Xây dựng gia đình văn hóa với phòng ngừa tội phạm


Tội phạm là hiện tượng tiêu cực trong xã hội, giải quyết vấn đề về tội phạm đang là những thách thức không chỉ với mỗi quốc gia, dân tộc mà là vấn đề của toàn cầu. Đối với nước ta, việc phòng ngừa tội phạm luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chức năng, nhiệm vụ được phân công đã tổ chức các hoạt động nhằm triển khai công tác phòng ngừa tội phạm.

I. Những vấn đề chung về văn hóa gia đình và phòng ngừa tội phạm

1.1. Văn hóa gia đình với văn hóa – xã hội

Gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống con người, theo các học giả xưa và nay, phương Đông hay phương Tây dù có khác nhau về điều kiện sống, cách tiếp cận và góc độ đánh giá nhưng đều có chung một quan niệm: Gia đình là một nhóm người ràng buộc với nhau bởi quan hệ huyết thống, đạo đức và pháp lý. Như vậy, có thể hiểu gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa – xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống giữa các thành viên. Vì vậy đây là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người, là nơi mỗi người được rèn luyện, phát triển theo hướng chân – thiện – mỹ.

 Văn hóa gia đình là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa Việt Nam như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khái quát, văn hóa Việt Nam chúng ta gồm ba trụ cột đó là văn hóa gia đình, văn hóa làng và văn hóa nước. Qua đó có thể hiểu quá trình hình thành văn hoá dân tộc cũng là quá trình hình thành văn hoá gia đình mà văn hóa gia đình là cốt lõi của văn hóa dân tộc. Văn hóa gia đình được hiểu là hệ thống những giá trị, các chuẩn mực đặc thù, có chức năng điều tiết các hành vi giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Xã hội càng phát triển, cuộc sống gia đình càng đa dạng phong phú. Mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội phần nhiều được hình thành từ gia đình. Gia đình càng hoàn thiện, càng ổn định và có văn hoá sẽ góp phần xây dựng lối sống, nếp sống tốt đẹp cho xã hội. Ngược lại khi văn hóa gia đình không có sự gắn kết với văn hóa – xã hội sẽ tạo nên sự trì trệ, xáo trộn và mất ổn định xã hội.

1.2. Văn hóa gia đình với việc giáo dục nhân cách

Giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Giáo dục bao gồm: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội. Gia đình là tổ ấm, nơi tràn đầy tình yêu thương ruột thịt, vừa là nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư, vừa là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người. Văn hóa gia đình với hệ thống các chuẩn mực như: Kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, hy sinh cho con, tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, v.v.. trở thành cái nôi, thành nền tảng hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Trong những thành tố của văn hóa gia đình, việc tổ chức cuộc sống có nền nếp, trật tự, gia phong; việc dạy dỗ, ứng xử, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên gia đình thuộc các thế hệ rất quan trọng, bởi thông qua đó, các thế hệ đi trước truyền thụ cho con trẻ những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, tạo nên giá trị xã hội và nhân cách văn hóa của mỗi con người.

Từ những phân tích trên có thể thấy văn hóa có vai trò kép trong việc hình thành nhân cách con người. Thứ nhất văn hóa gia đình là môi trường đầu tiên góp phần giáo dục, hình thành nhân cách con người (giáo dục gia đình). Thứ hai, như đã nêu trên, giáo dục gồm ba yếu tố trong đó có yếu tố giáo dục xã hội. Văn hóa gia đình là cốt lõi của văn hóa dân tộc, khi văn hóa gia đình phát huy được các giá trị của mình thì văn hóa – xã hội lành mạnh, từ đó văn hóa xã hội là môi trường tốt giúp cho việc giáo dục và hình thành nhân cách con người.

Với những phân tích nêu trên văn hóa gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng ngừa tội phạm, vì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội, có quy luật phát sinh, tồn tại và phát triển nhất định, có nguyên nhân và điều kiện và cần thiết phải phòng ngừa tội phạm.

II. Thực trạng phong trào xây dựng gia đình văn hóa và một số giải pháp

2.1. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa

Gia đình là môi trường quan trọng dưỡng dục, chở che, hình thành nhân cách các thế hệ. Từ nhận thức đó, năm 1960 sáu gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, Yên Mỹ (Hưng Yên) đã tự nguyện giao ước thi đua với nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc bằng những việc làm cụ thể  như: Giúp nhau sản xuất; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; nuôi con học hành tiến bộ; gia đình ngăn nắp, vệ sinh, sạch sẽ. Qua thời gian thi đua thực hiện các giao ước của sáu gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, mô hình nay đã nhanh chóng lan tỏa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Năm 1962, Bộ Văn hóa (nay là BộVHTTDL) đã kịp thời rút kinh nghiệm, chỉ đạo, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến này ra toàn miền Bắc và trong Hội nghị liên hoan gia đình văn hóa tại Hải Phòng đã đánh giá xã Ngọc Long chính là chiếc nôi của phong trào xây dựng gia đình văn hóa.

Ngày15/3/1975, nhằm chỉ đạo có hiệu quả phong trào, Bộ Văn hoá Thông tin và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hoá mới (nay là Gia đình văn hoá) với 03 tiêu chuẩn. Từ năm 1990 đến năm 2000, cuộc vận động “Xây dựng gia đình văn hóa mới” được đổi tên bằng “Xây dựng gia đình văn hóa” với 04 tiêu chuẩn là: Xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, tiến bộ, hạnh phúc; Thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình; Đoàn kết xóm giềng; Thực hiện nghĩa vụ công dân. Ngày 16/7/1998, tại Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vấn đề gia đình và xây dựng gia đình văn hoá đã được đề cập một cách cấp thiết: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hoá. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình – nhà trường – xã hội”, cùng với giải pháp đưa “Cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại  Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII); phong trào xây dựng gia đình văn hoá do Bộ Văn hoá -Thông tin (nay là BộVHTTDL) chủ trì đã được triển khai mạnh mẽ trong toàn quốc.

Năm 2003, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành phong trào thi đua của hộ gia đình và được đưa vào Luật Thi đua, Khen thưởng. Để phù hợp với tình hình thực tiễn và kế thừa có chọn lọc những yếu tố của gia đình truyền thống, nội dung phong trào thi đua xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa với 3 tiêu chuẩn cụ thể như sau:

“1. Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú;

2. Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng;

3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả”.

Ngày 23/6/2006, Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT về Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” và đến năm 2011 Quy chế này đã được thay thế bởi Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương. Ngày ngày 17 tháng 9 năm 2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã từng bước được khẳng định là một chủ trương đúng đắn “thuận ý Đảng, hợp lòng dân” và là nội dung cốt lõi của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

2.2. Thực trạng phong trào xây dựng gia đình văn hóa

Trong những năm qua, bên cạnh những chủ trương, đường lối xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế – xã hội, nhiều nghị quyết, chỉ thị và các văn bản của Đảng, Nhà nước đã đề cập đến vai trò của gia đình trong công cuộc bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc, trong việc xây dựng văn hóa gia đình,văn hóa con người, văn hóa xã hội như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX), Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư ngày 21/2/2005, Quyết định số 106/2005QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ ….. đã góp phần đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa thực sự đi vào đời sống, trở thành một phong trào quần chúng, phát triển ngày càng sâu rộng, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo các cấp cũng đã tích cực tham mưu xây dựng và triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện phong trào, trong đó đưa ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, phù hợp với từng năm, từng giai đoạn, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Công tác đăng ký, bình xét, thẩm định và công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm đảm bảo dân chủ, công khai, đúng thực tế. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, tổng hợp, theo dõi và báo cáo số liệu đối với công tác bình xét, thẩm định và công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa ở cơ sở. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa còn được triển khai lồng ghép với các phong trào do các đơn vị tổ chức thực hiện như: phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với “Phụ nữ cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, xây dựng gia đình hạnh phúc đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”…. Theo số liệu được công bố, tính đến năm 2019, cả nước đã có 21,348,637/23,289,531 = 91,7% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; có   19,253,128 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoa = 82,7%. Kết quả thực hiện phong trào đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố gia đình và phát huy vai trò của gia đình đối với sự phát triển xã hội, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa gia đình, từ đó tác động tích cực đến xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng gia đình văn hóa còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: việc triển khai tổ chức đăng ký xây dựng gia đình văn hóa ở một số địa phương chưa đảm bảo theo đúng các quy định, từ đó không thu hút được sự quan tâm và tổ chức thực hiện của đông đảo các tầng lớp nhân dân; công tác bình xét ở một số địa phương tổ chức còn sơ sài, đơn giản, số lượng người tham gia họp bình xét không đảm bảo theo quy định; việc tổ chức biểu dương, khen thưởng chưa thường xuyên, kịp thời; việc xây dựng các mô hình, điển hình trong phong trào không được chú trọng, từ đó chưa tạo được động lực hấp dẫn để thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia thực hiện….

Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, song có những nguyên nhân chủ yếu sau: cấp ủy Đảng, chính quyền một số nơi chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo hoạt động phong trào, vì vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội tham gia thực hiện phong trào; hiện tượng dễ dãi, hình thức, chạy theo thành tích, chạy theo số lượng, không chú ý đến chất lượng của các tiêu chí gia đình văn hóa, từ đó phong trào xây dựng gia đình văn hóa chưa thực sự là nội lực của sự phát triển; công tác tuyên truyền, vận động, truyền thông nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu và thiếu tập trung; chưa kịp thời nhân rông các điển hình tiên tiến, hạt nhân của phong trào; nguồn kinh phí đầu tư cho phong trào còn hạn chế; công tác nghiên cứu khoa học trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa gia đình chưa được quan tâm đúng mức; tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường chưa kịp thời được khắc phục….

Từ những hạn chế, yếu kém nêu trên là một phần dẫn tới tình trạng như: lối sống thờ ơ, vô cảm, thực dụng, tôn thờ đồng tiền không còn là hiện tương mà đang trở nên ngày càng phổ biến; các biểu hiện tiêu cực trong ứng xử, tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, bạo lực gia đình, tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục, nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng; các tệ nạn xã hội ma túy, cờ bạc, tội phạm… đang có chiều hướng gia tăng, là vấn đề nổi cộm cần phải ngăn chặn.

III. Một số giải pháp thực hiện

Để nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, đặc biệt và việc phát huy giá trị văn hóa gia đình trong việc phòng ngừa tội phạm xin nêu một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện, thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng và nhà nước về xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa –hiện đại hóa đất nước, về xây dựng gia đình văn hóa, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và coi đây là một yêu cầu cần thiết trong chiến lược xây dựng, phát triển con người Việt Nam. Công tác xây dựng gia đình văn hóa được xem là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, có sự tham gia chủ động, tích cực của các Bộ, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.

Thứ hai, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là tuyến cơ sở trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, đồng thời cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai và tổ chức thực hiện.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy hiệu quả vai trò của công tác tuyên truyền, truyền thông trong việc định hướng dư luận xã hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa và xây dựng văn hóa gia đình; tuyên truyền kịp thời các điển hình, mô hình trong việc xây dựng gia đình văn hóa, gìn giữ, phát huy các giá trị của văn hóa gia đình, đồng thời kịp thời lên án, phê phán những hành vi tiêu cực, ứng xử phản văn hóa.

Thứ tư, gia đình luôn vận động và biến đổi theo sự vận động của xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, vì vậy cần nắm bắt kịp thời các hành vi, hiện tượng không phù hợp với các giá trị văn hóa truyển thống du nhập vào nước ta để ban hành kịp thời các văn bản quản lý không để cho các hành vi phản văn hóa, các tiêu cực len lỏi vào gia đình, xã hội.

Thứ năm, như đã phân tích, việc giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người và giáo dục bao gồm: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội. Vì vậy trong triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa cần phải có sự gắn kết với các phong trào thị đua khác hiện có ở địa phương, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa từ trong gia đình đến xã hội ngày càng lành mạnh.

Thứ sáu, bên cạnh việc ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quản lý nhà nước, để phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát huy hơn nữa hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm, cần có các chương trình, đề án cụ thể phù hợp với từng địa phương, khu vực nhằm nâng cao việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa gia đình; kịp thời phát hiện các gia đình, nhóm các gia đình có nguy cơ làm cho các giá trị văn hóa gia đình mai một, từ đó có các biện pháp hỗ trợ nâng cao việc gìn giữ các giá trị văn hóa, xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, qua đó góp phần giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ.

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra và loại bỏ các thành tố văn hóa truyền thống của gia đình đã lỗi thời, lạc hậu cản trở sự phát triển, đồng thời tiếp thu các giá trị văn hóa mới, qua đó góp phần xây con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ tám, thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc xét, công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết biểu dương, khen thưởng và tăng cường xây dựng các mô hình, điển hình trong quá trình thực hiện nhằm tìm ra những cách làm hay, hiệu quả và nhân rộng các mô hình mới, điển hình tiên tiến.

 

Tác giả: Nguyễn Thái Vinh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *