Trên chặng đường bôn ba, Nguyễn Ánh đã để lại nhiều di tích khắp Nam Bộ. Ở các nơi ấy, người dân thường dựng lên những ngôi miếu thờ vua Gia Long để tưởng nhớ người xưa. Trong đó, có những di tích đã nổi tiếng xưa nay như rạch Nước Xoáy (huyện Lấp Vò – tỉnh Đồng Tháp), vồ Thiên Tuế núi Cấm (huyện Tịnh Biên – tỉnh An Giang), mũi Ông Đội (huyện Phú Quốc – tỉnh Kiên Giang)… Song, cũng có những di tích còn ít người biết đến, điển hình là giếng vua Gia Long nằm sau ngôi miếu Bà Ngũ Hành ở Bãi Dâu, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cửa trước Miễu Bà – Bãi Dâu nơi có giếng thiêng
Giếng nước ngọt trăm năm
Bãi Dâu có tên chữ là bãi Phương Thảo, nằm ven núi Lớn. Đây là một bãi biển đẹp, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, thanh bình, khí hậu mát mẻ. Thời xa xưa, tên gọi đầu tiên của nơi này là Vũng Mây hay Bãi Mây, do ven biển mọc rất nhiều cây mây rừng. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp lập ra cơ sở trồng dâu nuôi tằm rất lớn tại đây, nên dần dần người địa phương quen gọi là Bãi Dâu cho đến nay.
Di tích miếu Bà Ngũ Hành và giếng vua Gia Long ở Bãi Dâu có tên gọi chung là miếu Bà – giếng Ngự, nằm trên sườn núi Lớn, cách đường chính khoảng 150m. Giếng nước cổ được truyền tụng là do vua Gia Long phát hiện ra cách nay trên hai thế kỷ. Người dân quanh vùng cho rằng đây là giếng nước thiêng, không chỉ vì nó gắn với vua chúa, mà còn bởi nó nằm gần bờ biển nhưng lại có nước ngọt quanh năm. Không những thế, dù người dân có múc bao nhiêu thì nước trong giếng vẫn đầy.
Theo giai thoại dân gian, khi chạy trốn sự truy sát của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh từng dừng chân trú ẩn tại Vũng Tàu. Lúc bấy giờ, nơi đây đất đai hoang vu, địa thế hiểm trở, dân cư thưa thớt. Ông và đoàn quân tiến lên sườn núi Lớn nằm cạnh bờ biển để ẩn náu trong rừng rậm. Tuy nhiên, xung quanh bốn bề là biển, lúc đó lại đang vào mùa nắng, nước suối trên núi khô cạn, đoàn quân không tìm được nguồn nước ngọt.
Trong lúc tưởng chừng tuyệt vọng, ông rút gươm báu chỉ lên trời và khấn rằng nếu mình còn mệnh thiên tử thì xin trời hãy ban nước ngọt để nuôi quân lính. Dứt lời, ông cắm gươm xuống một khe đá, chốc lát bỗng có dòng nước chảy ra. Quân lính uống thử nước ấy thì nhận ra đó là nước ngọt, mọi người bèn cùng nhau đào sâu xuống để mở rộng dòng nước. Sau thời khắc đó, đoàn quân có đủ nước dùng trong thời gian trú đóng tại đây.
Năm 1965, các hội viên chi bộ Kiêm Ái của Hội Thông thiên học Việt Nam đến khu vực Bãi Dâu để tìm đất xây dựng một trung tâm tu học (đến năm 1967 thì hoàn thành với tên gọi là Thanh Tâm đạo viện). Trong quá trình kiếm tìm, họ đã cùng nhau tu bổ giếng nước cổ nhằm góp phần bảo tồn di tích của tiền nhân. Ngày nay, thành giếng được xây xi măng và miệng giếng được đậy lại để giữ vệ sinh cho nguồn nước.
Với niềm tin về sự linh thiêng của giếng vua, đông đảo người dân từ nhiều nơi thường về đây cúng viếng và xin một ít nước mang về nhà. Trước, mỗi người thường tùy ý ra giếng múc nước, gây nên cảnh lộn xộn. Để giữ sự tôn nghiêm cho di tích, những người có trách nhiệm đã múc nước sẵn vào các chai nhựa và đặt trong miếu Bà Ngũ Hành, để khách thập phương nếu có nhu cầu thì xin về.
Thâm trầm ngôi cổ miếu
Nằm bên cạnh giếng vua Gia Long là miếu Bà Ngũ Hành, ra đời khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Nguồn gốc ra đời ngôi miếu được dân gian truyền tụng qua nhiều lời kể khác nhau. Có người cho rằng, những ngư dân nơi đây đã lập ngôi miếu nhỏ thờ Bà Ngũ Hành để cầu mong bình an trên đường mưu sinh. Cũng có người kể, một tiều phu lên núi đốn củi tình cờ phát hiện bức tranh kiếng (kính) Ngũ Hành Nương Nương, bèn lập miếu thờ.
Bà Trần Thị Vân (65 tuổi) thường xuyên đến miếu cầu phúc, bình an cho gia đình
Dân gian còn kể thêm, khi xưa, người dân lúc đi rừng thường dừng chân ở miếu này để nghỉ mát, thỉnh thoảng nhìn thấy cặp rắn khổng lồ nhưng chúng không làm hại ai, nếu họ van vái một lúc thì chúng đi mất. Năm 1935, một người địa phương là ông Hai Thiệu đã trùng tu lại ngôi miếu và giếng cổ bên cạnh. Năm 1968, Ban Quản trị Thanh Tâm đạo viện của Hội Thông thiên học đã đứng ra vận động xây cất lại ngôi miếu.
Ngày nay, miếu dù có diện tích nhỏ nhưng được bài trí trang nghiêm, ấm cúng. Nhìn từ trong ra, sát vách trong cùng là bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương ở giữa, bàn thờ Ông Thiên Thần bên phải, bàn thờ Ông Chúa Chằn Râu bên trái. Đây là cấu trúc thờ tự từ xa xưa của miếu. Phía trước miếu có tượng Quán Thế Âm Bồ tát, được thờ tự từ sau lần trùng tu năm 1968. Ngoài sân miếu có bàn thờ Ông Thiên và am thờ Thổ Địa – Thần Tài.
Phía sau miếu có hai am thờ được đặt trên chỏm đá cao, mỗi am có diện tích khá lớn, thờ tự nhiều đối tượng đa dạng trong tín ngưỡng dân gian. Nhìn từ ngoài vào, am bên trái thờ Sơn Thần, Thành Hoàng, Lầu Cậu, Lầu Cô. Am bên phải thờ Tiền Vãng (tượng trưng bằng tranh vua Gia Long), Hậu Vãng (tượng trưng bằng tranh Cửu Huyền Thất Tổ). Bên dưới hai am lớn còn có am nhỏ thờ Ngũ Hổ Chư Thần và xa hơn một chút là bệ thờ Ông Tà.
Ngũ hành là một học thuyết của Trung Hoa cổ đại, chỉ trạng thái vận động của năm nguyên tố cơ bản là thổ (đất), kim (kim loại), mộc (gỗ), hỏa (lửa), thủy (nước). Qua quá trình tiếp biến văn hóa Việt – Hoa tại Việt Nam, ngũ hành đã được thiêng hóa thành tín ngưỡng, với năm vị nữ thần gọi là Ngũ Hành Nương Nương. Năm vị ấy lần lượt có danh hiệu là Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi.
Hằng năm, lễ Vía Bà Ngũ Hành ở Bãi Dâu được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch. Lễ diễn ra trang nghiêm với cách nghi thức theo cổ lệ ở Nam Bộ. Trong dịp này, miếu có tổ chức biểu diễn hát múa bóng rỗi đặc sắc. Người dân các nơi tìm đến Ngũ Hành Nương Nương mang theo những ước mơ tốt đẹp cho bản thân và gia đình như sức khỏe, sự nghiệp, may mắn.
Tác giả: Vĩnh Thông
Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)