Ái tình trong phim vương gia vệ


 

Tôi thật khó quên lần xem Tâm trạng khi yêu cùng một người bạn. Được nửa phim, cô ấy đột nhiên nói muốn xem bộ phim này một mình, với giải thích ngắn gọn: “Em cảm giác đây là những phim chỉ có thể xem một mình”. Cô bạn làm tôi chợt nhớ ra, đó cũng là lần đầu tiên, tôi xem phim của Vương cùng với một ai khác. Cảm giác của cô ấy đúng; cái “ái tình” trong phim của Vương cũng chỉ để cho chúng ta chiêm nghiệm khi ở một mình.

Ái tình luôn là chủ đề chính trong tất cả phim của Vương Gia Vệ. Nhưng khác với nhiều đạo diễn khác là thường làm một bộ phim về ái tình, đối với Vương, ái tình như một thứ vũ khí để làm phim và qua đó, nói về nói về thế giới quan của chính ông.

Trong A Phi chính truyện (năm 1990), ái tình ẩn hiện qua nhân vật Húc Tử để nói về những “loài chim không chân” tuổi trẻ bị tổn thương và mất phương hướng, qua Tô Lệ Trân để lại một nỗi đau về mối tình đầu cùng những rung cảm nhè nhẹ với chàng cảnh sát Tide. Còn với Tide, nhờ thứ ái tình trong sáng với Tô Lệ Trân, anh quyết định ra đi và làm lại tuổi trẻ. A Phi chính truyện là một bộ phim đầu tay của Vương, nó cho thấy được quan điểm của ông về “ái tình” thời kỳ này. Bắt đầu với những câu thoại tinh tế, góc máy rất “tình” và cô đặc, phim giống như một loại rượu được lên men rất cẩn thận, ban đầu có thể gắt nhưng thực tế, và rõ ràng. Và đặc biệt, nếu loại rượu này được ủ lâu hơn, sẽ cho ra một sản phẩm sang trọng, lãng mạn và đầy đủ hương vị “tiểu tư sản”. Có lẽ chính Vương Gia Vệ cũng cảm giác được điều đó. Trong cái kết của phim, nhân vật Chu Mộ Văn xuất hiện, bỏ ngỏ một sự nối tiếp. Bản thân Vương lúc đó dường như muốn tiếp tục ủ kỹ cái thứ rượu mang đậm chất “ái tình” để rồi sau này, cho ra đời Tâm trạng khi yêu2046.

Không thể không nhắc đến Đông tà Tây độc (năm 1993), dựa trên nền tảng tư tưởng các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Nhiều người, khi xem xong phim, sẽ nghĩ rằng thực chất Vương Gia Vệ hoàn toàn chỉ mượn tên của các nhân vật Kim Dung, sau đó biến tấu lại theo đúng phong cách của Vương. Ban đầu, tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng sau khi xem đi xem lại cộng với việc đọc thêm một số bộ của Kim Dung, tôi nhận ra Vương Gia Vệ hoàn toàn không mượn tứ hay nhân vật, mà hơn thế, ông thấm nhuần tư tưởng của Kim Dung và kết hợp nó với phong cách làm phim của mình tạo ra Đông tà Tây độc đẹp đến kinh ngạc. Cách thức đó thấm nhuần tư tưởng của Á Đông. Trong kiếm đạo, đó giống như “nhân kiếm hợp nhất”, trở thành một độc cô cửu kiếm của thế gian.

Câu hỏi được đặt ra là: trong Đông tà Tây độc, ái tình của Vương Gia Vệ tương tác thế nào với ái tình của Kim Dung. Ái tình của Vương, về bản chất, đã giống như một loại rượu whisky rất đậm đà và sang. Nhìn ở bất kỳ góc độ nào, nó cũng quyến rũ đến mỵ người. Ái tình của Kim Dung thì khác, mang đậm tính kiếm hiệp, hào sảng và bản ngã con người đều hướng về chữ “hư vô” như võ học. Đặc biệt, nếu như Vương chọn “duyên số” thường để bắt đầu cội nguồn ái tình thì Kim Dung lại chọn “duyên nợ” để gắn kết các nhân vật. Nhưng với cả hai, ái tình đều có một điểm chung là: “… Phiền não lớn nhất của con người là nhớ quá nhiều. Nếu có thể quên hết được chuyện quá khứ thì mỗi ngày đều là một khởi đầu mới.” (một đoạn thoại của nhân vật Hoàng Dược Sư).

Nhưng phải đến khi xem Trùng Khánh sâm lâmĐọa lạc thiên s, tôi mới hiểu rõ thế nào là cái “ái tình” trong tư tưởng của Vương. Trong quan điểm của nhiều người, những phim của Vương thường liệt vào dạng “khó xem, khó hiểu” nhưng tôi chắc là Trùng Khánh sâm lâmĐọa lạc thiên s lại khác, là những bộ phim nhẹ nhàng và quyến rũ, một mặt nào đó rất dễ xem và rất dễ vui. Ở hai phim này, vẫn là những thân phận thường thấy trong A Phi chính truyệnĐông tà Tây độc nhưng được Vương phát triển và nhấn mạnh hơn với “duyên số”, điều mà con người đô thị hiện đại vẫn mong chờ. Họ vẫn tương tác với nhau và chiêm nghiệm tình yêu theo nhiều cách khác nhưng đã có nhiều lựa chọn hơn cho hướng đi của bản thân mình. Ái tình cũng vì thế mà có vẻ đơn giản hơn, không có nhiều móc nối hay đưa ra một chủ đề khái niệm nào về thân phận nữa. Có chăng chỉ là móc nối một cách hết sức đơn giản như kiểu: “Chúng ta giáp mặt những người khác hàng ngày. Chúng ta có thể không biết nhau… nhưng chúng ta có thể trở thành bạn tốt một ngày nào đó” (nhân vật Hà Chí Vũ, Trùng Khánh sâm lâm)

Tôi cảm giác khi làm hai bộ phim này, Vương đang rất thoải mái với thứ ái tình của mình. Với một cách làm phim tự do và phóng túng, Vương thả nhân vật vào các tình huống, rồi để cho họ tự tìm đến và yêu nhau. Nói một cách khác, ở Trùng Khánh sâm lâm, ông tạo nên duyên phận, cho các nhân vật tìm đến hạnh phúc và rời xa cô đơn. Trong Đọa lạc thiên s, ông cho các nhân vật từ cô đơn tìm đến nhau và rồi tìm lại bên mình một chút an ủi của sự trải nghiệm. Cả hai phần phim là bức tranh tối sáng của hai chữ ái tình: tình cờ hơn, cuộc đời hơn và nhân bản hơn.

Cách đây ít lâu, tôi có tham dự một triển lãm ảnh về đề tài đồng tính. Chỉ lướt qua cũng có thể thấy được khuôn hình có mau sắc rất là “xuân quang xạ tiết” (tên một bộ phim cùng về chủ đề này của Vương Gia Vệ) nhưng lại thật khó để thấy được sự đồng cảm. Có lẽ, ảnh trong triển lãm khiến tôi vẫn thấy các nhân vật là những người đồng tính, thể hiện một tình yêu đồng tính và cần được tôn trọng sự đồng tính. Nhưng với phim của Vương thì lại khác. Câu chuyện tình của Hà Bảo Vinh và Lê Diệu Huy lại khiến tôi cảm động bởi những tâm trạng chân thực và gần gũi nhất. Diễn biến trong Xuân quang xạ tiết cứ trôi theo quy luật tình cảm tự nhiên của đôi tình nhân, để rồi, trong thâm tâm tôi quên mất đây là một bộ phim về một đôi đồng tính, mà chỉ là một trong những tác phẩm đã chạm vào chữ “tình” của con người. Điều tôi cảm phục nhất qua phim này là ông đã không nhìn nhận chuyện đồng tính như một cái gì đó khác thông thường và rồi đẩy câu chuyện theo hướng “phải nhìn nhận lại”, “phải nhân văn, nhân bản”. Cũng giống như A Phi chính truyện, Đông tà Tây độc, Trùng Khánh sâm lâm hay Đọa lạc thiên s, Xuân quang xạ tiết là một phim về ái tình, đơn giản vậy, chứ không phải là một phim vđề tài tình yêu đồng tính.

Đến những năm 2000, loại rượu có tên là “Tâm trạng khi yêu” được Vương đem ủ từ những thời kỳ “A Phi chính truyện”, và đúng như quá trình trải nghiệm của mình, loại rượu đó đã mang một dáng vẻ rất sang trọng và lịch lãm. Nhiều người, khi nhắc đến Vương, thường nói rằng Tâm trạng khi yêu là bộ phim nổi tiếng nhất của ông. Họ đúng, xét về một phương diện nào đó. Tâm trạng khi yêu giống như sự tổng kết hành trình một thập kỷ làm phim về ái tình của mình. Một mặt nào đó, nó cũng giống như sự trải nghiệm tình ái của một người đàn ông trong từng giai đoạn. Vào những năm 90, khi bắt đầu làm Phi chính truyện, gã trai trẻ Húc Tử cùng Vương đi vào ái tình. Sau đó vài năm, Đông tà Tây độc là giai đoạn đầy những ẩn ức tâm lý đè nặng, khi con người ta luôn ở trạng thái băn khoăn về quá khứ của mình cũng như về những ái tình đậm tính hoài niệm. Trùng Khánh sâm lâmĐọa lạc thiên s là một cái nhìn đặc biệt khác, giống như khi bạn trải qua một cuộc tình dài và đáng nhớ, đôi khi chúng ta cần những mối tình nhỏ lẻ, ít ràng buộc và có thể quan sát mọi việc trên một phương diện khác. Xuân quang xạ tiết lại trở về với những vấn đề về tình ái quen thuộc, giản dị nhưng không mất đi sự tinh tế và cũng nhân bản hơn. Đến Tâm trạng khi yêu, Vương truyền mọi những trải nghiệm của mình vào đó; tối giản và cực kỳ cô đọng.

Có vẻ như Vương Gia Vệ quá say mê với loại rượu ủ lâu này. Tâm trạng khi yêu là loại whisky của sự trưởng thành, đầy tương tư của những kẻ tiểu tư sản Hồng Kông khi xưa. 2046 là dư chấn của Tâm trạng khi yêu; giống như những choáng váng nhẹ nhàng sau cơn say. Rượu càng lâu năm thì càng dịu, càng êm nhưng lại ngấm rất lâu và rất khó để dứt ra. Ở 2046, Tô Lệ Trân chỉ còn bóng dáng tồn tại trong ký ức của Châu Mộ Văn. Bạch Linh, Vương Tĩnh Văn hay nhện đen Tô Lệ Trân tồn tại và đối diện với Châu Mộ Văn nhưng cũng chỉ khiến anh ta nhìn về Tô Lệ Trân năm xưa. Loại rượu ái tình này thật là độc dược hiếm có, đôi nét giống như “túy sinh mộng tử” trong Đông tà Tây độc, khi mà: “Thiên hạ thường nói khi ngươi không thể có thứ ngươi muốn, ngươi có thể làm điều tốt nhất là không quên”. Để rồi, Vương kết thúc 2046 với câu nói đầy ẩn ý và đôi chút bỏ ngỏ: “Mùa hoa mẫu đơn nở, cánh hoa vươn cao… rồi lại tàn! Như là “có” hay “không”… Vậy cuối cùng, không ai biết Châu Mộ Văn có đến được 2046, không ai thực sự biết. Nhưng ký ức của anh ta vẫn theo anh ta mãi mãi.

Ai cũng có nhiều thời kỳ sống khác nhau, với Vương thì sau Tâm trạng khi yêu2046, My Blueberry night rõ ràng là một giai đoạn để Vương giải thoát cho chính mình. Sẽ cảm thấy hơi xa lạ khi mà lần này, Vương không sử dụng những con người quen thuộc và bối cảnh quen thuộc. Người ta vẫn thấy Vương ở từng góc hình, cách quay với các câu thoại đầy tự sự. Thực chất, trong My Blueberry night, chúng ta vẫn gặp các thân phận cũ, vẫn thấy Châu Mộ Văn qua một phần tính cách của Jeremy, cảm giác lúc thất tình của Elizabeth giống với Tô Lệ Trân ngày trước. Mối quan hệ của Lynne và Arnie phần nào có sự cố chấp của Âu Dương Phong trong Đông tà Tây độc, hay cô nàng gái ở sòng bạc Leslie lại rất giống với loài chim không chân Húc Tử (tình cờ hay hữu ý mà diễn viên Trương Quốc Vinh, người thủ vai Húc Tử, cũng có tên tiếng Anh là Leslie ). Nhưng các nhân vật ở đây đều có cách trả lời cho số phận của họ, và đều đón nhận cuộc sống một cách tích cực hơn so với những nhân vật ngày trước của Vương.

Có lẽ, sau hai bộ phim khá “nặng đô”, Tâm trạng khi yêuĐọa lạc thiên s, My blueberry night giống như sự giải thoát cho các số phận nhân vật của Vương, cũng là cho chính tâm trạng của ông. Một người bạn của tôi từng nhận xét, lâu lắm rồi, Vương Gia Vệ mới có một bộ phim kết thúc có hậu. Tôi nghĩ hơi khác. Thực ra, kết thúc của Vương nằm ở sự chiêm nghiệm. Các nhân vật trong My Blueberry night đang trên con đường chiêm nghiệm của mình. Kết thúc phim có thể cũng chỉ ở một giai đoạn nào đó của đời họ.

Năm 2013, Nhất đại tông sư ra mắt. Đó là một khoảng thời gian dài để Vương suy nghĩ về tác phẩm này và cũng đủ lâu, kể từ phim trước của ông, để khiến người hâm mộ mong chờ một điều gì đó. Khi ra mắt, người thì thú vị, đôi người thất vọng, vài người ngỡ ngàng, một số người thì thở dài tiếc nuối… Sau rồi, xung quanh tôi nhiều người kết luận rằng, Vương không hợp làm phim võ thuật. Đối với tôi, Nhất đại tông sư giống như bắt đầu hành trình một thập kỷ làm phim về ái tình nữa của Vương. Càng về sau này, tôi cảm thấy hai chữ “ái tình” càng được Vương giấu kín nhưng cô đọng hơn. Bộ phim nói về một “đoạn duyên phận” của tông sư của môn võ Vịnh Xuân Quyền Diệp Vấn với tông sư Cung Nhị của môn Bát Quái Chưởng, khi hai người lần đầu giao thủ. Kể từ ngày đó, ái tình của họ được bắt đầu âm thầm. “Trong lòng tôi đã có anh từ lâu…” (Cung Nhị, Nhất đại tông sư). Nhưng rồi, kết thúc như những mối tình khác trong phim Vương, hai vị tông sư võ học đều không đến được với nhau. “Mọi tương ngộ trên thế gian đều là cửu biệt trùng phùng” (Cung Nhị).

Thực chất, Nhất đại tông sư giống như một bữa tiệc đầy tham vọng của Vương Gia Vệ. Một mặt, ông muốn nhấn mạnh và tôn vinh thế giới võ học rộng lớn. Hầu như các nhân vật trong phim đều trăn trở để đi tìm một chân lý võ học riêng cho mình. Để rồi, mỗi con người lại chọn lựa một số phận khác. Mã Tam chết do lòng tham của mình, do chính không hiểu được lời sư phụ: “Chân lý của đao không phải ở sát, mà là ở tàng”. Tông sư Nhất Tuyến Thiên với Bát Cực Quyền, như nhiều nhân sĩ Trung Hoa khác, tham gia phong trào kháng Nhật, với đoạn duyên thoáng qua trên chuyến xe lửa cuối cùng đến Hồng Kông mở tiệm cắt tóc Bạch Mai Khôi.

Còn tông sư Cung Nhị, cả đời nàng dành trọn cho võ học, lưu giữ thứ tình cảm quyến luyến với Diệp Vấn, nhưng mãi đến cuối đời mới bộc bạch: “Cái gọi là thời đại lớn, chẳng qua chỉ là một lựa chọn, tôi chọn lưu lại những năm tháng thuộc về tôi”. Cung Nhị giữ trọn lời thề không xuất giá, lục thập tứ thủ trứ danh bị thất truyền, chìm trong những giây phút cuối đời tĩnh mịch. Cuối cùng, Cung Nhị cũng đã lựa chọn chịu thua sự quật cường của chính mình.

“Người luyện võ nhìn ra ba gia đoạn, nhìn mình, nhìn thiên hạ và nhìn vào chúng sinh”. Điều đó, có lẽ, người duy nhất nhìn thấy là tông sư Diệp Vấn. Với ông, mối nhân duyên của bản thân và Cung Nhị chỉ là muôn phần cảm mến tôn trọng. Khi mà thiên hạ còn phân chia Nam Bắc hơn thua, Diệp Vấn đã nói rằng: “Đối với tôi mà nói, võ học là đại đồng”. Cuối cùng, qua nhiều thăng trầm, ngộ ra chân lý, ông đến Hương Cảng mở lớp võ và truyền thụ Vịnh Xuân. “Năm 1972, Diệp Vấn ốm chết ở Hương Cảng, một đời truyền đăng vô số, Vịnh Xuân nhờ ông mà hưng thịnh, từ đó lan rộng ra khắp thế giới”.

Thực ra, ái tình hay võ học đều như nhau. Đó vẫn là Vương Gia Vệ của những thước phim xưa cũ. Võ học hướng đến đại đồng, thì ái nghiệp cũng hướng đến nhân loại. Đó chẳng phải cái đích cuối cùng để nhìn vào chúng sinh hay sao. Nếu theo những gì Vương nói, chẳng phải thập niên 90, TK XX, những lời thoại tâm tình của Đông tà Tây độc hay Trùng Khánh sâm lâm là sự nhìn vào bản thân mình. Thập niên đầu TK XXI khiến cho cả thiên hạ xúc động với một Tâm trạng khi yêu đó đã là sự nhìn vào thiên hạ. Đến Nhất đại tông sư, chẳng phải Vương đã bắt đầu nhìn đến chúng sinh đó sao. Đến lúc thiên hạ đại đồng, võ thuật hay ái tình cũng khác gì nhau, tiếc chỉ là tiếc đời người không đủ dài để đi hết. “Công phu hai chữ, một dọc một ngang” (Diệp Vấn). Nhưng chỉ “một dọc một ngang” lại khó viết được chữ “tâm”, lại càng khó viết ra chữ “ái”…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013

Tác giả : Bùi Hoài Nam Sơn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *