Âm nhạc dân gian của người bố y


 

Bố Y là tộc người sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Tộc người này gồm hai nhóm: nhóm ở tỉnh Hà Giang có tên tự là Bố Y, nhóm ở tỉnh Lào Cai có tên tự là Tu Dí. Qua một số công trình nghiên cứu đã công bố, cũng như các tài liệu khai thác từ trí nhớ sách chép tay của những cao niên người Bố Y, có thể thấy, ngày xưa âm nhạc dân gian của họ khá phong phú. Tuy nhiên, theo thời gian, do sự tác động của nhiều yếu tố, nên âm nhạc dân gian của người Bố Y ngày nay đã có những thay đổi khá nhiều.

1. Sinh hoạt âm nhạc dân gian

Âm nhạc dân gian có mặt hầu hết trong sinh hoạt của người Bố Y, bao gồm: âm nhạc đời thường, âm nhạc lễ nghi phong tục và âm nhạc lễ nghi tín ngưỡng.

Trong sinh hoạt đời thường, người Bố Y có một số loại bài hát được sử dụng như hát ru, hát làm khách, hát chúc mừng, hát lao động – sản xuất, hát giao duyên, hát phê phán… Theo ông Lò Chỉn Sài (thày cúng ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) thì: xưa kia, các bà mẹ thường ru con bằng điệu hát với lời ca chỉ gồm những hư từ tia li ti, ti li. Trong khi đó, sách chép tay của nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng ở xã Quyết Tiến cho rằng, hát ru của người Bố Y toàn là những lời ca có nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay, cả hai ông cũng như những người Bố Y khác, không ai còn nhớ điệu hát ru hát như thế nào nữa.

Hát làm khách, thường được sử dụng trong các dịp đến chơi nhà nhau (cả ngày thường cũng như ngày lễ tết). Đây là lối hát đối đáp, tạo không khí vui vẻ, thân mật giữa chủ nhà và khách. Bài bản chúng tôi sưu tầm được bao gồm các bài hát: Hát chào hỏi lâu ngày mới được gặp nhau, Nhất nhất bố mong con hát, Cảm ơn chủ nhà, Hát chào từ biệt chủ nhà.

Trong các buổi mừng thọ, về nhà mới, người Bố Y sử dụng các bài hát chúc mừng. Những lời ca của loại bài hát này thường theo lối nói phóng đại về sự giàu sang, hoặc thể hiện ước muốn của người dân Bố Y về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Hiện nay, người Bố Y chỉ còn nhớ hai bài hát thuộc loại này là Hát ca ngợi người giàHát dựng nhà.

Những bài hát về lao độngsản xuất – cũng theo ông Ngũ Khởi Phượng- xưa có nhiều, nay loại bài hát này đã mất gần hết chỉ còn nhớ một bài Chế men làm rượu. Bài hát miêu tả chi tiết các công đoạn, cách thức tìm cây cỏ, làm men, nấu rượu và phương thức sử dụng rượu được nấu ra. Ca từ cũng cho thấy cả về cách thức tổ chức, sự phân công lao động trong quá trình sản xuất rượu.

Khi nam nữ Bố Y mến, chọn nhau (vào mắt nhau), họ sẽ tìm hiểu bằng hát đối đáp giao duyên thâu đêm suốt sáng với những bài tình ca dài, lời ca ngẫu hứng, không trùng lặp. Nội dung hát giao duyên thường liên quan đến các công việc lao động sản xuất, thăm hỏi, bày tỏ ước mơ về cuộc sống gia đình, như các bài: Hỏi cạnh ruộng cạnh nương, Hát hỏi quê hỏi họ, Chín thiếu mười cần, Đêm qua nằm mơ thấy hoa nở

Ngoài ra, người Bố Y còn có những bài hát phê phán thói hư, tật xấu trong cuộc sống với lời ca mộc mạc, giàu ý nghĩa giáo dục. Chẳng hạn, bài Chế giễu người ham cờ bạc nói lên những hậu quả sẽ đến với bản thân và gia đình người đánh bạc. Phụ nữ thường hát khi bắt gặp nhóm chơi bạc. Họ đến, ngồi gần và hát để cảnh tỉnh người đánh bạc. Theo bà Lồ Lài Sửu (xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) thì hát như vậy, làm cho người đánh bạc xấu hổ mà phải bỏ đám bạc.

Cùng với hát, có một số nhạc khí được sử dụng trong sinh hoạt đời thường như đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt, kèn lá, kèn gỗ, sáo trúc, thanh la. Các nhạc khí này hoặc đệm tòng theo giai điệu các bài hát khi người hát hoặc độc tấu, hòa tấu các bài hát đó. Hầu như chưa có những bản nhạc của người Bố Y dành riêng cho các nhạc khí trên.

Bên cạnh các bài hát dùng trong sinh hoạt đời thường, người Bố Y có hai loại bài hát được sử dụng trong các sinh hoạt lễ nghi phong tục gồm: hát xin phép (dùng để mở đầu các cuộc hát) và hát nghi tục đám cưới (dùng để mở đầu khi bàn chuyện cưới xin giữa nhà trai và nhà gái). Khi được ai đó mời hát, người được mời không hát ngay vào bài, trước tiên, họ hát bài Hát xin phép thay cho lời mở đầu. Tùy theo đối tượng mời mình hát, mà người được mời hát sẽ sử dụng các từ nhân xưng sao cho phù hợp với vai vế hai bên. Chẳng hạn bài Hát xin phép (hát và dịch: Ngũ Khởi Phượng), nếu người mời là người thuộc lớp bố thì hát lời như sau:

Chầu sinh ún sinh oài pai à cần

Mầy hà sinh pầu lò tóc dẩng

Chầu sinh ún sinh oài pai xhăng

Mầy hà sinh vần bằn tóc dẩng

Dịch:

Đón giọng ngon giọng ngọt đi lên

Không cho giọng bố rơi xuống đất

Đón giọng ngon giọng ngọt lên cao

Không cho giọng dân làng rơi xuống đất

Nếu người mời là lớp anh, chị thì hát:

Chầu sinh ún sinh oài pai à cần

Mầy hà sinh chả pầy tóc dẩng

Chầu sinh ún sinh oài pai xhăng

Mầy hà sinh vần bằn tóc dẩng

Dịch:

Đón giọng ngon giọng ngọt đi lên

Không cho giọng các anh (chị) rơi xuống đất

Đón giọng ngon giọng ngọt lên cao

Không cho giọng dân làng rơi xuống đất

Trong đám cưới, mỗi lần đại diện phía nhà trai đến nhà gái, họ đều phải hát đối đáp với nhà gái ở trước cửa ra vào, sau đó mới được vào nhà để bàn việc cưới. Tục hát này gọi là Hát ngăn cửa đám cưới. Trong cuộc hát đối đáp giữa hai bên thông gia, nhà gái chủ động hát trước, nhà trai có nhiệm vụ đối lại. Theo nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng, Hát ngăn cửa đám cưới sẽ tạo ra không khí sôi nổi đặc trưng trong việc cưới của người Bố Y. Tuy vậy, qua nội dung và nghi thức của tục hát này, chúng tôi thấy, ngoài chức năng góp vui, nó còn mang ý nghĩa nhà gái thử tài ứng xử của nhà trai. Nếu nhà trai hát đối không tốt (bị vấp váp, mắc bẫy ca từ của nhà gái) sẽ bị nhà gái phạt uống rượu. Chẳng hạn, khi hát nhà gái cố tình dùng từ lều để chỉ ngôi nhà của mình, nhà trai hát đáp cũng dùng từ lều đó thì sẽ bị nhà gái bắt phạt uống rượu, vì như vậy, nhà trai đã coi khinh nhà gái.

Không chỉ dùng âm nhạc trong sinh hoạt đời thường và trong lễ nghi phong tục, các sinh hoạt lễ nghi tín ngưỡng của người Bố Y cũng đầy ắp tiếng nhạc. Có thể kể tới các dịp lễ như hát với tiên, cúng giải hạn và cúng ma.

Lễ hội hát với tiên được tổ chức trong những ngày nghỉ đầu xuân. Các bài được hát trong lễ hội này thực chất là những bài đối đáp vẫn dùng khi hát giao duyên nam nữ. Dù người tham gia hát bao gồm cả nam lẫn nữ nhưng người trần luôn hát vai nam, tiên – những người bị nhập – luôn hát vai nữ.

Hát cúng giải hạn dùng trong các lễ cúng cho trẻ đầy tháng, người có năm hạn, xin thêm tuổi thọ cho người già và giải hạn cho người chết (ở phần đầu của lễ cúng ma). Khi cúng giải hạn, các thày cúng hát cúng xen kẽ với những lời cầu khấn hoặc đọc kinh.

Trong các lễ cúng ma, sau khi giải hạn cho hồn người chết, thày cúng sẽ vào phần hát các bài cúng ma. Hát cúng ma bao gồm các bài gọi hồn, dẫn hồn vào nhà, dẫn đường cho hồn đi lên trời và đi xuống âm phủ. Cũng như cúng giải hạn, các bài cúng ma được hát xen kẽ với những lời cầu khấn hoặc đọc kinh trong suốt buổi lễ. Khi cúng lễ, các thày cúng thường dùng não bạt, chũm chọe, mõ gỗ, trống da, kèn và thanh la gõ đệm. Riêng trống đồng chỉ dùng độc lập như một vật thiêng để gọi hồn.

Thông qua những tóm lược nêu trên cho thấy, âm nhạc dân gian của người Bố Y khá phong phú. Người Bố Y yêu nhạc và hầu hết người dân ít nhiều đều sử dụng âm nhạc trong cuộc sống.

2. Những đổi thay trong âm nhạc dân gian

Âm nhạc dân gian của người Bố Y đã thay đổi theo một số hướng: mai một, giữ như cổ truyền, cải biên và tiếp thu các khía cạnh âm nhạc của nhiều tộc người khác.

So với những gì vốn có, hiện nay, âm nhạc dân gian của người Bố Y có những khía cạnh đã mai một hoàn toàn, không còn tồn tại trong đời sống người dân. Đó là một số làn điệu (giọng – cách gọi của người Bố Y) và vài bộ sách cúng.

Về làn điệu, nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng cho biết: xưa kia, người Bố Y có ba làn điệu: Sinh phăn, Sinh únSinh oài. Hiện nay, họ chỉ sử dụng làn điệu Sinh phăn, hai làn điệu còn lại đã mất hẳn. Dù vậy, chúng tôi thấy có vết tích của hai giọng này qua ca từ của bài Hát xin phép (thuộc giọng Sinh phăn). Trong lời bài hát có nhắc tới giọng Sinh ún và giọng Sinh oài.

Về sách cúng, theo ông Lò Chỉn Sài: trước kia, người Bố Y mang sang Việt Nam ba loại sách cúng là Khào xhâư đinh, Khào xhâư hoDièn sân bó choài dè. Người thày cúng giữ cuốn Dièn sân bó choài dè, và trước khi mất, ông ta đã đốt bộ sách này. Vì vậy, sách Dièn sân bó choài dè bị thất truyền.

Bên cạnh những mất mát trên, cũng theo ông Lò Chỉn Sài, người Bố Y vẫn giữ được một số khía cạnh âm nhạc cổ truyền bao gồm: các bài hát cúng lễ và trống đồng. Ông còn cho biết thêm, các bài hát cúng lễ trong sách vẫn giữ nguyên bản cổ, được truyền lại qua các đời thầy cúng (páo mua) tới ngày nay. Sở dĩ như vậy vì, người Bố Y cho rằng, cúng ma đúng như cổ truyền mới đưa được hồn người chết về với tổ tiên, nếu cúng sai bản cổ thì hồn không về được với tổ tiên mà thày cúng cũng bị hồn quấy nhiễu không yên. Trống đồng do người Bố Y mang từ Qúy Châu, Trung Quốc sang, hiện vẫn còn được sử dụng như tục cổ, chỉ dùng để gọi hồn về cúng, không hòa tấu cùng các nhạc khí khác trong cúng lễ.

Qua thực tế điền dã, chúng tôi thấy, các bài bản cúng và các nghi tục vẫn giữ nguyên so với nội dung sách cổ. Tuy nhiên, có những thay đổi trong đồ cúng như trâu thay bằng lợn con màu lông đen, bò thay bằng gà con màu lông vàng, trong khi lời vẫn là cúng trâu và bò. Thày cúng Lò Chỉn Sài cho biết, mục đích của việc thay đổi đồ cúng trên nhằm tránh khó khăn về kinh tế cho tang gia.

Trải qua thời gian sống xen kẽ cùng các tộc khác, người Bố Y đã cải biên một vài khía cạnh âm nhạc cổ truyền, đồng thời tiếp thu âm nhạc của các tộc lân cận. Một số bài dân ca cổ hiện đã cải biên với các câu hát được thêm chữ và hư từ như các bài hát ngăn cửa đám cưới (phân thoàn tâu), các bài hát giao duyên nam nữ… Nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng cho biết, cải biên các bài bản cổ truyền nhằm mục đích để cho lớp trẻ dễ hát hơn và cho phần xưng hô trong các bài hát có vai vế rõ ràng hơn. Chẳng hạn trong trích đoạn bài Phân thoàn tâu (hát và dịch: Ngũ Khởi Phượng) là một ví dụ:

Lời cổ:

Nầư chi nầư tàng chác

Nác mỉa nác tàng tình

Địp cáy dầu chi dình tàng này

Nầư chi nầư tàng chác

Nác mỉa nác tàng đòng

Địp cáy dầu chi thào tàng này

Dich:

Nhớ thì nhớ đến mức

Thương mẹ thương đến cùng

Nhớ thương nên đến đây

Nhớ thì nhớ đến mức

Thương mẹ thương đến cùng

Nhớ thương mà đến đây

Lời cải biên:

Nầư pủa chi nầư tàng chác

Nác mỉa nác hà ti tàng tình

Địp cáy pủa lang mỉa dầu chi dình tàng này

Nầư pủa chi nầư tàng chác

Nác mỉa nác hà ti tàng đòng

Địp cáy pủa lang mỉa dầu chi thào tàng này

Dịch:

Nhớ bố phải nhớ cho đến mức

Thương mẹ thì phải thương đến cùng

Vì nhớ bố, thương mẹ nên con đến đây

Nhớ bố phải nhớ cho đến mức

Thương mẹ thì phải thương đến cùng

Vì nhớ bố, thương mẹ nên con đến đây

Nhóm Bố Y ở Lào Cai có sử dụng lối hát dân ca Hán nhưng đã Bố Y hóa lối hát này bằng những thủ pháp điệp từ, láy từ, hư từ tạo nên sự phong phú, mềm mại hơn cho giai điệu. Theo bà Lồ Lài Sửu, đây là lối hát cổ truyền của người Bố Y ở Lào Cai, chỉ dùng khi hát trong nội tộc với nhau. Qua bài hát Đêm qua nằm mơ thấy hoa nở (hát và dịch: Lồ Lài Sửu) – dùng khi hát với các tộc khác – dưới đây, có thể thấy rõ việc Bố Y hóa lối hát Hán như thế nào:

Sồ goái chổ mỏng chể hoa khai

Châu thê dế thẻo chể cô lài

Châu thê dế thẻo chể cô tảo

Cô màu lài tảo hoa chủ khai

Dịch:

Hôm qua nằm mơ thấy hoa nở

Hôm nay mắt nhẩy thấy anh đến

Hôm nay mắt nhẩy anh về đến

Anh vừa đến nơi hoa nở ngay

Hoặc bài hát này dùng khi hát trong nội tộc Bố Y ở Lào Cai thì:

Sô goái chổ a mỏng me chể hoa khai

Chấu thê dế lề chê lá thẻo a li a chể hoaa lài

Châu thế dế a thẻo me chể a cô tảo i

Cố màu a chê lài tảo a li a chể hoa chủ khai.

Về âm nhạc trong đám cưới, xưa kia, có sử dụng kèn và hát dân ca. Thời gian gần đây, một số đám cưới bỏ kèn và sử dụng nhạc trẻ Việt Nam, nhạc hải ngoại cùng màn hình tivi và những chiếc loa công suất lớn. Thanh niên Bố Y hát karaoke và khiêu vũ tự do trong các đám cưới đời mới là phổ biến. Những đám cưới này có nhiều tương đồng với đám cưới của người Kinh ở các vùng quê. Điều đó chứng tỏ, họ đã và đang dần tiếp thu âm nhạc hiện đại vào đời sống âm nhạc của mình.

Nhạc đám ma, xưa chỉ sử dụng trống đồng và não bạt, nay có cả nhạc công thổi kèn Mông do tang gia tự thuê về. Nhạc công Mông vẫn thổi các bài kèn đám ma của họ trong đám tang người Bố Y. Ngoài ra, còn có thêm các dàn nhạc hiếu kiểu của người Nùng trong vùng khi họ đến tham gia. Dàn nhạc này toàn nhạc khí gõ, bao gồm các nhạc cụ như trống hai mặt da, thanh la, não bạt to, não bạt nhỏ – mỗi loại một chiếc. Các dàn nhạc hiếu vẫn giữ lối chơi như trong đám ma của người Nùng. Thông thường số dàn nhạc hiếu trong mỗi đám ma của nhóm này phụ thuộc vào số đầu đám (các đoàn viếng của họ hàng nội ngoại), có bao nhiêu đầu đám thì có bấy nhiêu dàn nhạc hiếu..

3. Nguyên nhân của những đổi thay

Tìm hiểu về những đổi thay của âm nhạc dân gian người Bố Y, chúng tôi nhận thấy sự biến đổi của môi trường tự nhiên, tác động của môi trường xã hội có liên quan nhiều tới những đổi thay đó.

Về môi trường tự nhiên, rừng bị khai thác cạn kiệt, gỗ quý, chim, thú trở nên khan hiếm. Người dân không thường xuyên đi rừng như xưa, họ chuyển sang làm nhiều nghề khác nhau. Do đó, các sinh hoạt ca hát khi đi rừng dần mất đi. Bên cạnh sự biến đổi của rừng, những con sông lớn trước kia chảy qua bản làng, giờ chỉ còn là những khe nước nhỏ, kéo theo sự ra đi của các sinh hoạt âm nhạc gắn với môi trường sông suối.

Cùng với môi trường thiên nhiên, các yếu tố của môi trường xã hội như đời sống cộng cư, quan hệ hôn nhân ngoại tộc, chính sách văn hóa, nền kinh tế thị trường và giáo dục cũng tác động tới âm nhạc dân gian của họ.Vốn là tộc người dễ hòa đồng và có truyền thống buôn bán, người Bố Y thường giao lưu rộng rãi với các tộc khác. Họ nói được nhiều thứ tiếng và biết hát dân ca của các tộc trong vùng khi tham gia vào các sinh hoạt âm nhạc chung. Riêng nhóm người Bố Y ở Lào Cai còn có mối giao lưu khá thường xuyên với người Bố Y ở Vân Nam, Trung Quốc. Mặt khác, trước kia, người Bố Y chỉ kết hôn nội tộc, sau này, do là tộc ít người, tỷ lệ nam – nữ không cân bằng, nên họ dần mở rộng hôn nhân với các tộc khác. Từ đó, văn hóa nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng từ ngoại tộc đã hòa trộn vào văn hóa và âm nhạc dân gian của họ.

Theo ông Ngũ Khởi Phượng, trước đây, có những cán bộ xã không khuyến khích thanh niên nam nữ hát giao duyên ở chợ phiên. Họ cho rằng, như vậy là ủy mị, không phù hợp với thời đại, nên có những lời nói ngăn cản. Điều đó làm các sinh hoạt âm nhạc dân gian ở chợ phiên mất dần, thanh niên đi chợ không muốn hát đối đáp nữa vì xấu hổ, sợ bị chê cười. Bên cạnh đó, phong trào chống mê tín dị đoan khiến các miếu thờ trong vùng bị phá bỏ, việc cúng bái của các thày cúng bị cấm. Họ phải chôn giấu sách cúng, hoàn cảnh như vậy, số lượng thày cúng trong cộng đồng người Bố Y giảm đi nhanh chóng. Các tài liệu cũ cho thấy, trước kia mỗi làng Bố Y đều có một đến hai thày cúng. Hiện nay, nhóm Bố Y ở Hà Giang chỉ còn lại một thày, nhóm ở Lào Cai còn hai thày. Từ sau năm 1985, chính sách văn hóa có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, nên đời sống âm nhạc của người Bố Y có những khởi sắc. Xuất hiện lớp dạy hát dân ca cổ truyền, dạy cúng, tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng và có các cán bộ đến nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc dân gian Bố Y…

Người Bố Y tham gia mua bán trao đổi hàng hóa ở các chợ phiên trong vùng thường xuyên. Kinh tế thị trường với các vật dụng sinh hoạt hiện đại ảnh hưởng mạnh tới thị hiếu và đời sống âm nhạc của người dân. Băng, đĩa, máy nghe nhạc đưa tới cho người Bố Y nhiều cơ hội tiếp xúc và chọn lựa các phương tiện giải trí, loại nhạc để thưởng thức. Sự xuất hiện của điện thoại di động và internet cho phép thanh niên nam nữ liên lạc với nhau dễ dàng, không cần phải chờ đợi những ngày nghỉ hoặc đi chợ phiên như trước, họ có thể tâm sự hoặc nghe nhạc hiện đại bất cứ lúc nào. Âm nhạc dân gian truyền thống mất đi vị trí độc tôn trong đời sống tinh thần của người dân, và phải cạnh tranh khốc liệt với các nền âm nhạc khác. Điều đó làm cho một bộ phận âm nhạc dân gian của người Bố Y phai mờ trong đời sống hiện nay.

Ngoài ra, chương trình giáo dục trong các trường học dân tộc nội trú, không chú trọng ngôn ngữ bản địa và âm nhạc dân gian của tộc người. Có hiện tượng Kinh hóa, Tây hóa trong xu hướng thưởng thức âm nhạc của lớp trẻ Bố Y, thể hiện trong các đám cưới đời mới.

Nhìn chung, nền âm nhạc dân gian của người Bố Y khá phong phú, nhưng chủ yếu là thanh nhạc, khí nhạc còn sơ khai. Trải qua thời gian, nền âm nhạc này đã đổi thay theo một số xu hướng khác nhau, tuy nhiên, vẫn giữ được nhiều nét bản sắc vốn có. Trong những nguyên nhân gây nên những đổi thay đó, môi trường xã hội là nguyên nhân chính, tác động mạnh mẽ nhất, tạo nên những biến đổi sâu rộng trong nhiều khía cạnh của nền âm nhạc này.

_______________

1. Ngũ Khởi Phượng, Dân ca Pu y, chép tay, Hà Giang, 2005.

2. Chu Thái Sơn, Người Tu dí ở Lào Cai, Thông báo Dân tộc học số 3-1973.

3. Lò Chỉn Sài, Khào xhâu đinh, sách mo, chép tay, Hà Giang, 1960.

4. Lò Chỉn Sài, Khào xhâu ho, sách mo, chép tay, Hà Giang, 1960.

5. Lồ Lài Sửu, Dân ca Tu dí, chép tay, Lào Cai, 2011.

6. Lò Si Vần, Sách cúng ma, chép tay, Lào Cai, 2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Trần Quốc Việt

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *