Các bảo tàng quân đội nói chung và Bảo tàng Hậu cần nói riêng là thiết chế văn hóa có chức năng nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền giáo dục, bảo quản các hiện vật, các bộ sưu tập về lịch sử quân sự Việt Nam, truyền thống các ngành, các đơn vị, nhằm phục vụ nhu cầu, nghiên cứu, giáo dục, tham quan, hưởng thụ văn hóa của bộ đội, nhân dân, bạn bè quốc tế về di sản văn hóa quân sự Việt Nam và truyền thống tốt đẹp của lực lượng vũ trang nhân dân.
Bảo tàng được đánh giá là cơ quan có khả năng giúp con người tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện hơn về chân, thiện, mỹ. Ở nước ta, công tác tuyên truyền, giáo dục được Đảng, Nhà nước, quân đội đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao nhận thức về tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho nhân dân, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội… Chính vì vậy, ở nước ta, bảo tàng ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển nhằm phục vụ công chúng đáp ứng nhu cầu văn hóa, giáo dục cho toàn dân. Xuất phát từ vai trò, vị trí của bảo tàng đối với mỗi quốc gia, Hội đồng Bảo tàng thế giới (ICOM) cũng đặc biệt chú trọng đến chức năng giáo dục của bảo tàng. Năm 2004, Đại hội đồng ICOM lần thứ 20 họp tại Seoul, Hàn Quốc đã nhấn mạnh: “Bảo tàng là một thiết chế phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên cho công chúng để xem, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội. Bảo tàng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu thông tin và trưng bày các bằng chứng vật thể và phi vật thể về con người và môi trường sống của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức”. Hiện nay, thế giới và trong nước đã có sự thay đổi về mặt nhận thức. Từ mục đích lấy “hiện vật làm trung tâm” chuyển sang “phục vụ và đáp ứng nhu cầu cộng đồng xã hội làm trung tâm”, vai trò giáo dục, tuyên truyền trong bảo tàng ngày càng được coi trọng, tác động mạnh mẽ, tích cực đến các hoạt động khác của bảo tàng. Nó được xác định là chiến lược phát triển của mỗi bảo tàng để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. Công tác tuyên truyền giáo dục ở các bảo tàng trong quân đội nói chung, Bảo tàng Hậu cần nói riêng, lại càng đặc biệt quan trọng vì các bảo tàng trong quân đội là phương tiện, bộ phận quan trọng trong hệ thống công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống yêu nước, truyền thống quân đội, đơn vị thông qua hệ thống trưng bày hiện vật gốc tại các bảo tàng; nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nhân cách, văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong mỗi bảo tàng, việc thu hút công chúng đến với bảo tàng là nhiệm vụ quan trọng, cả trước mắt và lâu dài, phải lấy công chúng, cộng đồng xã hội là mục tiêu chiến lược phục vụ. Vì vậy, thực hiện chức năng giáo dục cho công chúng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Số lượng khách tham quan hằng năm nhiều hay ít, chất lượng phục vụ hiệu quả… là những cơ sở để đánh giá tính hiệu quả của mỗi bảo tàng.
Bảo tàng Hậu cần là một trong 26 bảo tàng của quân đội nằm trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam, là loại hình bảo tàng lịch sử quân sự. Là một thiết chế văn hóa nằm trong hệ thống công tác Đảng, công tác chính trị của QĐND Việt Nam và Tổng cục Hậu cần, Bảo tàng Hậu cần luôn phát huy tốt chức năng nhiệm vụ của mình, đặc biệt là thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục công chúng đã mang lại hiệu quả cao. Hằng năm, bảo tàng thu hút trên 10 vạn lượt khách đến tham quan, học tập nghiên cứu và số lượng khách tham quan tăng cao qua từng năm. Để nâng cao chất lượng tham quan, Bảo tàng Hậu cần thường xuyên chú trọng tới công tác hướng dẫn khách tham quan bảo tàng và các đợt trưng bày triển lãm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thuyết minh bằng cách: gửi đi các cơ sở đào tạo theo đúng chuyên ngành nghiệp vụ, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, kiểm tra chuyên môn của từng hướng dẫn viên… Do vậy, đội ngũ hướng dẫn viên của bảo tàng có trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng được cả nội dung, hình thức, phương pháp trong việc hướng dẫn khách tham quan. Ngoài phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Hậu cần còn phối hợp với các bảo tàng khác, Ban Quản lý di tích trong và ngoài quân đội để tổ chức trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động. Trong 5 năm qua (2015 – 2019), Bảo tàng Hậu cần đã tổ chức được 120 cuộc trưng bày triển lãm nhân các sự kiện, kỷ niệm lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội và ngành Hậu cần quân đội. Mỗi cuộc trưng bày triển lãm, công tác tuyên truyền giáo dục đều tập trung tuyên truyền vào các mốc lịch sử, các sự kiện quan trọng, các nội dung khái quát của từng chủ đề, để từ đó định hướng tư tưởng, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, tình cảm trong sáng, ý chí phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tiêu biểu một số cuộc trưng bày triển lãm để lại ấn tượng và hiệu quả cao như: phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trưng bày Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử đã tập trung giới thiệu công tác bảo đảm hậu cần cho cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ – Chấn động địa cầu; phối hợp với Bảo tàng Hà Nội trưng bày chuyên đề Hậu cần cho đại thắng mùa xuân 1975 để tuyên truyền giáo dục về những thành tích, chiến công to lớn của ngành Hậu cần; phối hợp với Ban Quản lý di tích Nhà tù Côn Đảo tổ chức triển lãm lưu động tại Côn Đảo với chủ đề Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ nhằm tuyên truyền, giáo dục cho khách trong nước và bạn bè quốc tế về sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời nêu lên sự quan tâm của Bác Hồ, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, các cấp các ngành và nhân dân đã chăm lo tới hoạt động đền ơn đáp nghĩa; phối hợp với Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức trưng bày Tuyến hậu cần chiến lược, Đường Hồ Chí Minh lịch sử; phối hợp với Ban Văn nghệ, VTV1, Đài truyền hình Trung ương, làm 6 tập phim ký sự Hậu cần Trường Sơn, con đường huyền thoại để phát trên sóng VTV1 nhân kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh, nhằm tập trung tuyên truyền giáo dục về truyền thống yêu nước, những đóng góp, hy sinh to lớn với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của bộ đội hậu cần trên con đường mang tên Bác; phối hợp với khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch triển lãm Bác Hồ với ngành Hậu cần quân đội nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của Bác… và còn rất nhiều các cuộc trưng bày triển lãm khác do Bảo tàng Hậu cần tổ chức đã mang lại hiệu quả tốt, đáp ứng cho nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức văn hóa cho bộ đội, nhân dân, khách quốc tế.
Ngoài tổ chức tham quan tại bảo tàng, Bảo tàng Hậu cần còn tổ chức các buổi ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh, sinh viên. Bảo tàng đã phối hợp với 12 nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm các Học viện đào tạo sĩ quan, các trường Đại học khối chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, các trường phổ thông, các trung tâm huấn luyện chiến sĩ mới cho quân đội… để tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, nói chuyện về truyền thống quân đội, ngành Hậu cần, gương các anh hùng liệt sĩ, thương binh… rất hiệu quả.
Trong quá trình tuyên truyền giáo dục tại bảo tàng, Bảo tàng Hậu cần còn mời các nhân chứng lịch sử là các anh hùng, thương binh, các cựu chiến binh đến giao lưu kể truyện truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, học sinh, sinh viên như: Anh hùng LLVTND Đỗ Chiến, lái xe Trường Sơn; Anh hùng LLVTND Đinh Công Chấn, đạt kiện tướng xe đạp thồ với khối lượng 1.050kg đạn, đồng thời thao tác xe đạp thồ tại bảo tàng để cho các cháu học sinh, sinh viên trải nghiệm và tập làm anh bộ đội vận tải thồ hàng… từ đó, kích thích sự thông minh, sáng tạo cho các thế hệ trẻ hôm nay; hoặc mời các tướng lĩnh kể chuyện về các trận đánh có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Tùy từng đối tượng đến tham quan, bảo tàng có những hình thức giáo dục, trải nghiệm sát thực tế mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngoài ra, thông qua các khâu công tác nghiệp vụ, hình thức trải nghiệm, các em học sinh, sinh viên được tập làm hướng dẫn viên, xây dựng đề cương, market trưng bày bảo tàng và thực hành cán bộ đi sưu tầm hiện vật… nhiều đề tài nghiên cứu, đã trở thành luận án tiến sĩ như: Đường ống xăng dầu trên tuyến đường Trường Sơn và luận văn thạc sĩ quản lý văn hóa: Công tác sưu tầm ở Bảo tàng Hậu cần.
Với chức năng là cơ quan nghiên cứu, giáo dục khoa học, trong những năm qua, Bảo tàng Hậu cần còn tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, khoa học, nói chuyện chuyên đề như: tọa đàm về Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 60 năm Đường Hồ Chí Minh – con đường huyền thoại, Ngành Hậu cần, 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham gia nói chuyện chuyên đề nhân các ngày lễ, kỷ niệm lớn như: Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy…
Để thực hiện chức năng tuyên truyền giáo dục công chúng, Bảo tàng Hậu cần còn luôn chú trọng nghiên cứu tài liệu để viết bài đăng trên các sách, báo, tạp chí, làm được hàng chục phim phóng sự phát trên các đài phát thanh, truyền hình. Đây là công tác tuyên truyền giáo dục rất có hiệu quả. Trong những năm qua, bảo tàng đã in xuất bản được 6 đầu sách để tuyên truyền, tiêu biểu như: sách về kỷ vật kháng chiến, kỷ yếu 65 năm truyền thống Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, kỷ yếu 60 năm truyền thống Bảo tàng Hậu cần… được công chúng đánh giá cao. Bảo tàng cũng đã in các tờ gấp để phát cho khách trong nước và quốc tế tới thăm bảo tàng, nhằm tuyên truyền giáo dục nhanh và rộng. Với các hoạt động phong phú, đa dạng, công tác tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng Hậu cần đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Trong tình hình hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, có tác động đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch được Đảng, Nhà nước, Quân đội đặc biệt quan tâm. Quán triệt sâu sắc nghị quyết của Trung ương, của Quân ủy Trung ương, hệ thống Bảo tàng Quân đội nói chung và Bảo tàng Hậu cần nói riêng phải xây dựng kế hoạch, phương hướng phát triển trong những năm tới sát với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân đội; tập trung vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, quân đội và ngành hậu cần quân đội; xây dựng Bảo tàng Hậu cần trở thành trung tâm văn hóa lịch sử của ngành Hậu cần quân đội, trọng tâm là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giáo dục, phục vụ công chúng. Muốn vậy, phải có những giải pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả, đó là: không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ nhân viên Bảo tàng Hậu cần có trình độ chuyên môn giỏi, yêu ngành, yêu nghề để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt, chú trọng đội ngũ hướng dẫn khách tham quan, tích cực đổi mới nội dung, hình thức trưng bày triển lãm với nhiều chủ đề, nội dung sát thực tiễn, mang tính thời sự cao; đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục, đa dạng về hình thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền, giáo dục phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn công chúng đến với bảo tàng; đẩy mạnh các hoạt động trưng bày, triển lãm, tuyên truyền, quảng bá về bảo tàng; quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động tuyên truyền giáo dục, tăng cường kiểm tra, khen thưởng kịp thời những việc làm tốt, đạt hiệu quả, góp phần vào hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng Hậu cần trong thời gian tới.
Tác giả: Đào Hải Triều
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng