Đảng ta xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển bền vững của đất nước; đồng thời, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại, đòi hỏi các trường đào tạo sĩ quan quân đội phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục và đào tạo (GDĐT) nhằm xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội không những có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ kiến thức, năng lực chuyên môn sâu, rộng mà còn phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực và lối sống có văn hóa về mọi mặt, đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Lối sống có văn hóa của học viên được dẫn dắt bởi một lẽ sống cao quý, dựa trên cơ sở thế giới quan khoa học cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; được biểu hiện cụ thể ở những giá trị chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nghề nghiệp của mỗi học viên, đó là: tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với chức trách, nhiệm vụ được giao; tinh thần hết lòng vì tập thể, vì sự tiến bộ của đồng đội; thái độ và lối sống lành mạnh, văn minh, lịch sự; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của nhà trường. Xây dựng lối sống văn hóa cho học viên ở các trường đào tạo sĩ quan quân đội là tổng thể hoạt động của các chủ thể và học viên trong việc xác định mục tiêu, nội dung, phương thức tiến hành để tạo dựng những giá trị đặc trưng của lối sống có văn hóa, góp phần phát triển phẩm chất, nhân cách người sĩ quan quân đội theo mục tiêu, yêu cầu giáo dục và đào tạo của nhà trường. Đây là công việc cần phải được các chủ thể tiến hành thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, cùng với sự tham gia của các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài quân đội. Song, trước hết cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Tăng cường công tác giáo dục, định hướng những giá trị chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nghề nghiệp của học viên.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các trường đào tạo sĩ quan quân đội cần xác định rõ tiêu chí về lối sống văn hóa của học viên trong mục tiêu, yêu cầu GDĐT thực hiện tốt quan điểm của Đảng ta về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có đầy đủ “đức” và “tài”; trong đó, lấy “đức” làm gốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người” (1). Từ đó, tăng cường công tác giáo dục cho học viên về những giá trị tư tưởng cao đẹp, tập trung giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, bản chất cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức giác ngộ giai cấp, giác ngộ dân tộc; mục tiêu lý tưởng chiến đấu cao đẹp; niềm tin cộng sản, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; biết trân trọng, kế thừa, phát triển các giá trị truyền thống của quân đội, nhà trường.
Các cấp ủy đảng phải khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần dân chủ, trí tuệ của các đảng viên tham gia; đồng thời phải không ngừng đổi mới, cải tiến về nội dung, hình thức, biện pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, xác định rõ thẩm quyền của người đứng đầu và vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc xây dựng lối sống văn hóa cho học viên theo phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các tổ chức đảng ở đơn vị học viên phải luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt các nghị quyết lãnh đạo; học tập các chỉ thị, quy định của Đảng, của quân đội về văn hóa, đạo đức, lối sống; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng nhất trí một chiều và các biểu hiện né tránh, ngại đụng chạm các vấn đề về lối sống, trong đó có việc xây dựng lối sống văn hóa cho học viên các trường đào tạo sĩ quan quân đội hiện nay.
Trong điều kiện hiện nay, các cấp ủy đảng cần phải luôn gắn kết chặt chẽ giữa việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị với các nội dung về xây dựng Đảng và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, không những xây dựng được các chuẩn mực, giá trị văn hóa, đạo đức ở từng tổ chức đảng, mà còn làm cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động xây dựng lối sống có văn hóa của học viên. Các cấp ủy đảng ở đơn vị học viên phải xây dựng các nội dung về lối sống có văn hóa thành các tiêu chí cụ thể trong học tập, rèn luyện, công tác phát triển đảng, thi đua, khen thưởng và kiểm tra, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm, làm cơ sở cho học viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu; thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm kịp thời biểu dương gương “điển hình tiên tiến”, “người tốt, việc tốt”; đồng thời đấu tranh với những nhận thức và hành vi lệch lạc, sai trái, thiếu gương mẫu, nói không đi đôi với làm và các biểu hiện qua loa, hình thức trong xây dựng lối sống có văn hóa của học viên.
Nâng cao trách nhiệm, năng lực, vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ quản lý và hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống văn hóa cho học viên
Trong xây dựng lối sống văn hóa cho học viên cần phải phát huy tốt vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (2). Do vậy, các cấp ủy đảng phải coi trọng việc xây dựng và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ quản lý trong các hoạt động GDĐT của nhà trường. Đội ngũ cán bộ quản lý càng ở cương vị cao thì càng phải gương mẫu cả trong lời nói và việc làm, luôn có tinh thần đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, tôn trọng lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị, không ngừng tự hoàn thiện nhân cách, lối sống có văn hóa để trở thành tấm gương sáng cho học viên học tập, noi theo.
Trong xây dựng lối sống văn hóa cho học viên ở các trường đào tạo sĩ quan quân đội phải có hoạt động của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Do có những ưu thế vượt trội, tổ chức Đoàn luôn có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên về mọi mặt, nhất là lý tưởng sống và những hành vi ứng xử có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa” (3). Điều đó đòi hỏi các cấp ủy đảng cần phải thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, các cấp ủy đảng cần làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của Ban chấp hành Đoàn các cấp về vị trí, vai trò việc xây dựng lối sống có văn hóa của học viên trong quá trình GD ĐT; đồng thời làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đoàn có sự linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức có hiệu quả các phong trào và chương trình hành động nhằm tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cho đoàn viên về mục tiêu, lý tưởng sống, tình đoàn kết đồng chí đồng đội và các kỹ năng, hành vi sống, ứng xử có văn hóa; tích cực đấu tranh phê phán những tư tưởng lệch lạc và những hành vi sai trái về đạo đức, lối sống.
Đặc biệt, tổ chức Đoàn phải luôn bám sát sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, kế hoạch của người chỉ huy để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động; đồng thời phát huy tốt vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên trong thực hiện thắng lợi các phong trào “Xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, “Đẹp người, đẹp doanh trại, đẹp tình quân dân”, “Giờ học kiểu mẫu”… và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”. Thông qua đó giáo dục, bồi dưỡng cho đoàn viên, thanh niên về kỹ năng sống, hoạt động, ứng xử có văn hóa và làm cho các hoạt động xây dựng lối sống có văn hóa của học viên luôn mang tính tươi trẻ, đa dạng, thiết thực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các hoạt động ở nhà trường và trong xã hội hiện nay.
Xây dựng lối sống văn hóa cho học viên thông qua hoạt động thực tiễn
Học viên ở các trường đào tạo sĩ quan quân đội là những học sinh, quân nhân đã tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển trong các kỳ thi tuyển sinh quân sự đang được đào tạo theo những mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình đã xác định, sau khi tốt nghiệp ra trường được phong quân hàm sĩ quan và điều động về công tác ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội. Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, học viên cần phải có văn hóa chỉ huy, quản lý, giáo dục… Vì vậy cấp ủy, chỉ huy cần tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác và sinh hoạt hằng ngày, qua đó xây dựng và phát triển nhân cách nói chung, lối sống văn hóa nói riêng của học viên để họ đáp ứng tốt yêu cầu chức trách, nhiệm vụ.
Trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu phải đặt ra yêu cầu cao đối với học viên đào tạo sĩ quan về kỹ năng, kỹ xảo, trình độ kỹ chiến thuật; sự linh hoạt, sáng tạo trong huấn luyện và rèn luyện bộ đội; những phẩm chất tinh thần chiến đấu sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như sau này trên cương vị chỉ huy chiến đấu.
Trong xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, cần tập trung nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ, hành vi tự giác của mỗi học viên trong chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của nhà trường, thực sự là những tấm gương sáng, những sĩ quan tương lai mẫu mực về rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật.
Trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng phong trào… cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, động cơ phấn đấu, làm cho mỗi học viên nhận thức đúng đắn về cái đẹp, biết trân trọng và bảo vệ cái đẹp, cái đúng; đồng thời đấu tranh phê phán, loại bỏ những quan niệm và lối sống buông thả, thụ động, thực dụng. Tập trung bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thuyết trình; tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa với địa phương và thăm hỏi, động viên gia đình học viên để họ thực sự quý trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương, gia đình… không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân.
Luôn coi trọng việc xây dựng môi trường văn hóa sư phạm trong sạch, lành mạnh ở các trường đào tạo sĩ quan quân đội.
Môi trường văn hóa sư phạm ở các trường đào tạo sĩ quan quân đội là cái nôi diễn ra các hoạt động học tập, rèn luyện, công tác để đào luyện học viên trở thành những sĩ quan có đầy đủ năng lực và trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đồng thời, đây còn là nơi xây đắp cho học viên về mục tiêu, lý tưởng sống cao cả, niềm tin vào Đảng, chế độ XHCN, tình cảm, trách nhiệm trong công việc và tình đồng chí đồng đội thủy chung, gắn bó sâu sắc trong cuộc sống. Đảng ta đã chỉ rõ: “Mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ” (4).
Do vậy, các cấp ủy đảng và cán bộ quản lý phải làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho học viên những kiến thức về dân chủ, kỷ luật; thường xuyên duy trì và thực hiện tốt các chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho học viên được tham gia vào các hoạt động xây dựng đơn vị và đấu tranh chống những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong quá trình thực hiện dân chủ, kỷ luật ở các nhà trường. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải quan tâm xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đơn vị; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình mọi mặt hoạt động của đơn vị nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; đồng thời luôn quan tâm xây dựng dư luận tích cực trong đơn vị để định hướng đúng nhận thức và các hành vi sống của cán bộ, giảng viên, học viên trong các hoạt động GDĐT ở nhà trường.
Trong đó, nội dung cốt lõi của việc xây dựng môi trường văn hóa sư phạm trong sạch, lành mạnh là phải xây dựng được các quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo với chỉ huy, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa thầy với trò, giữa giảng viên với cán cán bộ các cơ quan và quản lý học viên. Các quan hệ này phải được xây dựng trên cơ sở pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội và sự trong sáng, lành mạnh của những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc và trở thành các chuẩn mực trong học tập, sinh hoạt, ứng xử, giao tiếp của học viên.
______________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.399, 612.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.284.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.177, 266.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.43, 48 – 49, 50.
Tác giả: Nguyễn Đình Nam
Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng