Bản sắc văn hoá (BSVH) của dân tộc có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong đời sống của mỗi con người, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hiện nay. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: Văn hoá còn thì dân tộc còn, mất văn hoá là mất tất cả. Vì vậy, việc phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hiện nay cần phải được đề cao, coi trọng, như là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên để tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà ông cha đã dày công tạo dựng, vun trồng.
Ngày nay, các quốc gia, dân tộc trong quá trình tìm kiếm con đường phát triển của mình đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề văn hóa. Văn hóa được khẳng định một cách đầy đủ hơn vị trí vai trò vốn có của nó trong đời sống xã hội và trong các chiến lược phát triển của các quốc gia. Nhận thức đúng đắn và khoa học tầm quan trọng của vấn đề văn hóa, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. BSVH là dấu hiệu cơ bản đặc trưng của một dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Không thể có hai dân tộc khác nhau lại có nền văn hóa hoàn toàn thống nhất. Nếu một dân tộc để mất đi BSVH của mình thì họ không còn là họ nữa. Tuy dân tộc đó không bị tiêu vong về mặt sinh học, nhưng họ không còn vị trí trên vũ đài lịch sử, bởi vì dân tộc ấy đã bị hòa tan và hợp lưu vào dòng chảy của nền văn hóa khác.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, cho đến nay cư dân nông nghiệp vẫn chiếm khoảng 80% dân số. Như vậy, văn hóa truyền thống Việt Nam không phải là văn hóa thành thị. Cái làm nên cho BSVH lại được nảy sinh và nuôi dưỡng chủ yếu ở địa bàn nông thôn, trong cư dân nông nghiệp. Giáo sư Vũ Khiêu rất có lý khi cho rằng: “Với Việt Nam khoe văn minh, ấy là văn minh lúa nước, khoe văn hóa, ấy là văn hóa làng quê”. Nông thôn Việt Nam, với cấu kết làng xã theo kiểu phương Đông là nơi bảo lưu rất bền vững các giá trị văn hóa dân tộc. Sự bảo lưu đó có mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là ở chỗ nó tạo nên sức mạnh tự vệ, khả năng đề kháng trước sự xâm nhập của các nền văn hóa khác. Chính vì thế, trong lịch sử, chúng ta đã từng mất nước, mất độc lập dân tộc chứ không mất làng, có nghĩa là không mất BSVH của mình. Mặt tiêu cực là ở chỗ nó chậm thay đổi với thời đại và dường như nó dị ứng với văn minh công nghiệp.
Văn hóa truyền thống Việt Nam là văn hóa làng xã. Nhưng bản thân nó không phải là một hệ thống khép kín. Bản chất của văn hóa luôn luôn là hệ thống mở. Cần phải có thái độ biện chứng gạn đục, khơi trong những giá trị văn hóa dân tộc. Những giá trị đích thực tiêu biểu cho cốt cách, phẩm chất dân tộc Việt Nam cũng cần phải bồi đắp nội dung mới cho phù hợp với thời đại. Những mặt hạn chế cần phải được đổi thay. Những giá trị bên ngoài đã được Việt hóa, được các thế hệ con người Việt Nam thâu lượm, chọn lọc tiếp thu và trở thành điều cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam.
BSVH không phải là cái gì bất biến cố định, tuy nó có tính ổn định cao. Sức mạnh của văn hóa dân tộc không phải là một hằng số không đổi. Trong quá khứ nó có thể có sức mạnh tự vệ và phát triển. Nhưng trong hiện tại và hướng tới tương lai nếu không được thường xuyên bồi đắp thì nó trở nên suy yếu, tiêu tan dần sức đề kháng, mất dần động lực phát triển. Như vậy, dẫn đến nguy cơ bị mất BSVH và tan ra vào dòng chảy của nền văn hóa nào đó.
Toàn cầu hóa, quốc tế hóa đang là xu thế nổi bật của thời đại, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Không có một quốc gia – dân tộc nào có thể tự tách ra, đứng ngoài xu thế ấy. Vấn đề ở đây không phải là nên hay không nên mà là nhất thiết và tất yếu phải hội nhập vào xu thế ấy. Đương nhiên, hội nhập như thế nào lại là câu hỏi lớn đòi hỏi phải giải đáp đúng đắn. Các quốc gia, dân tộc cần phải có chiến lược hội nhập đúng đắn để phát triển. Yêu cầu cốt tử được đặt ra là các dân tộc phải tự khẳng định được mình trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng trên thế giới. Đó vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với tất cả các quốc gia, dân tộc. Điều đó nói lên vấn đề giữ gìn BSVH dân tộc, phát huy sức mạnh bên trong của cả dân tộc, càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Toàn cầu hóa cuốn theo tất cả các lĩnh vực cả đời sống xã hội. Văn hóa chịu sự tác động mạnh mẽ của xu thế ấy và góp phần quan trọng đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa. Bản thân văn hóa không chỉ thể hiện ở những sản phẩm văn hóa tinh thần, trong các hoạt động văn hóa tinh thần mà nó ẩn chứa bên trong tất cả các hoạt động đời sống xã hội, trong tất cả các nhóm dân cư, trong đời sống tâm lý, tình cảm, tư tưởng của con người, trong các thể chế chính trị – xã hội của đất nước… Có nghĩa là, không có ở đâu, không có lĩnh vực nào, mặt nào của xã hội mà chúng ta không nhìn thấy văn hóa. Lĩnh vực sản xuất vật chất đơn thuần cũng hàm chứa trong nó những nội dung văn hóa, bao giờ cũng phản ánh đặc tính văn hóa của con người, của cộng đồng người trong lĩnh vực sản xuất vật chất đó. Một sản phẩm vật chất cụ thể bao giờ cũng kết tinh những giá trị văn hóa nào đó. Một công ty liên doanh kinh tế không phải đơn thuần chỉ có nội dung kinh tế mà chứa đựng trong đó những mối quan hệ văn hóa giữa các bên liên doanh: Văn hóa giao tiếp, ứng xử; văn hóa sản xuất, kinh doanh… và cả những yếu tố chính trị – tư tưởng.
Điều đó cho thấy việc bảo vệ BSVH trong tình hình hiện nay càng trở nên phức tạp, khó khăn, đòi hỏi vừa phải có chiến lược cơ bản, lâu dài vừa phải có đối sách cụ thể hàng ngày một cách đúng đắn.
Trên thế giới hiện nay, chủ nghĩa tư bản vẫn là thế lực hùng mạnh cả về kinh tế và quân sự. Chủ nghĩa tư bản vẫn nắm tuyệt đại bộ phận những thành tựu khoa học, công nghệ, của cải vật chất của toàn nhân loại. Chúng ra sức lợi dụng quá trình toàn cầu hóa để áp đặt các giá trị văn hóa của chúng đối với tất cả các quốc gia, đồng hóa dần về văn hóa các dân tộc trên thế giới. Vì thế, vấn đề bảo vệ, phát huy BSVH trở thành một nội dung trọng yếu và là một yêu cầu cơ bản của việc bảo vệ độc lập chủ quyền của các quốc gia – dân tộc hiện nay.
Sự nghiệp bảo vệ tổ quốc Việt Nam của nhân dân ta, hơn lúc nào hết, đòi hỏi vừa phải giữ gìn, bảo vệ BSVH vừa phải phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải giải quyết đúng đắn và khoa học mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và quốc phòng – an ninh.
Thứ nhất, bảo vệ, giữ gìn BSVH là một nội dung quan trọng trong chiến lược bảo vệ tổ quốc hiện nay. Cách đây hơn 200 năm, Quang Trung – Nguyễn Huệ đã khẳng khái tuyên bố “đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”. Ngày nay chúng ta không nói đến “để dài tóc”, “để răng đen”, nhưng thông điệp mà tiền nhân muốn nhắn nhủ là giữ gìn cái gì là của người Việt Nam, bản sắc Việt Nam, chúng ta phải ghi lòng tạc dạ. Trong tình hình hiện nay, tiến công về văn hóa được nổi lên như là một mũi nhọn trong chiến lược của chủ nghĩa đế quốc nhằm chống phá các dân tộc trên thế giới. Vì vậy, cần phải đặt đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ BSVH trong chiến lược bảo vệ tổ quốc. Bảo vệ, giữ gìn BSVH trong điều kiện hiện nay, cần tập trung những nội dung chủ yếu sau: Giữ vững định hướng, kiên định mục tiêu phát triển, bảo vệ những giá trị cơ bản, cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, những nội dung có tầm quan trọng hàng đầu của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Giữ gìn những giá trị truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, thuần phong mỹ tục, những giá trị đạo đức, lối sống… Đó là những giá trị chủ đạo tiêu biểu cho phẩm chất, cốt cách dân tộc Việt Nam. Không giữ gìn được để cho văn hóa phương Tây tự do tràn vào làm biến dạng và tiêu tan những giá trị dân tộc thì ta không còn là ta nữa, Việt Nam không còn với tư cách là một dân tộc có vị trí vai trò trên vũ đài lịch sử. Bảo vệ BSVH phải gắn kết với mở rộng và giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác để làm giàu lên BSVH của dân tộc mình.
Thứ hai, phát huy BSVH với tư cách là động lực, sức mạnh bên trong của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Bảo vệ tổ quốc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, bao gồm tổng thể các hoạt động đối nội đối ngoại về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa, khoa học… trong đó sức mạnh quân sự đóng vai trò nòng cốt, đặc trưng, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sức mạnh tổng hợp bảo vệ tổ quốc. Ý nghĩa quan trọng đó thể hiện ở chỗ: không những nền văn hóa dân tộc tỏ rõ sức sống của nó, bản thân nó có khả năng “tự vệ’’ đề kháng và “thâu lượm” các giá trị khác để ngày càng phát triển, mà còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần, nội dung cơ bản của tiềm lực quốc phòng của đất nước.
Trong lịch sử, ông cha ta đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về việc phát huy vai trò của văn hóa trong giữ nước, chống ngoại xâm. Lý Thường Kiệt với bài thơ thần trên sông Như Nguyệt, Trần Hưng Đạo với Hịch tướng sĩ, Nguyễn Trãi với Đại cáo Bình Ngô, dưới góc độ văn hóa, có thể thấy rằng sức mạnh bên trong, nền tảng tinh thần của dân tộc mà tiêu biểu là tinh thần yêu nước, ý thức độc lập tự chủ, tinh thần chống ngoại xâm… được khơi dậy và phát huy cao độ, tạo thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù.
Sức mạnh của văn hóa dân tộc Việt Nam không phải ở sự hiện đại của các phương tiện, công cụ hoạt động văn hóa. Sức mạnh đó nằm trong chính mỗi con người Việt Nam, trong tất cả các tầng lớp xã hội, nó biểu hiện trong nhận thức, suy nghĩ, thái độ, tình cảm, tâm lý và hành vi của từng con người. Do đó, phát huy BSVH, làm cho nó trở thành động lực của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc là việc khơi dậy năng lực nội sinh ở từng con người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam.
Để phát huy BSVH trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hiện nay cần tập trung vào những vấn đề sau:
Các hoạt động văn hóa phải hướng vào việc khơi dậy sức mạnh bên trong của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc: giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm… trong mỗi người dân.
Giáo dục nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù cho toàn dân, củng cố và nâng cao ý thức quốc phòng trong nhân dân; xây dựng tinh thần trách nhiệm công dân đối với tổ quốc có thái độ và hành động đúng với yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.
Củng cố, tăng cường khối đoàn kết dân tộc; chống lại sự chia rẽ, phá hoại của kẻ thù.
Xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, đạo đức, lối sống mới, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân.
Làm tốt các nội dung cơ bản trên mới có thể biến văn hóa dân tộc từ tiềm năng trở thành nhân tố sức mạnh cho việc bảo vệ tổ quốc, góp phần quan trọng, xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần cho nền quốc phòng toàn dân.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước vừa có những thuận lợi, vừa có những khó khăn, đặc biệt sự lai căng của văn hoá phương Tây đã làm cho văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một, ảnh hưởng ít nhiều thì việc phát huy những giá trị tốt đẹp của BSVH của dân tộc lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Chính BSVH sẽ tạo nên sự đồng điệu về tâm hồn, nhân cách và hành động, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận cho mỗi người trong quá trình bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018
Tác giả : LÊ ANH DŨNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn