Xây dựng bản sắc việt trong đào tạo diễn viên múa


 

Vào những năm 60 – 70 và đầu thập kỷ 80 của TK XX. Nền nghệ thuật Việt Nam đã là tập hợp của những tinh hoa người Việt trong nghề diễn viên, trong đó có diễn viên múa. Một thế hệ diễn viên ở đủ mọi loại hình nghệ thuật có ngoại hình đẹp, có tài năng, hết lòng cho nghề nghiệp và phát triển rực rỡ ở cả trung ương đến các đơn vị nghệ thuật địa phương. Thời thế đã cho nghề diễn viên có được khoảng thời gian vinh quang trong cái nhìn ngưỡng mộ của các tầng lớp khán giả. Với nghệ thuật múa, vào trường múa, trở thành diễn viên múa là niềm mơ ước của tất cả các cô gái có nhan sắc ở tất cả các vùng miền, kể cả tại các thành phố lớn. Thời gian huy hoàng đó nay đã đi qua không trở lại.

Những thập kỷ sau xuất hiện một điểm võng trong đồ thị hình sin đối với nghề diễn viên. Những người có khả năng học nghệ thuật không còn mặn mà với nghề này nữa. Những người xinh đẹp, thông minh nhất chọn các nghề kinh tài để làm con đường tiến thân, dù họ rất có năng khiếu nghệ thuật. Cái nhìn, sự coi trọng của xã hội với nghề diễn viên xuống rất thấp.

Gần đây, xã hội phát triển sang một bước khác, thông tin các loại tràn ngập trên mạng toàn cầu, kinh tế đất nước dần dần hội nhập với thế giới. Một bộ phận dân chúng giàu lên, tầng lớp trung lưu đang hình thành trong các đô thị lớn. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật như một món ăn tinh thần quay trở lại trong một bộ phận dân cư. Nghề diễn viên đang được xã hội nhìn nhận, đánh giá lại nhưng tất nhiên với một chuẩn mực khác.

Đã hình thành giớứchowbiz thường xuyên được truyền thông khuấy động dư luận xã hội bằng những bài báo giật tít đùng đùng và sống trong xa hoa chói mắt theo lối Tây phương, xa cách mức sống của đại bộ phận dân cư. Sự cổ vũ dựa trên scandan làm cho ảo vọng của các chàng trai, cô gái may mắn có chút ngoại hình trời cho bay bổng, dù mới chỉ có ít người thành công bằng tài năng đích thực trong nghề.

Nghề múa dường như còn khá lặng lẽ bên lề dòng chảy điên cuồng này.

Thế nhưng múa lại lên ngôi trong các lễ hội được tổ chức tưng bừng thường xuyên khắp các tỉnh thành, trung ương và địa phương. Múa rực rỡ trên sân khấu trong các màn phụ họa khi theo kiểu Âu Mỹ, lúc giống Đại Hàn với đủ phong cách du nhập và cập nhật thường xuyên. Tuy vậy, không ai trong nghề nghĩ rằng có thể xây dựng bản sắc múa Việt bởi sự tiếp thu đó.

Người múa đi học tại nước ngoài về nước nhiều hơn. Với sự tài trợ của các tổ chức văn hóa phương tây cộng với sự cố gắng của chính mình, họ cũng thường xuyên hơn trong việc đưa ra công chúng các sản phẩm nghệ thuật mang phong cách hiện đại. Tuy vậy, sự cố gắng này vẫn ít được dư luận đại chúng chú ý và cái tôi nghệ thuật của những nghệ sĩ đó vẫn chưa thật sự lưu dấu nét trong lòng công chúng.

Đào tạo diễn viên múa, dù muốn hay không, đã và đang buộc phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Trong các trường đào tạo diễn viên múa, ngoài các môn múa cổ điển châu Âu, dân gian, tính cách, truyền thống… đang giảng dậy thêm môn múa hiện đại tuy chưa định hình được phong cách và dòng chủ đạo.

Ngoài ra, một số môn khác ít nhiều liên quan đến múa như quốc tế vũ, dancesport, múa bụng, hiphop… được dạy theo cách không chính thống cho những người có nhu cầu.

Đối với các môn Múa nước ngoài như múa cổ điển châu Âu, múa tính cách vẫn duy trì được tính bài bản, tính cơ huấn nghiêm ngặt theo sự vuông vức, tính nghệ thuật mang chất thơ của âm nhạc cổ điển nhưng bên cạnh đó tinh thần của những môn múa này hiện nay phần nào phai nhạt. Thiếu vắng sự đứng lớp của các thày cô được học dài hạn tại nước ngoài là nguyên nhân cơ bản. Những thày cô được đào tạo ở nước ngoài hiện còn đang đứng lớp lâu nay cũng không có được điều kiện trở lại nơi mình được đào tạo, đắm mình trong hơi thở nghệ thuật cổ điển, tự làm mới lại kiến thức, cảm xúc, phong cách của mình được nữa.

Hệ thống múa dân gian đã tương đối định hình với công sức sưu tầm, chỉnh đốn và nâng cao của rất nhiều thế hệ các thày cô. Hiện nay, hệ thống động tác rất đẹp, bài bản nhưng truyền qua nhiều thế hệ, bản sắc động tác đang phai nhạt dần. Hiện tượng hòa tan, thẩm thấu lẫn nhau về bản sắc trong ngôn ngữ động tác múa của các dân tộc Việt Nam được giảng dạy trong hệ thống trường múa đang diễn ra. Có hiện tượng học ngược trong công tác sưu tầm múa bởi công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đang có rất nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết.

Người Việt tính cách kín đáo, ít bộc lộ ra ngoài, nên múa dân gian người Việt không thật sự phong phú. Người Trung Quốc thành công trong việc vận dụng tính khoa học của hệ thống múa cổ điển châu Âu để xây dựng hệ thống đào tạo diễn viên đậm bản sắc Trung Quốc mà người Việt chưa thể làm được. Triết học của người Hán phong phú, hoàn chỉnh, bao quát và giải thích được hầu hết các hiện tượng tự nhiên và xã hội, là nền tảng sâu, vững chãi cho văn hóa nghệ thuật phát triển. Âm nhạc Trung Quốc – linh hồn của múa – là không thể trộn lẫn với bất kỳ loại âm nhạc nào, thời đại nào. Võ học Trung Hoa đạt đến trình độ như một triết học ảnh hưởng đặc biệt đến múa và điện ảnh kiến cho bản sắc của các loại hình nghệ thuật này cũng không thể trộn lẫn với bất kỳ ai.

Người Việt ta tiếp thu, du nhập rất nhiều các triết học, các tôn giáo như đạo Phật, Nho giáo, đạo Kito… mà chưa có tôn giáo nào chiếm vị trí thống lĩnh hoàn toàn. Tín ngưỡng dân gian bản địa chưa thật sự đủ mạnh để đối chọi và tiếp biến những tôn giáo và triết học du nhập và làm cho nó trở thành có bản sắc của mình trong tổng thể tín ngưỡng và tôn giáo đó. Vì vậy, văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa dân gian Việt Nam, chưa có được bản sắc riêng biệt.

Trong tương lai gần, chưa có gì thay thế hệ thống múa cổ điển châu Âu trong việc rèn cơ huấn cho học sinh học múa tuy nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc tiếp nhận bản sắc trong động tác múa dân gian các dân tộc Việt Nam của học sinh múa. Hệ thống này giúp cho học sinh giải phóng cơ thể, rèn luyện cơ bắp, làm nền tảng kỹ thuật và thể lực để tiếp thu các môn múa khác. Trong các hệ trung cấp ngắn hạn như 2, 3, 4 năm, chỉ nên dạy hệ thống này trong một nửa đầu của quá trình học để tập trung duy trì, phát triển bản sắc múa Việt Nam. Thông qua sự tập trung đào sâu mà giữ gìn bản sắc động tác múa trong việc phát triển ngôn ngữ động tác của múa dân gian. Đối với hệ đào tạo dài hạn, các môn múa như dân gian, truyền thống cũng nên giảng dạy trong một nửa quá trình học để học sinh có thời gian tập trung rèn luyện phong cách ballet, hiện đại. Như vậy ta có thể giúp học sinh múa định hình phong cách, hướng đi của mình khi chính thức trở thành diễn viên múa trong các đơn vị nghệ thuật biểu diễn.

Trên thực tế, có rất nhiều học sinh học ngắn hạn nhưng với tư chất của mình lại rất có điều kiện để trở thành diễn viên vũ kịch hoặc có em học dài hạn nhưng khi tốt nghiệp không thể múa ballet. Nếu các nhà trường đào tạo diễn viên múa sau một thời gian học nào đó có hội đồng chuyên môn để đánh giá thiên hướng, khả năng của học sinh và sau khi phân loại, cho phép các em chuyển đổi hệ đào tạo dài hạn sang học ngắn hạn và ngược lại, sẽ tránh lãng phí tài năng vốn đã hiếm hoi của chúng ta.

Cần tiếp tục tìm nguồn tài chính từ chính phủ và các tổ chức văn hóa, kinh tế khác, gửi sinh viên huấn luyện múa xuất sắc đi học dài hạn tại các nước có thế mạnh về hai môn cổ điển châu Âu và hiện đại dòng chính thống. Đồng thời các trường cần tạo điều kiện để các thày cô đã từng học tại nước ngoài quay lại nơi đã học, làm mới kiến thức của mình để công tác đào tạo cập nhật và có hiệu quả hơn. Tuy biện pháp này có vẻ không khả thi trong tình hình kinh tế hiện nay, nhưng chúng ta cũng biết rằng trong nghệ thuật và đào tạo sinh viên nghệ thuật, những bộ môn của nước ngoài như không gian nghệ thuật, không khí nghệ thuật, môi trường nghệ thuật… chỉ học trong nước không thể thay thế được. Chúng ta cần cố gắng khắc phục khó khăn tiến tới làm được điều đó.

Múa hiện đại vào Việt Nam trước hết bằng con đường tác phẩm sau đó mới đến đào tạo. Hiện nay chúng ta chưa xác định được dòng chủ đạo để đưa vào giảng dạy chính khóa trong nhà trường, chưa hình thành được giáo trình, giáo án chuẩn được thừa nhận rộng rãi trong giới nghề nghiệp. Với những ưu thế của mình trong kỹ thuật, khả năng giải phóng cơ thể, chuyển tải nội dung, cảm xúc, tính tương tác đa chiều… múa hiện đại sẽ ngày càng khẳng định chỗ đứng trong tổng thể nền nghệ thuật múa Việt Nam. Vì thế cần sớm xác định dòng chính thống của môn múa hiện đại, tiến tới xây dựng giáo trình, giáo án và đưa vào giảng dạy với tư cách được coi trọng như môn múa cổ điển châu Âu trong các trường dạy múa hiện nay. Trên cơ sở được học dòng chính thống một cách bài bản, học sinh có thể phát triển theo các dòng hiện đại khác tùy theo thiên hướng, cơ duyên của mình. Biết đâu đến lúc nào đó ta có thể có được một dòng múa hiện đại Việt.

Bản sắc là cái vô hình, thậm chí không ghi thành văn tự được. Người Việt múa ballet, hiện đại với âm nhạc do người Việt sáng tác trong không gian Việt Nam, đồng thời cố gắng khẳng định cái tôi nghệ thuật của từng nghệ sĩ, đó đã là những viên gạch góp phần xây dựng ngôi nhà văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Có rất nhiều nghệ sĩ thành danh trong nghệ thuật múa đã tích lũy kiến thức của mình từ môi trường đào tạo nước ngoài như NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Công Nhạc, NSND Ứng Duy Thịnh, NSND Đoàn Long… nhưng tác phẩm của họ vẫn mang đậm bản sắc Việt Nam. Với thơ mới cũng vậy. Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử… rất Tây học, có sáng tác theo thể Đường luật, ca dao… đâu mà vẫn hồn cốt Việt đó thôi.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Lê Khánh Toàn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *