Cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số trong quân đội nhân dân Việt Nam là những sĩ quan đang thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, lãnh đạo các đơn vị từ tiểu đoàn, đại đội và tương đương. Đây là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng chung tiếng nói, hiểu biết đặc điểm tâm lý, văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình. Đội ngũ cán bộ này không chỉ trở thành hạt nhân lãnh đạo xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị mà còn là nhân tố nòng cốt trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong quân đội. Họ là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị trong các đơn vị, trực tiếp tổ chức chỉ huy, quản lý, giáo dục bộ đội, thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội và của đơn vị.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước, quân đội đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số, từng bước tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng mục tiêu yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số đã được chú trọng. Công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, thăng quân hàm đối với cán bộ chính trị người dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi mới, vừa đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình công tác cán bộ, vừa có những chính sách ưu tiên đặc biệt.
Đến nay, hầu hết các đơn vị đóng quân ở vùng dân tộc thiểu số đã có cán bộ chính trị là người dân tộc thiểu số. Phần lớn đội ngũ này có sức khỏe tốt, phẩm chất, lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng; đạo đức, lối sống trong sạch, giản dị, lành mạnh; có ý thức tổ chức, kỷ luật cao, luôn đoàn kết ở đơn vị; có tín nhiệm cao trong cấp ủy, tổ chức Đảng và đơn vị. Trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, đồng chí, đồng đội yêu mến.
Nhiều cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các lực lượng trên địa bàn đóng quân tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Chỉ tính trong năm 2013 và 2014, các đơn vị đã tuyên truyền được 6.987 buổi/ 396.623 lượt người (1). Cùng với người chỉ huy, cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số đã trực tiếp tổ chức cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc; khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn đóng quân; phối hợp với chính quyền địa phương phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Từ 2003 đến 2013, toàn quân đã giúp các địa phương được 6,5 triệu ngày công lao động, tu bổ mở mới 24.303,4km đường nông thôn, nạo vét 10.000km kênh mương thuỷ lợi, xây dựng sửa chữa 3.120 lớp học, hỗ trợ 431,8 tỷ đồng giúp dân xóa đói giảm nghèo (2).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số cũng còn một số hạn chế. Công tác lựa chọn, tạo nguồn tuyển sinh, cử tuyển ở một số địa phương còn mất cân đối; nội dung, chương trình đào tạo cán bộ chính trị người dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa thật phù hợp với trình độ, năng lực của học viên. Công tác quy hoạch còn thiếu tính liên tục, lâu dài, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa tạo nguồn, quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ ở các đơn vị cơ sở.
Số lượng, chất lượng cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số còn bộc lộ những hạn chế. Tính đến tháng 7-2018, tỷ lệ cán bộ chính trị người dân tộc thiểu số trong quân đội chiếm 5,43%. Một số đơn vị đóng quân trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tỷ lệ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số mặc dù tăng lên những vẫn còn thấp so với nhu cầu biên chế. Cơ cấu cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số còn mất cân đối về thành phần dân tộc, kiến thức, độ tuổi, vùng miền, một số dân tộc ít người có rất ít hoặc không có cán bộ chính trị cấp phân đội. Một bộ phận cán bộ chưa thực sự mẫu mực về phẩm chất, chưa thực sự vững vàng về lập trường tư tưởng, chính trị, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, phong cách sống, làm việc, vốn sống, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy bộ đội còn hạn chế. Năng lực tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của một số cán bộ chưa thật sự vững chắc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên, trong đó chủ yếu là do đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở miền núi, cơ cấu thành phần dân tộc không cân đối, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều. Một số cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì chưa thật sự phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, chưa có nhiều chủ trương, biện pháp kịp thời, có hiệu quả trong xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số; sự phối hợp giữa các đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân chưa thường xuyên. Đặc biệt, chính bản thân đội ngũ cán bộ này có lúc chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân để chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trước thực tế đó, để tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số trong quân đội, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số.
Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các lực lượng có liên quan về tầm quan trọng đối với các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối công tác cán bộ của Đảng trong Quân đội và công tác cán bộ người dân tộc thiểu số; Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Nghị quyết 513/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương về Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Nghị quyết 769-NQ/QUTW về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo… Thông qua nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, linh hoạt, thiết thực như sinh hoạt, trao đổi, tọa đàm, hội thảo, hội thi, sân khấu hóa… với sự tham gia của nhiều lực lượng, phương tiện khác nhau để làm rõ lợi thế, uy tín của cán bộ chính trị người dân tộc thiểu số và tầm quan trọng của công tác cán bộ. Tăng cường tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt để mọi người noi theo.
Hai là, tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính cấp phân đội người dân tộc thiểu số
Cần thực hiện tốt chính sách cử tuyển; chấp hành nghiêm quy trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện chặt chẽ ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào, kiên quyết loại bỏ những trường hợp không đủ tiêu chí, tiêu chuẩn, không có xu hướng nghề nghiệp rõ ràng. Trong quá trình đào tạo, cần tập trung trang bị hệ thống kiến thức, kỹ năng cơ bản, chuyên sâu; kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành; tập trung nâng cao năng lực thực hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác của người cán bộ chính trị cấp phân đội. Đồng thời, cần kết hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa tuyển chọn, đào tạo ở các nhà trường với quá trình tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện ở các đơn vị cơ sở. Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm để phát hiện những vấn đề nảy sinh trong công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, kịp thời điều chỉnh bổ sung nội dung, chương trình đào tạo và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác này.
Ba là, đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt các biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số
Trên cơ sở quan điểm, đường lối công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, các cấp ủy đảng cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ, cụ thể hóa các tiêu chí về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ này phù hợp với tính chất, đặc điểm đặc thù. Từ đó, làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, quán triệt sâu, kỹ tới các lực lượng tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện. Có cơ chế, chính sách hợp lý phát huy vai trò, khả năng, sở trường và tạo động lực phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; tin tưởng giao nhiệm vụ để đội ngũ này có điều kiện khẳng định bản thân; kiên quyết khắc phục hiện tượng xem nhẹ, sai nguyên tắc trong quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số. Kết hợp chặt chẽ giữa việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số với đề cao tính tích cực, chủ động sáng tạo và ý thực tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội dân tộc thiểu số.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương nơi đóng quân trong thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số
Chủ động liên hệ, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số để kịp thời có những phương hướng giải quyết phù hợp; thường xuyên làm tốt công tác thi đua, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng nhằm động viên, khích lệ cán bộ chính trị người dân tộc thiểu số tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số phải thực sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống; có năng lực tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị; nói đi đôi với làm; thực sự tiên phong, gương mẫu trước tập thể; phương pháp, tác phong công tác khoa học; có đủ điều kiện và tín nhiệm bầu làm Bí thư cấp ủy. Để hiện thực hóa điều đó, cần quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội người dân tộc thiểu số đáp ứng nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
____________
1, 2. Tổng cục Chính trị, Cục dân vận, Báo cáo tình hình và kết quả công tác Dân vận của Quân đội vùng dân tộc – tôn giáo từ năm 2003 đến nay, Hà Nội, 2014.
Tác giả: Đinh Quốc Triệu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng