Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926) là lãnh tụ cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy – một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương chống pháp cuối TK XIX. Tương truyền, tại xã Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên, nghĩa quân Bãi Sậy đã tế cờ khởi nghĩa, dấu tích vẫn còn lại cây bồ đề – vọng gác tiền tiêu khi đó. Năm 1888, pháp cho quân đàn áp, Nguyễn Thiện Thuật trao quyền chỉ huy nghĩa quân cho em trai là Nguyễn Thiện Kế rồi sang Trung Quốc gặp Tôn Thất Thuyết bàn cách tăng viện, nhưng việc không thành. Năm 1926, ông mất vì bạo bệnh và được an táng trên quả đồi ngoại vi thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Việc đưa mộ ông về Việt Nam đã được thực hiện từ năm 2004. Đầu năm 2005, sau khi làm các thủ tục pháp lý, hài cốt của ông đã được đưa về an táng tại quê hương Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên và được công nhận là di tích. Hiện nay, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Hào đã quy hoạch một quỹ đất cho việc quy hoạch, xây dựng khang trang khu tưởng niệm và mộ chí của tướng công Nguyễn Thiện Thuật.
Khu di tích tưởng niệm của tướng công Nguyễn Thiện Thuật nằm trong khuôn viên rộng 2000m2, có tường bao xung quanh, được trồng nhiều cây cỏ như si, cau vua, nhãn, lan… Về cơ bản, đây là một khu phức hợp tưởng niệm và lăng mộ, nên bao gồm nhiều hạng mục. Phía trong cùng khuôn viên là hệ thống phù điêu làm bằng vật liệu bê tông – vữa, tái hiện lại hình ảnh cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy. Phía ngoài khuôn viên là mộ tướng công Nguyễn Thiện Thuật nằm dọc theo khuôn viên, đầu hướng về bức phù điêu chắn phía sau (như một dạng hậu trẩm/chẩm), chân hướng ra phía ngoài cổng chính. Xung quanh 4 góc của khu vực mộ là 4 cây si lớn, chạy dọc hai bên tường là hai hàng cau vua. Tiếp đến là một phương đình như tạo ra một tiền án trấn giữ cho sự yên ổn của người đã khuất cũng như khu tưởng niệm này. Trước phương đình, là hai cây ngọc lan, phía bên trái của khu tưởng niệm, là nhà trưng bày những kỷ vật, cũng như hình ảnh cụ Tán Thuật và quá trình đưa di cốt của tướng công từ Trung Quốc về Việt Nam. Trong nhà trưng bày có đặt một bàn thờ trang trọng, bên trên là di ảnh của cụ. Đây là nơi để cán bộ địa phương, nhân dân trong vùng, cùng con cháu của cụ tới thắp hương tưởng nhớ cụ. Phía trước nhà phương đình, là chiếc lư hương ba chân bằng đá, mỗi khi bước vào khu di tích, khách đến viếng thăm thường thắp nén nhang, kính cẩn trước người anh hùng của đất nước. Bên ngoài khu tưởng niệm, là một dấu tích quan trọng của cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy, đó chính là cây bồ đề, trạm gác tiền tiêu của nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Từ điểm cao này, nghĩa quân có thể quan sát được các hướng, phát hiện sự di chuyển hay tấn công của địch… mà đưa ra những đối sách kịp thời.
Không gian quanh khu tưởng niệm là một loạt các di tích xen lẫn với các công trình kiến trúc khác của xã Xuân Dục. Phía sau khu tưởng niệm là cánh đồng/ ruộng thuộc xã Xuân Dục, bên phải là trường học, bên trái là nhà văn hóa xã và đình làng Xuân Nhân (đình Dộc), phía trước khu tưởng niệm là chùa Sùng Bảo. Có thể nói, đây chính là vị trí trung tâm, không gian quan trọng của xã Xuân Dục trên hai phương diện: hành chính và tâm linh. Đặc biệt, ở đây đã hội tụ đủ các công trình tâm linh truyền thống như đình, chùa… với cảnh quan đẹp, thuận tiện cho việc tiến hành quy hoạch, mở rộng và phát triển thành quy mô lớn cho khu vực tưởng niệm này. Đây cũng là địa điểm diễn ra nghi lễ do Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Hào đứng ra tổ chức vào ngày 29-9 (ngày cụ Tán Thuật tế cờ khởi nghĩa).
Trong nghi lễ này, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Hào có mời con cháu – là hậu duệ của tướng công Nguyễn Thiện Thuật và tướng lĩnh, nghĩa quân Bãi Sậy tới dự. Lãnh đạo và các phòng ban chức năng của huyện, con cháu hậu duệ tiến hành dâng hương, tưởng nhớ đến tướng công Nguyễn Thiện Thuật, các tướng lĩnh và nghĩa quân của cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy.
Nhà thờ dòng họ Tướng công Nguyễn Thiện Thuật
Ảnh: Ngọc Thúy
Nhà thờ dòng họ Nguyễn ở Xuân Đào hiện nay được làm ba gian, theo kiến trúc truyền thống (kiểu nhà gian – chái) bộ vì và cột bằng gỗ, tường bao quanh chịu lực, lợp ngói, trên bờ nóc có ghi chứ Hán: Nguyễn Tộc Từ Đường. Toàn bộ nhà thờ họ có diện tích khoảng 42m2, bên ngoài có mái hiên, hai đốc nhà nối dài ra sân trước là hai trụ biểu được chia thành 3 phần chính: phần chân đế được làm thành khối vững chắc; phần thân kết cấu theo chiều dọc, có đắp thành những đường chỉ, tạo thành những ô lớn trong có đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán; phần đầu làm thành hình khối ô hộc giống như những chiếc đèn đá thường thấy trong các di tích đền miếu, trên cùng là một búp sen.
Theo lời kể từ các ông là hậu duệ của cụ Tán Thuật, trước kia nhà thờ này chỉ thờ tổ tiên nói chung của dòng họ Nguyễn ở Xuân Đào. Đến năm 2005, do tỉnh Hưng Yên và huyện Mỹ Hào đã rước hài cốt cụ từ Trung Quốc về, rồi an trí tại khu tưởng niệm, nên nhà thờ họ có phối thờ thêm cụ Nguyễn Thiện Thuật như hiện nay. Theo lời kể của ông Tác, cụ Nguyễn Thiện Thuật sinh ngày 4-2 (âm lịch) và mất ngày 15-4 (âm lịch). Khoảng hai năm gần đây, huyện Mỹ Hào có tổ chức dâng hương tưởng niệm cụ Nguyễn Thiện Thuật vào ngày 29-9 (theo lịch dương, tương truyền đây là ngày cụ tế cờ khởi nghĩa).
Cùng với hệ thống di tích chính thức liên quan đến cụ Nguyễn Thiện Thuật như: khu tưởng niệm được thiết lập từ năm 2005, cạnh cây đề – trạm gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy ở xã Xuân Dục, nhà thờ họ Nguyễn ở xã Xuân Đào, thì còn có các di tích mộ chí liên quan đến các thủ lĩnh khác của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy như: mộ của cụ Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương… Không những thế, hiện nay trong khu vực xã Xuân Dục nói chung và thôn Xuân Đào nói riêng, con cháu hậu duệ thuộc chi của các cụ vẫn đang sinh sống… nên việc thờ cúng các cụ vẫn được tiến hành đều đặn (trong đó có con cháu thuộc chi của cụ Tán Thuật). Tuy nhiên, do đã trải qua nhiều đời trước (5 đời – ngũ đại mai thần chủ, theo quan niệm của dân gian), nên con cháu bây giờ chỉ thờ chung vào với ông bà tổ tiên.
Hiện nay, việc thờ cúng chính thức cụ Nguyễn Thiện Thuật được trao lại cho người chắt nội là ông Nguyết Tất Ký thực hiện. Ông Ký năm nay đã ngoài 80 tuổi. Theo gia phả, ông chỉ là dòng thứ hai (con cháu ông hai Thứ) của cụ Tán Thuật, nhưng do dòng trưởng của ông cả Tuyển đã di cư vào Nam, nhiều người sang Hoa Kỳ, nên mọi việc giao lại cho ông thứ gánh vác. Ông Nguyễn Tất Ký được tạm coi là quyền trưởng, thay mặt dòng trưởng để tổ chức các hoạt động giỗ chạp liên quan đến cụ Tán Thuật. Hiện ông Nguyễn Tất Ký không sống trong làng Xuân Đào, ông đã chuyển về huyện Lương Tài (Bắc Ninh) sinh sống. Theo lời ông Ký, sau khởi nghĩa Bãi Sậy bị thất bại, hai cụ Tán Bà (hai vị phu nhân của cụ Tán Thuật) đã chạy loạn về huyện Lương Tài để lánh nạn. Chính vì vậy, hằng năm để giỗ cụ Nguyễn Thiện Thuật, ông Nguyễn Tất Ký đã quay trở lại Xuân Đào để làm giỗ. Những năm đầu phục lại việc giỗ chạp, ông Nguyễn Tất Ký đều cho làm ở nhà thờ họ vào ngày 4-2 (âm lịch) mà không tổ chức vào ngày giỗ chính thức (ngày 15-4 âm lịch).
Địa điểm tổ chức giỗ cụ Nguyễn Thiện Thuật cũng có nhiều thay đổi, khi thì làm ở thôn Xuân Đào (nhà thờ họ Nguyễn, nhà của con cháu họ hàng hoặc ở chùa Sùng Bảo), khi thì làm ở dưới nhà ông Nguyễn Tất Ký (Lương Tài, Bắc Ninh). Tại Bắc Ninh, việc thờ cúng cụ Nguyễn Thiện Thuật được duy trì đều đặn tại bàn thờ của gia đình. Vì gánh vác việc thờ cúng thay cho chi trưởng, nên ông Ký đã đảm nhiệm toàn bộ việc thờ cúng, giỗ chạp tổ tiên của chi Đinh (chi Út) của dòng họ Nguyễn ở Xuân Đào. Ông vốn là một nhà giáo, nên ông ý thức việc thờ cúng, giỗ chạp tổ tiên. Đặc biệt là sau năm 2000, Hội hậu duệ các tướng lĩnh Bãi Sậy được thành lập, ông Ký làm giỗ cụ Tán Thuật đều mời các thành viên của Hội đến tham dự. Hiện nay, tại nhà ông Ký, bàn thờ tổ tiên được ông lập theo kiểu truyền thống: bên dưới là một nhang án lớn bằng gỗ, sơn son thếp vàng, bên trên là hệ thống bát hương, đỉnh đồng, ngai ỷ, hoành phi câu đối khá đầy đủ. Di ảnh của cụ Nguyễn Thiện Thuật được đặt trang trọng trên bàn thờ. Việc tổ chức giỗ cụ Nguyễn Thiện Thuật gặp khó khăn. Lúc đầu, khi tổ chức làm giỗ ở thôn Xuân Đào, do diện tích nhà thờ họ nhỏ, không đủ chỗ cho khách mời và họ hàng nên ông mượn nhà của con cháu trong họ để làm, nhưng cũng gặp bất tiện. Khoảng hai năm gần đây, ông tổ chức giỗ cụ Nguyễn Thiện Thuật tại nhà ở Lương Tài, Bắc Ninh. Mặc dù khó khăn về địa điểm cũng như tinh thần tổ chức, nhưng các lễ nghi diễn ra trong đám giỗ luôn được tiến hành bài bản cẩn trọng. Nghi thức lễ lạt trong đám giỗ cụ Nguyễn Thiện Thuật có mời vong linh các tướng lĩnh, nghĩa binh (những người đi theo cụ) của cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy về để sum vầy. Văn tế đã được các thành viên trong họ soạn sẵn, vào ngày giỗ, ông Nguyễn Tất Ký đọc và làm lễ trước bàn thờ.
Việc phụng thờ và các di tích thờ liên quan đến cụ Nguyễn Thiện Thuật ở Xuân Dục nói riêng và ở Mỹ Hào (Hưng Yên) – Lương Tài (Bắc Ninh) nói chung đã tạo nên một hệ thống tâm linh ban đầu. Đây cũng chính là những dấu tích lịch sử nói chung và dấu tích danh nhân nói riêng để các nhà nghiên cứu có những căn cứ khoa học có thể làm sáng tỏ hơn nữa về cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy, tướng công Nguyễn Thiện Thuật, các tướng lĩnh, nghĩa quân… Từ đây, có thể đánh giá được vai trò lịch sử, văn hóa của cuộc khởi nghĩa, danh nhân Nguyễn Thiện Thuật đối với đời sống của người dân tỉnh Hưng Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, để nhân dân Hưng Yên và cả nước hiểu được ý nghĩa các di tích phụng thờ của dòng họ Nguyễn Thiện ở Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên, khu di tích tưởng niệm tướng công Nguyễn Thiện Thuật cần được mở rộng, quy hoạch và phát triển thêm, để nơi đây không chỉ là khu tưởng niệm thuần túy, mà còn trở thành một địa điểm – trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh cho người dân. Quy hoạch, mở rộng và phát triển nên chú ý đến việc kết nối với các di tích khác liên quan như: đình, chùa, nhà thờ họ Nguyễn, lăng mộ của tướng quân Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương và những tướng lĩnh liên quan. Việc thờ cúng, giỗ chạp cụ Tán Thuật và các tướng lĩnh liên quan sẽ trao về tay gia đình, dòng họ, con cháu để tổ chức, mang tính chất là sinh hoạt gia đình, dòng họ, nhưng chính là hạt nhân tâm linh cốt lõi để tạo ra giá trị tín ngưỡng đối với khu tưởng niệm khi được xây dựng mở rộng. Việc tổ chức các nghi thức dâng hương do huyện Mỹ Hào đứng ra nên có sự phối/kết hợp với con cháu hậu duệ của tướng công Nguyễn Thiện Thuật nói riêng và hậu duệ của các tướng lĩnh Bãi Sậy nói chung. Việc kết hợp này sẽ tạo ra những tiền đề tâm linh quan trọng để vừa đảm bảo sự trang trọng mang tính chính trị – hành chính, nhưng cũng đảm bảo được sự đa dạng, phong phú của các hoạt động văn hóa cho nhân dân địa phương.
Tóm lại, các di tích và những hoạt động thờ cúng liên quan đến tướng công Nguyễn Thiện Thuật nói riêng và các tướng lĩnh, nghĩa quân của cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy nói chung là một nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng của huyện Mỹ Hào nói riêng và Hưng Yên nói chung. Nếu được tìm hiểu, nghiên cứu bài bản và phát huy được các giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa này, sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho sự phát triển cho cộng đồng cư dân địa phương trong tương lai.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thúy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay