Xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa ở đắc lắc

Quy ước nếp sống văn hóa, làng (thôn, ấp, bản) văn hóa thực chất là những thỏa thuận của cộng đồng có nguồn gốc từ việc kế thừa truyền thống lập hương ước của cha ông để nhân dân tự giác tuân thủ, nhằm xây dựng cuộc sống ổn định, phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần. Quy ước có nội dung tiến bộ, được triển khai thực hiện tốt sẽ có tác dụng giáo dục tư tưởng, tình cảm, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, xây dựng nếp sống văn hóa, hình thành những phong tục tập quán mới tốt đẹp, tác động đến phong trào xây dựng gia đình, làng văn hóa. Tỉnh Đắc Lắc đã vận dụng luật tục của người Ê đê, M’nông vào xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa nhằm thiết thực góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


1. Đắc Lắc – nơi hội tụ các giá trị văn hóa đa sắc tộc

Đắc Lắc là một trong 5 tỉnh của khu vực Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Tỉnh có diện tích tự nhiên 13.085 km2, dân số trên 1,8 triệu người, được phân bổ trên địa bàn dân cư của 15 đơn vị hành chính cấp huyện/thị (13 huyện, 1 thành phố, 1 thị xã với 184 xã/phường, thị trấn và 2.412 thôn, buôn, tổ dân phố). Toàn tỉnh có 44 dân tộc anh em di cư đến từ 63 tỉnh/thành phố của cả nước cùng chung sống. Trong đó, 3 dân tộc bản địa với số dân đông nhất là Kinh, Ê đê, M’nông. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã đóng góp xây dựng tỉnh Đắc Lắc ngày càng phát triển, đồng thời đem đến cho vùng đất này nhiều loại hình văn hóa độc đáo. Điều này đã tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú, mang nét đặc trưng của cao nguyên Đắc Lắc, nơi hội tụ của 3 nền văn hóa. Đó là văn hóa các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên, văn hóa các dân tộc thiểu số phía Bắc, văn hóa của dân tộc Kinh mang đậm bản sắc 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Địa hình tỉnh Đắc Lắc dàn trải, giao thông phức tạp, dân số gia tăng nhanh, cơ cấu dân cư phức tạp, đa dạng về phong tục tập quán. Do đó, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, hộ tịch, an ninh, trật tự… gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là những lĩnh vực dễ nảy sinh xích mích, va chạm, tranh chấp, khiếu kiện. Bên cạnh đó, nơi đây trình độ dân trí thấp, đồng bào ít có cơ hội tiếp xúc với các tri thức văn hóa, chuẩn mực xã hội mới. Tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nên các thế lực phản động thường lợi dụng những lĩnh vực phát sinh nhiều bất ổn như tranh chấp đất đai, di cư tự do… để kích động mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, dụ dỗ, xúi giục, lôi kéo đồng bào tham gia các cuộc bạo loạn, gây rối. Đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung, nhất là vùng sâu, vùng xa, do đời sống kinh tế, xã hội khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều quy định của luật tục vẫn tồn tại song hành và điều chỉnh, chi phối đời sống dân cư cùng với pháp luật của Nhà nước. Từ những đặc điểm này, tỉnh Đắc Lắc đã nghiên cứu, triển khai vận dụng sử dụng luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

2. Vận dụng luật tục Ê đê, M’Nông để xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa

Phong tục tập quán nói chung và luật tục nói riêng của cộng đồng dân cư rất phong phú, đa dạng, không chỉ mang tính tộc người mà còn cả tính khu vực. Luật tục có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống đồng bào các dân tộc, trong đó bao gồm cả luật tục tốt, có ý nghĩa tích cực cần được phát huy và hủ tục nặng nề, lạc hậu cần được loại bỏ. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng nên phải lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện pháp luật một cách thích hợp, có hiệu quả. Đặc biệt, phải chú trọng đến các sinh hoạt truyền thống tốt đẹp để thông qua đó tuyên truyền, phổ biến giáo dục, thực hiện các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Ngay từ năm 2002, Đắc Lắc đã chú trọng xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước văn hóa, vận dụng luật tục để xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa. Trong tổng số các dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, dân số của Ê đê và M’nông là lớn nhất. Nhằm tạo điều kiện cho các buôn, thôn của đồng bào Ê đê, M’nông vận dụng luật tục cổ truyền của dân tộc mình vào việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn văn hóa, tỉnh Đắc Lắc đã hoàn thiện hai cuốn sách Vận dụng luật tục Ê đê vào việc xây dựng gia đình, buôn, thôn văn hóa và Vận dụng luật tục M’nông vào việc xây dựng gia đình, buôn, thôn văn hóa. Hai cuốn sách đã được xuất bản với song ngữ tiếng Ê đê – Việt và M’nông – Việt dưới dạng lời nói văn vần, phát hành đến tận huyện, xã, phường, thôn, buôn của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Mỗi cuốn sách hướng vào các nội dung: ổn định định canh định cư; cần cù lao động, cùng nhau phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình văn hóa, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, ứng xử có văn hóa, sống hòa mình với cộng đồng, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giữ gìn an ninh trật tự cộng đồng, sống và làm việc theo pháp luật, không nghe và tin theo lời kẻ xấu, cùng nhau bảo vệ buôn làng, đóng thuế để xây dựng đất nước; cùng nhau bảo vệ tài sản cộng đồng; giáo dục con cháu, dân buôn bảo vệ rừng, nguồn nước, thú rừng, cá suối, giữ gìn văn hóa truyền thống thôn, buôn và cộng đồng, đoàn kết cộng đồng…

Các điều khoản trong sách vận dụng luật tục là lời tuyên truyền, động viên, khuyên bảo có tính giáo dục cao, chủ yếu sử dụng ngôn ngữ luật tục, lời nói vần, thơ ca dân gian nên dễ đi vào lòng người, dể hiểu, nhớ và thực hiện. Đây chính là kho tàng tri thức về quản lý cộng đồng của người Ê đê, M’nông nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Trong đó bao gồm sự kết hợp giữa tri thức quản lý và tự quản, giáo dục và xử phạt, dư luận xã hội và ý thức cá nhân, tập quán cộng đồng và pháp luật của Nhà nước, tín ngưỡng tâm linh và ý thức tiến bộ của cộng đồng, nếp sống cũ và lối sống mới, văn minh nông nghiệp và văn minh công nghiệp, văn hóa cộng đồng với văn hóa dân tộc và văn hóa quốc gia. Nội dung luật tục là những tri thức quý báu của đồng bào Ê đê, M’nông và các dân tộc đang cùng sống trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, để thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, mà trọng tâm cốt lõi là xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa, hướng tới xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh.

Đắc Lắc luôn chú trọng vận dụng luật tục, đẩy mạnh xây dựng hương ước, quy ước để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tính đến năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 2.328 bản hương ước đã được phê duyệt ban hành thực hiện/tổng số 2.473 thôn, buôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 94,13%. Riêng quy ước thôn, buôn bản của đồng bào các dân tộc tại chỗ còn vận dụng thêm 14 nội dung. Trong đó bao gồm 7 không (không phá rừng làm rẫy, không làm ô nhiễm nguồn nước, không uống nước lã, không nuôi gia súc dưới gầm sàn, đau ốm không cúng yàng, không biểu tình bạo loạn, không vượt biên) và 7 bỏ (bỏ tục nối dòng, bỏ nghi ma lai, bỏ tục đốt nhà khi có người chết rủi, bỏ tục tảo hôn, thách cưới, bỏ tục để lâu ngưòi chết trong nhà, bỏ tục ăn uống tốn kém nhiều ngày trong đám tang, đám cưới, bỏ các tục mê tín dị đoan).

Từ việc xây dựng và thực hiện quy ước, một số thôn, buôn đã tổ chức phục hồi lại bến nước cộng đồng đã bỏ hoang từ lâu. Hàng năm, họ thường xuyên tổ chức lễ cúng bến nước với mục đích giáo dục các thành viên trong cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái tự nhiên, di sản văn hóa của thôn, buôn. Thông qua việc thực hiện luật tục gắn liền với quy ước nếp sống văn hóa, hầu hết các gia đình đã bỏ tục thách cưới, tổ chức cưới hỏi lành mạnh, văn minh, tiết kiệm. Trong việc tang không còn tình trạng để lâu người chết trong nhà, không ăn uống linh đình nhiều ngày như trước đây, việc chia buồn thăm viếng đều thể hiện được tình cảm thân thiết, gắn bó của mọi người trong cộng đồng. Đến nay, tỉnh Đắc Lắc đã có 277.788 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 1.907 khu dân cư tiên tiến, 1.345 làng, khu phố đạt chuẩn văn hóa, 1.200 cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt.

Đồng bào các dân tộc đã sống đoàn kết, gắn bó, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, đồng tâm hiệp lực xây dựng Đắc Lắc ngày càng phát triển giàu đẹp. Ở nhiều xã, phường, thôn, buôn, những thiết chế văn hóa đã và đang được xây dựng, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, mà trọng tâm là cuộc vận động phong trào xây dựng gia đình, làng, tổ dân phố văn hóa, đã góp phần quan trọng vào việc ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở. Phong trào đã huy động được tiềm năng to lớn của các gia đình, thôn, buôn để tham gia xây dựng cuộc sống mới, góp phần đẩy lùi đói nghèo, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của những thế lực thù địch, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Song, bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc còn hạn chế về trình độ dân trí, nhận thức không đồng đều. Trước đây, một bộ phận đồng bào chưa nhận thức đúng và đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của phong trào xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa nên đã từ chối không nhận các danh hiệu đó, vì vậy không nhận được chế độ ưu đãi của Nhà nước.

3. Tác dụng và kinh nghiệm triển khai thực hiện luật tục trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

Xây dựng quy ước thôn, buôn văn hóa gắn với việc vận dụng luật tục của đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thực hiện pháp luật của Nhà nước, điều chỉnh những mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có ý thức gìn giữ, phát huy thuần phong mỹ tục dân tộc. Nội dung các bản quy ước đề cao những chuẩn mực đạo lý, đạo đức truyền thống của dân tộc, đồng thời là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cuộc vận động duy trì an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội, góp phần giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở thôn, buôn, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Để luật tục của những dân tộc khác trong tỉnh Đắc Lắc tiếp tục phát huy có hiệu quả, thiết thực trong phong trào xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa, tỉnh Đắc Lắc cần tiếp tục khai thác, phát huy yếu tố tích cực trong luật tục của các dân tộc thiểu số, đưa vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng, gắn với mô hình tổ chức tự quản cộng đồng, nhân rộng các mô hình trên. Trong quá trình xây dựng và vận dụng thực hiện, cần chú ý một số nội dung như sau:

Việc xây dựng quy ước phải được hết sức coi trọng, kết hợp nhuần nhuyễn mặt tích cực của luật tục với pháp luật, được nhân dân đồng tình, phát huy tinh thần dân chủ, có sự thống nhất bàn bạc trong toàn cộng đồng dựa trên kỷ cương, pháp luật của Nhà nước. Phải kết hợp hài hòa luật tục của từng dân tộc, dòng họ, địa phương, tạo nên một nguyên tắc ứng xử mới của cộng đồng dân cư.

Cần dựa trên đặc thù từng vùng, lấy dân làm gốc để triển khai thực hiện. Nội dung phải hướng vào các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, nhằm duy trì ổn định chính trị, xã hội để phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Phải tạo lòng tin cho đồng bào, nói đi đôi với làm, làm tốt công tác dân vận, tôn trọng và tranh thủ sự hưởng ứng của các già làng, trưởng bản. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong việc giáo dục, vận động mọi thành viên trong cộng đồng thực hiện quy ước gắn với luật tục tiến bộ nhằm tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Lên án một cách mạnh mẽ những cái xấu, đặc biệt là việc bài trừ hủ tục lạc hậu trong đời sống văn hóa, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến để nhân rộng, phát triển phong trào.

Phát huy vai trò tích cực, chủ động của ban vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng tham gia thực hiện phong trào, bồi dưỡng, dần ổn định và nâng cao trình độ, năng lực cho hạt nhân văn hóa ở thôn, bản, buôn, trước hết là những người quản lý. Duy trì, tổ chức hoạt động ở các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Cần đi sâu khảo sát về phong tục, tập quán cũng như ngôn ngữ của đồng bào, đề cao những nét đẹp văn hóa truyền thống, phát huy tính cộng đồng. Thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Ở những địa phương có tôn giáo, tín ngưỡng, ngoài sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, cần tranh thủ ý kiến của các già làng, trưởng bản, linh mục, chức sắc tôn giáo để vận động giáo dân thực hiện phong trào với tinh thần kính chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : NGUYỄN KIM QUY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *