Xây dựng môi trường văn hóa với phát triển năng lực của chính trị viên

Chính trị viên trong quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận cán bộ chính trị của Đảng, là người chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở. Do đó, năng lực chủ trì về chính trị là năng lực cốt lõi cấu thành nhân cách của chính trị viên, được hình thành trong môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở. Môi trường đó có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển năng lực của chính trị viên. Chính vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa là một trong những giải pháp cơ bản, vừa tạo điều kiện khách quan thuận lợi, vừa tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các thuộc tính cấu trúc năng lực của chính trị viên nói chung, năng lực chủ trì về chính trị nói riêng.

Năng lực của con người không phải là bẩm sinh, sẵn có mà được hình thành, phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, môi trường xã hội là yếu tố tác động to lớn đến sự hình thành, phát triển năng lực của con người. Đúng như C.Mác khẳng định: “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy” (1). Con người cũng ngày càng trở nên người hơn khi được sống trong môi trường văn hóa lành mạnh.

Môi trường văn hóa bao gồm tổng hòa các yếu tố vật chất và tinh thần có mối quan hệ biện chứng về không gian và thời gian, tạo thành hoàn cảnh hiện thực thường xuyên tác động, tạo tiền đề cho sự hình thành, phát triển năng lực của chính trị viên. Xây dựng môi trường văn hóa thực chất nhằm tối ưu hóa hoạt động của tất cả mọi lực lượng, phương tiện tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực của chính trị viên. Trong môi trường đó, chính trị viên nhận được sự tác động đồng thuận, cùng chiều, tạo ra những điều kiện tiếp nhận và chuyển hóa những tác động của các chủ thể để phát triển những năng lực cần thiết với hiệu quả cao nhất. Môi trường văn hóa còn là nơi đặt ra yêu cầu với từng thuộc tính cấu trúc năng lực của chính trị viên. Do đó, nó trở thành động lực to lớn thúc đẩy tính tích cực, sáng tạo của chính trị viên trong việc tự phát triển năng lực. Hiện nay, trong việc xây dựng môi trường văn hóa làm động lực cho sự phát triển năng lực của chính trị viên, cần tập trung vào những yếu tố cơ bản sau:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Công tác giáo dục chính trị là hoạt động quan trọng, góp phần định hướng và nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở. Xây dựng lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Trên cơ sở đó, phát huy được tính tích cực của cán bộ chính trị trong tự rèn luyện bản lĩnh chính trị và nâng cao năng lực công tác. Do đó, cần phải tích cực, chủ động tiến hành đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở đơn vị cơ sở, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Thông qua học tập chính trị, giáo dục pháp luật ở đơn vị, các chủ thể giáo dục cần tăng cường nâng cao trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, nhiệm vụ đơn vị. Làm tốt công tác giáo dục truyền thống, giáo dục xây dựng ý chí quyết tâm, động cơ phấn đấu đúng đắn, xây dựng niềm tin và sự trung thành vào sự lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Đồng thời, tổ chức, hướng dẫn, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ chuyển hóa những tri thức lý luận chính trị thành hành động thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ. Trong công tác giáo dục, cần kết hợp việc biểu dương, khen thưởng những cá nhân có trách nhiệm tốt trong học tập với kịp thời, kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng nhận thức lệch lạc, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong học tập, bồi dưỡng chính trị của các đối tượng ở đơn vị cơ sở. Bởi lười học tập lý luận chính trị cũng là một biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị hiện nay (2).

Gắn nội dung chương trình giáo dục chính trị với các hoạt động khác của công tác tư tưởng, qua đó làm cho cán bộ, chiến sĩ không chỉ nắm chắc những kiến thức lý luận cơ bản mà phải biến kiến thức thành niềm tin, thế giới quan và phương pháp luận. Tạo ra khả năng suy nghĩ khoa học và hoạt động đúng đắn, phù hợp với tình hình nhiệm vụ, thực hiện một cách mẫu mực nghĩa vụ quân nhân.

Xây dựng, củng cố vững chắc các mối quan hệ trong đơn vị

Chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải thực sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, là hạt nhân của sự đoàn kết trong đơn vị, luôn chăm lo xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa chính trị viên với cấp trên và cấp dưới. Cấp ủy và chỉ huy các cấp cần làm tốt công tác quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền về Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) cùng các chỉ thị, hướng dẫn khác nhằm thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện tốt những nội dung này nhằm nâng cao vị thế, vai trò của chính trị viên, cũng như phát huy năng lực công tác của họ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với quân đội.

Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và thống nhất hành động cho mọi quân nhân về vị trí, vai trò, bản chất của các mối quan hệ cơ bản, chủ yếu trong đơn vị nhằm xây dựng, củng cố, giữ gìn các mối quan hệ đó. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở; luôn chăm lo xây dựng và củng cố các mối quan hệ tốt đẹp trong đơn vị; nắm tình hình mọi mặt đơn vị, duy trì nghiêm kỷ luật, kịp thời xử lý nghiêm hành vi sai phạm. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt đảng viên là cán bộ chủ trì và chính trị viên, cần phát huy tốt vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu trong quá trình công tác. Nghiêm túc, thẳng thắn, tôn trọng các ý kiến đóng góp trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình; trong kiểm tra, giám sát đảng viên.

Xây dựng các tổ chức chính trị ở đơn vị

Tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chú trọng kiện toàn cấp ủy, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy viên, đặc biệt là đội ngũ bí thư cấp ủy; tăng cường bản lĩnh chính trị của tổ chức đảng cơ sở, duy trì nghiêm nguyên tắc sinh hoạt và kỷ luật đảng. Làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên và công tác phát triển đảng có số lượng hợp lý, chất lượng cao. Thông qua hoạt động xây dựng tổ chức đảng các cấp nhằm làm tốt vai trò lãnh đạo hệ thống các tổ chức chính trị, thực chất, đó cũng là bồi dưỡng, phát triển toàn diện năng lực của đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, trong đó có chính trị viên.

Xây dựng hệ thống tổ chức chỉ huy vững mạnh, luôn được kiện toàn, củng cố đảm bảo chất lượng ngày càng cao với số lượng đủ theo biên chế; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chăm lo phát triển toàn diện nhân cách và coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng cơ bản, toàn diện, chuyên sâu. Đặc biệt, coi trọng công tác quản lý, bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn; giáo dục nâng cao tính đảng cho đội ngũ cán bộ chỉ huy. Đảm bảo nguyên tắc sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng với quân đội. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị, trực tiếp là mối quan hệ giữa người chỉ huy với tập thể cấp ủy; giữa người chỉ huy với chính trị viên.

Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và hội đồng quân nhân. Bởi đây là tổ chức chính trị xã hội của quần chúng, luôn gắn bó mật thiết với Đảng về tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức và hoạt động với vai trò xung kích trong thực hiện các nhiệm vụ ở đơn vị. Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đoàn viên, thanh niên trong công tác. Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Đoàn để lôi cuốn được đoàn viên tham gia. Cấp ủy, chỉ huy các cấp và cơ quan chức năng cần có sự quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên phát huy tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Phát huy vai trò của hội đồng quân nhân nhằm tạo dựng môi trường thật sự dân chủ, bình đẳng, nhằm khơi dậy sức mạnh của quần chúng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa ở đơn vị

Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, hướng mọi hoạt động văn hóa vào mục tiêu xây dựng lối sống văn hóa của cán bộ, chiến sĩ. Sử dụng tổng hợp, kết hợp chặt chẽ, khéo léo; đồng thời phát huy sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động nâng cao đời sống chính trị – tinh thần cho quân nhân. Thường xuyên đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đẩy lùi những tác động tiêu cực của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Cùng với các hình thức hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cơ bản, cần đặc biệt quan tâm tới các hình thức hoạt động khác như tuyên truyền cổ động, đọc sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức lịch sử. Thông qua các hoạt động đó, vừa góp phần nâng cao nhận thức về lối sống văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ, vừa rèn luyện những năng lực cần thiết của chính trị viên.

Quan tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí lành mạnh. Trong tổ chức các hoạt động văn hóa, cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, các phương tiện truyền thông như hệ thống phát thanh, truyền hình, nhà truyền thống, phòng Hồ Chí Minh. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các tụ điểm sinh hoạt tập thể như căng tin, dịch vụ điện thoại nhằm ngăn ngừa và hạn chế những tác động tiêu cực tới đời sống văn hóa của quân nhân. Tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, làm công tác dân vận. Thông qua những hoạt động với nhân dân, chính quyền địa phương, mỗi cán bộ, chiến sĩ hiểu hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng, các giá trị văn hóa tiêu biểu của mỗi vùng miền và trực tiếp bồi dưỡng tình cảm cách mạng, lối sống văn hóa, góp phần trực tiếp tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân.

Môi trường văn hóa chi phối mọi mặt sự phát triển nhân cách của con người. Trong sự hình thành, phát triển năng lực của chính trị viên, họ cũng thường xuyên chịu sự tác động của môi trường đó. Đồng thời, với vai trò là người chủ trì về chính trị, chính trị viên còn thông qua các hoạt động của mình tác động vào các yếu tố cấu thành của môi trường văn hóa ở đơn vị.

_____________

1. C.Mác – Ph.Ăng ghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.55.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ.

Tác giả: Hoàng Gia Khánh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *