau. Chim cắt và quạ đối lập nhau như hai con vật vừa liên kết vừa đối lập nhau, giống như âm và dương, mặt trăng và mặt trời, lạnh và nóng.
Vì thế, theo C.Lévi Strauss, thờ vật tổ là một cách suy nghĩ về thế giới từ những phạm trù rõ rệt, một sự chia cắt thế giới theo những nguyên lý tương hợp và đối lập. C.Lévi Strauss chỉ làm công việc áp dụng vào việc thờ vật tổ một nguyên lý đã được tư duy của những dân nguyên thủy sử dụng. Việc chia cắt xã hội thành những thị tộc vật tổ chỉ là để thể hiện một thuộc tính phổ quát của đầu óc con người: suy nghĩ về thế giới bằng cách phân loại nó bằng những phạm trù logic (3).
Cách tiếp cận về thờ vật tổ của C.Lévi Strauss, do đó, là rất trung thành với tinh thần của chủ nghĩa cấu trúc đã được ông áp dụng vào huyền thoại và vào những liên hệ thân tộc. Đối với ông, các loài tự nhiên không phải là do các thị tộc lựa chọn như những loại ăn được hay không ăn được, mà như những “loài thuận tiện cho tư duy”. Như vậy, ông lột bỏ khỏi việc thờ vật tổ khỏi mọi thuộc tính tình cảm, xã hội, để biến nó thành một hệ thống tư duy. Cách tiếp cận trần trụi ấy không quan tâm đến các chức năng xã hội của vật tổ hay các nghi thức gắn kết với các chức năng ấy.
Cái chết của một khái niệm
Tuy được tôn trọng nhưng cách tiếp cận cấu trúc về việc thờ vật tổ sau đó không được tiếp tục. Phải nói rằng chủ nghĩa cấu trúc từng thống trị trong những năm 60 đã dần dần mất đi sức hấp dẫn của nó trong các nhà tộc người học, hay nói một cách chung hơn, trong các khoa học nhân văn. Từ luận điểm của C.Lévi Strauss, người ta chủ yếu giữ lại kỷ niệm về một sự giải cấu trúc theo quy tắc “ảo giác logic” trước đây.
Ngày nay vấn đề thờ vật tổ đã chìm trong những sự mơ hồ của nhân học. Thế nhưng khái niệm đó đã có một lịch sử lâu dài và xây dựng. Vật tổ trước hết đã được nhìn nhận như một tôn giáo thị tộc đóng một vai trò căn bản trong lịch sử con người: nó được coi như một thể chế phổ quát vào lúc khởi đầu của tôn giáo. Rồi người ta thấy từ này trên thực tế đã tập hợp những hiện thực rất khác nhau. Thị tộc, sự thờ cúng động vật, những cấm kỵ tính dục đã có mặt trong nhiều xã hội nguyên thủy, nhưng tất cả những yếu tố ấy hiếm khi được gắn kết với nhau. Cuối cùng, từ này và ý tưởng về nó đã rơi vào sự gạt bỏ ở các nhà tộc người học. Chúng chỉ còn được dùng với vô số những cân nhắc. Trong trường hợp tốt nhất, người ta coi nó như một nguyên tắc phân loại thế giới xã hội, với việc lột bỏ những thuộc tính tôn giáo.
Sau khi giữ một vai trò lớn, tục thờ vật tổ đã bị vứt bỏ, bị đưa xuống hàng những ảo giác về quá khứ. Một ảo giác khoa học cho thấy rằng các nhà tộc người học cũng có những tín ngưỡng và huyền thoại của họ.
_______________
1. Tác phẩm này, Tôtem giáo và tục ngoại hôn, của Frazer tuy chưa được dịch ra tiếng Việt, nhưng bạn đọc quan tâm có thể đọc thấy nhiều tư liệu ở một tác phẩm khác của tác giả: Cành vàng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Nxb Văn hóa Thông tin, 2007.
2. Có thể tham khảo phần lớn tác phẩm này trong cuốn Phân tâm học và văn hóa tâm linh do Đỗ Lai Thúy biên soạn, Nxb Văn hóa Thông tin, 2003, 2005.
3. Ở Việt Nam, tôtem giáo được đề cao. Người đầu tiên, hẳn là chịu ảnh hưởng của Lévi – Strauss, coi tôtem giáo không phải là một thiết chế tôn giáo nguyên thủy, mà là một hình thức tư duy là Trần Quốc Vượng. Ví như, ông coi Âu Cơ – Lạc Long Quân không phải là vật tổ, mà chỉ là biểu hiệu cho sự phân biệt người ở vùng cao, vùng núi (chim) và người ở vùng thấp, vùng nước (rồng)…
Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009
Tác giả : Jean Francois Dortier (Việt Chung lược dịch)
Bài viết cùng chủ đề:
Vận dụng quan điểm hồ chí minh về xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị
Con trâu trong văn hóa đông phương
Hoa đào – một biểu tượng xuyên văn hóa