Về quyền sở hữu di sản văn hóa ở việt nam


         Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTƯ khóa VIII nêu rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”. Luật Di sản văn hóa khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”(1).

Di sản văn hóa Việt Nam là sản phẩm sáng tạo trong quá trình hoạt động sống của người Việt Nam và là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Như vậy, di sản này là của cộng đồng – những chủ thể sáng tạo và tất nhiên họ sẽ là người sở hữu.

Luật Di sản văn hóa được ban hành cũng nhằm bảo vệ kho tài sản đặc biệt này của cộng đồng, của quốc gia. Nhà nước, với công cụ pháp luật, bộ máy hành chính, sự đầu tư tài chính, các tổ chức quản lý giúp các chủ sở hữu bảo vệ tài sản của mình một cách tốt nhất, khai thác được những giá trị nhân văn sâu sắc nhất, để làm thành nền tảng tinh thần cho xã hội, khơi nguồn sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người tiếp tục sáng tạo vì sự phát triển của cộng đồng. Từ luật năm 2001 đến luật bổ sung năm 2009, các điều khoản đã nêu rõ vai trò của nhà nước trong việc giúp cộng đồng và người dân lưu giữ, khai thác di sản văn hóa. Đó là những quy định về việc kiểm kê di sản, xác định những yếu tố gốc, những giá trị lịch sử, văn hóa, nguy cơ mai một và biến mất của di sản văn hóa, khả năng khai thác và khai thác như thế nào, vị trí, trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân, sự vi phạm trong khai thác di sản văn hóa,…

Trên nguyên tắc, chủ thể sáng tạo là chủ sở hữu và cũng là những người khai thác, lưu giữ các di sản văn hóa Việt Nam. Nhà nước hay các bộ, ngành quản lý văn hóa, các cơ quan nghiên cứu có tư cách đại diện của chủ thể thực hiện các công việc có liên quan tới việc kiểm kê trữ lượng di sản, nghiên cứu và nhận diện các dạng thức di sản, tổ chức bảo vệ và khai thác nguồn di sản văn hóa này.

Với sự kết hợp giữa trung ương và địa phương, việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm làm sống lại kho di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể ở những quy mô khác nhau.

Năm 1999, cả nước có 4 vạn di tích, trong đó có 2727 di tích văn hóa và danh thắng được công nhận ở cấp quốc gia, bao gồm: 1315 di tích lịch sử, 1273 di tích kiến trúc nghệ thuật, 45 di tích khảo cổ, 94 danh lam thắng cảnh; đến năm 2008, Việt Nam đã có trên 5 vạn di tích, trong đó có 3026 di tích văn hóa và danh thắng được công nhận cấp quốc gia (2). Bên cạnh đó, những di tích cách mạng cũng được công nhận, tu bổ, tôn tạo, rất nhiều cổ vật, di vật đã được bảo vệ.

Các lễ hội truyền thống, các hình thức nghệ thuật dân tộc, diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian, phong tục, nếp sống,… cũng được phục hồi và phát huy. Chương trình cấp quốc gia về sưu tầm, bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể, tổng kiểm kê di sản văn hóa, chống xuống cấp và tôn tạo di tích của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; chương trình sưu tầm sử thi ở Tây Nguyên và một số địa bàn khác của Viện Khoa học xã hội Việt Nam; hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam về sưu tầm để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể Việt Nam… là những công việc đúng hướng, có hiệu quả đối với việc bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Những công việc này đồng thời cũng phản ánh thực tế sở hữu và khai thác di sản văn hóa ở Việt Nam.

Nếu di sản văn hóa vật thể đã được chú ý đầu tư để khôi phục, trùng tu, xây lại thì di sản văn hóa phi vật thể đã được quan tâm một cách đặc biệt. Trong hơn một thập kỷ qua, nhà nước đã đầu tư một lượng kinh phí không nhỏ cho Chương trình điều tra, sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa phi vật thể Việt Nam. Đây là một hoạt động tiêu biểu nhất trong việc làm sống lại các di sản văn hóa dân tộc.

Nhiệm vụ của Chương trình là thực hiện các dự án điều tra, sưu tầm, nghiên cứu sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật dân gian, lễ hội, giá trị văn hóa làng nghề, văn học dân gian, tri thức dân gian,… Yêu cầu của Chương trình trước hết là để xây dựng một ngân hàng dữ liệu kỹ thuật số về văn hóa cổ truyền Việt Nam (gồm các dạng băng hình, album ảnh và báo cáo khoa học). Đây được xem như một nguồn vốn quan trọng để kế thừa, phát huy nền văn hóa Việt Nam đương đại.

Đến cuối năm 2009, đã có hơn 900 dự án văn hóa phi vật thể được đầu tư kinh phí để thực hiện (3). Có thể nói, chương trình đã phủ hết kho di sản văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc trên 60 tỉnh, thành của cả nước. Kho di sản của các dân tộc đều đã được khảo sát, lựa chọn khả năng có thể sưu tầm, bảo tồn loại hình di sản còn lưu giữ tại địa phương, nếu đang còn thực hành thì ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, tư liệu hóa…, nếu chỉ còn lưu giữ trong trí nhớ nghệ nhân thì sẽ được khôi phục. Thống kê cho thấy, có khoảng hơn 500 dự án dành cho sưu tầm kho di sản văn hóa phi vật thể của người Kinh và hơn 300 dự án dành cho sưu tầm kho di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số với chủ đề và số lượng dự án như sau (4):

 

Chủ đề

Số dự án

Văn học dân gian

24

Âm nhạc – múa dân gian

160

Sân khấu truyền thống, diễn xướng dân gian

31

Mỹ thuật dân gian

8

Lễ hội – tín ngưỡng, nghi lễ

348

Phong tục cưới xin

22

Nghề dệt vải và trang phục truyền thống

13

Nghề thủ công và văn hóa làng nghề

93

Tri thức dân gian

2

Nghệ nhân (hát xẩm, kể khan)

3

Trò chơi dân gian, làm con giống

5

Nghệ thuật ẩm thực truyền thống

8

Điều tra tổng thể (di sản văn hóa của dân tộc, huyện)

170

Nghi lễ tang ma

18

 

Cũng từ chương trình này mà nhiều địa phương khôi phục được lễ hội. Nhiều lễ hội được phục dựng hay mở rộng quy mô tổ chức, được đầu tư công phu, nghi lễ trang trọng, nêu bật công đức danh nhân, anh hùng dân tộc, tưởng niệm người có công với dân, với nước. Đồng thời với khôi phục các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian là các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Hàng trăm lễ hội cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số được phục dựng lại. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc nhận diện tiềm năng văn hóa của các dân tộc thiểu số để phát huy chúng trong đời sống văn hóa đương đại.

Sau một thời gian thực hiện chương trình, Nhà nước đã phê chuẩn các dự án đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới (do Bộ VHTT, nay là Bộ VHTTDL lập danh sách và đảm trách việc thực hiện làm hồ sơ). Việt Nam đã có được những kết quả và chương trình này đang tiếp tục được thực hiện: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại năm 2003, 2005; Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009 và 2010; Nghệ thuật ca trù, hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2009 và 2011; Nghệ thuật đàn ca tài tử – cải lương đang chờ xét duyệt hồ sơ.

Thành công của các dự án đệ trình UNESCO công nhận nhiều di sản văn hóa Việt Nam là di sản văn hóa của nhân loại… đã chứng tỏ sự phong phú và đa dạng của văn hóa Việt Nam, giúp nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của văn hóa truyền thống, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của những chủ sở hữu di sản.

Một dạng di sản văn hóa khác của Việt Nam là làng nghề. Dù nhiều làng nghề đã biến mất cùng với thời gian, nhưng thống kê cho thấy, Việt Nam còn có gần 2.000 làng nghề (5), thuộc các nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đá… Trong số đó, nhiều làng nghề truyền thống đã khôi phục, phát triển và tham gia vào đời sống kinh tế của đất nước. Làng nghề truyền thống được xem là một dạng di sản văn hóa Việt Nam ở khía cạnh văn hóa kinh tế của nó. Việc tôn vinh bàn tay vàng đối với nghệ nhân làng nghề đã làm tăng uy tín của chủ nhân những bí quyết nghề, tăng trách nhiệm của họ đối với cộng đồng, tăng uy tín làng nghề cũng như đề cao mối quan hệ giữa sở hữu cá nhân (bí quyết) và sở hữu tập thể (các hoạt động nghề) trong loại hình di sản văn hóa này.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc phối hợp giữa lưu giữ, truyền dạy và khai thác giá trị của di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa phi vật thể, còn chưa phát huy được hết vai trò của nó đối với đời sống xã hội.

2. Việc trao truyền các di sản văn hóa cho thế hệ trẻ

Di sản văn hóa là một loại tài sản đặc biệt, việc sở hữu nó cũng đồng nghĩa với việc lưu giữ, sáng tạo và truyền thừa, chuyển giao thế hệ. Do đó, khi đề cập tới quyền sở hữu di sản văn hóa, phải chú ý tới sự trao truyền cho thế hệ trẻ, bao gồm cả sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân. Về vấn đề này, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ban hành năm 2003 có nêu: “Ghi nhận rằng các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”(6).

Di sản văn hóa phi vật thể là một dạng tài sản đặc biệt, nên nó cũng được lưu giữ đặc biệt bằng hình thức truyền khẩu, trình diễn, thực hành nghi lễ, thực hành các bí quyết nghề,… Do đó, hình thức lưu giữ đặc biệt này cũng được quan tâm đặc biệt trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Với đặc điểm là gắn với những con người cụ thể, lịch sử, đời sống tinh thần, văn hóa xã hội, di sản văn hóa phi vật thể vừa mang yếu tố bất động (không thay đổi) vừa mang yếu tố động (thay đổi). Hai yếu tố này đan quyện vào nhau, hỗ trợ nhau để di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ, lưu truyền, sáng tạo mới để phù hợp với từng thời kỳ lịch sử và môi trường tự nhiên, xã hội. Hình thức tồn tại của nó lại phụ thuộc nhiều vào người lưu giữ trực tiếp. Cho nên, nói tới sự trao truyền di sản văn hóa phi vật thể là phải nói tới nghệ nhân, những người trực tiếp lưu giữ bằng ngôn ngữ, sự trình diễn, thực hành bí quyết nghề.

Hình luật bảo hộ cho quyền sở hữu của những người được trao truyền di sản văn hóa phi vật thể, ở Việt Nam (và cả trên thế giới) chưa có, nhưng có thể áp dụng một số khung hình luật trong Luật sở hữu trí tuệ (ban hành năm 2005) và một số nội dung sửa đổi năm 2009, ví dụ: quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả,…”.

Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, khi được áp dụng cho các nghệ nhân, người trao truyền di sản văn hóa, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho công việc này, cũng như nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của thày dạy – nghệ nhân, một mắt xích quan trọng trong hệ thống các hành động bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Cũng chính từ nhu cầu này mà năm 1993, trong phiên họp lần thứ 142 tại Pháp, UNESCO đã phát động và khuyến khích các quốc gia thành viên thiết lập hệ thống báu vật nhân văn sống (tài sản văn hóa sống), là “một người trội hơn những người khác trong việc biểu diễn âm nhạc, múa, trò chơi, kịch và nghi thức có giá trị nghệ thuật và lịch sử nổi bật”(7). Sau này, khái niệm này có mở rộng ra cả đối tượng ở những làng nghề thủ công truyền thống.

Sau đó, nhiều quốc gia đã xúc tiến việc thực hiện khuyến nghị của UNESCO, nhiều vấn đề liên quan tới những tài sản văn hóa sống được bàn đến kỹ hơn. Chẳng hạn, làm thế nào để đảm bảo cho sự tồn tại các hình thức biểu hiện của văn hóa phi vật thể thông qua các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân cũng như bảo hộ sự truyền giao thế hệ vốn di sản ấy (như đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức trình diễn, khai thác truyền nghề, bao cấp tài chính để lưu giữ các diễn xướng dân gian…). Cùng với hành động này, các quốc gia thấy cần có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật tiên tiến (ghi hình, ghi âm, lập hệ thống dữ liệu lưu trữ,…), cần ủng hộ và đầu tư tài chính cho các chương trình bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời phát huy giá trị của chúng trong đời sống văn hóa đương đại. Đây cũng là việc thực hiện chính sách nghệ nhân và nhằm khuyến khích những người trẻ tuổi theo đuổi, tiếp nối sự nghiệp của những nghệ nhân già.

Bên cạnh việc thiết lập hệ thống báu vật nhân văn sống, thực hiện chính sách nghệ nhân, vấn đề bản quyền đối với những tác phẩm văn hóa dân gian và người lưu giữ chúng cũng được quan tâm. Vấn đề này còn được bàn sâu hơn ở khía cạnh biến đổi theo thời gian của các tác phẩm văn hóa dân gian. Đến nay, các tri thức dân gian (bí quyết nghề thủ công truyền thống, y dược học cổ truyền,…) và nghệ thuật trình diễn dân gian đã được xem là thuộc lĩnh vực tài sản trí tuệ để được bảo hộ theo Luật Bản quyền về tài sản trí tuệ của thế giới. Tháng 7-2011, UNESCO đã phối hợp với Ban thư ký ASEAN và Viện Sở hữu Trí tuệ quốc tế của Mỹ tổ chức hội nghị Khai thác việc sở hữu trí tuệ để bảo vệ và thúc đẩy nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống, đồng thời trao quyền cho phụ nữ, tại Siêm Riệp (Campuchia), thông tin về kết quả và kinh nghiệm của một số nước ASEAN trong việc sử dụng Luật sở hữu trí tuệ, Luật bản quyền để bảo vệ, phát huy di sản văn hóa. Vai trò của nghệ nhân rất được chú trọng trong quá trình lập hồ sơ công nhận bản quyền tập thể hay cá nhân với các di sản nghề thủ công, trình diễn nghệ thuật truyền thống.

Cùng với quyền tác giả còn có quyền liên quan tới quyền tác giả, mặc dù nội dung chưa nói rõ đối tượng của các tư liệu bản ghi (ở các hình thức nghe nhìn khác nhau) nhưng có thể áp dụng trong chính sách đãi ngộ nghệ nhân. Các băng hình, bản ghi âm các buổi trình diễn nghệ thuật, trình nghề của các nghệ nhân phải được xem như một dạng bản quyền được bảo hộ. Theo đó, mỗi lần phát hành hay phát sóng trên hệ thống truyền thông, không chỉ tác giả mà cả người thực hành, người trình diễn cho việc thực hiện ghi hình, ghi âm đó cũng được hưởng quyền tác giả. Hơn nữa, mỗi lần phát hành, những nghệ nhân trong các băng tư liệu đó cũng được hưởng quyền lợi của việc truyền dạy gián tiếp.

Có thể lấy một ví dụ: sau khi quan họ được vinh danh, phong trào học hát quan họ cổ được mở ra ở nhiều làng tại Bắc Ninh. Các học trò giờ đây đã biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào việc học hát của mình. Họ đến nhà nghệ nhân, xin ghi âm lại bài hát cần học, dùng học trong nhiều ngày tại nhà mà không cần nghệ nhân hướng dẫn hàng ngày. Họ còn có thể truyền tay nhau những băng ghi âm này… Như vậy, người nghệ nhân đã mất đi quyền lợi truyền dạy của mình, thậm chí chỉ là quyền lợi tinh thần.

Ngoài ra, vấn đề bản quyền tác giả (tập thể) còn có sự hỗ trợ của hình thức bảo hộ liên quan tới chỉ dẫn địa lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể chung của nhiều cộng đồng người. Nghĩa là, chỉ dẫn địa lý sẽ làm rõ hơn nguồn gốc hay xuất xứ của mỗi loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Hình thức này hỗ trợ rất tốt cho việc thiết lập chính sách nghệ nhân. Ví dụ, ở Việt Nam, trong dân gian đã tồn tại các tên gọi di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng gắn với địa danh như quan họ Bắc Ninh (Kinh Bắc), hát xoan – ghẹo Phú Thọ, trò trình nghề Tứ Xã (Phú Thọ), ca trù Lỗ Khê (Hà Nội), hát đúm – Hải Phòng, hò sông Mã (Thanh Hóa), ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh), tối Tày Lạng Sơn, rối nước Hà Tây, chèo Thái Bình, then Tày Cao Bằng, hò Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, nhạc tài tử – cải lương Nam Bộ,… các di sản văn hóa phi vật thể từ làng nghề như lụa Vạn Phúc (Hà Nội), gốm Bát Tràng (Hà Nội), đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội), đồ gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), đồ đồng Đại Bái (Bắc Ninh), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), chiếu Nga Sơn (Thanh Hóa), chạm khắc đá Ninh Bình, tranh làng Sình (Huế), chạm khắc đá Non Nước (Đà Nẵng), gốm Thanh Hà (Quảng Nam), gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận),…

Chính từ những chỉ dẫn địa lý (địa danh) này, chúng ta đã sưu tầm, nghiên cứu được nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý báu, tiến tới phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho nhiều cá nhân lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể. Có thể nói, đây như một hình thức công nhận sự bảo hộ bản quyền tác giả. Sáu lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được công nhận danh hiệu nghệ nhân gồm: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống và tri thức dân gian. Và, công việc này, thời gian qua đã có một số kết quả.

Danh hiệu Nghệ nhân dân gian, do Hội Văn hóa dân gian Việt Nam trao tặng, được bắt đầu từ năm 2003, đến nay hơn 150 nghệ nhân được trao tặng, một con số quá ít ỏi. Và, việc trao tặng danh hiệu này mới đơn thuần mang tính tôn vinh, chưa có chính sách đãi ngộ đi kèm. Sau nhiều nỗ lực để có được sự tôn vinh các nghệ nhân, những khó khăn trong việc đưa ra chế độ đãi ngộ sau khi được vinh danh vẫn còn nhiều vướng mắc. Những nghệ nhân được vinh danh là những người đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, sự vinh danh họ cũng giúp khuyến khích sự học hỏi, kế thừa của lớp trẻ.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, không ít nghệ nhân đã lần lượt ra đi mà chẳng bao giờ được hưởng chính sách đãi ngộ vì đã có công góp phần bảo tồn những giá trị nhân văn của nền văn hóa dân gian. Sự mất mát này cùng với việc thiếu chính sách đãi ngộ đã khiến không ít di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ mai một, biến mất.

Hai năm sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được thông qua (2009), thông tư hướng dẫn về thực hiện các chính sách đãi ngộ cho Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) vẫn đang ở dạng dự thảo. Theo dự thảo này, người được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT phải là những người nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc sáu loại hình di sản văn hóa phi vật thể nêu trên. Ngoài ra, họ phải được quần chúng mến mộ, kính trọng, được cộng đồng thừa nhận, tôn vinh vì tài năng xuất sắc. Hơn thế, họ phải có thời gian thực hành từ 25 năm trở lên đối với danh hiệu NNND; 20 năm trở lên đối với NNƯT và có học trò là người thừa kế và được truyền dạy di sản… Theo quy định mới, quy trình thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND và NNƯT sẽ được thực hiện ở cấp tỉnh và cấp nhà nước. Hạn nộp hồ sơ tới hội đồng cấp tỉnh là trước ngày 31-12 trước năm xét tặng và tới hội đồng cấp nhà nước trước ngày 31-3 của năm xét tặng. Việc xét tặng được tiến hành 2 năm/lần vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9.

Đến nay, Cục Di sản Văn hóa đã nhận được hơn 300 hồ sơ nghệ nhân được các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị xét tặng 2 danh hiệu nói trên. Bên cạnh đó, Cục Di sản Văn hóa cũng sẽ xem xét để chọn lựa thêm nghệ nhân trong hơn 150 nghệ nhân dân gian mà Hội VNDG đã phong tặng.

Việc kế thừa, phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề sở hữu di sản văn hóa, chủ yếu là văn hóa phi vật thể, và việc khai thác nguồn vốn này cho phát triển văn hóa vẫn còn nhiều tranh luận. Vấn đề tôn trọng ý kiến hay vai trò của cộng đồng và những nghệ nhân, những chủ thể văn hóa trong việc bảo vệ di sản và khai thác chúng, luôn tạo nên những quan điểm trái chiều. Sự thống nhất giữa vai trò hỗ trợ, tư vấn của nhà nước và quyền quyết định, lựa chọn (hay làm chủ) của cộng đồng và người dân trong bảo vệ và khai thác di sản văn hóa vẫn gặp những vướng mắc. Phải chăng, chúng ta vẫn lấn cấn trong xử lý giữa sở hữu công cộng, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân về di sản văn hóa với việc quản lý, khai thác (như đối với các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, những trình diễn nghệ thuật dân gian,…). Hy vọng rằng, sau khi có các nghiên cứu cụ thể về quyền văn hóa, mà việc sở hữu di sản văn hóa là một biểu hiện, chúng ta sẽ có thể làm sáng rõ quyền văn hóa ở Việt Nam.

_______________

1. Quốc hội, Luật Di sản văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.5.

2. Phan Hồng Giang (chủ biên), Quản lý văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, báo cáo tổng quan đề tài khoa học cấp nhà nước KX.03.13/06-10, tr.260.

3. Tài liệu thống kê của Phòng Thư viện, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.

4. Có chủ đề được làm nhiều dự án, ví dụ: cồng chiêng có 9 dự án, quan họ có 6 dự án, hoặc việc khôi phục tuồng cổ, một số diễn xướng âm nhạc dân gian,…

5. Bách khoa thư mở wikipedia: Làng nghề Việt Nam

6. Cục Di sản văn hóa, Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tập 1, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007, tr.83-84.

          7. Nhiều tác giả, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, Viện Văn hóa – Thông tin xb, Hà Nội, 2005, tr.279.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 335, tháng 5-2012

Tác giả : Đỗ Lan Phương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *