Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu tham quan, du lịch của người Hà Nội đang biến đổi theo những xu hướng khác nhau, trong đó có xu hướng tham quan, du lịch dịp tết Nguyên đán. Trước đây, theo thông lệ, tết Nguyên đán là thời điểm để gia đình, người thân, bạn bè quây quần sum họp bên nồi bánh chưng, cây hoa đào, khay mứt tết, bên bữa cơm gia đình đầm ấm. Đó cũng là thời điểm mà mỗi người mong muốn được quay trở về nhà sau những tháng ngày đi làm, đi học ở xa. Không biết từ bao giờ, tết được gắn liền với ước mong trở về dưới mái nhà ấm cúng. Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội, người dân có xu hướng đi tham quan, du lịch ở những địa điểm vui chơi, giải trí, tâm linh vào dịp tết Nguyên đán.
Xu hướng tham quan, du lịch của người dân Hà Nội vào dịp tết Nguyên đán chỉ mới xuất hiện khoảng chục năm trở lại đây, đang trở thành một đề tài gây tranh cãi trên các mặt báo, diễn đàn… Những người ủng hộ việc tham quan, du lịch vào dịp tết, chủ yếu là trẻ tuổi, cho rằng đây là một hướng đi mới để phát triển du lịch cũng như để giải tỏa căng thẳng sau một năm làm việc, học tập. Du lịch vào dịp giao thoa giữa năm cũ với năm mới cũng là một cách hay để khám phá những phong tục đón tết ở khắp nơi trên mọi miền đất nước, cũng như là ở những quốc gia khác. Không những vậy, vào dịp tết, khi khắp nơi nô nức đón mùa xuân mới, khi tiết trời thuận hòa, không khí tràn đầy nhựa sống thì việc du lịch như để tăng thêm niềm hứng khởi cho một năm mới, tiếp thêm sinh khí để bắt đầu một chuỗi ngày làm việc, học tập, lao động hiệu quả. Đây cũng là lúc mọi người, mọi nhà đi chùa, đình, đền để cầu lộc, cầu an, mong cho mình và gia đình, người thân một năm mới no đủ, ấm êm, an lành, hạnh phúc. Với những người không ủng hộ việc du lịch trong những ngày đầu xuân mới, họ lại có những lý lẽ riêng của mình. Tác giả Trần Quang Hưng từng nói: “Tôi rất thích đi du lịch đến những miền đất xa nhưng chưa bao giờ tôi làm điều đó vào những ngày tết. Tết là để trở về nhà nạp năng lượng. Chẳng đâu ấm áp đối với tôi hơn góc bếp của mẹ vào những ngày tết” (1). Dù còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên hay không nên đi du lịch vào dịp tết Nguyên đán, nhưng phải thừa nhận, với tư duy mới trong việc chọn lựa hình thức giải trí cũng như tận hưởng những ngày đầu năm mới của người dân Việt đã cho thấy một bước tiến mới trong tư tưởng của họ. Đây cũng là một việc làm đánh dấu bước khởi sắc cho du lịch Việt Nam những ngày đầu năm, đưa lại cơ hội cho các công ty du lịch, dịch vụ giải trí, tâm linh những phân khúc thị trường chủ đạo hàng năm, mang đến những hình thức phục vụ tốt nhất cho người dân cũng như khách du lịch. Việc du lịch đầu năm mới cũng là một trong những phương thức để thúc đẩy thị trường bán lẻ những mặt hàng liên quan đến du lịch, mang lại một khoản lợi nhuận không nhỏ cho những tiểu thương để trang trải cuộc sống sau một mùa tết phải chi tiêu quá nhiều thứ trong cuộc sống của cá nhân, gia đình. Xét ở một khía cạnh nào đó, việc du lịch đầu năm mới của người dân không chỉ mang lại sự hưởng thụ về mặt văn hóa cho chính những người tham gia các chuyến du lịch đó, mà còn giúp làm tăng GDP một cách hiệu quả sau những ngày tết vật giá gia tăng, làm sụt giảm lượng hàng hóa được trao đổi, mua bán trên thị trường.
Hà Nội, cũng như một số thành phố lớn như TP.HCM, Huế, Vinh, Đà Nẵng… với việc tiếp nhận một lượng khách du lịch lớn đều đặn hàng năm vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, đã tạo nên một thói quen về phục vụ du lịch một cách năng động, chủ động, tạo tiền đề cho thị trường phát huy tính tích cực, không bị ngưng trệ. Việc cơ cấu, sắp xếp các dịch vụ du lịch để phục vụ khách tham quan trong vài năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực. Có thể nói, từ khi các tập đoàn kinh tế đẩy mạnh hướng đi của mình sang đầu tư cho du lịch, đã khiến cho thị trường vận tải hành khách sôi động hẳn lên, những dịch vụ mới được hình thành, các hình thức vui chơi, giải trí, tâm linh tìm được cho mình những cách thức mới trong phục vụ du khách vào mỗi dịp tết Nguyên đán. Không những vậy, các loại hình văn hóa cổ truyền của dân tộc cũng phát huy được những mặt mạnh của mình, tìm được hướng tiếp cận gần gũi hơn với công chúng hiện đại mà không làm mất đi bản chất vốn có của di sản.
Điều đáng lưu ý trong những gói du lịch phục vụ du khách khi đến với các thành phố lớn, trong đó có cả du khách là người Hà Nội, đó là mức độ quan tâm của họ đối với văn hóa cổ truyền. Bản chất của văn hóa cổ truyền là không thể biến đổi, bởi chỉ cần biến đổi một thành tố thì cũng đã trở thành lai căng, phản văn hóa. Nhưng các công ty du lịch cũng như các địa điểm du lịch đã có một hướng đi thông minh trong việc truyền tải văn hóa cổ truyền đến với du khách một cách mới mẻ, văn minh. Đó là kết hợp nó với những thiết bị hiện đại, lối trình diễn mới, sáng tạo ra những tác phẩm văn hóa vẫn có nét truyền thống mà vẫn đến gần được với công chúng. Chính những điều này thu hút khách du lịch từ những thành phố lớn, trong đó có thủ đô Hà Nội đến với những điểm vui chơi, giải trí hoặc tâm linh trong dịp tết Nguyên đán ngày càng gia tăng. Một ưu điểm nữa được ghi nhận là khi có sự kết hợp này, cùng với thái độ phục vụ tích cực đã truyền tải niềm cảm hứng đến với giới trẻ, những phân khúc thị trường mà từ lâu văn hóa cổ truyền mong muốn hướng đến. Nếu trước đây, các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, cổ truyền dân tộc luôn loay hoay trong việc tiếp cận đối tượng khán giả trẻ, thì ngày nay, với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, cùng lối tư duy cởi mở, đồng thời có sự góp sức của chính những bạn trẻ sinh hoạt trong các nhóm về văn hóa cổ truyền, đã tiếp thêm sức mạnh để đưa nền văn hóa của dân tộc đến với đông đảo công chúng, trong đó có giới trẻ nhiều hơn.
Cần nhìn nhận một thực tế là nhu cầu đi tham quan, khám phá vào dịp tết Nguyên đán của người dân Hà Nội tăng cao cũng như diễn ra đều đặn hàng năm đã tạo ra một thói quen phục vụ nghệ thuật truyền thống ở những địa điểm du lịch. Điều này giúp cho văn hóa cổ truyền có một sự chuẩn bị chủ động, tích cực để tạo nên những buổi biểu diễn có kịch bản chỉn chu, có lớp lang bài bản nhằm phục vụ du khách. Nó gần như đã tạo nên một thói quen tiêu dùng văn hóa có chủ đích vào những dịp lễ tết, đó chính là điều mà văn hóa cổ truyền cần để xây dựng nên một kế hoạch lâu dài, định hướng cho từng đường đi, nước bước, nhằm phát triển trong tương lai. Mặt khác, các nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cổ truyền sẽ có sân chơi, có công chúng, khán giả riêng cho mình vào mỗi dịp cuối năm, tạo nên cho họ không khí làm việc tích cực, hăng say. Bên cạnh đó, việc cho văn hóa cổ truyền một dịp để phô diễn, phục vụ công chúng cũng dần tạo nên một nếp nghĩ, đưa nó trở thành một điều không thể thiếu được trong cuộc sống, tồn tại trường tồn cùng với dân tộc.
Không chỉ với việc tiếp cận các phân khúc thị trường mới, văn hóa cổ truyền ở Hà Nội còn đối mặt với thách thức về sự cân bằng trong giữ gìn bản sắc với đẩy mạnh hoạt động nhằm gia tăng giá trị thặng dư cho kinh tế thủ đô. Chỉ riêng đối với du lịch, trước đây, khi tết Nguyên đán chỉ là dịp để người dân trở về sum họp với gia đình thì việc di chuyển của dân nhập cư về các tỉnh cũng như ở các tỉnh, thành về với Hà Nội vẫn còn là vấn đề không quá phức tạp. Tuy nhiên, khi xu hướng tham quan, du lịch vào dịp tết của người dân Hà Nội tăng cao, vô hình chung đã gây nên sức ép không nhỏ cho thị trường du lịch. Cơ hội rộng mở cũng đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của các công ty vận chuyển hành khách càng được đẩy mạnh. Không có cạnh tranh thì không thể phát triển, điều này là đương nhiên; tuy vậy, đã xuất hiện những biểu hiện không lành mạnh trong việc vận hành của những công ty du lịch, nhằm tranh khách, giành giật thị trường trong dịp tết Nguyên đán, gây ra bất lợi không chỉ cho chính những công ty đó, mà còn cho khách du lịch, làm nhiễu loạn thị trường dịp tết. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với mảng văn hóa cổ truyền của thủ đô, khiến ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ du khách đến với Hà Nội.
Đối mặt với những thực tế đó, trong vài năm trở lại đây, Hà Nội đã có những giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ du khách dịp tết Nguyên đán. Trong mảng văn hóa cổ truyền, những buổi biểu diễn được diễn ra thường xuyên hơn, có sự đầu tư nghiêm túc hơn. Hơn nữa, những yếu tố của văn hóa cổ truyền còn được sử dụng một cách linh hoạt, uyển chuyển, khéo léo để trở nên hấp dẫn, phù hợp với thời đại, kết hợp cả những trang, thiết bị hiện đại trong truyền tải văn hóa. Các nghệ nhân của Hà Nội đã có sự tiếp xúc với công nghệ để đẩy mạnh truyền bá văn hóa cổ truyền, cũng như sử dụng những phương tiện này trong việc kết hợp biểu diễn, tạo nên sự hứng thú cho người thưởng thức. Điều này cũng đã nhằm khẳng định được tên tuổi của văn hóa cổ truyền thủ đô trên bản đồ văn hóa hội nhập với thế giới, tạo nên hiệu ứng tốt để thu hút những đối tượng khán giả mới.
Trở lại với du lịch, các công ty du lịch đã tìm được cách để thỏa mãn nhu cầu thị trường. Với lượng người di chuyển từ các tỉnh, thành hoặc từ các sân bay, nhà ga, bến xe về thành phố, đặc biệt là những địa điểm du lịch liên quan đến tâm linh, văn hóa, Hà Nội cũng đã sắp xếp xe cộ, phân luồng giao thông hợp lý hết mức có thể để việc vận tải hành khách được dễ dàng hơn. Những cố gắng của thành phố về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, phân bổ bến bãi… là điều đáng ghi nhận. Người dân Hà Nội đi du lịch đến những địa điểm này cũng đã nhận được những hỗ trợ tích cực từ các cảng biển, hải quan, sân bay, bến xe, bến tàu… trong việc làm thủ tục, rút bớt thời gian chờ đợi, được bố trí chỗ ăn, nghỉ phù hợp… Các hình thức du lịch liên quan đến mảng văn hóa cổ truyền cũng ngày càng đa dạng, hấp dẫn, giá cả hợp lý, cách di chuyển, sắp xếp ăn, nghỉ chu đáo, đã khiến cho người dân ngày càng được thụ hưởng các giá trị tích cực của sự cạnh tranh trong thị trường du lịch tại Hà Nội. Mặt khác, việc siết chặt các quy định đối với các công ty du lịch phục vụ du khách nhân dịp tết Nguyên đán đến với các dịch vụ du lịch văn hóa cổ truyền, tâm linh cũng đã phần nào giảm bớt sự các vấn đề bức xúc xung quanh câu chuyện này, tăng niềm tin, sự thoải mái của du khách khi đến những địa điểm đó. Sự phối hợp của các công ty du lịch với cơ quan quản lý nhà nước đã phần nào giải quyết cơ bản các vấn đề còn tồn đọng trong việc vận chuyển hành khách dịp tết cổ truyền.
Trong năm 2018, Công ty du lịch Vietravel dự kiến phục vụ 38.000 lượt khách đi từ Hà Nội, tăng 20 – 25% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng từ mùng 1 đến 3 tết Nguyên đán, có gần 20.000 lượt khách khởi hành du xuân. Tại Công ty du lịch Transviet, tính chung, lượng khách Hà Nội đi du lịch tết âm lịch năm nay tăng khoảng 25%. Tỷ lệ này cũng tương đương ở Công ty TST Tourist (2). Chỉ một vài chỉ số của một số công ty du lịch lớn ở Hà Nội cũng đã cho thấy xu hướng tham quan, du lịch của người dân thủ đô dịp tết Nguyên đán có chiều hướng ngày càng gia tăng. Điều đó cũng cho thấy một thực tế là nếu để đánh giá khách quan về việc nên hay không nên đi du lịch văn hóa vào dịp Tết cổ truyền thì rất khó để đưa ra một nhận định chính xác. Tùy theo quan điểm của từng cá nhân, theo mức sống của từng gia đình mà việc đi du lịch dịp tết sẽ được quyết định là nên hay không nên. Một xu hướng mới, dù khi ra đời, có thể vấp phải ý kiến trái chiều, nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã tạo nên một nếp nghĩ mới, mở ra những lựa chọn mới cho những người muốn khám phá, tìm hiểu những nét lạ trong một hiện tượng văn hóa cổ truyền như tết Nguyên đán.
Xu hướng tham quan, du lịch của người dân Hà Nội dịp tết Nguyên đán là một trong những hướng đi mới của văn hóa cổ truyền. Khoan hẵng bàn về việc điều này đúng hay sai, mà hãy nhìn nhận nó như một hiện tượng văn hóa đang diễn ra, một khía cạnh, tư duy rẽ hướng trên con đường mòn mà văn hóa cổ truyền vẫn đi lâu nay. Bài viết không có ý định cổ xúy cho việc ngao du ngoạn cảnh vào dịp tết cổ truyền mà bỏ quên đi những tập tục, văn hóa đẹp muôn đời của dân tộc; ở đây, tác giả chỉ muốn đề cập đến một xu hướng mới trong nếp nghĩ về văn hóa cổ truyền của người dân thủ đô. Đây là một hiện tượng ra đời từ nền văn hóa dân tộc, nếp sống lâu đời của người dân Hà Nội nói riêng cần được đầu tư nghiên cứu, quan tâm đúng mức. Đồng thời, nó cũng cần có cho mình một định hướng rõ ràng, cụ thể, nhằm phát huy những điểm mạnh vốn có, mang lại lợi ích, không chỉ cho mỗi cá nhân người thụ hưởng mà còn cho cả nền kinh tế quốc gia.
_______________
1. Trần Quang Hưng, Mỗi năm có ba ngày tết, sao đành bỏ nhà đi du lịch?, Báo Tuổi trẻ, ngày 26-2-2018.
2. Chỉ số theo thống kê của Tổng cục Du lịch.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018
Tác giả : TRỊNH PHƯƠNG THU
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long