Giồng Nhãn Bạc Liêu vừa là vùng cây ăn trái đặc sản của tỉnh, vừa là biểu tượng lịch sử trăm năm khẩn hoang và tạo lập văn hóa trên vùng đất mới. Giồng Nhãn có nhiều tiềm năng để xây dựng du lịch homestay, để hiện thực hóa, cần tăng cường chính sách đầu tư, bồi dưỡng nhân lực, cải tạo kỹ thuật và môi trường…
1. Những lợi thế để xây dựng du lịch homestay tại Giồng Nhãn
Tài nguyên tự nhiên và nhân văn
Giồng Nhãn là khu du lịch ven biển nổi tiếng ở Bạc Liêu, là vườn nhãn đặc biệt nhất đồng bằng sông Cửu Long về tuổi thọ và hương vị. Xưa kia, Giồng Nhãn Bạc Liêu đã nổi tiếng Lục tỉnh Nam kỳ về nhãn ngon và cảnh đẹp. Giồng Nhãn trải dài 11km, nằm trên 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, với diện tích trồng trên 60km2, trong đó có 830 cây trên 100 năm. Nhiều cây tán rộng và gió biển tạo nên khung cảnh nên thơ, mát mẻ.
Giồng Nhãn là nơi quy tụ lưu dân Kinh, Hoa, Khơme từ các nơi, hình thành nhiều nghề đánh cá, làm rẫy, trồng nhãn chuyên canh, từ đó sinh cơ lập nghiệp, định cư lâu dài. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa như chùa Xiêm Cán, ngôi nhà cổ của người gốc Hoa thời mở đất, Huyền Thiên cổ miếu (1882), miếu thờ cá Ông với bộ xương hơn một thế kỷ, nhà thờ Thánh Tâm, cây nhãn đại thụ với hình ảnh Tề thiên Đại thánh bị nhốt ở Ngũ Hành Sơn, cây xoài cổ thụ 334 năm tuổi gắn với truyền thuyết cọp 3 chân và mạch nước ngọt… Bên cạnh đó, trang trại của ông Nguyễn Văn Hoạt nuôi đa dạng các loài hoang dã, là điển hình của nông nghiệp đô thị; nghề làm rượu nhãn gia truyền như hộ ông Trương Kiết và hộ bà Quách Thị Lý; Trung tâm giống thanh nhãn Bạc Liêu của nhà bà Trần Thị Kiều; phường Nhà Mát có vườn chim Bạc Liêu, Quán âm Phật đài, làng biển Nhà Mát, khu biển nhân tạo, Thiền viện Trúc lâm… là nguồn tài nguyên có thể khai thác vào phát triển du lịch homestay. Theo nghiên cứu, 100% chọn đến Giồng Nhãn vì lý do ẩm thực, 81% tham quan, 47% mua sắm, còn lại các lý do nghỉ dưỡng, nghiên cứu đều không đáng kể là 4% và 9%; 100% đáp viên đồng ý Giồng Nhãn không có hàng lưu niệm và bánh đặc sản, 37% đồng ý là lượng quà mang về nhiều (trái cây). Họ đặc biệt thích món bánh xèo và hải sản, muốn có thêm lẩu mắm (84%) và cá lóc nướng (59%) vì đây là những món dễ ăn tập thể, tạo không khí vui tươi.
Điều kiện chính sách, hạ tầng, kinh tế kỹ thuật và dịch vụ du lịch
Chỉ thị 03/2006/CT-UBND về lĩnh vực hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh, đặc biệt, đề án Bảo tồn nhãn cổ và Nghị quyết 02-NQ/TU của tỉnh ủy (6-2011) về đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có đề cập đến Giồng Nhãn với những chính sách quan trọng.
Lộ Giồng Nhãn thông với thành phố Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng, phù hợp cho cả xe tải lớn. Tuy nhiên, do địa hình thấp nên mùa mưa dễ bị ngập úng cục bộ và dễ bị xâm nhập mặn vào mùa khô. Hệ thống xe đò, xe buýt, bưu cục, trạm y tế, cây xăng, quán cafe, chợ, điện, nước, xe gom rác dọc lộ đều đảm bảo. Có khoảng 15 quán ẩm thực ven lộ. Nhà trọ khá thưa.
Gần chùa Xiêm Cán tập trung khá nhiều hộ người Hoa với nhà ba gian xưa và xóm Khơme nhà nhỏ cũ bằng gỗ, lá xen lẫn nhà mới cất theo kiểu người Kinh, nằm ven lộ liền kề con kênh nhỏ có thể sử dụng ghe thuyền. Ngoài thuyền, người dân còn dùng bè gỗ, xốp để đu theo dây kéo qua sông.
Vĩnh Trạch Đông là xã thuần nông và du lịch. Xã Hiệp Thành chủ yếu lao động nông, lâm, thủy sản. Nhà Mát chuyên về nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Cả hai xã đều không có nghề thủ công và đang thực hiện chương trình nông thôn mới nên diện mạo và môi trường ở mức khá. Tuy Hiệp Thành và Nhà Mát đều có câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ du khách, nhưng các đoàn nghệ thuật ít về đây biểu diễn trong năm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tập trung ở các chùa, miếu.
Theo kết quả điều tra, sản phẩm du lịch Giồng Nhãn hiện nay chưa đem lại sự thỏa mãn cho du khách lẫn địa phương (31% chọn thỏa mãn cho du khách, 24% chọn thỏa mãn cho địa phương, trong khi 45% chọn đáp án không thỏa mãn cho bên nào). Các chuyên gia cho rằng, khả năng đầu tư trong tương lai vào loại hình du lịch homestay tại khu vực Giồng Nhãn là khá tốt và khả thi.
Mức sống, trình độ và thái độ của người dân
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở 2 xã không thường xuyên, chủ yếu theo phong trào, thiếu điều kiện phát triển. Sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Hoa, Khơme ở đây hầu như đã chuyển đổi theo người Kinh (chủ yếu còn lại kiểu dáng ngôi nhà và một số nét ẩm thực, tang ma)… tiết kiệm chi phí vì dễ mua, giá thành rẻ.
Nhiều hộ trong 2 xã có thu nhập trung bình, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, thoát nghèo chậm và có mong muốn thoát nghèo. Tuy nhiên, do mức sống và học vấn chung thấp nên người dân ít kinh nghiệm tổ chức, liên kết và hiểu biết về thị trường du lịch. Kết quả phỏng vấn cho thấy, các hộ ít tài sản hiện hữu trong nhà và có thời gian nhàn rỗi đồng ý làm du lịch homestay để tăng thêm thu nhập. Trong số đó, các hộ thu nhập thấp cần được hỗ trợ vốn vay để cải thiện cơ sở vật chất. Việc hỗ trợ vốn và kỹ thuật sửa sang nhà, vườn cho người dân rất được mong đợi (84%), sau đó là việc đào tạo kỹ năng (79%).
Theo kết quả khảo sát, có 12% người dân được hỏi biết về du lịch homestay (qua tivi và facebook), tỉ lệ người dân ủng hộ làm du lịch homestay tại Giồng Nhãn là 76%. Trong đó, 25% tự mình muốn làm, 75% ủng hộ các hộ khác làm để được đón nhiều du khách và bán được nhiều sản phẩm của hộ mình (97% đáp viên sẵn sàng bán lẻ). Người dân chịu học thủ công mỹ nghệ để tạo hàng lưu niệm, một số đồng ý học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh (21%), 52% trả lời là người trong hộ của họ có kỹ năng nấu ăn, kế đến là nói/kể chuyện hài 19% và may/đan/móc 14%, huấn luyện vật nuôi 4%…
Như vậy, địa bàn Giồng Nhãn còn lưu giữ, trưng bày khá nhiều nét văn hóa truyền thống của 3 dân tộc chính của Bạc Liêu, lại gần các điểm du lịch quan trọng của tỉnh, đồng thời còn ít nhà trọ, nhà nghỉ nên thích hợp để xây dựng và phát triển mô hình du lịch homestay. Cộng với đó là sự ủng hộ cao của người dân, du khách và các cơ quan, doanh nghiệp địa phương đối với mô hình du dịch tiềm năng, có ý nghĩa như một sinh kế bền vững này.
2. Các giải pháp phát triển du lịch homestay tại Giồng Nhãn
Giải pháp về sản phẩm
Theo điều tra tại 3 xã, phường, 96% du khách đã chọn thân thiện làm tiêu chí hàng đầu của sản phẩm du lịch; 93% du khách đều mong muốn một sản phẩm du lịch có thể tận hưởng dài ngày (nhất là 2 ngày đêm); còn lại các yếu tố rẻ, mới lạ, đẹp là 67%, 64%, 51%. Qua đó, đáp viên kỳ vọng vào sự giao lưu văn hóa rộng rãi hơn trong hoạt động du lịch (66%) và e ngại nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường tăng (59%), đồng thời muốn giữ lại nhãn cổ (71% lựa chọn) và muốn Giồng Nhãn tập trung phát triển dịch vụ lưu trú tại nhà dân (76%), các trò chơi (93%). Để sản phẩm được chuyển tải tối đa, cộng đồng địa phương cần được các đơn vị lữ hành thường xuyên cung cấp thông tin của du khách, đặc biệt là tâm lý và những mong đợi đối với sản phẩm du lịch homestay.
Du lịch homestay Bạc Liêu cần kết hợp các yếu tố sinh thái – văn hóa, giúp du khách trải nghiệm cuộc sống phong cách công tử lẫn bình dân kiểu hoài cổ, gồm các hạng mục ở, ăn, sinh hoạt, giải trí, đưa, đón tới những điểm du lịch. Các dịch vụ cho du khách như: thuê xe bò, ngựa, xe điện giả xe hơi cổ, xe kéo, trang phục truyền thống để đi dạo và chụp hình, mua hàng lưu niệm giả cổ (các máy hát đĩa than loa kèn, xe kéo, xe hơi cổ, trực thăng thăm ruộng… thu nhỏ), xem và tham gia các trò chơi dân gian (đua guốc mộc, đua xe kéo, leo cột trơn, nhảy bao bố), hội diễn đờn ca tài tử, hát bội, hát tiều, hát quảng tại sân chùa, miếu, đi cầu khỉ, đi bè gỗ, xốp kéo dây qua kênh, bơi thuyền thúng, câu, chài cá, gặt lúa, tưới rẫy… Dịch vụ Công tử Bạc Liêu du ngoạn còn có trang phục comple công tử, dù che, chị sen, anh nô, ở nhà xưa, xem hội thi đấu sắc đẹp, xem đua chó… Cần kêu gọi tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ xích lô, xe đạp đơn và đôi, cũng cần nhanh chóng bắt kịp xu thế cho thuê cắm trại. Cụ thể hộ bà Quách Thị Lý (quán Yến Nghi) nên trở thành điểm tham quan quy trình sản xuất rượu nhãn thương hiệu Yến Nghi, kết hợp ẩm thực bánh xèo, hải sản, nhãn tươi; hộ nhãn cổ ông Trương Kiết người Hoa có thể trở thành một đầu mối cung cấp đặc sản rượu nhãn và nhãn sấy khô với giá trị cao…
Cần tăng tần suất biểu diễn các hình thức sân khấu truyền thống tại nhiều chùa, miếu, sân bãi hoặc điểm nhà dân tiêu biểu cho du khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch hoặc các chùa, miếu cần tài trợ cho đoàn cải lương Cao Văn Lầu, đoàn nghệ thuật tổng hợp Khơme tỉnh, ban nhạc Tùa Lào Cấu về biểu diễn kết hợp hội chợ xã vào những ngày ấn định để tăng sức hút của Giồng Nhãn. Từng bước thu hút và tạo quyền lợi cho thanh thiếu niên địa phương tham gia các lớp biểu diễn văn nghệ dân tộc để có lực lượng diễn xướng tại chỗ, phù hợp với du lịch homestay. Các hộ làm du lịch homestay nên phục hồi việc kể truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười của dân tộc trong không gian gia đình quây quần vào buổi tối.
Khuyến khích tối thiểu 2 người trong một hộ mặc trang phục truyền thống (có thể giản lược) khi đón khách, đặc biệt cả nhà cùng mặc khi lễ tết. Biểu diễn âm nhạc dân gian đường phố trong trang phục truyền thống dễ thu hút khách tham quan, ghi hình. Phục hồi những phong tục tập quán lành mạnh, các nghề truyền thống có khả năng tạo ra hàng hóa du lịch như: nghề đan rế, rổ, làm các loại bánh của người Khơme, làm bánh kẹo, xá pấu, cốn xại của người Hoa… Phát triển văn hóa hàng rong gắn với ẩm thực và nghề truyền thống như: hình ảnh những người Hoa đẩy xe bán bánh tiêu, bánh hẹ, bánh ướt, bò viên, hủ tiếu hồ, hủ tiếu sa tế… trong trang phục truyền thống và cách rao hàng mang màu sắc dân tộc.
Các hàng quán ở Giồng Nhãn nên đầu tư theo mô hình nhà lá khung gỗ của người Kinh, nhà sàn mái cong của người Khơme, nhà ngói ba gian của người Hoa, vừa để giới thiệu mẫu nhà, vừa làm nơi nghỉ chân, tổ chức một số hoạt động văn hóa dân gian, bày bán những tranh ảnh, hiện vật về 3 dân tộc. Cũng cần phát triển những loài cây có hoa màu đậm và cỏ bông lau tạo cảnh lãng mạn để chụp hình lưu niệm, hình cưới. Mỗi cổng nhà dân nên chọn những màu hoa leo khác nhau để dễ phân biệt và tạo ấn tượng riêng cho du khách. Ao, đìa nên trồng nhiều sen, lục bình, bông súng, bèo hoa dâu để tạo màu sắc và lọc nước. Homestay Giồng Nhãn cũng cần tiến tới mục tiêu trở thành bối cảnh phim, ảnh, âm nhạc với khung cảnh mộc mạc, nên thơ và nhiều khi hoài cổ.
Giải pháp về lao động và đào tạo
Sở VHTTDL chủ trì tổ chức các buổi tập huấn về du lịch homestay cho người dân. Đối với người dân, quan trọng nhất là khâu làm mẫu bày trí nhà cửa, vườn tược bằng việc tận dụng những vật liệu sẵn có tại gia như cửa sổ cũ, khúc gỗ nhãn, lu, sạp, nia, đồ gốm, vỏ bánh xe cũ… Trang trí mẫu trên một hộ, từ đó khích lệ tinh thần dám vận dụng yếu tố mới để thay đổi diện mạo cuộc sống.
Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức tôn vinh, khen thưởng những hạt nhân văn hóa (các nghệ nhân, trí thức); có chính sách ưu đãi khi tham gia học các lớp văn hóa, nghệ thuật. Vừa đào tạo vừa từng bước đưa nhân sự này vào hệ thống du lịch homestay địa phương, nhằm tăng thêm thu nhập và bảo tồn văn hóa. Thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở. Đặc biệt, đối với các hộ nghèo, cần đảm bảo cuộc sống ổn định để tạo môi trường an lành, góp phần gìn giữ những tinh hoa văn hóa.
Cần đào tạo những chuyên viên và chuyên gia có hiểu biết sâu về cách làm du lịch homestay và các loại hình du lịch cộng đồng nói chung để có thể tham mưu kịp thời và chính xác, định hướng chính sách thúc đẩy du lịch homestay khu vực Giồng Nhãn phát triển.
Giải pháp về kỹ thuật và vệ sinh môi trường
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại điện tử, quản lý nhân sự, quản lý dòng tiền… Thông tin quảng cáo, đặt phòng và thanh toán trực tuyến nhanh chóng, nhận số liệu thống kê về khách đăng ký thông qua homestay.com hoặc booking.com… Tài khoản facebook du lịch homestay Bạc Liêu cần phải gia nhập vào các nhóm cộng đồng du lịch khác trên facebook như: du lịch khám phá miền Tây, du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, hội những người thích phượt miền Tây… Cần phải niêm yết giá ở tối thiểu và giá thực phẩm trước khi cung cấp dịch vụ. Việc quản lý giá, vệ sinh, an toàn thực phẩm phải chặt chẽ, cương quyết xử lý vi phạm.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của du lịch homestay, nhà vệ sinh nên được đánh giá và đầu tư trước tiên. Vận động người dân thiết lập hàng rào hoa kiểng, không vứt rác bừa bãi, khai thông cống rãnh và tự đảm bảo tốt về hố rác tự hoại đối với những hộ không đủ điều kiện thu gom. Xử lý rác và nước kênh sau chùa Xiêm Cán, đưa vào khai thác du lịch homestay để tạo điểm nhấn thủy nông cho Giồng Nhãn.
Giải pháp về vốn đầu tư
Theo điều tra, vốn đầu tư là vấn đề người dân rất quan tâm. Họ sẽ không đồng ý đầu tư mạo hiểm bằng tiền mình tự bỏ ra, trừ khi đã được xác thực sự thành công của du lịch homestay mẫu. Do vậy, bên cạnh việc làm mẫu và các thủ tục linh động, cần có chính sách cho vay ưu đãi, giãn thời gian hoàn vốn, nộp thuế, giảm tiền thuê đất, thuế môn bài cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn trong thu hút, kêu gọi đầu tư do xa các trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng kinh tế – kỹ thuật còn hạn chế… Vì vậy, Hiệp hội Du lịch tỉnh và Trung tâm Xúc tiến thông tin du lịch tỉnh Bạc Liêu tăng cường tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phục vụ du lịch homestay tiếp cận ưu đãi, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, giảm chi phí phát sinh. Đồng thời phát triển thêm nhiều doanh nghiệp nông thôn gắn với đề án phát triển thương mại nông thôn của chính phủ, từ đó đổi mới hệ thống hạ tầng – kỹ thuật – sản phẩm hỗ trợ cho du lịch homestay.
Mô hình du lịch homestay dựa vào người dân là vô cùng cần thiết trong việc bảo tồn và khai thác các tài nguyên tự nhiên quý giá như Giồng Nhãn cổ ven biển, duy trì bản sắc ba dòng văn hóa Kinh, Hoa, Khơme của Bạc Liêu, giảm các vấn nạn du lịch phổ biến như: ô nhiễm rác thải, ý thức giữ gìn bản sắc chưa cao, ngoại lai văn hóa, suy giảm đa dạng văn hóa…
Du lịch homestay là một cách xã hội hóa du lịch ở Bạc Liêu, để tận dụng tài nguyên và lao động địa phương, mở rộng sự tham mưu góp ý từ nhiều thành phần xã hội, tăng cường liên kết giữa nhà dân – nhà nước – nhà doanh nghiệp để tăng sức mạnh nội bộ. Hiệp hội Du lịch tỉnh cần triệt để huy động sự hợp tác 3 bên tập trung tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng cho địa phương. Du lịch homestay văn hóa 3 dân tộc ở Giồng Nhãn sẽ kết hợp được các yếu tố nông nghiệp, sông nước, lễ hội… Dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên tự tại, du lịch homestay là một phương thức sinh kế bền vững.
Homestay – sản phẩm du lịch chuyên sâu sẽ giúp Bạc Liêu có cơ hội kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo giữa tài nguyên tự nhiên và nhân văn để vừa phục hồi tài nguyên tự nhiên đang bị suy thoái, vừa phát huy tốt các điểm mạnh văn hóa, khắc phục được việc thiếu những sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm dài ngày, quy tụ nhiều điểm lôi cuốn nhất của tự nhiên và văn hóa Bạc Liêu.
Để xây dựng và phát triển du lịch homestay ở Giồng Nhãn, trước hết cần tập trung đầu tư vào việc đa dạng hóa hàng hóa và dịch vụ du lịch truyền tải truyền thống văn hóa địa phương, tăng cường đào tạo nhân lực gắn liền với loại hình du lịch homestay, bồi dưỡng các thế hệ người dân có khả năng, niềm say mê với ẩm thực và các hình thức sân khấu truyền thống. Bên cạnh đó, cần cải thiện kỹ thuật, vệ sinh môi trường và tăng cường các con đường thu hút đầu tư từ tư nhân cho loại hình này.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017
Tác giả : PHAN THẢO LY
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long