Xây dựng văn hóa chính trị (VHCT) cho sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng bởi thông qua việc xây dựng VHCT sẽ góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị của sinh viên, tạo dựng uy tín, niềm tin cho họ trước những biến đổi sâu sắc của thời cuộc. Đặc biệt, đào tạo ra những lớp người vừa hồng, vừa chuyên kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sinh viên là lực lượng đông đảo trong xã hội, giàu nhiệt huyết, có tri thức, có khả năng tiếp nhận và ứng dụng nhanh những tiến bộ, phát minh của khoa học công nghệ vào những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của đời sống xã hội. Trên thực tế, sinh viên đã chứng minh được trình độ, năng lực của mình thông qua những hoạt động giao lưu, học tập, sáng tạo ra những công trình khoa học được ứng dụng trong thực tiễn xã hội. Đó là những hoạt động mang tính xã hội cao thể hiện rõ sự thẩm thấu và lan tỏa của những giá trị văn hóa truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc trong các hoạt động công tác lao động xã hội của sinh viên.
VHCT của sinh viên là sự hiểu biết những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những phong tục, tập quán truyền thống tích cực của dân tộc Việt Nam. Qua đó, hình thành thế giới quan khoa học cho sinh viên thông qua những hành động, việc làm mang tính thiết thực, cụ thể đó là những tình cảm, niềm tin và ý chí quyết tâm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, biến ước mơ, hoài bão lý tưởng của bản thân thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập và phát triển, VHCT luôn chịu sự chi phối, tác động bởi những biến đổi của tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Đó là sự tác động đa sắc màu, theo các chiều hướng khác nhau, vì thế, vấn đề xây dựng VHCT cho sinh viên lại càng đặt ra những vấn đề mới về nội dung và phương thức bồi dưỡng. Quá trình xây dựng VHCT cho sinh viên là hoạt động mang tính tích cực, chủ động, tự giác của các chủ thể khác nhau và bản thân sinh viên trong việc xây dựng, bồi đắp những tình cảm, niềm tin và ý chí của sinh viên vào sự phát triển đất nước. Đó là sự thống nhất, biện chứng giữa chủ thể và khách thể, giữa nội dung xây dựng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, giữa nhu cầu, mong muốn chiếm lĩnh những tri thức của nhân loại với khả năng hiện thực của bản thân. Vấn đề đặt ra cho các chủ thể xây dựng lựa chọn các nội dung bồi dưỡng VHCT cho sinh viên cho phù hợp, linh hoạt, sáng tạo.
Có thể nhận thấy, trong thời gian qua việc xây dựng VHCT cho sinh viên đã được các tổ chức, lực lượng có liên quan đặc biệt chú trọng: sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học luôn ý thức được nhiệm vụ học tập của mình, có lòng yêu nước, tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng xã hội, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh, giản dị, có hiểu biết về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sống có tình thương, biết chia sẻ với những đau thương, mất mát của con người trong xã hội, mạnh dạn lên án, đấu tranh phê phán với những biểu hiện sai trái trong xã hội nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong sinh viên đã xuất hiện và có sức lan tỏa, cảm hóa sâu sắc… Tuy nhiên, cũng nhận thấy rằng, có một bộ phận sinh viên có biểu hiện thờ ơ, bàng quang với những sự kiện chính trị của đất nước, sống không có mục tiêu, lý tưởng, hoài bão và ước mơ, thiếu tinh thần, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội và đây cũng một trong những biểu hiện của sự tự diễn biến đã được nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ là phai nhạt lý tưởng cách mạng trong đó có sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học; đặc biệt, có sinh viên thiếu tu dưỡng phấn đấu rèn luyện ngại khó, ngại khổ, sa vào những tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…
Do vậy, để xây dựng VHCT cho sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay cần làm tốt một số nội dung cơ bản sau.
Thứ nhất, phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho sinh viên về vai trò, vị trí của văn hóa chính trị
VHCT với tư cách là một loại hình của văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong việc cảm hóa và khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý thức tự giác của các tầng lớp trong xã hội. Văn hóa đó không phải là những mệnh lệnh mang tính hành chính, ép buộc mà đó là sự tự ý thức của chính mỗi con người thông qua những hiểu biết và sự nhận thấy phải hành động cho đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên nhận thấy những vấn đề cơ bản đó, để họ luôn định hình và hình thành trong tư tưởng của mình những việc làm tốt có ích cho cộng đồng xã hội. Chừng nào sinh viên chưa định hình và hiểu được những suy nghĩ, hành động của mình thì chừng ấy VHCT cần phải đi sâu, đi sát để thực sự trở thành nhu cầu nội tại của mỗi sinh viên trên con đường lập thân, lập nghiệp của mình. Trách nhiệm của việc xây dựng VHCT cho sinh viên hiện nay trước hết thuộc về cơ sở giáo dục, đào tạo mà trực tiếp thường xuyên là cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, đoàn thanh niên, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý lớp, sau đó mới đến sinh viên là vừa là đối tượng vừa là chủ thể của hoạt động bồi dưỡng văn hóa chính trị. Nội dung xây dựng VHCT cho sinh viên hiện nay cần tập trung vào những vấn đề cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị trung tâm của sinh viên như: quan điểm, đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước; thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; những khó khăn thách thức của đất nước trước những tác động của thế giới, khu vực… Qua đó, xây dựng nhãn quan chính trị cho sinh viên trong việc nhận thức đúng đắn các nhân tố đó và có những định hướng trong quá trình học tập tại nhà trường, giải quyết các mối quan hệ trong xã hội, tìm kiếm việc làm thực hiện các kế hoạch dự định tương lai mà bản thân đã đề ra.
Thứ hai, tích cực, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục VHCT cho sinh viên
Đây là vấn đề cấp thiết và có tính đột phá để xây dựng VHCT cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay. Sự nghiệp đổi mới đã được tiến hành hơn 30 năm, đạt được kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại nhất định cần được khắc phục; trong đó, có công tác giáo dục chính trị, nhất là việc đổi mới phương pháp lại tỏ ra rất chậm chạp, tính hiệu quả chưa cao. Suy cho cùng, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị mới là yếu tố tác động thường xuyên, trực tiếp, lâu dài, liên tục tới suy nghĩ, hành động, việc làm của mỗi sinh viên. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đề cập: công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Do đó, cần phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; học tập, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng giáo dục truyền thống, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về đối tượng, đối tác và âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, để mỗi sinh viên luôn nêu cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, nhận thức mơ hồ, lệch lạc. Về hình thức, phương pháp giáo dục văn hóa chính trị: sử dụng tổng hợp các hình thức, phương pháp như giáo dục tập trung, giáo dục riêng, thông qua hoạt động thực tiễn, thăm quan, diễn đàn, tọa đàm, trao đổi, cuộc thi, hành quân về nguồn, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng xã hội… trong quá trình đó các chủ thể giáo dục cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp để xây dựng VHCT cho sinh viên phù hợp, đạt được mục đích yêu cầu đề ra. Tránh áp đặt, chủ quan, duy ý chí hoặc máy móc dập khuôn sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.
Thứ ba, tăng cường giáo dục, rèn luyện sinh viên thông qua các hoạt động thực tiễn, các tình huống trong cuộc sống
VHCT chỉ được hình thành, phát triển trong mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm của sinh viên khi họ được trải nghiệm thực tiễn, thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng ở nhà trường và bên ngoài xã hội. Chính thông qua, những phong trào của Đảng, Nhà nước, Trung ương đoàn, xã hội, nhà trường mà VHCT của sinh viên mới được bộc lộ một cách rõ ràng nhất. Do đó, trong thời gian sinh viên học tập ở các nhà trường các chủ thể quản lý, giáo dục cần mạnh dạn giao nhiệm vụ cho họ để họ thấy được năng lực của mình ở mức độ nào để có những hoàn thiện, bổ sung đáp ứng với yêu cầu, tính chất công việc được giao và qua đó càng tăng lên VHCT trong mỗi sinh viên, không chỉ dừng lại ở những hiểu biết đơn thuần mà phát triển thành ý thức VHCT của sinh viên trước những biến đổi của điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Mỗi sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường cần hòa mình vào hoạt động thực tiễn, là những chủ thể năng động, tích cực của hoạt động thực tiễn để từng bước trải nghiệm, thấu hiểu với những vận động, biến đổi phát triển không ngừng của xã hội, của những bậc thang văn hóa giá trị của dân tộc. Sự phát triển VHCT của sinh viên nhiều hay ít, thấp hay cao phụ thuộc rất lớn vào hoạt động thực tiễn, thực hiện các nhiệm vụ của họ. Do đó, các cơ quan, chức năng ban ngành cần tổ chức các buổi học tập dã ngoại, đưa sinh viên về những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tổ chức các hoạt động phối kết hợp với chính quyền địa phương, chi đoàn địa phương giúp đỡ nhân dân địa phương, xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh, giàu đẹp…
Thứ tư, chú trọng đến việc xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh thực sự là cái “nôi” nuôi dưỡng về nhân cách cho mỗi sinh viên
Môi trường có vai trò quan trọng trong việc xây dựng VHCT cho sinh viên hiện nay. Bởi nói đến môi trường là nói đến sự tác động thường xuyên, hàng ngày đến mọi suy nghĩ, hành động của sinh viên. Có thể ví môi trường là những rào chắn, phên dậu ngăn chặn sự tác động của văn hóa xấu độc tác động đến sinh viên. Nếu môi trường trong sạch, lành mạnh với những mối quan hệ gắn bó, gần gũi, chân thành, cởi mở, đầy tính nhân văn nhân đạo sâu sắc thì sẽ nâng tầm hiểu biết của sinh viên, giúp cho sinh viên tự tin vào cuộc sống, tin tưởng vào nghề nghiệp, con đường mình đã lựa chọn không phải lo lắng, băn khoăn, do dự với những tác động từ bên ngoài, từ đó kích thích sự sáng tạo, say mê trong học tập, nghiên cứu của họ, ý thức về VHCT của họ cũng được nâng lên một bước rõ rệt. Ngược lại, nếu môi trường văn hóa xung quanh sinh viên chứa đựng những việc bất ổn, mất đoàn kết, kèn cựa, đố kỵ lẫn nhau, không có sự yêu thương, san sẻ với nhau, một người một quan điểm, ý kiến, phương pháp sống thì sẽ hạn chế tính tích cực trong học tập, nghiên cứu của họ, làm giảm ý chí, động cơ phấn đấu vươn lên của mỗi sinh viên. Do vậy, xây dựng môi trường xung quanh cho sinh viên là hết sức cần thiết, không những tạo ra không khí chan hòa, trong lành, ấm áp về tinh thần mà còn tạo động lực rất lớn về thể trạng để họ vượt qua những khó khăn, vất vả và sự cám dỗ của những mặt trái cơ chế thị trường vươn lên, từng bước hoàn thiện về phẩm chất, nhân cách của những chủ nhân tương lai của đất nước.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đang diễn ra trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Thời cơ, thuận lợi đan xen nguy cơ, thách thức, đặc biệt là âm mưu chống phá cách mạng, phủ nhận những thành tựu đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng của các thế lực thù địch, phản động mà đối tượng của chúng là sinh viên Việt Nam. Vì thế, đặt ra việc xây dựng VHCT cho sinh viên hiện nay vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài để họ thực sự trở thành những chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận, bảo vệ tính cách mạng, khoa học của đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước. Mỗi sinh viên là những viên ngọc quý của xã hội cần nêu cao bản lĩnh, ý chí, niềm tin trong mọi lúc, mọi nơi không để cho những cám dỗ của danh vọng, tiền tài trước mắt mua chuộc, đánh gục mà phải thường xuyên phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện noi gương các thế hệ thanh niên đi trước và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xứng đáng với lời tin tưởng của Bác Hồ kính yêu là người tiếp tục mang lá cờ bách chiến, bách thắng của dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1991.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.
4. Nguyễn Duy Quý, Đổi mới tư duy và công cuộc đổi mới ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
5. Nguyễn Văn Vĩnh, Bàn về sức sống của văn hóa chính trị Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo, ngày 2-4-2015.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018
Tác giả : VŨ XUÂN CẢNH
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn