Đình Cầu Đơ thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội là di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia mang nhiều giá trị văn hóa. Xuất phát ban đầu của đình Cầu Đơ là một ngôi miếu thờ thổ thần, về sau dân làng thờ tướng Đỗ Bí (thời vua Lê Thái Tổ). Sinh thời, Ngài đã từng được nhân dân Cầu Đơ che chở nuôi dưỡng trong những ngày nghĩa quân phục kích, ém quân tại đây. Vì có nhiều công lao to lớn với đất nước, Ngài đã được dân làng Cầu Đơ tôn làm Đức Thánh – Thành hoàng làng và lập đền thờ. Hằng năm đến ngày 14, 15 tháng Giêng, nhân dân làng Cầu Đơ tổ chức lễ cúng Thành hoàng, và 3 đến 5 năm một lần tổ chức rước thánh từ đình ra miếu và từ miếu về đình.
Theo thuyết xưa đình làng Cầu Đơ có từ TK XV, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được dấu tích hay bằng chứng cụ thể nào khẳng định được năm khởi dựng của đình. Dấu tích hiện nay còn lưu giữ được về đình Cầu Đơ là dòng chữ ở một số cấu kiện kiến trúc của di tích. Qua thời gian, đình đã được trùng tu nhiều lần (và ảnh hưởng bởi phong cách kiến trúc cuối thời nhà Nguyễn), các yếu tố kiến trúc gốc ban đầu không còn nhiều, tuy nhiên những gì còn tồn tại đã nói lên giá trị của ngôi đình trong đời sống tâm linh cũng như văn hóa của cư dân địa phương.
Về kiến trúc, do đình được trùng tu nhiều lần, nên trong kiến trúc tổng thể hiện nay có các phần thuộc nhiều mốc thời gian xây dựng khác nhau và chức năng sử dụng cũng khác nhau.
Ngay từ ngoài đường chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trước mặt đình là một hồ nước (theo quan niệm truyền thống thì đây chính là yếu tố phong thủy, thường thấy trong kiến trúc đình làng). Giữa hồ là hai đảo nhỏ hình tròn, chính giữa hồ nước là một tòa thủy đình bốn mái xây bằng gạch vuông vức và có cầu xây bằng gạch dẫn từ cửa chính ra thủy đình. Hệ thống nghi môn, sân đình, tòa phương đình, hai bên là nhà tảo mạc đối diện nhau qua tòa phương đình. Sau tòa phương đình là nhà tiền tế rồi đến tòa hậu cung có kết cấu chữ đinh.
Một phần kiến trúc hoành tráng, bề thế nhất của đình Cầu Đơ là tòa phương đình được xây vuông vức với hệ thống 8 cột gỗ tròn đỡ bộ mái theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Sau nhiều lần tu sửa, phương đình vẫn còn giữ được một số mảng chạm khắc của các giai đoạn trước TK XIX, kiến trúc còn lại mang dấu ấn của thế kỷ này.
Phần kiến trúc chính của đình chính là tòa đại đình với thiên hương, tiền tế, hậu cung… Trong đó, nhà tiền tế khá quy mô với 5 gian kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai. Với dấu ấn đậm nét của kiến trúc thời Nguyễn, chính là ở phía trước của hai tường hồi xây vượt qua hiên, tay ngai được giới hạn bởi 2 cột trụ cao gần tới nóc mái, phía trên đỉnh cột được trang trí hình phượng lá lật, rồng cuộn, tứ linh và 2 cuốn thứ, dưới là 2 bức phù điêu. Phía thân cột có đắp soi gờ kẻ chỉ ở cạnh cột…
Mặt trước tòa đại đình là hệ thống cửa bức bàn, mỗi gian nhà có 4 cánh cửa, phía sau để thoáng thông với nhà hậu cung. Hai gian hai bên đại đình được xây kín, chỉ trổ 2 cửa sổ tròn nhỏ. Tòa đại đình có hệ thống 6 bộ vì, mỗi bộ có 4 cột gỗ tròn đặt lên các tảng xi măng, với 2 cột cao, to đặt ở giữa và 2 cột quân trụ tròn. Mái tòa đại đình được thiết kế theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ truyền – bảy hiên được đỡ, chịu lực bởi toàn bộ hệ thống các vì. Người ta cũng dựa vào vị trí các bộ vì mà chia tòa đại đình thành các gian. Để tạo sự liên kết giữa các bộ vì, người xây dựng đình đã sử dụng hệ thống xà ngang, dọc và xà đai.
Trên hệ thống mái có các bờ nóc thẳng, hai đầu bờ nóc đắp hai đầu kìm ngậm vào mái và ở chính giữa là lưỡng long chầu nguyệt, các bờ dải có đường gờ, đường soi của mái là lá diềm tạo cho mái có độ mềm mại.
Nằm cuối cùng của đình là khu hậu cung hình chữ đinh chia ra hai phần, phần ngoài là 3 gian, phần trong chuôi vồ gọi là cung cấm. Để tạo cảm giác huyền bí và tính chất cung cấm, hạn chế người vào nên xung quanh được bao bởi tường gạch.
Trên các cồn rường trang trí nhiều họa tiết, tạo cho đình cảm giác thanh thoát, không còn nặng nề. Tuy các mảng trang trí không đặc sắc như trang trí ở một số đình, chùa khác của Hà Nội, nhưng đình Cầu Đơ vẫn mang hơi thở của một thời kỳ lịch sử, sự phát triển của mỹ thuật trang trí đình làng Việt Nam.
Đình Cầu Đơ có nhiều mảng chạm khắc mang giá trị nghệ thuật cao với nội dung đề tài phong phú như tứ linh, tứ quý, đề tài thực vật… Với đề tài tứ linh, xuất hiện dày đặc ở các vị trí trong ngôi đình: các mảng chạm như rồng cuốn thủy, lưỡng long chầu nguyệt, quần long, cá chép hóa rồng, lân vờn cầu, rùa đội lá sen, rùa đội bát quái, rùa đội hạc, phượng ngậm dải lụa… Đặc biệt ở những đầu dư trong đại đình được chạm trổ các hình đầu rồng theo hình thức chạm lộng, mang lại giá trị biểu đạt cao hoặc trên các bờ nóc, đầu dải đều có sự xuất hiện của tứ linh, thể hiện cái uy của ngôi đình.
Bên cạnh những mảng trang trí, điều tạo nên giá trị nghệ thuật cho ngôi đình chính là những di vật gồm: 1 kiệu long đình, 1 kiệu bát cống, khám thờ, ngai thờ của các vị thần, 1 chiếc sàng thờ, 2 chiếc nhang án, ngựa gỗ, đồ bát bửu, lỗ bộ, câu đối, hoành phi… tất cả đều được trang trí, chạm nổi. Kiệu long đình (hay còn gọi là kiệu Ngọc Lộ) được sơn son thếp vàng, bao gồm ba phần: chân – thân – mái. Ở sát thân của bốn mặt kiệu có trang trí rồng cuộn và chạm nổi hình đầu rồng, ở bốn góc là bốn cột nhỏ nối tiếp từ chân cho đến mái tạo cho thân kiệu có hình dáng giống như một cái phương đình, với chức năng chính là nơi để bát hương, hoa quả khi rước. Bốn góc của mái kiệu có trang trí bốn đầu con rồng đang nhô ra. Nhìn từ xa, thân và mái kiệu kết hợp với nhau tạo thành dáng như viên ngọc vì thế kiệu còn có tên là kiệu Ngọc Lộ; kiệu bát cống là kiệu chính để rước Thành hoàng làng, một trong những di vật bằng gỗ có giá trị lớn nhất. Kiệu có lưng và thân ngai được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ với những hoa văn: rồng, hoa cúc, vân mây, đào mắc… Ở các đòn kiệu lại là sự xuất hiện của đề tài rồng, đòn có hai đầu, thân hơi cong có dáng giống như thân rồng, đầu rồng ngẩng cao, miệng rồng ngậm ngọc, mũi hếch trông rất dữ tợn. Các đòn ngang có hình ảnh rồng với vân tóc sắc nhọn bay ra phía sau; hiện nay đình đang sở hữu một hệ thống các hoành phi câu đối có niên đại thời Nguyễn ca ngợi công đức Thành hoàng làng và vẻ đẹp của di tích. Các hoành phi, câu đối được trang trí đơn giản với họa tiết: hoa văn triện, đồ bát bửu, con dơi, chữ phúc hoặc để trơn.
Bên cạnh hệ thống di vật bằng gỗ, đình còn có di vật bằng vải (quần áo, mũ… của Thành hoàng làng), di vật bằng đá (7 tấm bia với hình dáng đơn điệu, hầu như không có họa tiết trang trí, giá trị thẩm mỹ không cao).
Hiện nay, đình Cầu Đơ đang chịu những tác động của tự nhiên khiến cho các cấu kiện kiến trúc bằng gỗ bị cong vênh, phai màu, rêu mốc, mối mọt xông… Bên cạnh đó, đình còn chịu tác động của quá trình đô thị hóa như khói bụi, ô nhiễm… về lâu dài cũng ảnh hưởng tiêu cực đến ngôi đình. Để thực hiện tốt công tác quản lý di tích đình Cầu Đơ đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng.
Trước hết, các cấp quản lý cần tổ chức tuyên truyền cho người dân về ý thức tôn trọng di tích, thực hiện tham gia lễ hội một cách văn minh, đúng quy định của chính quyền các cấp. Bảo vệ nguyên vẹn đình, công tác tu bổ không được làm mất đi giá trị lịch sử, nghệ thuật của đình.
Thực hiện tốt công tác quảng bá các giá trị của đình Cầu Đơ đến với người dân thông qua các kênh thông tin, truyền thông hiện đại. Tiến hành xã hội hóa công tác quản lý, có sự tham gia của người dân, đưa người dân trở thành những tuyên truyền viên hiệu quả nhất.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp quản lý đình.
Hằng năm, tiến hành thanh kiểm tra định kỳ hiện trạng của ngôi đình để có những khắc phục kịp thời, tránh để hư hỏng đáng tiếc xảy ra.
Tác giả: Dương Thị Huyền Trang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng