Wonang sori, cú hích lịch sử của dòng phim độc lập hàn quốc


Kể từ đầu năm 2009 đến nay, những người trong nghề hoặc quan tâm đến dòng phim độc lập của Hàn Quốc đã và đang tiếp tục bị chấn động bởi bộ phim tài liệu Wonang Sori (tên tiếng Anh, Old Partner – Đối tác tri kỷ), một phim được làm với kinh phí ít ỏi, đạt được thành công hết sức bất ngờ và ngoạn mục. Bộ phim gây náo loạn tại các điểm bán vé, tác động mạnh mẽ đến xã hội và kết quả là ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến những bộ phim độc lập, nhỏ lẻ.

 

 

Cú hích lịch sử

 

Wonang Sori – phim điện ảnh đầu tiên của Lee Chung ryoul, một đạo diễn – nhà sản xuất phim truyền hình độc lập, đã khích động mạnh mẽ thế giới điện ảnh Hàn Quốc, lập kỷ lục là bộ phim bán được nhiều vé nhất trong lịch sử dòng phim độc lập của đất nước. Trong sự khủng hoảng chung của công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc những năm gần đây, thành công của phim là hết sức ngoại lệ, đặc biệt đối với một bộ phim độc lập. Ngay lần đầu tiên giới thiệu tại 7 rạp chiếu phim nghệ thuật, Wonang Sori đã thành công rực rỡ và ngay lập tức htu hút sự chú ý phát hành của 150 rạp chiếu phim khác trong cả nước, với 2,86 triệu vé được bán sau 10 tuần lễ đầu tiên, thu về 18,5 triệu USD, gấp gần 20 lần so với tổng chi phí cho phim (xấp xỉ 200.000USD, gồm cả chi phí hậu kỳ, tiếp thị và phát hành).

Nhân vật chính trong phim là một đôi vợ chồng già sống cùng một con bò 40 năm tuổi, ở vùng Bonghwa gun, tỉnh Gyeongsangbuk do. Con bò đã sống cùng họ suốt 30 năm. Ngay chi tiết này cũng đã là một phát hiện kỳ diệu của đạo diễn, bởi tuổi thọ trung bình của một con bò thường chỉ là 15 năm. Với nhân vật nam, người bị khập khiễng một bên chân do bị tiêm sai thuốc khi còn nhỏ, con bò thực sự là một phần con người ông. Ông cùng nó và chiếc xe kéo luôn bên nhau. Con bò và chiếc xe đã giúp vợ chồng ông kiếm sống, nuôi 9 đứa con đỗ đạt, nên với ông, con bò là phần tài sản quý giá nhất. Coi con bò như là một phần chính bản thân mình, hoặc có lẽ là một đứa con của mình, ông luôn từ chối phun thuốc trừ sâu vì sợ làm độc hại đến người bạn đồng hành yêu quý.

Cho dù bây giờ đã bị điếc và thường xuyên đau đầu, người đàn ông vẫn tiếp tục làm công việc đồng áng. Ông đã có thể giảm nhẹ khối lượng công việc nặng nhọc này bằng các loại máy móc và thuốc trừ sâu, song ông vẫn đặt công việc lao động chân tay cùng chú bò lên hàng đầu, bất chấp mọi sự nhọc nhằn. Không giống người chồng hầu như cả ngày im lặng, người vợ lại nói rất nhiều, kêu ca suốt bằng một thứ giọng đặc ngữ điệu địa phương, từ lo lắng cho ông chồng, đến phàn nàn về cuộc sống. Bà cằn nhằn chuyện phải lấy chồng khi mới 16 tuổi và sống khổ cực từ đó đến lúc già cả này. Bà còn ca thán rằng chẳng chóng thì chày, cũng sẽ chết vì cứ phải ăn những thứ sâu bọ đáng ghét đó. Nếu người đàn ông thể hiện rõ mẫu hình một người cha Hàn Quốc nguyên gốc thì người vợ cũng thể hiện rõ là một phụ nữ Hàn Quốc tiêu biểu không kém. Khán giả xúc động trước sự gắn bó khăng khít của người đàn ông và con bò bao nhiêu thì đôi khi cũng phải bật cười trước những độc thoại với phương ngữ có phần khiêm nhường của người vợ…

Con bò, con vật có nhiều nét tương đồng với ông chủ của nó, làm việc vất vả cho đến ngày lìa cuộc sống. Nó ngước đôi mắt nhìn ông chủ, những giọt nước mắt thực sự tuôn chảy, con bò thở hơi thở cuối cùng. Người đàn ông tháo sợi dây buộc, cả chiếc chuông đeo trước cổ, tiếng Hàn Quốc là wonang, cầu chúc cho con vật được yên nghỉ sau cả một đời lao động vất vả. Đạo diễn Lee nói: “Lúc đó, người đàn ông trông giống như một vị thánh”. Anh tiếp tục: “Người đàn ông nói ông ấy sẽ là người khóc chính khi con bò chết và cũng sẽ là người lo lễ tang cho nó. Với ông, cái chết của con bò báo hiệu cái chết của ông cũng đang đến. Con bò là tất cả đối với ông.”…

Wonang Sori giống như một bản ngợi ca nhẹ nhàng về những thứ đang dần biến mất. Những người cha, người mẹ cả đời cày cuốc trên các cánh đồng nay bị lãng quên và trở thành một phần của lịch sử, cuộc đời hi sinh và cống hiến của họ, sự lao động bằng tay không phụ thuộc vào máy móc và thuốc trừ sâu của họ, cách sống cùng với thiên nhiên của họ- giờ đây đang dần biến mất. Có thể, người đàn ông trong phim chỉ khác hơn một người nông dân thường đôi chút, cũng có thể ông tượng trưng cho tất cả những người lao động bằng chân tay, những người đã đặt nền móng cho sự phát triển kỳ diệu chỉ trong một thời gian ngắn của Hàn Quốc ngày nay. Nhưng cuộc sống của ông cũng tượng trưng cho lối sống sinh thái, chống lại đô thị, từ chối tốc độ sống nhanh chóng của cái thế giới toàn cầu hóa và nhất định giữ nhịp sống chậm rãi vốn có. Thật kỳ lạ khi thấy đột nhiên gương mặt đầy nếp nhăn của người đàn ông chồng lấp lên khuôn mặt của con bò. Trong khoảnh khắc, con bò trở thành người đàn ông và ngược lại, người đàn ông trở thành con bò. Theo cách đó, con người chính là một phần của tự nhiên. Hoặc khác hơn, tự nhiên là một phần của con người; như vậy, bộ phim thể hiện được điểm cốt lõi của nó và đó chính là sức mạnh thực sự của Wonang Sori.

Đạo diễn Lee làm việc trong ngành truyền hình đã lâu song anh hầu như không có được thành công nào đáng kể. Mặc dầu đã bước vào giữa tuổi 30, anh vẫn cảm thấy tủi hổ khi nghĩ đến người cha của mình, và anh bắt đầu kế hoạch làm một bộ phim tài liệu. Anh khởi động kế hoạch đó với ý tưởng kể một câu chuyện về một người đàn ông tuổi cao, tàn tật với con bò già. Và rồi anh đi tìm một trường hợp tương tự trong đời thực ở rất nhiều vùng miền khắp Hàn Quốc. Nhiều vị trưởng thôn, làng và đứng đầu các tổ chức phụ nữ nông thôn mà anh quen biết khi còn làm truyền hình đã giúp đỡ anh. Sau 5 năm chịu khó tìm kiếm, cuối cùng, anh đã gặp được đúng một người đàn ông như vậy ở Bonghwa và quay bộ phim trong suốt 3 năm tiếp sau đó, bắt đầu từ 2005. Thoạt đầu, anh định làm một phim tài liệu truyền hình song kênh truyền hình đặt hàng lại thay đổi kế hoạch. May thay, một nhà sản xuất phim độc lập đã quyết định tài trợ và anh có khả năng thực hiện cuốn phim nghệ thuật như hiện có.

“Suốt sáu, bảy tháng đầu, chúng tôi phải gắng sức giành được sự tin cậy của người đàn ông. Vợ ông ấy thì hiểu việc quay phim song ông ấy thì ngay lập tức cảm thấy căng thẳng khi chúng tôi bắt đầu bấm máy. Nguyên tắc của chúng tôi là không phá vỡ cuộc sống của họ trong quá trình quay phim. Từ những vị trí xa nhất có thể, chúng tôi quan sát họ, và mối quan hệ giữa họ bộc lộ trong cuộc sống thường ngày. Có một tam giác tình cảm giữa người đàn ông, người vợ và con bò – một tấn kịch tình cảm (melodrama)”- đạo diễn Lee kể lại và nhận định. Đạo diễn quê ở Yeongam, tỉnh Jeollanam do. Anh là con trong một gia đình nông dân và thời thơ ấu, cũng là một cậu bé chăn bò. Wonang Sori, tên nguyên gốc tiếng Hàn của phim, có nghĩa là âm thanh của tiếng chuông treo ở cổ con bò. Theo đạo diễn, âm thanh tiếng chuông đó là “câu thần chú đem anh trở lại với tuổi ấu thơ” – anh nhớ lại – “Bất cứ khi nào tôi nghe thấy âm thanh của wonang, như khi còn là đứa trẻ, tôi ngoái đầu lại phía đó, tôi có thể nhìn thấy cha tôi và con bò của ông ấy ở đó…”. Suốt bộ phim là âm thanh của tiếng chuông, dù rất nhỏ, giống như một tiếng đập của trái tim, như một ẩn dụ về cuộc sống theo lời của Lee. Và âm thanh ấy dừng lại khi con bò chết.

Cho đến nay, phim độc lập có mức bán vé lớn nhất (220.000) ở Hàn Quốc là phim Once (2007), một phim của Ireland, trong khi phim độc lập của Hàn Quốc có mức bán vé cao nhất là phim Our School (2007), phim về thế hệ người Triều Tiên thứ ba và thứ tư cư trú ở Nhật Bản học tại trường trung học Chosun liên kết với Bắc Triều Tiên (55.000 vé, 100.000 suất chiếu tập thể) và cho đến gần đây, vẫn giữ kỷ lục về số lượng vé bán cho phim tài liệu. Cho đến ngày phim Wonang Sori có lượng vé bán vượt qua con số 1 triệu, một “con số trong mơ” đối với phim độc lập. Truyền thông và ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc hoàn toàn ngây ngất. Kỷ lục này được so sánh với phim Seopyeonje (1993, đạo diễn Im Kwon taek), bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc có lượng vé bán ra vượt qua con số 1 triệu, và phim Silmido (2003, đạo diễn Kang Woo suk), phim đầu tiên có lượng vé vượt qua con số 10 triệu. Thành công đáng kinh ngạc của Wonang Sori cho thấy, ngành công nghiệp điện ảnh độc lập đang lớn mạnh, bất chấp định kiến tồn tại rằng thể loại phim này chỉ được yêu thích bởi những nhóm khán giả nhỏ và dễ bị ám ảnh. Thực tế, phim độc lập của Hàn Quốc không được thực hiện tốt bởi vì chúng hoặc quá mang tính chính trị hoặc quá thử nghiệm để có thể hấp dẫn được công chúng điện ảnh nói chung.

Wonang Sori nổi tiếng đến mức ai cũng nhắc tới nó sau khi phim giành được giải Phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Pusan 2009 và giải thưởng của khán giả tại Lễ trao Giải thưởng phim độc lập Hàn Quốc 2008. Phim có sự đổi mới mạnh mẽ trong cách làm khán giả xúc động. Đây cũng là phim đầu tiên của Hàn Quốc được đề cử trong hạng mục Điện ảnh tài liệu thế giới (World Cinema Documentary) tại Liên hoan phim Sundance 2009. Tuy không giành giải, song đạo diễn Lee vẫn khẳng định rằng “…không có sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây ở khía cạnh phản ứng của khán giả với bộ phim”. Khán giả phương Tây cũng khóc vì thấu cảm với sự san sẻ của người đàn ông dành cho tự nhiên (thông qua nhân vật con bò và quan niệm không dùng thuốc trừ sâu) cũng như với ý nghĩa của gia đình.

Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc kỳ vọng rằng thành công của Wonang Sori sẽ đem lại những sự thay đổi quan trọng. Lee là một gương mặt hoàn toàn mới trong bối cảnh làm phim độc lập. Bởi vậy, anh có thể làm được một bộ phim, khác hẳn với truyền thống của dòng phim độc lập là thường về chính trị hoặc quân sự đồng thời hấp dẫn khán giả đại chúng. Đề xuất về một thay đổi trong việc làm phim độc lập ở Hàn Quốc, lĩnh vực đang bị khủng hoảng những năm gần đây, nhà phê bình điện ảnh Maeng Sujin khuyến nghị rằng các nhà làm phim độc lập Hàn Quốc “hãy để bản thân được tự do thoát khỏi mọi sức ép phải chính xác về mặt chính trị và hãy thử sức với sự đa dạng”. Wonang Sori, thậm chí còn lôi cuốn cả những người già ở nông thôn đến rạp chiếu, những người vốn không bao giờ có ý niệm ra khỏi nhà để xem một bộ phim điện ảnh, là một trường hợp thành công liên quan đến sự đa dạng nói ở trên.

Thành công về lượng vé bán của Wonang Sori là hết sức ấn tượng bởi ngành công nghiệp điện ảnh trong nước đã bị tụt dốc sau khi ảo tưởng của nó nổ tung theo với sự “phục hưng của điện ảnh Hàn Quốc” đầu năm 2000. Phim tài liệu này chứng minh rằng cho dù không có các ngôi sao lớn, kinh phí lớn cho một dự án quy mô hoặc một chiến lược tiếp thị “hầm hố”, những bộ phim nhỏ với ý tưởng khác lạ và nội dung tươi mới có thể thành công và hấp dẫn đông đảo khán giả. Điều đó cũng có ý nghĩa rằng khán giả luôn khao khát những thể loại phim mới. “Tình hình gần đây tương tự như ở Nhật Bản 10 năm trước, khi ngành công nghiệp điện ảnh nước này khủng hoảng, các nhà làm phim chính thống thì tụt dốc về chất lượng sản phẩm trong khi những bộ phim nhỏ, độc lập lại được thực hiện rất tốt” – ý kiến của nhà phê bình điện ảnh Lee Sang-yong. Nếu một bộ phim mới mẻ, vui vẻ và được làm tốt, nó sẽ hấp dẫn khán giả cho dù nó thuộc dòng phim chính thống, thương mại, phim kinh phí thấp hay phim độc lập. Nó là nguyên do tạo nên ngành công nghiệp làm phim bom tấn và thị trường để đa dạng hóa bởi vậy, đa dạng các bộ phim nhỏ có thể cùng tồn tại. Đây là một viễn cảnh đầy phấn khích.

Thực tế, các rạp chiếu trong nước đang ngày càng quan tâm đến những bộ phim độc lập, nhỏ lẻ nhờ sự đánh thức của Wonga Sori. Các bộ phim dạng này đã và đang chứng tỏ thành công của chúng, có thể kể đến phim Daytime Drinking (đạo diễn Noh Young seok), về một người đàn ông trẻ bị yếu đuối trước đàn bà và rượu, và Breathless (đạo diễn Yang Ik jun), từng giành giải VPRO Tiger – Liên hoan phim quốc tế Rotterdam, một giải Ban giám khảo của Liên hoan phim châu Á Deauville và nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế khác. Đạo diễn Noh, ngoài chức vị đạo diễn, còn đảm nhiệm thêm 7 vai trò khác trong quá trình làm phim của mình, trong đó có một số phần việc chính như viết kịch bản, quay phim, giám đốc nghệ thuật. Đạo diễn Yang, diễn viên nổi tiếng của dòng phim độc lập, thì vừa là đạo diễn vừa là diễn viên chính của Breathless, và hiện tại anh được xem như là tài năng mới hết sức đáng chú ý của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc.

 

Một lối đi mới của phim tài liệu

 

Wonang Sori, một bộ phim tài liệu tiếp nhận đầy các phương pháp hư cấu trong cách thức kể chuyện, cách cá nhân hóa và cách làm tăng kịch tính so với đời thực nhân vật, đã đóng góp đáng kể vào việc mở rộng lãnh địa của việc làm phim tài liệu trong nước. Lee bị một số nhà làm phim tài liệu chỉ trích vì việc tách rời khỏi các phương pháp làm phim truyền thống. Họ cho rằng cho dù kỹ thuật “kịch tính hóa” của anh có thành công trong việc kết nối với khán giả thì nó đã làm méo mó đi sự đáng tin căn bản của phim tài liệu. Quan điểm của họ là đối với một bộ phim tài liệu, việc “bắt” được một khoảnh khắc ở hiện trường quan trọng hơn việc “xây dựng” hiện trường, và quá trình cùng kỹ thuật quay phim nên là một hành động để thu thập tài liệu.

Quả thực, cũng có một số khán giả đưa ra các câu hỏi tương tự. Ví dụ, có một cận cảnh cảm động là khóe mắt của con bò đang dần chết rớt ra một giọt nước mắt khi nó nhìn người chủ già nua, cảnh này làm dấy lên nghi vấn rằng nó là thực hay được sản xuất. Một cảnh khác là người đàn ông cùng con bò đang đi qua hiện trường có đám đông biểu tình phản đối Hiệp định tự do thương mại với Mỹ. Phải chăng đó là ý đồ của đạo diễn dẫn họ tới địa điểm đó?

Wonang Sori được biên tập về cảnh, hình ảnh và âm thanh của chim chóc, côn trùng cũng có sự can thiệp của kỹ xảo phòng thu. Hơn thế nữa, dòng chảy câu chuyện cũng không thẳng theo trình tự thời gian mà đôi khi có xen những đoạn hồi tưởng. Đạo diễn giải thích: “Khi biên tập lại phim, tôi hầu như chỉ nghĩ đến những phản ứng cảm xúc của khán giả, ví dụ như cách mà họ khóc hay cười trước phim…”.

Tuy nhiên, việc phê bình phim rằng bóp méo sự thật, hoặc việc dựng phim can thiệp quá đáng vào nội dung, hoặc làm sai thực tế… chỉ đơn thuần cho thấy rằng người ta đã quên mất xu hướng toàn cầu trong việc làm phim tài liệu ngày nay. Những ranh giới giữa phim tài liệu và hư cấu đôi khi đã bị xóa mờ. Chẳng có một bộ phim tài liệu nào mà không có một ý hướng hay một mục đích riêng, và một số nhà lý thuyết điện ảnh còn cho rằng: “Mọi thứ đều là hư cấu, không có tài liệu.” Nhiều người từ chối được gọi là nhà làm phim tài liệu, chẳng hạn như Sato Makoto nổi tiếng với cuốn phim tài liệu Out of Place: Memories of Edward Said. Michael Moore – người đã khuấy động Liên hoan phim Cannes 2008 với bộ phim tài liệu lừng danh về thảm họa 11- 9 của nước Mỹ tiêu đề Fahrenheit 9/11, cùng các kỹ thuật làm phim hết sức thẳng thắn và đầy tính khiêu khích, cũng thường xây dựng các tình huống trong phim theo mục đích của riêng ông. Thêm vào đó, “mockumentary” (chơi chữ từ tiếng Anh documentary – chỉ phim tài liệu truyền thống) – một thể loại được thể hiện như phim tài liệu, ghi lại đời thực song thực tế là hư cấu, đặt ra những vấn đề về ranh giới giữa sự thực và hư cấu, đang ngày càng trở nên phổ biến.

Lee khẳng định: “Tôi lấy những phần căn bản nhất trong vô số những cảnh quay từ cuộc sống thường nhật của các nhân vật” và “chẳng thấy có vấn đề gì vì phim không hề bóp méo những mối quan hệ và tình cảm nguyên bản.” Giáo sư Nam In young (Đại học tổng hợp Dongseo) cũng đồng ý với đạo diễn: “Câu hỏi về sự giả tạo hoặc bóp méo sự thật chỉ nên được đưa ra khi, ví dụ, mối quan hệ giữa người đàn ông và con bò được xây dựng mà trong thực tế, nó không hề tồn tại.” Vị giáo sư này cho rằng: “Đạo diễn đã làm được một việc tuyệt vời khi sáng tạo nên một câu chuyện cảm động về mối quan hệ của đôi vợ chồng già cùng con bò thông qua cách tổ chức kỹ lưỡng chất liệu nguyên thô từ thực tế. Anh ấy biết cách làm xúc động khán giả”.

Xin được nói thêm là Wonang Sori không chỉ phá vỡ kỷ lục phòng vé của riêng ngành công nghiệp điện ảnh độc lập trong nước mà còn thoát khỏi cách làm phim tài liệu rập khuôn. Bộ phim đã khiến chúng ta nhận thấy rõ hơn cái ý nghĩ thơ ngây và hẹp hòi rằng phim tài liệu thể hiện 100% thực tại, bởi nó đẩy mọi thứ xa hơn một bước, tới “cái gì được thấy là sự thực”. Phim cũng minh họa cho một xu hướng văn hóa mới, rằng các ranh giới giữa tài liệu và hư cấu bị xóa mờ. Vượt xa hơn giá trị của một phim tài liệu, như được diễn giải trong lời khen ngợi: “Thực tại (trong phim) còn kịch tính hơn cả trong kịch”, phim của Lee đã kích thích chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Cuối cùng thì phim tài liệu nên là như thế nào…

(dịch từ tạp chí Koreana, Vol. 23, No2, 2009)


Nguồn : Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009

Tác giả : Yang Sung Hee (Hoàng An Đông dịch)

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *