Đối với đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam) sinh sống trên dãy Trường Sơn, dù giàu hay nghèo, hằng năm vẫn duy trì tục Tr’záo thăm hỏi giữa cha mẹ với con gái hoặc anh em trai với chị em gái đã đi lấy chồng xa. Đây là một tập tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào luôn được gìn giữ từ bao đời nay.
Tục Tr’záo tùy theo từng địa phương cư trú mà được đặt các tên gọi khác nhau, như: Tr’záo, R’záo hay Tà moòi… Tục Tr’záo không mang tính chất lãng phí hoặc mê tín dị đoan, mà đó là cầu nối tình cảm thân thiết giữa bà con thông gia, sui gia với nhau. Khi Xuân về Tết đến, mùa Tr’záo lại rộn ràng, nhộn nhịp khắp nơi từ Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang trên dãy Trường Sơn.
Hàng năm, khi Xuân đến Tết về, mỗi gia đình người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam dù giàu hay nghèo đều muốn được đi Tr’záo 1 lần trong năm để thăm viếng bà con, anh em họ hàng, sui gia ở làng khác. Theo phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trước khi vào ngày hội Tr’záo, gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị một số món quà để tặng cho gia đình nhà trai. Đó có thể là ché rượu cần, nếp xôi, thổ cẩm, cùng với những món ẩm thực truyền thống khác như: cá suối, thịt gà, vịt…
Già làng Alăng Bảy (88 tuổi, ở thôn Bhờ Hôồng1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, mỗi lần bà con đi Tr’záo, phải chuẩn bị những đồ ăn, thức uống thật chu đáo. Trước khi đi, tùy thuộc ở họ hàng, anh em, bà con thân thuộc đông hay ít và tùy vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà làm bánh, hay nấu xôi hoặc chuẩn bị thực phẩm heo gà, vịt, cá, ếch… như một “lễ cưới nhỏ”. Khi mọi việc chuẩn bị xong, họ cho xôi nếp cẩm, bánh cuốt cùng những gói cá, ếch, thịt heo… vào trong một hoặc nhiều cái gùi nhỏ (loại gùi này còn gọi là “Kkhách Tà mòi”) và gùi đến nhà con gái làm dâu (nhà trai).
Xưa kia do phương tiện giao thông, liên lạc, đường sá đi lại còn khó khăn, cách trở nên con gái đi lấy chồng xa ít dịp hoặc không có dịp về thăm cha mẹ, anh chị em trong gia đình nên tục Tr’záo do người xưa “thiết kế” nhằm tạo điều kiện để cha mẹ, anh chị em thăm con gái đồng thời thăm sui gia, thông gia luôn. Nếu nhà gần thì đi và về trong ngày. Nhưng thông thường, rất ít khi gia đình nhà trai để đoàn nhà gái trở về trong ngày, bởi họ muốn tạo không gian đoàn tụ đầu năm vui vẻ, ấm áp cho hai bên gia đình. Đôi khi, có những chuyến đi dài ngày để thăm dòng họ hoặc bà con thân thuộc có chồng làm ăn sinh sống ở tận bên nước bạn Lào anh em.
Khi đến nhà sui gia, bố mẹ hoặc anh em vợ (nhà gái) sẽ được anh hoặc em rể bên nhà trai niềm nở đón tiếp. Tối đến, sui gia nhà trai mời họ hàng thân thích về nhà mình quây quần bên “mâm cơm đặc sản” cùng cha mẹ hoặc anh em trai bên nhà gái ăn và uống rượu tà vạt, rượu tr’đin, rượu cần… Bắt đầu từ mâm cơm ấy, hai bên gia đình có những câu hát lý hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn, nương rẫy, những lời khuyên bảo con cháu được mọi người nói lý, hát lý (đối đáp) với nhau.
Gia đình nhà trai thường đáp lễ bằng các tặng phẩm giá trị như: thịt heo, chiêng, ché, bánh kẹo, trà, thuốc, rượu chai… cho gia đình nhà gái. Tuy nhiên, nếu trường hợp hoàn cảnh nhà trai quá khó khăn, không lo nổi phần lễ tiếp đón chu đáo cho nhà gái thì nhà trai sẽ mang toàn bộ món quà của nhà gái đến để tặng lại cho nhà chị hoặc em gái của mình với mục đích “xin” hỗ trợ tiếp đón giúp cho nhà gái (người Cơ Tu gọi đó là víh ch’na). Còn nếu nhà trai có đủ điều kiện để đáp trả lễ nghĩa thì sau đó vẫn đem một phần quà này sang nhà chị hoặc em gái của mình để báo tin…
Già làng Đinh Văn Bớt (74 tuổi, trú thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết thêm, khi màn đêm buông xuống, nhà trai mời họ hàng thân thích đến nhà mình quây quần bên mâm rượu. Những câu hát lý cũng được cất lên từ mâm rượu, mọi người đối đáp với nhau, thắt chặt tình cảm anh em thắm thiết… Lúc bấy giờ, đêm đã về khuya, giữa cái lạnh khi xuân về của đại ngàn Trường Sơn, bếp lửa nhà sàn càng thêm ấm hơn khi mọi người uống rượu và hát lý đối đáp với nhau nhiều hơn, ai nghe được, hát được thì đối đáp, còn không thì ngồi nghe hát. Khi tiếng gà trong làng cất tiếng gáy canh ba, báo hiệu một ngày mới bắt đầu, thì cũng là lúc mọi người cùng đứng dậy với lời chào lưu luyến. Con gái tiễn cha mẹ, anh chị em của mình ra tận đầu làng và mong chờ một mùa hội Tr’záo năm sau.
Ông Palăng Bưng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tây Giang khẳng định, tục Tr’záo là một nét đẹp văn hóa mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc chỉ đồng bào Cơ Tu vùng cao Quảng Nam mới có. Đây là tập tục được đồng bào Cơ Tu duy trì nhằm mục đích thăm hỏi giữa cha mẹ với con gái hoặc anh/em trai với chị/em gái đã đi lấy chồng xa. Ngoài ra, còn tạo sự gắn kết tình cảm giữa hai nhà thông gia, sui gia thêm bền chặt.
Tác giả: Tiên Sa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)