Sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân

     Trong tiến trình cách mạng vô sản trên thế giới, các dân tộc muốn đánh đổ đế quốc, thực dân, giành được độc lập thực sự nhất thiết phải tiến hành nhiều biện pháp, nhằm huy động cao nhất sức mạnh bạo lực tổng hợp, trong đó, quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang, giữ vai trò là nòng cốt trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng là vấn đề quan trọng hàng đầu. Các bậc tiền bối Mácxít chỉ rõ: “Một dân tộc muốn giành độc lập không được chỉ giới hạn ở những phương thức thông thường để tiến hành chiến tranh. Khởi nghĩa quần chúng, chiến tranh cách mạng, những đội du kích ở mọi nơi – đó là phương thức duy nhất để một dân tộc nhỏ có thể đánh thắng một dân tộc lớn, để một đội quân yếu hơn có thể chống lại được đội quân mạnh hơn và có tổ chức hơn” (1). Đây là những chỉ dẫn quan trọng, mang tính nguyên tắc để các Đảng Cộng sản và nhà nước vô sản vận dụng trong xây dựng lực lượng vũ trang của mình.

     Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thành công, trước nguy cơ xâm lược của các nước đế quốc đối với nước Cộng hòa Xô viết non trẻ, đã đặt ra cho Đảng Bônsêvich Nga cần tổ chức ngay lực lượng vũ trang cách mạng, cùng toàn dân giữ vững chính quyền nhân dân. Xuất phát từ nhận thức đó, Đảng Bônsêvich Nga và V.I.Lênin đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy (Hồng quân) từ các tổ chức quân sự đã hình thành trước đó. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, Hồng quân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, có đóng góp to lớn cho sự tồn tại, phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và hòa bình của nhân loại.

     Thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về vũ trang toàn dân, xây dựng Hồng quân công nông vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, đặc biệt, là sự kế thừa truyền thống và nghệ thuật xây dựng lực lượng vũ trang của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã lựa chọn dứt khoát phương pháp cách mạng bạo lực, sử dụng bạo lực của quần chúng để lật đổ chế độ thực dân, phong kiến giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối cách mạng của Đảng đã đặt ra yêu cầu phải xây dựng lực lượng vũ trang, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Tuy nhiên, xây dựng lực lượng vũ trang vừa phù hợp với lý luận khoa học, vừa sát với điều kiện thực tiễn Việt Nam là một sáng tạo độc đáo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân.

     Do nhận thức sâu sắc về đặc điểm của cách mạng Việt Nam, việc xây dựng lực lượng vũ trang trong điều kiện một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn phải dựa vào quần chúng và xây dựng từ lực lượng chính trị của quần chúng. Cùng với việc tổ chức lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng đặc biệt coi trọng và đã giải quyết thành công vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với một mô hình tổ chức quân sự độc đáo, thích hợp với điều kiện lịch sử mới, bao gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên cơ sở lực lượng chính trị của quần chúng nhân dân.

     Ngay trong những năm tháng khởi đầu của cách mạng, để bảo vệ và hỗ trợ các phong trào đấu tranh của quần chúng, Đảng đã đề ra chủ trương mở rộng và củng cố các đội tự vệ ở khắp các vùng nông thôn, thành thị. Đây là hình thức vũ trang đầu tiên của quần chúng, đồng thời là lực lượng đông đảo, hùng hậu và có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng như là bức thành đồng của Tổ quốc.

     Đại hội lần thứ nhất của Đảng được tổ chức ở Ma Cao – Trung Quốc (1935), Đảng đã ban hành Nghị quyết về Đội Tự vệ, thể hiện nhận thức toàn diện, đầy đủ về tư tưởng quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng. Khi đề cập đến quá trình tổ chức và mối quan hệ giữa các thành tố của lực lượng vũ trang, Đảng chỉ rõ: “Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận tiện để sau này tổ chức du kích chiến tranh, võ trang bạo động, Hồng quân” (2). Các Đội Tự vệ công nông mang tính chất là những tổ chức vũ trang quần chúng đã dược thành lập. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển tư duy của Đảng đối với nhiệm vụ vũ trang toàn dân.

     Từ những nhận thức ban đầu và kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của các Đội Tự vệ, Đảng chủ động chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân du kích rộng khắp ở các địa phương trong cả nước. Lực lượng dân quân du kích là bước phát triển mới của các Đội Tự vệ, đóng vai trò là nền tảng cho toàn dân đánh giặc, vì “du kích là một lực lượng cực kỳ to lớn trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sức du kích thật mạnh thì chiến tranh giải phóng nhất định thắng lợi” (3). Nhiệm vụ chủ yếu của dân quân du kích là “canh gác nghiêm ngặt, giữ gìn bí mật, bảo vệ làng xã, phòng gian trừ gian, thấy giặc đến làng, là du kích phải đánh phá, quấy rối chúng, phối hợp với bộ đội địa phương và Vệ quốc quân để đánh những trận to” (4).

     Từ một đội quân khởi nghĩa nhỏ bé ban đầu, làm nhiệm vụ chiến đấu đã trở thành lực lượng nòng cốt cho cuộc đấu tranh quân sự, hỗ trợ các hình thức đấu tranh của quần chúng và dần lớn mạnh cùng với bão táp cách mạng. Đến tháng 8-1945, “lực lượng dân quân du kích đã phát triển lên tới hàng vài chục nghìn người cùng với Việt Nam Giải phóng quân và toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền” (5). Tháng 3-1947, lực lượng dân quân du kích đã hợp nhất về tổ chức và trở thành một bộ phần hữu cơ của lực lượng vũ trang cách mạng. Đây là lực lượng rộng rãi của quần chúng, không thoát ly sản xuất, đánh địch tại chỗ, bảo vệ địa bàn. Dựa vào hệ thống làng xã chiến đấu, lực lượng này cùng với bộ đội địa phương tiến hành chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ khu du kích, hỗ trợ đấu tranh của quần chúng, củng cố và xây dựng cơ sở chính trị tại các địa phương.

     Theo tiến trình lịch sử, nhằm không ngừng đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng, các đội quân chủ lực đã được xây dựng trên nền tảng của lực lượng vũ trang địa phương, từ những đơn vị nhỏ ban đầu phát triển lên những binh đoàn chiến lược với sức cơ động cao, trang bị hiện đại, có trình độ tác chiến, là lực lượng chủ yếu tiến hành chiến tranh chính quy với mọi quy mô. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Người chỉ rõ: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện” (6). Vì vậy, đội quân đàn anh được ra đời và nhanh chóng lớn mạnh về mọi mặt, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, vừa hỗ trợ hoạt động cho dân quân du kích và bộ đội địa phương.

     Cùng với sự phát triển của lực lượng dân quân du kích và bộ đội chủ lực đã có từ trước, bộ đội địa phương cũng đã được thành lập theo Sắc lệnh số 171, ngày 7-4-1949 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Bộ đội địa phương là một bộ phận của quân đội thường trực, được tổ chức rộng khắp, là lực lượng chủ yếu trong đấu tranh vũ trang ở địa phương và là lực lượng quan trọng trong xây dựng thế trận lòng dân, do cấp ủy đảng địa phương trực tiếp lãnh đạo về mọi mặt.

     Trên thực tế, Lực lượng vũ trang ba thứ quân mãi đến tháng 4 -1949 đã cơ bản hoàn chỉnh và sau Chiến dịch Biên Giới thành công, quân đội nhân dân Việt Nam đã hình thành ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Tuy mỗi lực lượng có vị trí, vai trò khác nhau, nhưng ba lực lượng có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết như anh em ruột thịt, hết lòng yêu thương nhau, tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện cho nhau hoàn thành nhiệm vụ. Chức trách, nhiệm vụ của ba thứ quân cũng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vệ quốc quân phải lo đánh những trận to để tiêu diệt lực lượng chủ lực của địch. Phải tổ chức và huấn luyện bộ đội địa phương và dân quân du kích. Bộ đội địa phương phải phụ trách đánh những trận vừa vừa và phải chuẩn bị chiến trường sẵn sàng khi Vệ quốc quân đánh những trận to ở địa phương mình. Dân quân du kích là một lực lượng rất rộng rãi, khắp cả nước, xã nào, thôn nào cũng có dân quân du kích. Nó là như một tấm lưới rộng mênh mông, bao trùm cả nước” (7). 

     Một vấn đề hết sức quan trọng mà Đảng đã giải quyết thấu đáo, đó là việc chỉ đạo xây dựng cơ cấu, số lượng, chất lượng của ba thứ quân luôn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và sự phát triển của đấu tranh vũ trang trong từng thời kỳ. Không dừng lại ở đó, Đảng luôn quan tâm xây dựng dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân thực sự tinh nhuệ về chính trị, bởi “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” (8). Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang cách mạng. Ngay từ khi đề ra chủ trương thành lập các Đội Tự vệ, Đảng đã chỉ rõ: “công nông cách mạng Tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, quân ủy của Đảng Cộng sản” (9). Đến tháng 1-1946, Đảng đã quyết định thành lập Trung ương Quân ủy giúp Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp nắm chắc mọi hoạt động của lực lượng vũ trang.

     Có thể thấy, tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân, kết hợp giữa chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, phát triển lực lượng ở các vùng chiến lược trên cơ sở lực lượng chính trị của quần chúng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng đã động viên và phát huy được sức mạnh bạo lực tổng hợp của toàn dân, chiến thắng kẻ thù. Trải qua chặng đường 75 năm kể từ ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công một trong những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam – tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân. Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân là một mô hình phù hợp, đi từ du kích chiến tiến dần lên vận động chiến và kết thúc bằng chiến tranh chính quy của các binh đoàn chủ lực là một sự sáng tạo độc đáo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang ở Việt Nam. Những sáng tạo này còn bổ sung và làm phong phú thêm kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong điều kiện mới.

____________

1. C.Mác – Ăng ghen, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.523.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.92.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.236.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.212.

5. Thượng tướng Lương Cường, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017, tr.200.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.539.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.211-212.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.217.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.94.

Tác giả: Nguyễn Văn Trường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *