Vũ Thị Huyền Trang là cây bút trẻ, khá thành công trong thể loại truyện ngắn những năm gần đây. Các tác phẩm của chị luôn thể hiện cái nhìn đồng cảm đối với những số phận bất hạnh trong cuộc sống. Trong đó, mảng truyện ngắn viết về đề tài hôn nhân, gia đình được đánh giá là thành công hơn cả. Truyện của chị đôi khi chỉ là những lát cắt vụn vặt trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, tất cả những tình huống mà con người có thể dễ dàng chứng kiến ở bên ngoài xã hội. Song, Huyền Trang lại khéo léo tái tạo, nhào nặn nên một thế giới nghệ thuật gần gũi, mang đậm triết lý nhân sinh.
Bi kịch gia đình, những đứa trẻ thiếu vắng tình yêu thương
Vấn đề gia đình trong truyện ngắn của Huyền Trang được soi rọi dưới nhiều góc độ, không đơn thuần chỉ là tâm tư, trăn trở của những người trưởng thành, chị còn tái hiện những xung đột gia đình dưới nhận thức của những đứa trẻ thiếu may mắn, sống trong một gia đình bất hạnh, những đứa con mồ côi cha, mẹ… Trong mỗi mẩu chuyện của mình, chị luôn thể hiện một quan điểm vững vàng: gia đình là chiếc nôi đầu tiên hình thành nên nhận thức, nhân phẩm của con người, nó có vai trò, tầm ảnh hưởng vĩ mô đến sự hình thành kỹ năng sống của trẻ trước khi trẻ bước vào xã hội. Việc nắm bắt, tái hiện một cách sinh động những chuyển biến tâm lý, thái độ e dè, nhút nhát, ngại giao tiếp của trẻ thiếu vắng tình thương khi còn nhỏ, sự nổi loạn của trẻ ở tuổi dậy thì khi chứng kiến cảnh ngoại tình của cha mẹ, đã cho thấy sự tìm tòi, nghiên cứu nghiêm túc của tác giả. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang nhận được sự quan tâm, yêu mến của độc giả ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Tác giả tái hiện chân thực cảm xúc của Chuông Miên, một đứa trẻ ngoài giá thú trong Chúng ta sẽ cùng trồng hoa. Chuông Miên lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu thương, dỗ dành của bố. Cô bé cứ lầm lũi ngày ngày đếm những bước chân, mong chờ từng ngày bố trở về như lời đã hứa “khi nào con đếm được phải ướm bao nhiêu dấu chân thì chật kín khu vườn, khi ấy bố sẽ trở về” (1). Tự kỷ là hệ quả của những ngày tháng nhớ mong vô vọng ấy. Đôi khi, Vũ Thị Huyền Trang hóa thân thành nhân vật để tự sự về chính tấn bi kịch gia đình của mình. Tiếng lục lạc và vết sẹo thứ mười bảy là lời tự sự của đứa con bị cô lập khi bố mẹ chúng đã không còn mặn nồng với nhau nữa. Gia đình của nó trước kia đã từng là một mái ấm hạnh phúc với 4 thành viên (bố, mẹ, nó, bé Bông) cùng với bà vú em. Cuộc sống vẫn tưởng sẽ mãi tiếp tục êm đềm như thế thì một cơn sóng gió đổ ập vào gia đình nó. Bé Bông bất ngờ qua đời, mang luôn cả niềm vui hạnh phúc của gia đình bé nhỏ. 16 lần, nó dùng dao lam rạch lên cánh tay mình khi nó nhìn thấy bố bước ra từ nhà nghỉ cùng với người con gái khác. “Trên tay có 16 vết sẹo. 16 người đàn bà bố đã nắm tay đi qua trước mặt nó mỗi ngày. 16 lần người giúp việc phải kỳ cọ đến cóng đơ cả tay trên cầu thang có treo hoa trắng” (2). Để rồi vết sẹo thứ 17 xuất hiện, khi nó nhìn thấy chính mẹ nó dẫn một người đàn ông khác về nhà. Lần này, vết rạch bằng dao lam không còn đủ sức xua đi nỗi đau trong tâm hồn nó. Chính sự nhỏ nhen, hẹp hòi của người lớn đã lấn át đi tình yêu máu mủ dành cho con của mình.
Ở một góc nhìn khác, Vũ Thị Huyền Trang tái hiện lại một bi kịch nhẹ nhàng, thấm thía khi cả hai thế hệ sống dưới cùng một mái ấm lại thiếu sự san sẻ, đồng cảm. Trong Xuống núi, tác giả phác họa nỗi đau của một đứa trẻ sinh ra không như niềm hy vọng của bố mẹ, đó là một đứa con thêm do bị vỡ kế hoạch. Đứa bé ấy sinh ra lành lặn, xinh đẹp, nhưng lại bị dị tật về tình cảm. Dường như trong tâm khảm của nó không lúc nào nguôi ngoai nỗi ám ảnh, hoài nghi về tình cảm của cha mẹ dành cho mình. Cô dành tình cảm cho mẹ rất nhiều, nhưng điều đó chỉ khiến cho cô càng dễ bị thương tổn trước những hành động, lời lẽ của mẹ dành cho cô. “Đôi khi chỉ là một hành động rất nhỏ của mẹ cũng đủ làm tôi đau đớn hơn quất lằn da thịt” (3). Tác phẩm kết thúc đầy bi kịch cho một gia đình trí thức, nhưng liệu rằng, đứa trẻ được sinh ra không như mong muốn ấy đáng trách, hay chính những bậc cha mẹ với những hành động vô tình của họ mới đáng bị lên án. Mấu chốt của tấn bi kịch đó chính là sự thiếu chia sẻ tình cảm, ưu tư của những con người thuộc hai thế hệ khác nhau trong một mái nhà.
Gánh nặng áo cơm, thách thức muôn thuở của hạnh phúc gia đình
Tình yêu là yếu tố cần nhưng không đủ để duy trì hòa khí, hạnh phúc của gia đình. Vũ Thị Huyền Trang đã phản ánh sự đổi thay đó trong các tác phẩm của mình. Đặc biệt là sự thiếu thốn vật chất, gánh nặng gia đình đã bào mòn tình cảm gắn bó giữa vợ chồng.
Ở Lối thoát, Vũ Thị Huyền Trang tái hiện tấn bi kịch của chị Hạnh, người phụ nữ ngoan hiền, nết na. Nhà nghèo, lấy chồng từ năm 19 tuổi, chị nào dám mơ đến cuộc sống giàu sang sung túc, chỉ mong thuận vợ thuận chồng êm ấm làm ăn, con cái lớn khôn nên người. Thế nhưng, cuộc sống vốn thích trêu ngươi con người, một năm sau khi cưới, Hạnh rơi vào tuyệt vọng: con cái đau ốm dai dẳng, công việc làm thợ hồ lại lắm bấp bênh khiến cho Hưng, chồng chị, trở thành kẻ bê tha, rượu chè. Cái mái ấm nho nhỏ của Hạnh bây giờ oằn xuống bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền, bởi những trận đòn roi do bệnh ghen vô cớ của chồng. Đó là một thực trạng đau lòng của những con người sống trong thời buổi hiện đại. Những giá trị tiền tài, vật chất dường như chi phối hoàn toàn cuộc sống con người. Một kết thúc là sự ra đi có lẽ là một lối thoát để kết thúc bi kịch gia đình.
Nỗi bất hạnh vì gánh nặng cơm áo gạo tiền không chỉ làm đứt quãng mối quan hệ vợ chồng, mà nó còn hủy hoại cả cuộc đời của những đứa con vốn xuất thân từ gia đình nghèo khó. Cái nghèo, cái đói luôn vây hãm cuộc đời của con người, nhất là khi trụ cột gia đình oằn nặng trên vai của người phụ nữ như ở Gái lỡ thì, kể về câu chuyện của người chị cả thông qua đôi mắt của người em út trong gia đình. Bố mất từ nhỏ, gia đình lại đông anh em, chị cả phải nghỉ học đi làm từ rất sớm, để giúp mẹ nuôi đàn em ăn học đến nơi đến chốn. Cho đến khi những đứa em trưởng thành, chị đã trở thành gái lỡ thì. Khi cái thanh xuân của người con gái hun hút bỏ lại phía sau, cũng là lúc chị đối mặt với bi kịch mới. Chị nằm bệnh suốt một tháng liền, chịu đau đớn về thể xác. Người con gái lỡ thì ấy cuối cùng đã chết đi trong đau đớn khi chưa một lần được khoác lên mình chiếc áo cưới…
Cam chịu, nhẫn nhịn không còn là giải pháp của hạnh phúc gia đình
Sống trong một xã hội năng động, phát triển, không ít lần Vũ Thị Huyền Trang quán chiếu những giá trị truyền thống vào hiện tại. Sự bình đẳng giới được thừa nhận, dù vậy, những dư âm của quan niệm cổ hủ coi rẻ người phụ nữ vẫn còn sót lại. Đứng trên phương diện nữ quyền, chị đã cất lên tiếng nói về khao khát được hạnh phúc của người phụ nữ trong gia đình. Họ là một nhân tố quan trọng giữ vai trò nền tảng để giữ vững hòa khí của gia đình. Tác giả đã quan sát, mô tả tinh tế mối quan hệ biện chứng giữa người phụ nữ trong xã hội và trong gia đình để nêu bật lên những áp lực, vất vả mà họ phải gánh chịu. Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn, hay thậm chí là những khoảng thời gian lạc lối. Nhưng quan trọng hơn hết, đó là nghĩa vợ tình chồng luôn phải biết thứ tha cho những sai lầm của nhau. Sự vị tha trong mối quan hệ vợ chồng giữ vị trí quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình. Đặc biệt là người phụ nữ. Để hòa thuận, người vợ sẵn sàng nín nhịn, chịu đựng, vì vậy, người ta quên mất quyền lợi của người phụ nữ. Cuối cùng, họ phải sống trong tủi nhục, nín nhịn, hy vọng mong manh về một hạnh phúc xa tầm với.
Người điên tái hiện một câu chuyện bi kịch, đắng đót hơn về số phận của người phụ nữ thủy chung, cam chịu nhưng lại không được hưởng hạnh phúc. Anh và chị lấy nhau cùng xây một tổ ấm bên cạnh sân ga. Căn nhà quá rộng, lúc bắt đầu xây dựng nên nó, chị lại quên mất rằng anh vốn dĩ rất thường xuyên thực hiện những chuyến đi xa. Ước mơ của người phụ nữ ấy đơn thuần chỉ là một hạnh phúc nho nhỏ, bên mâm cơm nóng hổi hằng ngày chờ đợi chồng về đoàn tụ trong nỗi yêu thương. Thế nhưng, người đàn bà thơ dại ấy nào ngờ, ngày tổ ấm trong mơ của chị thành hiện thực, cũng là lúc anh đi xa biền biệt. Anh không còn thấu hiểu cho cảm giác cô đơn, sự thiệt thòi mà chị phải chịu đựng hàng đêm, thay vào đó là sự lạnh nhạt, ghê tởm khi nhìn thấy chị treo những con búp bê ở khắp nơi.
Trong khi đó, Chuông chùa là một lời tâm tình của một người phụ nữ bất hạnh, sau bao nhiêu chịu đựng, nếm trải vị cay đắng của cuộc đời, cô trở về ẩn mình dưới sự thanh tịnh của mái chùa. Ngay từ nhỏ, cô đã là một đứa trẻ mồ côi, được các sư thày ở ngôi chùa cưu mang, nuôi nấng. Cả tuổi thơ của cô trôi qua một cách êm đềm dưới sự chở che của Phật, của tiếng chuông chùa vang vọng vào mỗi buổi chiều đem lại cho người ta cảm giác thanh tịnh. Thế nhưng, thế giới bên ngoài luôn khiến cô gái mới lớn tò mò, khao khát được khám phá, tìm hiểu. Nỗi khát vọng được bước vào một thế giới mới, ngoài cánh cửa của Phật với tiếng gõ mõ, tụng kinh hàng ngày của sư phụ, khiến cho cô quyết định lên đường rời chùa ra đi. Cô trở về với cuộc sống bon chen, xô bồ thường nhật, rồi gặp anh, một nhân viên kinh doanh cho một sàn giao dịch bất động sản. Hai người quấn quýt với nhau như đôi chim bồ câu đang nếm trải tháng ngày hạnh phúc. Cô và anh lấy nhau trước sự phản đối của gia đình, bởi đơn giản một điều dễ hiểu: cô là trẻ mồ côi, vốn dĩ giữa cô và anh luôn tồn tại một khoảng cách rất lớn về địa vị.
Những người phụ nữ trong Đợi ngâu, Ngoại tình, Nhan sắc… cũng phải gánh chịu một kết thúc không đáng có bởi sự nhẫn nhịn, cam chịu trước những đau thương mất mát. Có thể thấy, các tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang không những tái hiện lại chân thực cuộc sống, mà còn phảng phất chất triết lý, có chiều sâu suy tư. Nhà văn thấu hiểu được khát vọng hạnh phúc của con người dù họ rơi vào hoàn cảnh bất hạnh. Nhìn nhận sự tồn tại của cá thể trong xã hội, con người không những cần có quyền được sống, mà còn cần được hạnh phúc. Đôi khi, lựa chọn sống một cuộc sống thực sự, con người bắt buộc phải có sự đánh đổi. Thế nhưng, lựa chọn một cuộc sống cam chịu để đánh đổi lại hạnh phúc gia đình là một điều khiên cưỡng.
Viết về đề tài gia đình không phải là mới, song, Huyền Trang đã khéo léo tái hiện vấn đề thông qua sự quan sát tinh nhạy của mình. Bằng sự trải nghiệm tinh tế, vốn sống, sự nhạy cảm, Vũ Thị Huyền Trang đã đi vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn nhân vật để khắc lên những bức chân dung về mẫu người phụ nữ gia đình hiện đại. Họ xinh đẹp, thông minh, sắc sảo, nhưng cũng có những phẩm chất truyền thống như chịu thương, chịu khó, sắt son. Hầu hết các kết thúc, Vũ Thị Huyền Trang luôn cho nhân vật của mình chọn một con đường thoát khỏi cuộc sống đau khổ ở hiện tại. Chính những lúc đó, người đọc có thể cảm nhận được dưới ngòi bút của tác giả lấp lánh một tấm lòng nhân đạo sâu sắc.
_______________
1. Vũ Thị Huyền Trang, Chiều nay có một cuộc hẹn, Nxb Văn hóa văn nghệ, TP. HCM, 2017, tr.108.
2. Vũ Thị Huyền Trang, Chỉ cần nhắm chặt mắt, Nxb Văn học, 2013, tr.74.
3. Vũ Thị Huyền Trang, Ký ức miền quê, Nxb Quân đội nhân dân, 2014, tr.167.
Tác giả: Vũ Thị Lượng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay