Giao thông là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, vừa là nền tảng đảm bảo cho sự phát triển bền vững, vừa là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh. Trên bước đường phát triển đi lên, các quốc gia trên thế giới đều phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, mà trong đó hạ tầng giao thông phải được ưu tiên đi trước một bước.
Việt Nam đang ở trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để từng bước hội nhập với thế giới. Nhờ sự phát huy tốt những nội lực sẵn có, kết hợp với sự tiếp thu những thành tựu khoa học của các nước tiên tiến nên giao thông của nước ta đã có những biến đổi mạnh mẽ và đạt được một số thành tựu to lớn về sử dụng những vật liệu mới và áp dụng thành công một số công nghệ hiện đại trong xây dựng cầu đường, tổ chức và điều hành giao thông.
Tuy vậy, cùng với sự xuất hiện của những cung đường chất lượng cao, những cây cầu ngày càng dài và đẹp, những khu đô thị và khu công nghiệp có quy mô to lớn… là nạn ùn tắc giao thông ngày càng phổ biến, tai nạn giao thông ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng, những bất cập và hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực giao thông hiện nay phần lớn do sự thiếu cẩn trọng và thiếu ý thức chấp hành luật an toàn giao thông của người tham gia giao thông gây ra. Theo chúng tôi, ý thức tự giác của người tham gia giao thông chỉ là mặt chủ quan. Bên cạnh đó còn những nhân tố khách quan xây dựng văn hóa giao thông cần phải tính đến các yếu tố chủ quan và khách quan đó.
1. Văn hóa giao thông và những yếu tố tạo thành
Văn hóa giao thông là một khái niệm mới, là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hóa trên lĩnh vực giao thông, do đó, trong các cuốn tự điển được soạn thảo trước đây ở nước ta không có khái niệm này. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, vừa qua Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đã có văn bản hướng dẫn và trình bày định nghĩa về văn hóa giao thông: “Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông”(1).
Cũng theo UBATGTQG, trong văn hóa giao thông có 3 tiêu chí: hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nhưng, những khái niệm đó mới chỉ nhấn mạnh đến vai trò chủ quan của người tham gia giao thông mà chưa bao quát hết vị trí, vai trò, trách nhiệm của các thành viên khác trong xã hội có tác động, ảnh hưởng đến quá trình hình thành văn hóa giao thông như nhà làm luật giao thông, cơ quan quy hoạch giao thông, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, BQL các khu công nghiệp, khu đô thị, khu chế xuất, BQL các chợ, các công trình xây dựng, người phụ trách và nhân viên ở các trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe, trung tâm đăng kiểm phương tiện…
Vì vậy, theo chúng tôi, văn hóa giao thông cần được hiểu là sự ứng xử một cách có ý thức và có trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội khi tham gia giao thông hoặc tham gia vào những hoạt động có liên quan đến giao thông để tạo lập nên một môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện và hiệu quả.
Khái niệm này đã nhấn mạnh đến sự ứng xử một cách có ý thức và có trách nhiệm của mọi người trên bình diện xã hội, chứ không chỉ nói đến ý thức tự giác của người trực tiếp tham gia giao thông.
Hiện nay, có quan niệm rằng: chỉ cần người tham gia giao thông có ý thức tự giác chấp hành luật giao thông và nhường nhịn, thông cảm lẫn nhau khi có sự va chạm là đủ để xây dựng được một văn hóa giao thông tiến bộ. Quan niệm này còn thể hiện sự phiến diện và thiếu tính khoa học. Trong nhiều năm qua, tìm hiểu thực tế trong nước, kết hợp với tham quan, trao đổi ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Âu, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều yếu tố tác động đến quá trình hình thành trật tự giao thông, văn hóa giao thông ở nước ta.
Trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam hiện nay, có thể nhấn mạnh đến một số yếu tố cơ bản sau.
Đó là hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, năng động, phù hợp với thực tiễn và một hệ thống các bộ, ngành, địa phương có năng lực quản lý, điều hành giao thông một cách nghiêm minh, hiệu quả; luật pháp rõ ràng, nghiêm minh, đủ sức răn đe; tổ chức giao thông hợp lý, khoa học trong việc phân tuyến, phân luồng giao thông, thiết kế hợp lý giữa giao thông động và giao thông tĩnh, mở rộng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; tránh sử dụng đường và đào bới, sửa chữa đường bừa bãi, gây cản trở giao thông.
Đó là cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại bao gồm hệ thống đường xá các cấp, cầu cống, cùng với hệ thông cầu vượt, giải phân cách, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông và hệ thống biển báo, biển cấm được chế tạo và lắp đặt đúng quy cách, thuận tiện cho việc quan sát của người tham gia giao thông.
Chương trình giáo dục đào tạo phải có nội dung về luật an toàn giao thông và đạo đức của người tham gia giao thông nhằm tạo ra thói quen tự giác chấp hành luật giao thông trong nhân dân, dám đấu tranh chống lại những hành vi gây mất trật tự, mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Phương tiện tham gia giao thông phải có chất lượng tốt, bảo đảm hệ số an toàn cho người điều khiển phương tiện và những người xung quanh.
Ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm, ứng xử có văn hóa của người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông.
Những hành vi thiếu văn hóa trong giao thông được thể hiện rất đa dạng và phức tạp. Có thể nêu lên một số nhóm hành vi vi phạm luật giao thông gây nên sự phản cảm và tiềm ẩn những tai nạn nghiêm trọng cho người cùng tham gia giao thông và cho chính bản thân người điều khiển phương tiện không đúng luật.
Người điều khiển phương tiện giao thông: vượt đèn đỏ, đi xe vào đường ngược chiều, đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới, chở hơn 2 người trên xe máy, sử dụng phương tiện cơ giới không có đèn, không có tín hiệu xin đường khi chuyển làn, chuyển hướng; đi không đúng phần đường của loại phương tiện điều khiển, đi xe quá tốc độ cho phép, lạng lách, đánh võng, bóp còi inh ỏi, vừa điều khiển xe vừa nghe nhạc, điện thoại… thậm chí là đua xe trái phép, hành hung cảnh sát giao thông khi bị dừng xe vì vi phạm luật giao thông…
Người gây cản trở giao thông: họp chợ, buôn bán trái phép, lấn chiếm lòng đường vỉa hè; đổ vật liệu xây dựng, phế thải trên đường giao thông; mang vật cồng kềnh quá giới hạn cho phép, gây cản trở tầm nhìn và tầm hoạt động cho các phương tiện khác; đi bộ sang đường không đúng vạch vôi quy định; tụ tập đông người dưới lòng đường, vỉa hè trước cửa trường học, bệnh viện, nhà hát…; đặc biệt nguy hiểm là hành vi tự mở đường ngang qua đường sắt.
Người tham gia, điều hành, quản lý giao thông: nhận tiền hối lộ của người vi phạm luật giao thông; điều hành giao thông thiếu kiên quyết, thiếu tôn trọng người tham gia giao thông; không mạnh dạn sáng tạo bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những sai sót trong nội dung công việc do mình quản lý gây thiệt hại về người và của cho nhân dân.
2. Thực trạng tình hình giao thông ở nước ta hiện nay
So với thời kỳ kinh tế bao cấp thì tình hình giao thông đi lại của chúng ta đã có nhiều tiến bộ vì nhà nước ta đã đổi mới cơ chế, phát huy nguồn lực của toàn dân, tập trung đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông: tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam được cải tạo, nâng cấp, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, hệ thống cầu được sửa chữa, cải tạo và đặc biệt nhiều cây cầu mới được khánh thành, khai thác như cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), cầu Kiền (Hải Phòng), cầu Thanh Trì (Hà Nội), cầu Rạch Miễu (Bến Tre)…
Lĩnh vực giao thông đã được từng bước xã hội hóa nhằm huy động tài lực của toàn dân, vì vậy mạng lưới giao thông đường bộ đã nhanh chóng được thiết lập nối liền các trung tâm kinh tế lớn, các đô thị với các vùng dân cư từ tỉnh đến các huyện, xã, thôn, bản. Mặc dù vậy, chất lượng giao thông vẫn chưa cao, còn nhiều bất cập, yếu kém.
Theo số liệu của UBATGTQG, năm 2009 trên cả nước đã xảy ra 12.492 vụ tai nạn giao thông làm 11.516 người chết, 7.914 người bị thương, tính trung bình mỗi ngày có 31 người chết, 85,5% là do lỗi của người tham gia giao thông tự gây ra. Trong những năm qua, số lượng phương tiện ô tô, xe máy tăng nhanh gấp nhiều lần tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông. Năm 2009, ô tô tăng 14,1% và môtô xe máy tăng 10,5% so với năm trước nên đã gây ra nhiều khó khăn cho cả các cơ quan quản lý, điều hành giao thông và cả người tham gia giao thông, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Số lượng xe gắn máy trên cả nước hiện nay là trên 20 triệu chiếc, riêng Hà Nội đã chiếm tới 3,6 triệu chiếc, ngoài ra còn khoảng 450.000 ô tô các loại, chưa tính đến số xe buýt và các phương tiện cơ giới của các tỉnh lân cận thường xuyên hoạt động trên các tuyến đường của thủ đô, trong khi đó, Hà Nội mới giành 7% quỹ đất cho phát triển giao thông.
Không chỉ xảy ra ở những đô thị lớn, năm vừa qua đã có rất nhiều tai nạn xảy ra trên cả những tuyến quốc lộ. Ngay trong tháng an toàn giao thông năm 2009 đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở Lạng Sơn (huyện Chi Lăng), Phú Thọ (huyện Đoan Hùng), và Hà Tĩnh (huyện Kỳ Anh) làm 85 người bị chết và thương nặng.
Trên các tuyến giao thông đường sắt cũng tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng do ý thức chấp hành không tốt của người dân đã trở nên phổ biến và các cơ quan quản lý cũng tỏ ra bất lực. Trong số hơn 6.000 đường ngang đi qua đường sắt trên phạm vi cả nước hiện nay, chỉ có 1.000 đường ngang là được xây dựng và tổ chức hợp pháp, còn lại 5.000 đường ngang là do nhân dân tự do mở ra tùy tiện, không đúng quy định.
Nhiều địa phương có đường tàu hỏa Bắc – Nam đi qua nhưng vẫn cấp đất cho nhân dân làm nhà trong phạm vi an toàn đường sắt, không bảo đảm cự ly cách đường sắt 15m như quy định của UBATGTQG. Hệ thống đường gom ở các khu dân cư ven đường tàu rất ít được thiết kế, xây dựng, hoặc nếu có đường gom (Nam Định) thì người dân cũng tự phá dỡ để hình thành đường đi của mình cắt ngang đường sắt.
Hệ thống xe buýt ở các đô thị lớn, tuy cũng đã góp phần phục vụ người dân đi lại thuận tiện hơn, nhưng cũng gây ra không ít tai nạn va chạm với các phương tiện khác (có cả tai nạn gây chết người) do lái xe ra vào bến bãi tùy tiện, thiếu quan sát cẩn thận, không bật đèn xinhan, dừng đỗ không đúng nơi quy định.
Các hãng taxi bung ra hoạt động mạnh mẽ ở các thành phố nhưng cơ cấu, sắp xếp chưa hợp lý, quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến hiện tượng taxi lậu, trốn thuế, giá cước cao, gắn chip điện tử gian lận tiền cước của khách hàng. Năm 2009, Hà Nội có 12.000 xe taxi của 109 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 3.000 taxi mới được đưa vào hoạt động và 4.000 xe taxi cũ được thay thế. Như vậy, trên 600 km của 9 quận nội thành có mật độ 20 xe taxi/km đường.
Nạn rải đinh trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội) và trên đoạn đường Bình Dương (thị xã Thủ Dầu Một) và một số tỉnh thành khác đã gây tai nạn cho người đi đường nhưng vẫn chưa bị ngăn chặn kịp thời và hiệu quả.
Nhiều địa phương còn cho phép lưu hành những xe tự chế, hoặc phương tiện đã cũ nát, quá hạn sử dụng, không bảo đảm hệ số an toàn kỹ thuật.
Tình trạng tắc nghẽn giao thông và tai nạn giao thông ở nước ta đã lên đến mức báo động, đã gây ra hậu quả nặng nề về mặt kinh tế và xã hội.
3. Nguyên nhân
Ý thức chấp hành luật an toàn giao thông của đa số người tham gia giao thông còn thấp. Hiện tượng vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ cho phép, đi không đúng phần đường quy định là rất phổ biến. Nhiều thanh thiếu niên không nghiêm chỉnh chấp hành quy định phải đội mũ bảo hiểm và không được uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Người lái xe ô tô thì không thường xuyên thắt dây bảo hiểm an toàn, có khi còn đi quá tốc độ cho phép, không có tín hiệu xinhan xin đường trước khi chuyển làn, chuyển hướng, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, không quen xe, quen đường…
Nhiều chợ cóc, chợ tạm còn hoạt động trên các tuyến giao thông, nhiều địa phương còn để cho dân phơi thóc lúa trên các quốc lộ hoặc các khu dân cư còn đổ vật liệu xây dựng, các biển quảng cáo lắp đặt trái phép đã vi phạm hành lang an toàn giao thông và làm cho nguy cơ ùn tắc giao thông, đánh võng, đua xe trái phép, chở hơn 2 người trên xe máy vẫn còn phổ biến.
Nhiều ô tô, xe máy không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn lưu hành trên đường phố gây ô nhiễm môi trường vì tiếng ồn và khói bụi từ động cơ, ống xả khói, còi sử dụng không đúng quy định, sự tương tác của bánh xe với mặt đường gây ra.
Công tác quản lý giao thông, tổ chức điều hành còn bất hợp lý, chưa năng động, sáng tạo, chưa đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải và UBATGTQG các cấp đã có nhiều cố gắng để khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý an toàn giao thông nhằm giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, tác động xấu đến việc thiết lập một trật tự an toàn giao thông, tiến tới xây dựng một nền văn hóa giao thông ở nước ta. Việc đặt biển báo hạn chế tốc độ cho xe ô tô các loại là cần thiết nhưng nhiều tiêu chí để quy định các tốc độ đó đã thay đổi từ lâu mà biển hạn chế tốc độ tối đa không được điều chỉnh kịp thời.
Trên nhiều tuyến phố ở nội đô, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM còn tình trạng đào đường, đào hè, xây những lô cốt quá thời gian cho phép gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Chúng ta còn gặp một số tuyến đường phân tuyến, phân làn chưa hợp lý, chưa thuận tiện cho người đi lại, hoặc hiện tượng một số bến xe buýt được xây dựng, bố trí ngay ở những đoạn đường hẹp, chỗ quay đầu xe hoặc ngay gần ngã ba, ngã tư, là nơi rất cần sự thông thoáng. Bên cạnh đó còn hiện tượng xe vệ sinh đường phố hoặc xe gom rác vào giờ cao điểm, dừng đỗ ở những nơi không hợp lý cũng là những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông đô thị.
Nhiều siêu thị, khách sạn, nhà hàng xây dựng ở khu trung tâm đô thị, gần đường giao thông nhưng không có thiết kế hợp lý, thiếu nơi dừng đỗ xe cho khách hàng, nhiều thành phố bố trí nơi gửi xe thiếu tính toán cụ thể, không có bến cho taxi dừng để chờ khách đã gây ra tình trạng taxi chạy lòng vòng tìm khách, dừng đỗ vô tổ chức gây ra sự lộn xộn trong sự hoạt động của các hãng taxi.
Công tác đào tạo, giáo dục, kiểm tra người lái xe và phương tiện còn chưa thường xuyên, nhiều sơ hở.
Vừa qua, nhiều trung tâm đào tạo lái xe cơ giới được thành lập ở các địa phương theo một cơ chế thông thoáng, xã hội hóa đã góp phần khắc phục tình trạng quá tải cho các trung tâm đào tạo lái xe do nhà nước quản lý, nhưng cũng vì lẽ đó mà có một số trung tâm đào tạo lái xe không đúng quy trình kỹ thuật, bỏ qua những công đoạn học tập lý thuyết hoặc đào tạo thực hành chỉ qua loa. Hơn thế nữa, chương trình đào tạo lái xe thiếu cân đối, không chú ý đến việc giáo dục đạo đức của người lái xe mà chỉ tập trung vào việc dạy người học điều khiển phương tiện. Chính vì vậy, nhiều người lái xe tuy có bằng lái nhưng không am hiểu sâu sắc, không biết chính xác các biển báo, biển cấm trên đường và đặc biệt thiếu hẳn đạo đức và tư cách của người lái xe. Nhiều người điều khiển ô tô chở khách cỡ lớn mà thiếu đi phần lương tâm, đạo đức nên đã gây ra những tai nạn thảm khốc cho chính bản thân mình và hành khách trên xe.
Công tác kiểm tra bằng lái xe cùng các giấy tờ cần thiết của người lái và phương tiện có được thực hiện, nhưng do lực lượng cảnh sát giao thông mỏng nên chỉ được tiến hành vào những dịp lễ tết hoặc ở một vài tuyến quốc lộ quan trọng, chính vì vậy nhiều lái xe đã điều khiển xe trong tình trạng không bằng lái, không giấy tờ tùy thân hoặc trong tình trạng say bia rượu mà không được phát hiện và xử lý kịp thời, đến khi gây ra tai nạn thì mới được phát hiện thì đã quá muộn.
Hiện nay, ở nước ta nhập rất nhiều các loại xe ở các quốc gia khác nhau, phổ biến hơn cả là xe nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, sau đó là từ Mỹ, Nga, Pháp, Italia… Những loại xe này có cấu tạo và tính năng kỹ thuật rất khác nhau và xuất xứ từ nhiều nguồn gốc có chất lượng cũng khác nhau rất nhiều nên việc đăng kiểm thường xuyên, nghiêm túc là rất cần thiết để bảo đảm an toàn cho cả người lái xe và người tham gia giao thông. Các trung tâm đăng kiểm được hình thành ở các tỉnh, thành phố nhưng số lượng còn ít, trang thiết bị lạc hậu, thiếu chính xác nên việc đăng kiểm chưa đáp ứng được yêu cầu của số lượng phương tiện tăng lên nhanh chóng. Tình trạng đăng kiểm sơ sài, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cùng hiện tượng gian lận trong đăng kiểm để cố tình lưu hành các loại xe đã quá hạn sử dụng là những điều bất cập góp phần gây ra những tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Cơ sở hạ tầng giao thông được nâng cấp nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người tham gia giao thông vì chất lượng cầu đường còn kém, hệ thống đèn hiệu, biển báo còn chưa đầy đủ, chính xác gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện.
Khách quan mà nói, nước ta đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường nhưng chưa có một tuyến đường nào đạt tiêu chuẩn là đường cao tốc, bởi vì trên các tuyến đường giao thông huyết mạch dù đã được phân luồng, phân tuyến nhưng vẫn còn tình trạng các phương tiện ô tô, xe máy, xe tự chế, xe bò, xe ngựa cùng nhau lưu hành. Nhiều đoạn đường quốc lộ cho phép ô tô chạy với tốc độ 100 km/giờ nhưng vẫn còn nhiều điểm giao cắt trực tiếp với đường ngang dân sinh, không có hệ thống đường gom hoặc hệ thống cầu vượt, hầm tránh, chính vì thế nên đã gây ra rất nhiều bất ổn cho người tham gia giao thông.
Gần đây, chúng ta mới xây dựng được tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc trong khu vực nhưng vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm nâng cấp, khắc phục để việc khai thác tuyến đường cao tốc này được thuận lợi và hiệu quả hơn như: chất lượng mặt đường còn chưa cao, hệ thống cây xăng cùng các dịch vụ khác cho hành khách chưa được xây dựng, bãi dừng nghỉ cho lái xe chưa đưa vào sử dụng.
4. Giải pháp xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta
Đặc điểm của giao thông Việt Nam hiện nay là đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh để phục vụ cho nhiệm vụ hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Chúng ta từ nền văn hóa xóm làng phát triển thành văn hóa đô thị và từ văn minh nông nghiệp tiến lên văn minh công nghiệp nên ở trong đó có sự đan xen giữa những phương tiện thô sơ, lạc hậu với phương tiện hiện đại, văn minh. Điều đặc biệt cần phải lưu ý đó là tâm lý, thói quen của người tiểu nông sản xuất nhỏ còn có khoảng cách với tâm lý, thói quen của người ở xã hội công nghiệp hiện đại. Chính vì vậy, muốn xây dựng được một nề nếp văn hóa giao thông ở nước ta rất cần sự tham gia của toàn dân, của các cấp, các ngành và cần phải được tiến hành đồng bộ, thường xuyên. Tùy theo tình hình đặc điểm của mỗi địa phương mà giải pháp tiến hành sao cho linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Hệ thống giải pháp nhằm thiết lập lại một trật tự giao thông và xây dựng văn hóa giao thông bao gồm các nội dung chủ yếu sau.
Rà soát lại toàn bộ văn bản luật pháp liên quan đến an toàn giao thông để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Những điều đã cũ, không còn phù hợp cần được thay thế bằng những nội dung mới, yêu cầu các văn văn bản quy định phải được biên soạn ngắn gọn dễ hiểu, không chồng chéo, hình thức thưởng phạt nghiêm minh, rõ ràng, đủ sức răn đe, giáo dục tạo điều kiện cho người dân thực hiện thuận lợi.
Cơ sở hạ tầng giao thông cần phải được đầu tư hợp lý, khoa học, chính xác từ khâu quy hoạch đến các khâu thiết kế, thi công, kiểm tra và đưa vào sử dụng. Ở các đô thị lớn có trên 5 triệu dân cần phải xây dựng các tuyến đường giao thông hiện đại như tàu điện ngầm, tuyến đường trên cao. Cần phải kết hợp hài hòa các phương tiện đi lại trên đường bộ, đường thủy, và đường sắt để tạo thành một mạng lưới giao thông thuận tiện, an toàn, hiệu quả. Cần phải xây dựng một hệ thống cầu vượt từ 1 đến 3 tầng để ở các ngã tư, ngã năm giao cắt, tránh xung đột trực tiếp giữa các luồng tuyến giao thông.
Cần phải thường xuyên đào tạo và đào tạo lại, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ các cấp tham gia quản lý, điều hành giao thông để họ không những có trình độ chuyên môn cao, sức khoẻ tốt mà cần sự nhiệt tình và tấm lòng trong sáng, vô tư, đủ khả năng quản lý điều hành một mạng lưới giao thông phức tạp của một đô thị hiện đại. Những thiết bị chỉ huy, điều hành giao thông cũng cần được hiện đại hóa nhằm đẩy mạnh và nâng cao năng lực quản lý của cán bộ nghiệp vụ.
Mở rộng tuyên truyền, vận động, giáo dục trên một quy mô rộng lớn ở các trường học, cơ quan, khu dân cư về ý thức trách nhiệm và ý thức tự giác trong việc chấp hành luật giao thông. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần phải sinh động, đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, từng trình độ từ hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo cho đến các hệ đào tạo đại học, trên đại học. Cần phải coi ý thức tự giác học tập và chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông là trách nhiệm công dân, trách nhiệm của con người trong xã hội hiện đại và đó cũng là thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần nhân văn, tiến bộ.
Tích cực và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, chống những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa của một bộ phận công chức, viên chức tham gia điều hành, quản lý hệ thống giao thông để tạo ra một môi trường giao thông trong sạch, an toàn.
Xây dựng văn hóa giao thông là một vấn đề cấp bách, mang tính xã hội cực kỳ rộng lớn vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống và tài sản của tất cả chúng ta. Văn hóa giao thông chính là nền tảng thúc đẩy xã hội nhanh chóng đi đến văn minh, hạnh phúc và nó còn là tiền đề để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Luật an toàn giao thông có thể được hoàn thiện hàng ngày, các điểm đen trên các cung đường giao thông có thể được thường xuyên khắc phục, nhưng văn hóa giao thông chỉ có thể được hình thành nếu mỗi chúng ta tự giác xóa đi điểm đen trong suy nghĩ và tư duy của mình để hòa cùng các thành viên xã hội tạo lập ra một nề nếp giao thông trật tự, an toàn, thân thiện và văn minh.
Tuyên truyền, vận động để mọi người có ý thức tự giác khi tham gia giao thông là hết sức cần thiết, nhưng văn hóa giao thông thời hiện đại hóa không thể được hình thành nếu chỉ dựa vào sự tuyên truyền vận động, mà rất cần có một cơ sở hạ tầng giao thông tương thích và một hệ thống luật pháp chặt chẽ, phù hợp.
_______________
1. Quang Tuấn, Báo Nhân dân, ngày 30-8-2009, tr.2.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 311, tháng 5-2010
Tác giả : Phạm Ngọc Trung
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam