Raglai là tộc người thiểu số theo thiết chế mẫu hệ, phân bố ở vùng miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ, chủ yếu ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, với hơn 122.245 người, chiếm 0,14% tổng dân số cả nước, là tộc người đông dân thứ hai sau người Việt ở Khánh Hòa. Người Raglai từ bao đời luôn xem hôn nhân là việc quan trọng, đại sự trong đời người, nền tảng của việc duy trì nòi giống, hạnh phúc gia đình. Họ có những tập tục, nghi lễ cưới hỏi mang nét đặc trưng riêng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa rực rỡ của dân tộc Raglai.
Quan niệm, nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Raglai
Lễ cưới của người Raglai là một trong những nghi lễ quan trọng thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời, diễn ra trước sự chứng kiến của gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Phong tục tiền hôn nhân
Cùng là những tộc người theo thiết chế mẫu hệ, nhưng nếu như con gái Ê đê từ 16 tuổi có thể tự lựa chọn người chồng tương lai, chủ động, tự do tìm hiểu các chàng trai trong hay ngoài buôn thì con gái Raglai lại không được phép. Theo luật tục Raglai, người con gái phải để chàng trai chủ động, nếu bày tỏ tình yêu trước sẽ bị xem là không thùy mị, nết na, bị xóm làng chê cười, coi là hư thân mất nết. Người con gái phải chăm chỉ, siêng năng, giỏi việc nương rẫy, quán xuyến việc nhà; khi được các trai đem lòng yêu mến thì mới được phép chọn người ngủ thảo.
Ngủ thảo là tục lệ chỉ dành cho các chàng trai, cô gái chưa lập gia đình, không chỉ diễn ra một vài đêm mà có thể kéo dài từ khi đôi trai gái quyết định tìm hiểu nhau cho tới ngày cưới. Các đêm ngủ thảo sẽ giúp cho đôi bạn trẻ tâm tình để thấu hiểu nhau, nuôi dưỡng tình yêu bền chặt, nếu tiến tới hôn nhân, vợ chồng sẽ có cuộc sống hòa thuận hơn. Tục lệ này còn là sự thử thách bản thân cũng như sự tôn trọng nhau của đôi bạn trẻ. Bởi, đôi trai gái được ngủ thảo để tâm tình nhưng không được đi quá giới hạn, nếu không sẽ bị nộp phạt cho làng một con heo, một ché rượu, hai gia đình phải làm lễ cắt lúi, cúi đầu tạ tội trước ông bà tổ tiên vì đã làm xấu mặt dòng họ, làng xóm, không được tổ chức cưới trang trọng.
Trong quá trình ngủ thảo, nếu đôi trai gái cảm thấy thực sự không thể sống thiếu nhau sẽ xin hai bên gia đình cho phép tiến tới hôn nhân. Ngược lại nếu không ưng thuận nhau thì chia tay trong êm đẹp, không oán thán giận hờn hay ghét bỏ nhau. Sau khi gia đình hai bên đồng ý cho đôi bạn trẻ tiến tới hôn nhân thì nhà trai tìm ông mai, bà mối, là những người đứng tuổi, am hiểu phong tục tập quán, hiểu biết sâu rộng, nói năng hoạt bát để sang nhà gái tiến hành lễ hỏi.
Lễ ăn hỏi
Mặc dù dân tộc Raglai theo thiết chế mẫu hệ nhưng con trai vẫn là người chủ động trong hôn nhân từ việc chọn đối tượng bạn đời cho đến việc đi hỏi vợ, vì vậy nhà trai phải qua nhà gái trước. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai (gồm chàng trai, ông mai, bà mối, cô em gái) mang lễ vật, thường là một xấp lá trầu xanh, một chùm trái cau tơ, sang nhà gái. Đây là buổi đầu gặp gỡ chủ yếu là tìm hiểu hoàn cảnh, dạm hỏi ý tứ gia đình hai bên. Sau đó nhà gái rót ra 4 bát rượu cần, làm 4 con gà, đặt trên một cái mâm mời 4 người bên nhà trai.
Sau lễ ăn hỏi, trong khoảng thời gian chưa tổ chức lễ cưới (không hạn định, có thể là 1, 2 hay 3 năm), đôi trai gái tiếp tục tìm hiểu, thường xuyên qua lại để giúp các công việc phát nương, cày ruộng, cấy hái…, hai bên gia đình cũng qua lại nhà nhau bằng lễ đưa bầu rượu.
Lễ đưa bầu rượu
Để thực hiện lễ này thì nhà gái (gồm 4 ông mai, 1 cô gái mang lễ vật trầu cau, thuốc lá, cô dâu tương lai) đến nhà trai. Nhà trai sẽ làm 3 con gà, chuẩn bị 3 ché rượu để đón nhà gái. Trong bữa ăn, cô dâu tương lai sẽ rót rượu mời bố mẹ chồng, sau đó hai bên rót rượu mời nhau, cùng ăn uống, bàn việc hôn nhân. Để tiến tới lễ cưới, nhà trai còn qua nhà gái để hai bên chính thức bàn chuyện cưới xin, làm lễ trao đồ cho cô dâu tương lai.
Lễ trao đồ cho cô dâu tương lai
Sau khi đủ điều kiện để tổ chức lễ cưới, nhà trai gồm 4 người đến nhà gái, trao món đồ cho cô dâu tương lai, đưa lễ vật chính thức, bàn chuyện chuẩn bị cho lễ cưới. Lễ này được xem trọng vì hai bên xác định thời gian, hình thức tổ chức đám cưới. Khi hai bên quyết định tiến tới hôn nhân, nhà gái bày mâm cúng cho nhà trai khấn vái ông bà, chúa xứ sở thần hồn. Sau đó, chàng trai sẽ trao lễ vật, ngoài trầu cau, còn có thêm vòng tay (bằng đồng hay bạc), cuộn dây cườm màu trắng, xanh hoặc đen (tuyệt đối không mang dây cườm màu đỏ). Nếu gia đình nhà trai khá giả còn có thêm khăn, áo, vải vóc, cô gái sẽ nhận vật làm tin từ người yêu.
Chàng trai còn trao cho người yêu cái túi đựng trầu, cô gái đón nhận, têm ba mươi bảy miếng trầu, bổ ba mươi bảy miếng cau, cho vào túi, trao lại cho chàng trai. Đây là dịp để cô gái thể hiện sự khéo léo và tình cảm của mình. Không chỉ trao vật làm tin, trong lễ này, hai bên gia đình có thể tùy tình hình mà quyết định hình thức cưới trang trọng hay cưới phạt.
Trong thời gian chờ lễ cưới, nếu một trong hai bên không muốn tiếp tục tiến tới hôn nhân thì tổ chức trả của, chịu phạt, bị cộng đồng lên án. Nếu chàng trai không cưới sẽ mất toàn bộ lễ vật đưa sang nhà cô gái, chịu phạt theo luật tục; nếu người con gái phá bỏ hôn ước thì chịu phạt lớn hơn, bị cộng đồng lên án gay gắt hơn.
Lễ cưới
Lễ cưới của người Raglai được tổ chức ở cả nhà trai, nhà gái (nhà trai tổ chức ngày thứ nhất vào ngày lẻ, nhà gái tổ chức ngày thứ hai vào ngày chẵn). Khi thực hiện nghi thức cưới ở nhà trai xong, sang ngày thứ hai nhà trai xuất phát tới nhà gái từ sáng sớm, trước khi đi, họ mang ná ra bắn một mũi tên về phía đông, một mũi tên về phía tây. Sau đó nung đỏ mũi giáo, mũi lao, dội nước lạnh vào với ý nghĩa cầu mong cho chàng trai săn bắn, làm ăn giỏi, cuộc sống vợ chồng đầy đủ, sung túc.
Khi sang nhà gái, tùy điều kiện kinh tế từng gia đình mà họ mang theo lễ vật nhiều hay ít. Tuy nhiên, lễ vật bắt buộc trong đám cưới truyền thống bao gồm: 1 cây ná, 1 ống mũi tên, 1 mũi lao, 1 mũi giáo, 4 con dao.
Khi chàng rể tới nhà vợ phải rửa sạch tay chân tại chân cầu thang, sau đó lên nhà, tới ngồi cùng cô dâu đã đợi sẵn. Trong khi mọi người mời nhau miếng cau trầu lộc hay điếu thuốc thì cô dâu, chú rể thực hiện nghi lễ cúng ông bà tổ tiên, mời ông bà về chứng giám cho lễ thành hôn của hai người, cho phép chú rể đeo chuỗi hạt cườm, vòng tay cho cô dâu. Một điều đặc biệt là mâm cúng ông bà tổ tiên của cô dâu, chú rể phải có gà luộc nguyên con, 2 bát cơm với ý nghĩa có bát ăn bát để, cầu mong ông bà phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ thuận hòa, làm ăn gặp nhiều may mắn. Cúng xong họ xem bói lưỡi gà, rồi cô dâu, chú rể rót rượu mời nhau.
Tiếp theo là đưa các vật lễ vào cúng cầu mong mùa màng tốt tươi, ngô, lúa đầy kho, vợ chồng hòa thuận, yêu thương nhau trọn đời. Vật cúng bao gồm 1 mũi giáo, 1 mũi lao, 1 cây dao nhọn, 1 con dao to có 8 khâu dùng để làm thịt lợn. Vật lễ còn lại lúc nhà trai mang sang gồm cây ná, ống tên, 3 con dao sẽ để lại trong gùi để người em gái mang về nhà làm kỷ niệm.
Sau nghi lễ cúng ông bà tổ tiên, cô dâu chú rể bốc cơm, thịt mời nhau. Trước khi bốc cơm, thịt thì cô dâu, chú rể phải rửa tay trong một tô nước lạnh để ngay cạnh mâm, mỗi lần bốc là một lần rửa tay. Bát cơm được xới đầy, chú rể bốc cơm phần dưới, xé thịt mời cô dâu, cô dâu bốc cơm phần ngọn, xé thịt mời chú rể. Cơm được bốc tới đâu, bà tiếp cơm sẽ bổ sung ngay phần đấy làm cho bát cơm luôn đầy ngọn, không vơi cạn để cầu mong cuộc sống gia đình luôn đủ đầy. Khi chú rể mời cô dâu được 7 miếng, cô dâu mời chú rể 6 miếng thì bà tiếp cơm dùng vải trắng, sạch, đậy kín bát cơm lại. Tục lệ vợ chồng mời cơm nhau là một lời nhắc nhở phải luôn yêu thương, chăm sóc nhau, giữ tình cảm thủy chung son sắt. Việc dùng tay để bốc cơm là thể hiện sự gắn kết con người với cây lúa, cầu mong cây lúa nặng hạt để thóc đầy kho, cơm đầy nồi.
Sau đó, nhà gái sẽ dọn mâm cỗ để mọi người cùng ăn uống, chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Đây cũng là dịp để người Raglai đánh mã la, hát hò, vui chơi. Sáng hôm sau, nhà gái tổ chức bữa cơm thịnh soạn mời nhà trai thưởng thức rượu, đầu lợn, tiễn nhà trai, đồng thời gửi kèm theo rượu, thịt lợn để nhà trai về mời mọi người ăn uống.
Cưới phạt
Người Raglai rất xem trọng trinh tiết vì thế rất kiêng kỵ việc đôi trẻ ăn cơm trước kẻng. Theo quan niệm của họ, đây là việc làm ô uế tới ông bà, tổ tiên, xúc phạm tới ông chúa coi giữ sự trong trắng, bà chúa coi giữ sự trinh bạch, là thần hồn của bắp lúa, khiến mùa màng thất bát. Do đó để trừng phạt đôi trai gái, luật tục Raglai quy định đôi trai gái phải làm lễ tẩy rửa sạch mọi ô uế hay tắm gội sạch mọi dơ bẩn để cầu xin thần linh, tổ tiên ông bà không trừng phạt. Nước để tẩy rửa là nước mối thiêng. Trước khi hành lễ, người chủ lễ sẽ lấy đất trong ổ mối hòa với nước sạch, gạn lấy nước trong, cho vào chén đồng, rồi vừa làm nghi lễ cầu khấn, vừa lấy nước vẩy lên đầu, xoa lên người có tội. Đồng thời đám cưới của họ chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình, dưới hình thức tạ tội tổ tiên, ông bà cha mẹ, họ hàng mà không được mời khách khứa, bạn bè hay tổ chức các cuộc vui.
Lễ đưa cử về nhà chồng
Sau ngày cưới, bố mẹ cô dâu, đôi vợ chồng trẻ sẽ qua nhà chú rể để thăm thông gia, làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên. Lễ này của người Raglai tại Khánh Hòa không thống nhất, có thể là 3, 7, 10 ngày hay có khi là một tháng sau khi cưới. Lễ vật mang theo gồm 1 con gà, 1 ché hoặc 1 bầu rượu để vợ chồng bày cúng gia tiên, người chồng xin phép ông bà tổ tiên, cha mẹ mình từ nay về làm con rể nhà khác, cầu mong tổ tiên phù hộ. Đồng thời, nhà trai cũng tùy vào điều kiện kinh tế mà đáp lễ bằng tặng phẩm như: lợn, trâu, bò, gùi, nồi, bát… Sáng hôm sau, nhà trai tiễn ông bà thông gia, vợ chồng con trai ra về, người con trai sẽ ở rể bên nhà vợ. Từ đây hai bên thông gia luôn gần gũi, giúp đỡ nhau.
Biến đổi trong hôn nhân của người Raglai tại Khánh Hòa
Quan niệm, phong tục trong hôn nhân hiện nay
Một trong những điều thay đổi rõ nhất là tục ngủ thảo, được xem là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong hôn nhân truyền thống. Nó giúp hai người hiểu nhau hơn, là sự tôn trọng dành cho nhau, là điều kiện thử thách bản thân của đôi trai gái trong độ tuổi xuân thì. Tuy nhiên hiện nay tục này không còn, bởi nhiều đôi trai gái ngày nay có những hành vi buông thả trước hôn nhân, làm cho tục lệ này không còn giữ được những giá trị tốt đẹp vốn có. Phong tục cô gái têm trầu, bổ cau trao cho chàng trai trong lễ trao vòng cũng đã mất đi.
Không chỉ có phong tục mà quan niệm trong hôn nhân cũng có nhiều thay đổi. Trước đây, khi chưa có hoặc khi luật hôn nhân, gia đình chưa đi vào cuộc sống, nhận thức của đồng bào về độ tuổi hợp lý để kết hôn còn nhiều hạn chế nên thường các đôi trai gái thành lập gia đình khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhưng hiện nay, do quy định của luật pháp, nên cho dù hai bên gia đình thực thực hiện đầy đủ các nghi lễ cưới xin nhưng cô dâu chú rể chưa đến tuổi kết hôn thì vẫn chưa được công nhận về mặt luật pháp. Đồng thời nhận thức của thanh niên nói chung hiện nay là không muốn lập gia đình sớm nên độ tuổi kết hôn không chỉ là 18 – 20 mà trên 20 rất nhiều.
Đồng thời chúng ta cũng dễ nhận ra sự biến đổi trong quan niệm tiền hôn nhân. Nếu trước đây người con gái Raglai không được phép tìm hiểu hay thổ lộ tình cảm của mình với người con trai trước, nhưng hiện nay vấn đề này không còn quá quan trọng, nhiều cô gái mạnh bạo hơn có thể nói lời yêu thương trước với chàng trai mình yêu.
Mặt khác, trong hôn nhân truyền thống, quan niệm nổi bật của người Raglai là chỉ kết hôn với người cùng tộc, cho rằng vợ chồng cùng tộc thì gia đình ấm êm, hạnh phúc hơn bởi cùng chung phong tục, tập quán, tiếng nói nên dễ thông cảm, hiểu nhau hơn. Nhưng ngày nay, xu hướng mở cửa đã tạo điều kiện để họ gặp gỡ, giao lưu với nhiều người thuộc các dân tộc khác nên xu hướng kết hôn với người khác tộc ngày càng nhiều. Đối với kết hôn khác tộc, thông thường các lễ vật, nghi lễ trong đám cưới sẽ có sự kết hợp phong tục của cả hai tộc người. Trường hợp cô dâu người Raglai lấy chú rể thuộc dân tộc phụ hệ, nếu chồng không ở rể thì sau đám cưới cô dâu phải về ở nhà chồng, sống theo phong tục nhà chồng. Ngược lại chú rể Raglai lấy vợ thuộc dân tộc phụ hệ thì cô dâu sẽ về ở nhà chú rể.
Nghi lễ cưới hỏi
Trong hôn nhân truyền thống, các nghi lễ cưới được thực hiện tuần tự từng bước. Tuy nhiên, hiện nay có xu hướng kết hợp các lễ, dồn lễ ăn hỏi, lễ trao vòng làm một gọi là chạm ngõ trao vòng hay là việc dạm hỏi trao của làm chứng tình yêu. Việc gộp một số lễ đã cắt giảm được phần nào thủ tục cưới xin rườm rà, đỡ tốn kém cho hai bên, đồng thời phù hợp đối với những gia đình trai, gái ở xa, đi lại khó khăn.
Trong lễ cưới truyền thống, quà mừng mà đôi vợ chồng trẻ nhận được thường là hiện vật như rượu, gạo, trứng gà hoặc vật nuôi trong gia đình. Còn đám cưới ngày nay, mọi người đều có quà mừng được quy thành tiền mặt. Của hồi môn, việc sắm sửa cho con cái khi lập gia đình không còn là những vật dụng tự sản xuất hay những tặng phẩm đơn giản mà thay vào đó là vàng, tủ, giường gỗ… Điều này là một gánh nặng cho nhiều gia đình khi con cái đến tuổi kết hôn.
Trước đây người Raglai chỉ tổ chức vào tháng giêng, tháng mười, tháng mười một âm lịch. Nhưng hiện nay, lễ cưới được tổ chức quanh năm, miễn là không rơi vào những ngày kiêng cữ của gia đình, dòng họ. Và thời gian tổ chức đám cưới cũng được rút ngắn lại, không kéo dài 2 – 3 ngày như trước.
Nếu như trong đám cưới trước đây, mã la, akhat cadam, a lơu là những làn điệu được chơi thâu đêm, suốt sáng thì ngày nay đã giảm. Bởi nhiều bạn trẻ không biết chơi mã la, cũng không mặn mà với những làn điệu dân ca ngọt ngào của dân tộc. Thay vào đó, họ thuê dàn nhạc sống, hát những bài hát thịnh hành của giới trẻ. Do thời gian tổ chức đám cưới được rút ngắn lại, nên nếu có chơi mã la, hát dân ca thì cũng gói gọn trong một buổi không kéo dài cả ngày, cả đêm như trước.
Một yếu tố có sự biến đổi rõ nét giữa đám cưới truyền thống với hiện đại của người Raglai chính là các món ăn trong ngày cưới. Nếu trước đây, mâm cỗ thường đơn giản, chủ yếu là các món ăn chế biến từ thịt lợn, thịt gà, cơm, một số loại bánh truyền thống từ gạo, ngô thì mâm cỗ cưới ngày nay đa dạng hơn, thường có thêm thịt bò, tôm, mực…, được bày biện đẹp mắt. Trong đám cưới truyền thống chỉ có rượu cần (gia đình có thể chuẩn bị tới 20 – 30 ché rượu cần), thêm ít rượu gạo, nhưng hiện nay không chỉ có rượu cần mà còn có bia, nước ngọt.
Trong hôn nhân truyền thống, vợ chồng cưới xong ở chung với bố mẹ vợ. Người con gái lấy chồng về để nhờ, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình, thay bố vợ chăm sóc gia đình bên vợ. Nhưng trong gia đình dân tộc Raglai hiện đại thường chỉ có hai thế hệ, con gái sau ngày cưới bố mẹ thường cho ra ở riêng bên cạnh nhà hoặc ở một khu đất mới.
Như vậy, giữa hôn nhân truyền thống với hôn nhân hiện nay của dân tộc Raglai đã có một số biến đổi. Trong đó có những yếu tố biến đổi thể hiện tính tính cực, phù hợp với điều kiện mới. Điều này được thể hiện trong quan niệm, nhận thức về hôn nhân có sự tiến bộ, việc cắt giảm hay gộp một số lễ để thủ tục cưới xin bớt rườm rà gây tốn kém cho hai bên gia đình.
Tuy nhiên trong quá trình biến đổi, hôn nhân của người Raglai đã mất đi ít nhiều giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của mình. Một số phong tục, quan niệm, giá trị văn hóa tốt đẹp đã mất đi hoặc bị mai một dần. Điều này thực sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc làm cha mẹ cần quan tâm, giáo dục con cái có lối sống lành mạnh trước hôn nhân, thực hiện lời khuyên răn của cha ông để lại.
Dưới sự tác động của nhiều yếu tố, sự đổi thay của điều kiện môi trường sống, hôn nhân của dân tộc Raglai chắc chắn còn có những biến đổi. Tuy nhiên, nhờ sự giáo dục của ông cha, bằng tình yêu, niềm tự hào văn hóa dân tộc, các thế hệ con em Raglai đã biết tiếp thu những gì tích cực, biết giữ lại những nét đẹp, giá trị văn hóa tiêu biểu của mình trong hôn nhân.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ NGA
Bài viết cùng chủ đề:
Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp
Đám cưới của người tày ở xã tô hiệu, bình gia, lạng sơn
Tập quán và nghi lễ sinh đẻ của người việt tổ dân phố nhân mỹ, phường mỹ đình 1, nam từ liêm, hà nội