Xây dựng đời sống văn hóa tại bệnh viện

Xây dựng đời sống văn hóa nói chung là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược lâu dài, được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chú ý, nhất là nhiệm vụ phát huy vai trò và động lực của văn hóa để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển ở từng địa phương, cơ quan, tổ chức, làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội.

Thực trạng xây dựng đời sống văn hóa ở Bệnh viện Nhi Trung ương (BVNTƯ) có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng hình ảnh bệnh viện, tạo môi trường lành mạnh cho cán bộ, công nhân viên làm việc, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhi và người nhà bệnh nhân, tạo hình mẫu định hướng cho hệ thống nhi khoa trong cả nước. Tuy nhiên, việc xây dựng đời sống văn hóa tại đây còn tồn tại một số hạn chế.

BVNTƯ tới nay đã có lịch sử 50 năm xây dựng và phát triển (1). Đây là bệnh viện đầu ngành Nhi khoa của Việt Nam, với tầm nhìn đến “năm 2020 sẽ trở thành một trong ba bệnh viện nhi khoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á” (2). Bệnh viện có trọng trách chỉ đạo phát triển hệ thống nhi khoa trong cả nước, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trẻ em tốt nhất Việt Nam, đầu tư, ứng dụng các công nghệ cao và hiện đại, phát triển trung tâm đào tạo và nghiên cứu Nhi khoa, duy trì các mối quan hệ và hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường và điều kiện làm việc tốt nhất cho cán bộ, viên chức của bệnh viện. Lợi ích của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu. Bệnh viện cũng là cơ sở tiên tiến nhất trong chăm sóc bệnh nhân và trong các dịch vụ khác với phương châm hoạt động là sáng tạo, đổi mới, đoàn kết, hợp tác.

Trong những năm gần đây, bằng việc đổi mới phương thức hoạt động, ưu tiên cho đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, bệnh viện đã đạt được nhiều thành tựu lớn (3). Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới thành công trong hoạt động chuyên môn của bệnh viện là việc chú trọng tới xây dựng đời sống văn hóa tại bệnh viện. Chính những kết quả tích cực từ hoạt động này đã cởi bỏ mọi nút thắt về tâm lý, khiến không chỉ cán bộ công nhân viên mà kể cả bệnh nhân và gia đình người bệnh luôn thấy thoải mái, giảm thiểu áp lực khi làm việc và khám chữa bệnh tại đây.

Tại BVNTƯ, Ban Giám đốc luôn sát sao chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại bệnh viện. Trong đó, các chủ thể tham gia luôn chú trọng công tác chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động về chủ trương, mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào. Đặc biệt là tập trung tuyên truyền xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động có kỷ luật, kỷ cương, có nếp sống văn hóa, văn minh, thân thiện; tạo sự chuyển biến thực chất, nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện đối với bệnh nhân.

Biểu diễn tuyên truyền khuyến khích vệ sinh tay phòng chống dịch bệnh

tại Bệnh viện Nhi Trung ương – Ảnh: Minh Hạnh

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ cuối tháng 5 – 2019, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở BVNTƯ đã tiến hành tổ chức buổi tập huấn ngoại khóa chủ đề Xây dựng văn hóa chất lượng bệnh viện nhi Trung ương cho gần 200 cán bộ công đoàn của bệnh viện. Nội dung chủ đạo của buổi tập huấn là kêu gọi toàn thể BCH Công đoàn cùng các tổ trưởng công đoàn, công đoàn viên hưởng ứng và xây dựng văn hóa chất lượng bệnh viện, tích cực hơn nữa trong công tác chuyên môn cũng như công tác xã hội. Đây là một trong nhiều buổi tập huấn ngoại khóa của BCH Công đoàn cơ sở BVNTƯ, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tinh thần đoàn kết, đồng thời là khoảng thời gian giao lưu, tạo không khí thoải mái sau những giờ làm việc nhiều áp lực tại bệnh viện.

Trong chiến lược phát triển, xây dựng đời sống văn hóa của mình, Ban Giám đốc BVNTƯ luôn xác định, tổ chức đoàn thể là hoạt động quan trọng góp phần xây dựng bệnh viện phát triển ổn định, bền vững. Những năm gần đây, ban lãnh đạo luôn cố gắng cùng cán bộ, nhân viên kiện toàn tổ chức, đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tranh thủ các dịp sự kiện để tạo các phong trào khuyến khích đời sống của cán bộ, viên chức bệnh viện. Đây được xem là những hoạt động thiết thực để củng cố khối đoàn kết trong tập thể và cổ vũ, động viên tinh thần hăng say làm việc của cán bộ, viên chức bệnh viện. Trước hết, có thể thấy, nữ cán bộ y tế, chiếm đa số trong thành phần của cán bộ viên chức BVNTƯ, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động chuyên môn cũng như hoạt động chung của Công đoàn bệnh viện. Do vậy, với chị em phụ nữ, Ban giám đốc luôn quan tâm tới các ngày lễ kỷ niệm như Quốc tế Phụ nữ, Ngày phụ nữ Việt Nam, với phong phú các hoạt động đoàn thể có ý nghĩa thiết thực (4).

Đối với cán bộ, viên chức, người lao động là nam giới, bệnh viện luôn tạo ra các sân chơi phù hợp như các hoạt động thể dục, thể thao hằng ngày cũng như các giải thi đấu nội bộ. Những giải đấu như thế này có ý nghĩa rất lớn với việc xây dựng đời sống văn hóa bệnh viện. Ngoài ra, để đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa tại bệnh viện, hằng năm, ban lãnh đạo bệnh viện cũng luôn khuyến khích tổ chức chương trình Trung thu cho trẻ em bao gồm con của cán bộ, viên chức, người lao động và bệnh nhi. Những chương trình này đã tạo động lực lớn, khuyến khích và cổ vũ đời sống tinh thần của toàn thể gia đình cán bộ, viên chức bệnh viện. Ngoài ra, Công đoàn còn định kỳ hằng năm tổ chức hội thao với nhiều bộ môn, các hội thi văn nghệ, cắm hoa, nấu ăn… Có thể nói, đây là những sân chơi văn hóa sâu rộng để tất cả các cán bộ trong bệnh viện đều được thể hiện khả năng và trải nghiệm, qua đó nâng cao tinh thần đoàn kết chung của tập thể bệnh viện.

Đặc biệt, Ban Giám đốc BVNTƯ xác định, việc xây dựng đời sống văn hóa luôn phải gắn liền với việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có tinh thần, trách nhiệm, kỷ luật lao động tốt. Theo lãnh đạo bệnh viện, việc xây dựng nguồn nhân lực y tế là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Do vậy, bệnh viện luôn làm tốt công tác tuyển chọn, ưu tiên nhân lực có tay nghề, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển trình độ, năng lực, y đức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thời gian qua, bệnh viện đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, như tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các bệnh viện của Nhật Bản; thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật y tế cho điều trị các bệnh tim mạch tại Việt Nam giữa BVNTƯ và Đại học Okayama; đào tạo tiếng Anh trong khuôn khổ dự án lớn Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực BVNTƯ, hợp tác với Đại học Công nghệ Melbourne và Trung tâm EDUCAP tại Hà Nội.

Với những sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa một cách nhiệt tình, bài bản, diện mạo văn hóa của BVNTƯ đã có nhiều khởi sắc. Giờ đây, có thể thấy những hình ảnh văn hóa được thể hiện khắp nơi trong bệnh viện. Chị em điều dưỡng vui vẻ chăm sóc bệnh nhi, các anh chị em ở khối xét nghiệm chạy đua không ngày nghỉ với khối lượng bệnh phẩm khổng lồ và nhu cầu kết quả xét nghiệm cấp bách hay đi tìm nguồn cung cấp máu. Hình ảnh những bác sĩ nhiệt tình, tâm huyết có mặt 24/7 ở những “tuyến đầu” trong bệnh viện, thậm chí đi đến các vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh tình nguyện cho trẻ em khó khăn. Hình ảnh các anh, chị em khu vực hậu cần kỹ thuật không quản ngày đêm đảm bảo các điều kiện làm việc thông suốt, an toàn trong bệnh viện. Nhiều tấm gương y bác sĩ ngày đêm trăn trở tìm cách chẩn đoán sớm nhất, điều trị hiệu quả nhất, chăm sóc tốt nhất… Họ chính là những hạt giống làm lan tỏa tinh thần làm việc mang phong cách văn hóa của BVNTƯ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, có thể thấy, việc xây dựng đời sống văn hóa tại BVNTƯ còn một số tồn tại. Việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, về nhận thức vai trò, vị trí của văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa tại bệnh viện vẫn chưa đồng đều nên một số cán bộ, đảng viên, người lao động chưa hiểu rõ hết quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng. Vì vậy, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, người lao động coi nhẹ vai trò và tác dụng của văn hóa đối với đời sống tinh thần của họ. Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa các khoa, phòng, đoàn thể trong bệnh viện chưa chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại BVNTƯ. Việc duy trì chế độ kiểm tra, đôn đốc các bộ phận tổ chức thực hiện phong trào xây dựng cơ quan đơn vị văn hóa trong bệnh viện còn yếu. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của cán bộ, viên chức bệnh viện có chuyển biến nhưng vẫn chậm chạp. Trong các dịp hiếu, hỷ của người thân, vẫn còn đó những bữa tiệc linh đình, tốn kém; có tới 90% số hiếu, hỷ vẫn sử dụng thuốc lá để mời khách, sau khi tổ chức hiếu hỷ xong, gia đình người thân vẫn vất vả đi cảm ơn các khoa, phòng. Ngoài ra, trong việc xây dựng đời sống văn hóa, có một điểm cần hết sức lưu ý với BVNTƯ là thái độ khi làm việc với bệnh nhân và gia đình người bệnh. Thời gian qua, đã có phản ánh từ các cơ quan chức năng và báo chí về một số trường hợp để lại ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và uy tín của đội ngũ y bác sĩ nơi đây.

Có thể thấy, xây dựng đời sống văn hóa là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững, lành mạnh của hệ thống bệnh viện nói chung và BVNTƯ nói riêng. Những kết quả đạt được trong thời gian qua phần nào phản ánh những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động bệnh viện. Tuy nhiên, văn hóa là phạm trù rất rộng, những hạn chế, tồn tại mà tác giả vừa phản ánh cũng cho thấy bệnh viện cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể xây dựng đời sống văn hóa một cách toàn diện, hiệu quả. Thiết nghĩ, để tăng cường xây dựng đời sống văn hóa tại BVNTƯ trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tập trung xây dựng hình ảnh bệnh viện và các bộ phận chuyên môn. Để hình ảnh bệnh viện và mỗi cán bộ, viên chức, người lao động tại bệnh viện được cải thiện hơn trong mắt dư luận và nhân dân, trước hết, mỗi cán bộ y tế nên nghiêm túc thực hiện Thông tư quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế và kế hoạch triển khai thực hiện Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Nội dung yêu cầu các cơ sở y tế và cán bộ y tế phục vụ bệnh nhân theo phương châm: Bệnh nhân đến, đón tiếp niềm nở; bệnh nhân ở, chăm sóc tận tình, bệnh nhân về, dặn dò chu đáo. Chú trọng đưa ra biện pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị để khắc phục những hành vi ứng xử không tốt của từng cán bộ y tế trong khoa, phòng với người bệnh, như: thờ ơ, cáu gắt, hách dịch, cửa quyền, có biểu hiện gợi ý nhận tiền, quà, gây phiền hà cho người bệnh.

Thứ hai, trên cơ sở các nội dung cơ bản và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, BVNTƯ nên thực hiện triển khai quyết liệt kế hoạch trên tại tất cả các khoa, phòng khám chữa bệnh. Bệnh viện nên tổ chức nhiều lớp tập huấn cho toàn bộ cán bộ viên chức, ký cam kết và giám sát cụ thể theo từng cấp. Đẩy mạnh hoạt động của phòng chăm sóc khách hàng. Tiếp tục triển khai đường dây nóng theo Chỉ thị 09/CT – BYT, ngày 22-11-2013 của Bộ Y tế, niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế.

Thứ ba, cần tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên làm việc trong một môi trường thực sự thoải mái và thân thiện để họ có được mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp. BVNTƯ có thể tổ chức những cuộc thi khơi dậy ý tưởng xây dựng hình ảnh đẹp cho cán bộ, viên chức bệnh viện, với mục đích tìm ra những ý tưởng tốt để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, cải thiện đời sống vật chất cho toàn thể người lao động. Rõ ràng, mục đích này không chỉ nhờ vào năng lực của đội ngũ cán bộ mà còn nên dựa vào suy nghĩ sáng tạo của nhân viên toàn bệnh viện. Khả năng sáng tạo luôn tiềm ẩn trong mỗi người. Cuộc thi còn giúp mọi người trở nên gắn bó với bệnh viện hơn. Họ nỗ lực, tìm tòi để đưa bệnh viện phát triển với một hình ảnh đẹp nhất. Và khi đóng góp được một phần nào đó cho mục tiêu chung của bệnh viện, có lẽ họ sẽ thấy gắn bó với công việc của mình. Đây cũng là cách gắn kết mọi người với nhau, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung của toàn bệnh viện trong xây dựng đời sống văn hóa.

Cuối cùng, đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng đời sống văn hóa gắn với việc tìm hiểu, giao lưu, học hỏi những mô hình, cách thức triển khai hiệu quả của các bệnh viện khác. Bởi lẽ, xây dựng đời sống văn hóa là phạm trù rất rộng, chỉ có trên cơ sở học hỏi ngay từ những bệnh viện cùng chức năng, nhiệm vụ thì việc tiếp thu, đổi mới phong trào của BVNTƯ mới đi vào thực chất và có hiệu quả.

 ______________

1. Bệnh viện được thành lập vào ngày 14-7-1969.

2. Tầm nhìn và sứ mạng, http:// benhviennhitrunguong.org.vn

3. Năm 2018, BVNTƯ đã có 5 khoa xét nghiệm đạt chứng chỉ ISO:15189: bao gồm Xét nghiệm huyết học; Sinh hóa; Di truyền sinh học phân tử; Di truyền sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm và Vi sinh. Riêng Labo di truyền sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm là một trong 2 phòng xét nghiệm ở khu vực phía Bắc đạt chuẩn và có thẩm quyền công bố xác định nhiễm HIV ở trẻ em. Các kỹ thuật cao, kỹ thuật mũi nhọn tiếp tục được bệnh viện triển khai. Bệnh viện là đơn vị đầu tiên của Nhi khoa Việt Nam sử dụng robot trong phẫu thuật nội soi. Các kỹ thuật ECMO, lọc máu… đã trở thành thường quy. Bệnh viện đã hoàn toàn chủ động trong các kỹ thuật ghép, bao gồm cả ghép tạng và ghép tế bào gốc.

4. Gần đây nhất, một trong những chương trình có ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 88 năm – Ngày Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra tại bệnh viện là buổi tọa đàm chia sẻ về nghệ thuật cắm hoa, ngày 17-10-2019, do nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng thỉnh giảng.

Tác giả: Trần Thanh Hưng – Trần Văn Học

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *