Về vấn đề bảo tồn di tích việp công hoàng ngũ phúc


Ngày 25-1-1991, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định xếp hạng sinh từ, phần mộ và đền thờ Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc ở xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) là di tích lịch sử quốc gia. Như vậy, di tích về Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc gồm 3 bộ phận hợp thành là sinh từ, phần mộ và đền thờ ông.

1. Từ khi được xếp hạng đến nay, hiện trạng “cái còn lại” của di tích này cơ bản vẫn là:

Phần mộ: là một gò đất cao (gò mộ) ở khu Bãi Lăng, trên cánh đồng của thôn Phụng Công. Tại đây có một bia đá, Hoàng tướng công chi mộ, trên đó có khắc ngày sinh (18-4-1713) và ngày mất (16-01-1776) của ông.

Sinh từ: Xây dựng trên một khu đất rộng rãi (khoảng hơn 6 mẫu Bắc Bộ), ở phía đông nam làng, hiện còn một số công trình kiến trúc (nhìn từ phía ngoài vào) gồm nghi môn ngoại (cổng ngoài), nhà bia (trong đó đặt tấm bia do Nguyễn Nghiễm – cha của đại thi hào Nguyễn Du – soạn), nghi môn nội (cổng trong), khoảng sân rộng, nền nhà từ trung (còn gọi là bái đường) và nhà từ thượng, hệ thống tường xây gạch bao quanh sinh từ.

Theo dấu vết còn lại và theo các cụ trong ban quản lý di tích cho biết, trước đây, ở trong khu sinh từ còn có nhà từ trung – ở phía trước nhà từ thượng (hiện còn nền cũ), hai dãy nhà tả hữu vu – ở phía trước nghi môn nội, một dãy duối cổ thụ (có 9 cây) ở phía bên trái sinh từ. Những bộ phận vốn có của di tích này, vào một số thời điểm khác nhau, đã không còn.

Đền thờ: được xây dựng ở trong làng Phụng Công, là nhà thờ của dòng họ, trong đó có thờ Việp công Hoàng Ngũ Phúc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (khoảng năm 1948), đền thờ đã bị phá. Ngôi đền hiện còn là công trình được phục dựng sau này.

2. Việp công Hoàng Ngũ Phúc là một nhân vật đặc biệt trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước. Tiểu sử và hành trạng của ông gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử lớn ở TK XVIII. Theo đấy, việc ghi chép của sử sách cùng những ý kiến đánh giá, bình luận về đức độ và tài năng, công trạng và vị trí của ông đối với quê hương, đất nước, từ những hướng tiếp cận khác nhau, đã và hẳn sẽ còn cần tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất. Tuy vậy, những di sản văn hóa, trong trường hợp đang bàn, là những di tích lịch sử văn hóa gắn bó và phản ánh về con người, thân thế, sự nghiệp của ông, thì cứ hiển hiện suốt hơn hai trăm năm qua, lung linh giá trị nhiều mặt.

Một, di tích liên quan đến Việp công hiện còn ở Tân Mỹ căn bản là những yếu tố gốc cấu thành di tích – tức là những “yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh” (khoản 15 Điều 4, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa. Ngoại trừ đền thờ ông (cùng dòng họ) đã bị phá hủy rồi được phục hồi, những đơn nguyên kiên trúc của sinh từ và phần mộ Việp công hiện còn đều là những công trình xây dựng trong nửa cuối TK XVIII. Kiểu dáng kiến trúc, vật liệu xây dựng, họa tiết trang trí… ở những công trình này không chỉ mang lại vẻ cổ kính, tôn nghiêm của di tích, mà còn là những thông tin xác thực, rất hữu ích đối với việc nghiên cứu các di sản văn hóa đương thời. Chẳng hạn, chỉ hình chạm rồng hóa cúc trên trán tấm bia đá được làm vào năm 1762, hiện còn khá nguyên vẹn, đặt trong nhà bia ở khu sinh từ, đã khiến nhiều nhà nghiên cứu hết sức bất ngờ khi diện kiến.

Hai, sinh từ Việp công là một loại hình di tích khá đặc biệt. Trước đây, không ít trường hợp vua chúa, quan lại, kẻ quyền quý đã bỏ tiền xây dựng cho mình một cơ ngơi để làm nơi nghỉ dưỡng khi còn sống và chôn cất, thờ cúng khi mất. Vua Tự Đức là một trường hợp điển hình. Trước khi mất 16 năm, Tự Đức đã cho xây dựng một Khiêm cung hoành tráng và thơ mộng, như một ly cung, để thỉnh thoảng đến đó nghỉ ngơi, vui thú; sau khi Tự Đức mất, lăng mộ ông cũng đã được xây đặt ngay trong khu vực này. Từ đó, toàn bộ công trình được xây dựng trước và sau khi Tự Đức mất được gọi là Khiêm lăng – một trong những khu lăng tẩm đẹp nổi tiếng ở Huế. Tại vùng Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều địa phương khác, hiện cũng còn một số lăng tẩm vốn là công trình xây dựng làm nơi nghỉ dưỡng khi còn sống, chôn cất và thờ cúng sau khi mất, của các quan lại, nên cũng gọi là các “sinh từ”, nhưng phổ biến hơn, được gọi là lăng (lăng Giáp Đăng Luân ở Việt Lập, huyện Tân Yên; lăng họ Trần ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa; lăng họ Đỗ ở xã Nội Duệ, huyện Tiên Du…). Chỉ có sinh từ Việp công là công trình vốn được xây dựng dành cho Việp công khi ông còn sống, nhưng sau khi ông mất, thì mộ phần ông không đưa vào đây, mà để ở một khu khác, riêng biệt. Kể từ đó, nơi đây trở thành nơi thờ cúng ông. Chính chức năng riêng có của công trình này đã góp phần làm nên sự độc đáo của di tích và có thể coi đây là một ví dụ, đồng thời là một sự bổ sung thú vị vào các loại hình di tích vốn đã rất phong phú ở nước ta.

Ba, phần mộ và đền thờ Việp công đương nhiên là do gia tộc họ Hoàng và nhân dân xây dựng, nhưng việc sinh từ của ông là công trình do nhân dân bốn thôn sở tại khởi xướng, đóng góp công sức, tiền của và tổ chức thi công, coi đó như một hành động nhằm bày tỏ lòng tri ân của mọi người đối với ông, lại mang đến cho di tích này một giá trị độc đáo khác. Nhân dân trong vùng đến nay còn lưu truyền nhiều chuyện kể về công đức của Việp công. Văn bia do thượng thư bộ Công, Quốc tử giám tế tửu Nguyễn Nghiễm soạn còn ghi rõ nhiều việc tốt lành mà Việp công đã làm cho nhân dân quê hương, như dẹp trừ giặc cỏ, nghiêm trị bọn quan mục “như hổ như rắn” hại dân, tổ chức mở cống khai mương, đem nước mát tưới cho đồng ruộng, mở trường dạy học, khuyến khích việc học hành,… Vì thế, theo văn bia này, thì “việc dựng mở sinh từ ở phía nam ấp Khang Cù là chút lòng thành của dân bốn thôn thuộc bản ấp báo đáp lại ông vậy”.

Bốn, di tích sinh từ, phần mộ và đền thờ chính là bằng chứng vật chất và tinh thần trực tiếp phản ánh về Việp công, do đó, đây là những tư liệu hết sức tin cậy và quý hiếm, đặc biệt hữu ích trong việc nghiên cứu, đánh giá về nhân vật lịch sử này.

Năm, di tích về Việp công, với những giá trị độc đáo của mình, đã hợp cùng các di tích trong vùng, tạo thành một hệ thống di tích khá đa dạng về loại hình, phong phú về giá trị lịch sử, văn hóa. Ngay tại khu vực xã Tân Mỹ hiện vẫn còn khá nhiều di tích như: chùa và nghè của làng ở ngay cạnh sinh từ, đình làng ở xa sinh từ một chút, là công trình kiến trúc có niên đại khởi dựng ở nửa đầu TK XVIII; đền Ngọc Lâm (nơi thờ Thánh Thiên, một nữ tướng của Hai Bà Trưng)… Trên phạm vi rộng hơn, là hàng loạt di tích nổi tiếng ở vùng Bắc Giang: chùa Vĩnh Nghiêm, hệ thống lăng tẩm ở huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, thành Xương Giang và hệ thống di tích về trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng – Xương Giang, hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế và hệ thống di tích lịch sử cách mạng…

Từ những phác họa trên đây về một số giá trị tiêu biểu của di tích Việp công, chúng tôi muốn khẳng định rằng, dù đã trải nhiều biến đổi do những tác động của thiên nhiên và con người trong hơn hai trăm năm qua, nhưng di tích Việp công vẫn được giữ gìn khá vẹn nguyên nhiều yếu tố ban đầu – những yếu tố gốc cấu thành di tích. Vì thế, di tích Việp công luôn mang trong mình nhiều thông điệp quý giá của tiền nhân – những thông điệp, thông tin đó “bao gồm các mặt như kiểu dáng và thiết kế, vật liệu và chất liệu, chức năng và tác dụng, truyền thống và kỹ thuật, địa điểm và cảnh quan, tinh thần và tình cảm, các yếu tố bên trong và bên ngoài khác” (theo Điều 13, Văn kiện Na ra). Cũng vì thế, càng tìm hiểu, chúng ta càng nhận ra, phát hiện được những thông điệp đó, để cùng nhau nghĩ suy, tìm cách bảo vệ và phát huy giá trị di tích một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

3. Chắc chắn là, không chỉ riêng con cháu họ Hoàng và nhân dân địa phương, mà tất cả chúng ta, đều không nghĩ rằng việc nghiên cứu nhằm nhận diện giá trị của di tích Việp công là mục đích cuối cùng. Vấn đề cần quan tâm là từ cơ sở nhận thức đó, chúng ta cùng nhau xác định đúng đắn các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích này. Theo đấy, từ những trình bày trên đây và từ thực trạng di tích hiện nay, chúng tôi đề xuất một số nhiệm vụ trước mắt cần được quan tâm giải quyết.

Cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ, từ đó hình thành những kết luận khoa học về thân thế, sự nghiệp và vai trò của nhân vật lịch sử Việp công Hoàng Ngũ Phúc, cơ sở cho việc thi triển những ứng xử đúng đắn, thỏa đáng với ông và di sản văn hóa có liên quan đến ông. Riêng ở lĩnh vực di sản văn hóa, theo chúng tôi, việc di tích Việp công, từ năm 1991, đã được xếp hạng là di tích quốc gia, chính là sự khẳng định giá trị nhiều mặt của di tích này. Nhân đây, chúng tôi cũng muốn được bổ sung rằng, khi xem xét các di tích liên quan đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, chúng ta cần quan tâm đầy đủ giá trị của các di sản văn hóa vật thể cùng các di sản văn hóa phi vật thể hội tụ, cấu thành di tích và, trong các di sản văn hóa phi vật thể ấy, thì trước hết rất cần xem xét cụ thể vấn đề quần chúng hướng tới nhân vật được thờ tại di tích như thế nào, mà chưa phải là câu chuyện đối tượng được thờ đó là ai. Theo đó, ý nghĩa đặc biệt của di tích Việp công, cụ thể là khu sinh từ, sẽ dễ dàng nhận diện và thống nhất, bởi đây là công trình do nhân dân sở tại tự nguyện gom góp tiền của, công sức xây dựng để dành cho Việp công khi sinh thời và làm nơi thờ phụng sau khi ông qua đời.

Cần sớm tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo di tích Việp công, để từ đó, có kế hoạch triển khai công việc này trước mắt và lâu dài, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khoa học về bảo tồn di tích, đưa di tích trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch hoàn chỉnh. Dĩ nhiên, đây là một câu chuyện dài dài, nên trước mắt, theo chúng tôi, cần tập trung giải quyết một số công việc sau đây:

Tổ chức cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đã được thiết lập để mọi người cùng dễ dàng nhận diện khu vực thuộc di tích và có ý thức bảo vệ, tránh vi phạm. Đây cũng chính là một nhiệm vụ, yêu cầu, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, bắt buộc phải thực hiện; Tập trung dọn dẹp, chỉnh trang khu vực sinh từ, phần mộ cho sạch sẽ, tôn nghiêm; Phục hồi các công trình thuộc di tích, nhất là ở khu sinh từ, chắc chắn là công việc lâu dài, phụ thuộc vào các điều kiện kinh phí, kỹ thuật, tư liệu khoa học… Tuy vậy, trước mắt, theo chúng tôi, rất cần nghiên cứu, tìm hiểu hồi cố để sớm triển khai việc trồng cây, tạo không gian xanh cho di tích.

Chẳng hạn, theo văn bia do Nguyễn Nghiễm soạn, thì một phần cảnh quan sinh từ thuở ban đầu đã được mô tả khá rõ nét: “Đền có hai phần trong và ngoài liền nhau, đều lợp bằng ngói, xây bằng đá. Phía trước dựng cửa trùng nghi môn, bao quanh là bốn bức tường gạch, ngoài tường hai bên tả hữu đều có mái hiên làm nơi đợi hội và sửa sang. Bốn phía xung quanh là những cây tùng cây bách sum sê xanh tốt. Ngoài nữa lại có dãy tường bao quanh, cửu trùng môn cao rộng, là để giữ gìn những loại cây mà ông ưa thích”. Chúng tôi muốn nhấn mạnh, theo sự mô tả đó, cây trồng ở sinh từ không chỉ tạo không gian xanh, mà dường như còn là sự thể hiện cốt cách, tư tưởng của Việp công – những cây tùng, cây bách và “những loại cây mà ông thích” (nhưng đã bị mất, và giờ đây chúng ta cần phục hồi).

Cần triển khai việc nghiên cứu, bổ sung để hồ sơ di tích về Việp công được hoàn thiện, có chất lượng khoa học cao. Về việc này, phải thừa nhận nhận rằng, dù di tích Việp công đã được xếp hạng, nhưng giở lại, mới thấy rằng hồ sơ di tích còn quá thiếu hụt, sơ sài, nhất là hồ sơ ảnh, bản vẽ kiến trúc, bản in dập văn bia và phần khảo tả di tích trong “lý lịch di tích”… Theo chúng tôi, càng khẳng định và càng muốn nhấn mạnh giá trị của di tích, thì hồ sơ của di tích càng phải chính xác, đầy đủ, hoàn thiện. Bộ hồ sơ này không chỉ là tài liệu phục vụ việc nghiên cứu, mà quan trọng hơn, đây chính là cơ sở khoa học và pháp lý cho việc lập và triển khai các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di tích trước mắt và lâu dài. Sự cần thiết của việc khẩn trương bổ sung hoàn thiện hồ sơ này, là do vậy.

Chính quyền và cơ quan quản lý di tích các cấp cần quan tâm giải quyết những vướng mắc liên quan đến quy hoạch và việc sử dụng khu vực đền thờ của di tích. Theo một số thông tin mà tôi nhận được, thì đây là vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến câu chuyện đất đai, đường đi lối lại của di tích, đã được đặt ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được thu xếp ổn thỏa. Cần phải nhắc lại rằng, dù sao thì đây cũng chính là một bộ phận hợp thành di tích Việp công, nên rất cần được quan tâm đầy đủ như các bộ phận khác của di tích. Vì thế, việc giải quyết, dù khó khăn, phức tạp, thì vẫn phải tiến hành, không thể “để đó” hoặc chấp nhận như một “sự đã rồi”.

        Theo chúng tôi, chỉ khi nào mấy công việc trước mắt trên đây được giải quyết, thì chúng ta mới có điều kiện để tiếp tục cùng nhau nghĩ suy, hành động trên hành trình dài lâu vì mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di tích Việp công.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 305, tháng 11-2009

Tác giả : Nguyễn Hữu Toàn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *