Piano Việt Nam hiện nay đã có những bước đi đáng kể, tuy nhiên, để có thể sánh vai với thế giới cần phải có sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ. Nhìn lại suốt quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật piano ở nước ta chịu ảnh hưởng lớn từ âm nhạc Chopin, trong đó không thể không nhắc đến sự nghiệp của NSND Đặng Thái Sơn.
Sự hình thành và phát triển của ngành piano Việt Nam
Cũng như nhiều nhạc cụ giao hưởng khác, đàn piano được du nhập từ châu Âu sang Việt Nam vào đầu TK XX theo đường truyền đạo. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, năm 1956, trường âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam được thành lập, cũng là mốc ra đời chính thức của nền nghệ thuật piano nước ta. Dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chúng ta đã dần hình thành một môi trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà giáo, nghệ sĩ trong nước, đại diện là NGND Thái Thị Liên đã góp một phần không nhỏ vào sự hình thành của ngành nghệ thuật này.
Trong thời kỳ chiến tranh chúng ta vẫn kiên trì xây dựng, phấn đấu để đào tạo ra những thế hệ nghệ sĩ pianist đầu tiên của trường như: NSƯT Nguyễn Hữu Tuấn, NSƯT Nguyễn Hoàng Mi, NSƯT Tuyết Minh, nhà giáo Phương Chi, Hợp Bích… Sau đó, đến các thế hệ trưởng thành trong chiến tranh được cử đi học như GS,TS,NGND Trần Thu Hà, NSƯT Tôn Nữ Nguyệt Minh, Minh Cầm, Phương Hạnh, TS Minh Anh đặc biệt trong đó có NSND Đặng Thái Sơn.
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nhà nước đã quan tâm đến ngành học piano hơn, cử hàng loạt các thế hệ giảng viên đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài như: Tuyết Minh, Kim Dung, Nhật Ánh… Đến thời kỳ đổi mới, nhà nước ta lại tiếp tục cử các nghệ sĩ đi đào tạo ở nước ngoài như PG,TS Tạ Quang Đông, TS Đào Trọng Tuyên, TS Nguyễn Trinh Hương, TS Nguyễn Huy Phương và nay những thế hệ này đang giảng dạy tại khoa piano, là đội ngũ chủ chốt trong ngành piano chuyên nghiệp của Việt Nam. Nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước, sau những năm 90 TK XX chúng ta có nhiều học sinh, sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tham gia các cuộc thi, giành được nhiều giải thưởng lớn.
Phác họa bức tranh chung, khái quát về sự ra đời, hình thành và phát triển của ngành piano ở Việt Nam để chúng ta phần nào hiểu thêm được cái nôi sinh ra NSND Đặng Thái Sơn, đó chính là môi trường để ông phát huy, đóng góp cho nền âm nhạc nói chung.
Con đường NSND Đặng Thái Sơn đến với âm nhạc Chopin
Tình yêu âm nhạc Chopin của NSND Đặng Thái Sơn chịu ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp từ người mẹ, cũng là người thày đầu tiên dẫn dắt ông đến với âm nhạc, tiếp xúc với piano. NGND Thái Thị Liên cho biết, ngay từ khi mang thai Đặng Thái Sơn, bà đã hay tập và biểu diễn âm nhạc Chopin. Ban ngày đi dạy học, tối về bà thường tập những bản Valse, Nocture, Prelude và các tác phẩm khác của Chopin. Từ khi còn nhỏ, ông đã thường xuyên ngồi bên cạnh, nghe mẹ giảng dạy piano cho nhiều thế hệ học trò. Hoạt động đào tạo, biểu diễn nghệ thuật của mẹ, của các nghệ sĩ, học sinh, sinh viên piano thời bấy giờ đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển âm nhạc của ông.
Đặng Thái Sơn sớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh, khả năng cảm nhận âm nhạc và sớm làm chủ kỹ năng chơi đàn một cách xuất chúng. Khi lên 3 tuổi, ông đã nhận biết được tất cả các nốt của 88 phím đàn piano một cách chính xác. Đến khi lên 5, ông chính thức học với mẹ một cách nghiêm túc. Năm 1965, ông thi vào năm thứ nhất của hệ sơ cấp 7 năm Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đặng Thái Sơn học với mẹ cho đến năm 17 tuổi. Khi bắt đầu đến trường, tốc độ tiếp thu của ông luôn vượt trội, với sự cảm nhận âm nhạc tinh tế, khả năng nghe, ghi nhớ tiết tấu, tất cả đều bộc lộ ngay từ những ngày bắt đầu học. Đặc biệt, sự đam mê của ông với cây đàn rất khác thường so với trẻ cùng lứa tuổi. Ông có thể tập đàn liên tục từ 5-6 tiếng, ngoài những bài học bắt buộc, ông còn tự tìm hiểu những bài học thêm. Năm 17 tuổi, ông đã có thể biểu diễn toàn bộ ba chương Concerto Rachmaninov No 2. Với ngành piano còn non trẻ của Việt Nam, lại trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn về mọi mặt từ sách vở, băng đĩa, nhạc cụ, đến những khó khăn cản trở về kỹ thuật…, việc biểu diễn toàn bộ một tác phẩm nổi tiếng trên thế giới về độ khó như vậy là một điều bất ngờ, gây chấn động đến giới âm nhạc cũng như công chúng thời bấy giờ. Theo lời kể của các bạn học đồng môn với ông như Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân, chương trình học của Đặng Thái Sơn luôn vượt hơn lên đến vài ba lớp, ông luôn tự mình tìm tòi, làm quen với nhiều thể loại tác phẩm khác nhau.
Chopin là nhạc sĩ duy nhất đã dành trọn cuộc đời để sáng tác riêng cho cây đàn piano với rất nhiều thể loại khác nhau, quy mô từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn. Mang ảnh hưởng của dân ca, dân vũ Ba Lan trong những giai điệu đẹp, giàu chất thơ, âm nhạc Chopin có sức lan tỏa rộng lớn, giàu tính nhân văn, trữ tình. Ngay từ những sáng tác đầu tay, ông đã được công chúng yêu nhạc ngưỡng mộ sâu sắc, vinh danh ông là thiên tài âm nhạc trẻ tuổi.
Âm nhạc Chopin vốn giàu chất thơ, chất hát rất gần gũi với truyền thống yêu ca hát của người Việt Nam, nên dễ dàng được tiếp nhận và có sự đồng điệu trong cảm nhận. NSND Đặng Thái Sơn cũng không nằm ngoài sự giao cảm đó, những tác phẩm của Chopin luôn có sức hút mạnh mẽ đối với ông. Bởi ngoài bản năng cảm nhận âm nhạc hết sức tinh tế, đa dạng, sâu sắc, ông còn may mắn được tiếp xúc nhiều hơn qua những giờ dạy học, biểu diễn của mẹ, cũng như các thế hệ học trò tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Âm nhạc Chopin dần trở thành hơi thở, ngấm vào máu thịt ông một cách tự nhiên, mạnh mẽ.
Trong những năm 1965 – 1969, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang ở giai đoạn cuối, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phải đi sơ tán đợt đầu tiên, cả 3 hệ sơ cấp, trung cấp, đại học cùng về Xuân Phú, Hà Bắc. Đối với Đặng Thái Sơn, giai đoạn này vừa lâu, vừa dài, nhiều học trò, thày cô, phải chia nhau trên một cây đàn, mỗi ngày ông được tập luyện rất ít. Khoa học đã nghiên cứu, chứng minh rằng, người học âm nhạc muốn trở thành pianist chuyên nghiệp cần phải tập ít nhất 7500 giờ trong 5 năm đầu đời học piano, có nghĩa phải tập từ 4-5 giờ liên tục mỗi ngày. Nhưng trong suốt thời gian chiến tranh đó, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện học tập âm nhạc như sách, vở, băng, đĩa… đều hiếm hoi, kém chất lượng, đặc biệt đối với học sinh khoa piano có đặc thù phải sử dụng nhạc cụ cồng kềnh, cố định quả thực là một trở ngại lớn. Nói cách khác, số giờ tập đàn của học sinh piano còn rất ít so với yêu cầu. Tuy nhiên, những năm tháng tuổi thơ tưởng như muôn vàn khó khăn, gian khổ ấy không làm tâm hồn ông khô héo, mà giúp ông gần gũi hơn với thiên nhiên, vun đắp tình yêu thiên nhiên trong sáng, để từ đó định hình nên một con người, một nhân cách nghệ sĩ đáng kính trọng. Điều này có nét tương đồng với Chopin khi ông cũng có thói quen ra bãi cỏ nhìn ngắm trời đất, suy ngẫm, tận hưởng thiên nhiên. Cả hai đều yêu sự tĩnh lặng của thiên nhiên dù chỉ trong một vài tích tắc ngắn ngủi.
Đặng Thái Sơn xuất hiện trên trường quốc tế với thắng lợi tại cuộc thi Chopin lần thứ 10
Cuộc thi piano quốc tế Chopin là một trong những cuộc thi lâu đời và uy tín nhất dành cho những người chơi piano trên thế giới, được tổ chức tại Warszawa (Ba Lan) kể từ năm 1927, từ năm 1955 được tổ chức đều đặn 5 năm một lần. Cuộc thi được sáng lập bởi một nghệ sĩ piano, một nhà soạn nhạc, nhà sư phạm người Ba Lan, ông Jerzy Zurawlew (1887 – 1980). Ban giám khảo của cuộc thi chủ yếu là những bậc thày của nghệ thuật piano, người thắng cuộc trong các cuộc thi Chopin, lựa chọn này cho thấy uy tín, danh tiếng của cuộc thi.
Thông thường các thí sinh tham gia cuộc thi trong độ tuổi từ 17 – 33, có thể thay đổi theo từng năm. Các thí sinh sẽ trải qua 4 vòng thi, nếu tham gia đầy đủ sẽ phải chơi hơn 30 tác phẩm của Chopin với quy mô và thể loại khác nhau, từ những tiểu phẩm như Valse, mazurka, cho tới Concerto với dàn nhạc.
Những người đến với cuộc thi Chopin trong hành trang thông thường đã đầy ắp các giải thưởng ở các cuộc thi khác và đã từng thu nhiều băng đĩa riêng. Nhưng đối với Đặng Thái Sơn, hồ sơ dự thi chỉ có: sinh ra tại Hà Nội, hiện đang học tại Học viện Moscow. Tại đây, với tầm cỡ là một trong những cuộc thi quốc tế lớn và uy tín nhất trong ngành piano, ông đã là người châu Á đầu tiên đạt giải nhất với sự nhất trí 100% của 25 vị giám khảm, giành 14 giải phụ, nên đặc biệt được ghi đĩa vàng. Đây cũng là trường hợp rất hiếm trong lịch sử của cuộc thi.
Sự nghiệp âm nhạc Đặng Thái Sơn gắn liền với những bản nhạc của Chopin, và ông đã từng bước làm chủ một cách hoàn thiện ở cấp độ sâu sắc, tinh tế của nghệ thuật piano. Ngay sau chiến thắng tại kỳ thi Chopin lần thứ 10, Đặng Thái Sơn đã hoàn thành một dự án thu đĩa toàn bộ các tác phẩm Chopin với hãng JVC (Nhật Bản). Sau nhiều lần phát hành, tái bản bộ đĩa này tại Nhật Bản và trên thế giới, hiện nay bản quyền của các đĩa gốc đã về Việt Nam, được lưu hành rộng rãi.
Có thể nói, âm nhạc Chopin đã mang Đặng Thái Sơn ra thế giới, trở thành niềm tự hào của nghệ thuật piano Việt Nam. Thông qua những buổi biểu diễn của ông, khán giả có thể đến gần hơn với âm nhạc Chopin. Có những năm, Đặng Thái Sơn đã đạt kỷ lục với gần 200 buổi biểu diễn, các buổi biểu diễn luôn được đánh giá rất cao. Các sự kiện lớn ở nước ta, những chương trình có chất lượng nghệ thuật cao không thể thiếu vắng được sự có mặt của ông.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : TRIỆU TÚ MY
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo