Xuyên qua và lời nhắc nhở về những cuộc kiếm tìm cái khác

Chân dung nghệ sĩ Bảo Vương. Ảnh Tuấn Trần

“…Cả gia đình tôi đã sống sót, không hiểu sao lại có thể sống sót sau những tháng ngày trôi nổi trên biển. Khi đó, tôi mới chỉ một tuổi. Năm 2013, ở tuổi 35, tôi về thăm họ hàng ở Việt Nam lần thứ hai. Và tôi quyết định ở lại, dù tôi hiểu rằng, khi đó và ở đó, tôi chỉ là một người nước ngoài…” – Bảo Vương, nghệ sĩ người Pháp gốc Việt đã bắt đầu câu chuyện như vậy sau khi anh đẩy tôi và có lẽ, rất nhiều người khác nữa có mặt trong buổi khai mạc triển lãm Xuyên qua (tạm dịch từ tên nguyên gốc: The Crossing), vào một trạng thái lơ lửng của tâm trí. Một chút nghẹt lại trong tim, rất nhiều câu hỏi tại sao, như thế nào… hiện ra trong đầu về sự sinh tồn của những con người trong hoàn cảnh như gia đình của Bảo Vương giữa bóng ma đe dọa của cái chết và sự hành hạ thân xác, tinh thần do con người gây ra cho nhau giữa thiên nhiên sóng gió bất định. Nhưng điều đọng lại sâu sắc nhất trong tôi lại là tâm trạng tĩnh lặng của chính nghệ sĩ, được bày tỏ tự nhiên trong toàn bộ triển lãm này, như thể anh đã cùng các sáng tác của mình đi qua một quá trình thiền định, nói cách khác, quá trình sáng tác triển lãm này cũng chính là một quá trình nghệ sĩ suy nghiệm trong tĩnh lặng về tất cả hành trình của cuộc đời gia đình mình, hoàn toàn tĩnh lặng, như một sự vượt qua ngoạn mục mọi đau đớn, trách móc, mọi cảm giác về sự thống khổ, mọi nỗi giày vò tinh thần sau những mất mát, khiếp sợ… Và chính cảm nhận về sự tĩnh lặng ấy đã làm một người xem như tôi xúc động…

Triển lãm Xuyên qua (1) của Bảo Vương diễn ra trong một không gian chưa đầy 20m2. Quanh tường sơn trắng, cửa kính trắng là những bức tranh chỉ một màu đen tuyền của sơn dầu. Có bức là những gợn sóng chạy ngang, lặp đi lặp lại, hun hút, sâu thẳm. Có bức được chia nửa phần trên là bề mặt mịn màng, nửa dưới vẫn là những lọn sóng đen sì nhưng dường như đang lấp lánh chút ánh sáng. Có bức như được xoay chiều ngược lại, sự êm ả, mịn màng bên dưới những lớp sóng nhấp nhô… Chỉ một màu đen tuyền trên một bề mặt hoặc gợn sóng, hoặc phằng mịn, đơn sắc nhưng đầy xao động. Bảo Vương không trưng trổ bất kỳ một yếu tố nào nhằm bày tỏ tài nghệ hoặc kinh nghiệm sáng tác. Nhưng đổi lại, mỗi bức tranh chỉ được hoàn thiện sau cả một quá trình dài tạo tác. Ví dụ như bức Xuyên qua, số 9 (Crossing No.9), Bảo vẽ chồng bốn lớp sơn dầu đen, chỉ có sơn, toan và chassis mà bức tranh nặng gần 80kg. Sơn cũng được phủ dày xung quanh lớp toan bọc chassis. Một không gian sóng đen bao trùm, nhưng không phải như một khối đen quánh đặc, mà ở đó, vẫn ánh lên lấp lánh những gợn sáng của chính chất sơn phản chiếu ánh sáng xung quanh, nó khiến ta liên tưởng đến một sự tự thắp sáng ngọn lửa hy vọng trong tâm hồn của mỗi con người giữa mọi khổ ải một khi họ còn niềm tin vào sức mạnh của tinh thần… Hoàn toàn không một bóng dáng con người trên những bức tranh ấy. Nghệ sĩ như một người quan sát, đứng ngoài để thấy sự vô hình của con người giữa màu đen tự nhiên mênh mông, hoặc như anh ta đang giả định “vẽ” lại tâm trí của chính mình – một kẻ tha hương có ý thức của người trưởng thành bởi thực tế khi lênh đênh trên biển, Bảo Vương chỉ mới là đứa bé 1 tuổi.

Tác phẩm Crossing No.9. Ảnh A.V

Sự tĩnh lặng tràn ngập trong những sáng tác hội họa của Bảo Vương lại khuấy động tâm can người đối diện một cách mạnh mẽ. Nếu bạn biết điều gì đó về câu chuyện cuộc đời của Bảo Vương và gia đình anh, điều ấy chắc chắn sẽ làm nghẹt trái tim bạn, rồi nó chi phối tâm can bạn và khiến bạn nghiêng về sự diễn giải có tính chất văn chương về triển lãm này như một sự gắn liền với phần lịch sử riêng của một gia đình. Nhưng nếu bạn chưa biết gì, hoàn toàn như một khách vãng lai lần đầu tiên đứng trước những không gian đen tuyền, có thể là sóng nước, là trời đêm, là sự mênh mông vô định của không gian giả tưởng, bạn sẽ tự do hình dung hơn bao giờ hết. Sự tương phản đen trắng, đơn sắc – đa sắc, mịn màng – gồ ghề, con người – không gian… sẽ thúc đẩy người xem trở lại với những trải nghiệm của cá nhân về những mảnh, những yếu tố hay giai đoạn đối lập trong cuộc đời của mỗi người, của mọi người, về một sự định vị bản thân giữa khôn cùng đời sống…

Và nữa, câu chuyện của gia đình Bảo Vương cũng là câu chuyện không cá biệt trong dòng chảy lịch sử nhân loại. Cho đến nay, những sự dịch chuyển và kiếm tìm các bến bờ sống khác với hiện tại vẫn diễn ra trên khắp thế giới. Những câu chuyện đau thương và đen tối về các chuyến đi trong hy vọng lẫn tuyệt vọng ấy vẫn hàng ngày xuất hiện trên đủ các phương tiện truyền thông, làm nhói lòng chúng ta. Chính vì thế chăng, sáng tác của Bảo Vương một lần nữa được nhân thêm ý nghĩa bởi anh dường như đã đi xuyên qua được lịch sử riêng của gia đình mình để bày tỏ với thế giới này một câu chuyện nội tâm mạnh mẽ mà dường như, tất cả chúng ta đều dự phần… Bạn có chắc bạn chưa từng một lần cảm thấy trong tâm hồn mình một sự bất an bởi ý muốn đi tìm một nơi chốn mới đang hối thúc bạn sau những thất bại, thất vọng trong cuộc đời mình, sau những tìm kiếm vô định bởi chính mình không/ chưa thể định vị được bản thân ở nơi chốn mà mình đang sống… Đó có khác gì một sự tha hương trong tâm hồn?…

Bên cạnh các bức tranh trên tường, triển lãm còn gây chú ý bởi một sắp đặt gồm 336 chiếc cốc nhựa, sắp ngay ngắn trên một mặt bàn hình chữ nhật, tiêu đề 336 mảnh (tạm dịch từ tên nguyên gốc: 336 items). Trong từng chiếc cốc đổ gần đầy nước tinh khiết, nổi lên những hình ảnh chân dung con người ở đủ lứa tuổi và giới tính, với hai màu đen trắng, in trên giấy trong. Bên cạnh đó là những hình ảnh vệt loang đen trắng, không theo khuôn khổ nhất định nào, rất tự nhiên. Những hình ảnh trên giấy trong, không phai màu trong nước, khuôn định trong một cốc nhựa trắng đựng nước tinh khiết, đã gây hiệu ứng thị giác khá mạnh. Đặc biệt, những hình ảnh chân dung người đều là ảnh chụp chân dung người thật ở ngoài đời. Nghệ sĩ đã tìm kiếm những bức hình ấy từ các cửa hàng đồ cổ, đồ cũ bán dọc vỉa hè TP.HCM. Chân dung qua ảnh chụp đem tới cảm giác về sự thật nhưng đây là sự thật trong giả định. Những người trong ảnh đó có thể không phải là những người từng lênh đênh trên biển tìm kiếm một nơi chốn khác như câu chuyện mà Bảo Vương đang muốn kể lại trong không gian này. Nhưng những con người lênh đênh ấy cũng có thể là bất kỳ ai, là bạn, là tôi, là chúng ta, bởi như đã nói ở trên, thực tế sự kiếm tìm ấy vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra hàng ngày, đây đó trên thế giới này. Sự dịch chuyển và kiếm tìm cho thấy sự không ngừng mơ ước của con người về cái khác – một thế giới khác thực tại của họ tuy rằng không ai dám đảm bảo cái khác ấy có thể tốt đẹp hơn… Với 336 mảnh, với những bức ảnh chụp chân dung người thực, nghệ sĩ có vẻ muốn đưa người xem về lại sự thực nghiệt ngã hơn của những chuyến ra đi kiếm tìm thế giới khác ấy.

Sự cô đọng và tĩnh lặng trong triển lãm Xuyên qua của Bảo Vương thực sự đem lại những giây phút đáng quý cho người thưởng lãm, tôi tin như vậy. Cùng tác giả đi xuyên qua những quá khứ khốc liệt với một tâm thế nhân bản trong sáng nhất, đó sẽ là cách để mỗi người xem cũng gột rửa lại tâm hồn của chính mình sau mọi thống khổ, mất mát, đổ vỡ. Đây chính là một đóng góp tích cực của nghệ thuật và nghệ sĩ cho đời sống.

Bản thân nghệ sĩ cũng chia sẻ, sau Xuyên qua, anh cảm thấy như đã hoàn thành êm đẹp một phần việc lớn nhất đối với người mẹ tuyệt vời của anh. Thậm chí, anh cũng chưa biết liệu anh có thể tiếp tục sáng tác nữa, hay anh sẽ yên tâm với công việc của một giáo viên mỹ thuật ở một trường Pháp ngữ tại TP. HCM. Anh dự định sẽ ở lại Việt Nam. Hiện tại, hàng năm, mẹ của anh cũng dành nhiều thời gian về lại Việt Nam thăm gia đình, họ mạc ở tỉnh Vĩnh Long (2).

Những sự trở về như thế của gia đình Bảo Vương, hay của rất nhiều người Việt khác trên thế giới, sau nhiều năm tháng tha hương, luôn là câu chuyện đẹp đẽ nhất về sự gắn kết không thể tách rời giữa một cá nhân, mọi cá nhân với nguồn cội của mình. Hẳn nhờ sự trở về ấy, Bảo Vương mới có thể thành hình được triển lãm rất đáng xem như Xuyên qua; đây cũng là những lời nhắc chân thành và sâu sắc tới những ai đã và đang có ý định tha hương cho cả thân xác và tâm hồn mình.

_____________

1. Triển lãm diễn ra từ ngày 7-6 đến 30-9-2018 tại Art & Ventures gallery, số 32, đường Trần Ngọc Diện, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.

2. Tác giả trò chuyện cùng nghệ sĩ Bảo Vương, TP.HCM, ngày 12-7-2018. Bảo Vương lớn lên ở Pháp, theo học nghệ thuật và đạt được hai bằng quốc gia về nghệ thuật của Pháp: DNAP (bằng quốc gia về nghệ thuật tạo hình) tại trường Nghệ thuật Toulon, năm 1999 và DNSEP tại trường Nghệ thuật Avignon, năm 2001.

 

Tác giả: Đào Mai Trang

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *