Trải qua nhiều năm phát triển du lịch, văn hóa của cộng đồng người Thái ở Hòa Bình có nhiều biến đổi, đặc biệt là những thành tố văn hóa vật chất. Làm rõ được thực trạng biến đổi văn hóa từ đó nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch là vấn đề cần được quan tâm.
1. Biến đổi kiến trúc nhà sàn
Ngày nay, cùng với sự phát triển hoạt động du lịch, những ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái ngày càng hiếm và có nhiều biến đổi về kiến trúc. Kiểu nhà phổ biến hiện nay là cột gỗ vuông, vách nhà, rui mè, kèo dọc, kèo ngang bằng gỗ xẻ, sàn bằng tre, mái nhà bằng ngói (hoặc xi măng, tôn màu). Hầu hết nhà sàn đều có hai cầu thang nhưng đa phần không còn làm hai trái nhà bên. Nhà sàn được nâng cao và sử dụng phần gầm sàn với nhiều chức năng đa dạng hơn: trước đây tầng trệt thường thấp khoảng dưới 2,4m để củi, nông sản, chăn nuôi trâu bò. Hiện nay chiều cao sàn được nâng lên, nhất là những ngôi nhà mới dựng từ 10 đến 15 năm trở lại đây, với chiều cao 2,5 – 2,7m, thậm chí có nhà cao hơn 3m. Cột nhà tuy vẫn là gỗ nhưng phần đế đã được làm bằng bê tông, cốt sắt.
Từ khi tham gia kinh doanh du lịch, người dân địa phương đã thay đổi tập quán không nuôi gia súc, gia cầm dưới sàn nhà. Gầm sàn được sử dụng làm không gian sinh hoạt chung, nơi đón tiếp, phục vụ ăn uống cho khách du lịch. Để tránh bụi, nhiều nhà dùng bạt nilon chăng dưới sàn gỗ hoặc chuyển sang làm sàn bằng bê tông đổ toàn khối. Có nhà phần gầm sàn được quây lại thành một số ngăn để làm bếp, vệ sinh, phòng ngủ, chỗ bán hàng.
Vật liệu làm nhà cũng có sự thay đổi. Bên cạnh những vật liệu mới như xi măng, gạch… các công trình vẫn sử dụng một số vật liệu truyền thống là tranh, tre, gỗ. Theo kết quả thống kê ở bản Lác có 112 ngôi nhà vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc, xây dựng truyền thống: 106/112 nhà (94,6%) cột gỗ, 101/112 (90,17%) làm sàn nhà bằng tre chẻ ghép phẳng, 51/112 (45,53%) mái nhà bằng cỏ tranh.
Đối với các gia đình không kinh doanh du lịch, họ chuyển sang sử dụng cột bê tông, mái tôn hoặc xi măng với giá thành rẻ, bền hơn so với những vật liệu cũ.
Đối với bản Pom Coọng, trong 73 gia đình thì có tới 70/73 ngôi nhà (95,89%) cột gỗ, 69/73 sàn nhà (94,52%) bằng tre, 11/73 mái nhà (51,06%) lợp bằng cỏ tranh.
Không gian và nội thất nhà sàn cũng thay đổi. Để thuận tiện cho việc phục vụ khách du lịch, không gian bên trong ngôi nhà của người Thái không còn có sự phân chia khu vực cho từng thành viên trong gia đình. Bàn ghế chủ yếu để dưới nhà sàn, nơi đón tiếp, ngồi uống nước, nói chuyện giữa khách và chủ nhà. Phía trên sàn chủ yếu được sử dụng làm nơi biểu diễn các hoạt động như múa, hát, ngủ… Trong nhà, người Thái vẫn treo sừng hươu, nai, hàm răng lợn rừng, đuôi cá lớn… để trang trí.
Trước đây, người Thái đặt hai bếp lửa trên sàn nhà, một bếp dành cho nam giới và khách, một bếp dành để nấu ăn và là nơi phụ nữ quây quần. Tuy nhiên, hiện nay số hộ gia đình sử dụng bếp lửa còn rất ít (18%), bếp vẫn được bố trí trên sàn nhưng chỉ để giới thiệu cho khách tham quan. Đa số các gia đình trong bản Lác, Pom Coọng chuyển sang sử dụng bếp ga, bếp điện, có nhà bếp riêng ở dưới sàn nhà… nhằm phục vụ kịp thời và không ảnh hưởng đến nơi ở, đi lại, sinh hoạt của du khách.
Trước đây, khung cửi dệt vải được đặt trên tầng cạnh cửa sổ. Hiện nay, do các hộ gia đình chuyển sang kinh doanh du lịch nên khung cửi được đặt ở dưới tầng một như mô hình để giới thiệu cho khách tham quan và biểu diễn khi khách có nhu cầu tìm hiểu.
Khu vệ sinh được xây theo kiểu mới, hiện đại, sạch sẽ. Phần lớn các hộ gia đình xây dựng những khu vệ sinh riêng biệt với nhiều thiết bị hiện đại như lavabo bồn rửa mặt, rửa tay, bệt vệ sinh, bình nóng lạnh… Để phục vụ du khách, các gia đình đã sử dụng nước máy, nước giếng khoan sạch sẽ. Ngoài ra, từng hộ gia đình thường xuyên tự vệ sinh nhà. Hàng tuần trong bản đều có ngày tổng vệ sinh chung. Dọc các con đường của bản có đặt những thùng rác công cộng. Đây là những thay đổi tích cực, tác động trực tiếp của du lịch đem lại cho người dân địa phương. Cũng từ kinh doanh du lịch người dân có tài chính để đầu tư cho sắm sửa, xây dựng, thay đổi điều kiện, nếp sống vệ sinh của người dân và phục vụ du khách.
Trước đây, nhà của người Thái thường có ao cá, vườn cây để cung cấp lương thực thực phẩm cho đời sống hàng ngày, nhưng hiện nay diện tích này đã bị thu hẹp hoặc bị lấn chiếm để lấy chỗ xây dựng, mở rộng nhà ở phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, một số gia đình ở những bản phát triển du lịch như bản Lác vẫn giữ lại ao cá nhưng dựng nhà sàn trên mặt ao hoặc thu hẹp diện tích ao…
Hiện nay, bên ngoài các ngôi nhà được trang trí cầu kỳ hiện đại, một số nhà đặt thêm quầy bar ở dưới sàn, xây thêm lan can xung quanh ngôi nhà, lát gạch dưới sàn… Tuy vẫn giữ được kiến trúc truyền thống nhưng đã có sự pha tạp hỗn độn và làm mất đi vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc của ngôi nhà truyền thống trước đây.
2. Biến đổi trong trang phục
Hoạt động phục vụ du lịch khiến người dân không còn thời gian để dệt vải, may quần áo. Thu nhập từ hoạt động du lịch giúp họ có điều kiện để sắm các loại quần áo may sẵn, bán ngay tại bản. Bên cạnh các trang phục dành cho người Thái sử dụng, còn có nhiều chủng loại khác nhau để phục vụ cho du khách.
Hoa văn trên trang phục của người Thái về cơ bản vẫn giữ nét truyền thống, tuy nhiên cách trang trí cũng có sự biến đổi. Bên cạnh hoa văn truyền thống, người Thái còn sử dụng các hoa văn, cách trang trí của người Kinh, Mường. Các họa tiết phóng khoáng hơn, màu sắc phong phú, gam màu trung gian được sử dụng nhiều.
Biến đổi rõ rệt trong trang phục của người Thái ở Mai Châu đó là các trang phục chuyên dùng trong lễ hội, nghi lễ lại được sử dụng trong đời sống thường ngày. Điều này xuất phát từ các hoạt động phục vụ khách du lịch. Khách du lịch thường muốn tìm hiểu, trải nghiệm sự khác biệt về văn hóa, vì vậy họ thường yêu cầu cư dân địa phương tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, nghi lễ truyền thống. Các nghi lễ này chỉ diễn ra trong các lễ hội và gắn với trang phục dành riêng cho nó, nhưng để phục vụ du khách thì bây giờ những trang phục đó được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.
Theo kết quả điều tra, việc sử dụng trang phục truyền thống của người Thái ở Mai Châu trong việc phục vụ khách du lịch chiếm tỷ lệ cao nhất là 90%: trong các ngày hội (lễ, tết) là 88%, trong các ngày lễ (cưới, tang) là 78%, trong cuộc sống hàng ngày chiếm tỷ lệ 7,5%. Tuy nhiên, các trang phục truyền thống đã được cải biến ít nhiều. Nam giới thích mặc áo vì tà cách tân, nhiều màu sắc, họa tiết hiện đại. Bên cạnh đó, họ còn kết hợp trang phục người Thái với trang phục các dân tộc khác như việc phụ nữ mặc áo sơ mi, áo phông kết hợp với váy Thái…
Nắm bắt được nhu cầu và tâm lý của khách du lịch thích chiêm ngưỡng trang phục truyền thống của người Thái nên một số người trực tiếp phục vụ du khách vẫn duy trì mặc trang phục truyền thống. Tuy nhiên ngoài những lúc phục vụ du khách, tham gia lễ hội thì phần lớn họ sử dụng các trang phục của người Kinh và Âu phục.
Qua điều tra cho thấy có sự khác nhau về sử dụng trang phục truyền thống giữa các độ tuổi, đối tượng và mục đích. Chia theo độ tuổi và giới tính thì tỷ lệ sử dụng trang phục truyền thống có sự khác nhau: người già chiếm 83,5% (nam giới) và 84,5% (nữ giới), trung niên chiếm 32,5% (nam giới) và 76,5% (nữ giới), thanh niên là 14,5% (nam) và 21% (nữ), trẻ em 17,5% (nam giới) và 19,5% (nữ giới).
Từ kết quả nghiên cứu có thể thấy ảnh hưởng của hoạt động du lịch tới sự biến đổi trang phục của người dân là rất rõ. Một mặt, trang phục của họ có xu hướng cởi mở, dung nạp thêm nhiều kiểu cách mới, màu sắc đa dạng. Mặt khác, trang phục truyền thống được người dân ý thức giữ gìn, thường xuyên sử dụng bởi mong muốn làm hài lòng khách du lịch.
3. Biến đổi trong ẩm thực
Về ẩm thực có thay đổi cơ cấu các món ăn trong bữa cơm hàng ngày. Những món ăn truyền thống không được sử dụng nhiều, thay vào đó là các món ăn của người Kinh, người phương Tây. Khi chế biến món ăn cho khách, chủ nhà chế biến luôn món ăn cho gia đình để tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Việc thay đổi trong ẩm thực góp phần phục vụ khách du lịch một cách thuận tiện hơn.
Nguyên liệu chế biến món ăn của người Thái ở Mai Châu cũng có nhiều biến đổi. Nguyên liệu được mua ngoài thị trường để phục vụ nhu cầu của du khách và cho chính nhu cầu của người dân địa phương.
Kỹ thuật chế biến cũng thay đổi nhiều. Đồ ăn được nấu, nướng, kho, luộc… bằng bếp điện, ga. Xuất hiện những món ăn chế biến sẵn, đóng hộp, có thể sử dụng ngay. Người Thái cũng học theo cách chế biến và trình bày món ăn của các dân tộc khác.
Đồ uống đa dạng như nước đóng chai, các loại bia, rượu, nước ngọt có ga, nước hoa quả đóng chai… Các nhà kinh doanh dịch vụ lưu trú đều có tủ lạnh để đồ uống cho khách. Hiện nay, người Thái ở Mai Châu ít nấu rượu, họ thường sử dụng rượu được bán trên thị trường và các đồ giải khát thông dụng.
Hiện nay, người dân cũng không quá kiêng kỵ nhiều vấn đề như trước đây. Khi ăn, không mấy gia đình mời rượu phi (ma) bằng hình thức để thêm 2 chén rượu trong mâm hoặc tưới ít rượu xuống đất. Tính bình đẳng trong ăn uống ngày càng cao hơn. Người Thái không còn kiêng kỵ thịt trâu, bò, ngựa, cá không vảy, cá chép có ria và các loại thịt thú rừng (phụ nữ sinh đẻ), quả cật gà, canh ốc (trẻ em)… thậm chí họ còn sử dụng cả sữa, thuốc tây bổ sung chất dinh dưỡng.
Đây là kết quả của sự giao thoa các vùng văn hóa khác nhau trong nền kinh tế hội nhập. Du lịch phát triển tạo điều kiện cho người dân tiếp cận văn hóa của khách du lịch đến bản. Bên cạnh đó, để phục vụ chính những đối tượng khách này, thay vì phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đồng bào nơi đây đã du nhập một số loại hình văn hóa của các dân tộc khác.
4. Biến đổi trong sinh kế
Trước đây, kinh tế của người Thái Mai Châu dựa vào nông nghiệp. Hoạt động mưu sinh chủ yếu là trồng lúa nước. Ngoài ra, họ còn canh tác trên nương, đào ao, thả cá, đánh bắt cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác các nguồn lợi của rừng và dệt vải. Nền kinh tế mang nặng tính tự cung, tự cấp.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường xuất hiện, người Thái nhanh chóng bắt nhịp. Cơ cấu kinh tế có nhiều biến đổi, nhất là khi du lịch được hình thành và phát triển tại đây. Hoạt động du lịch mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Vào mùa du lịch, nhiều hộ gia đình ở những bản tập trung đông khách như bản Lác, Pom Coọng phải thuê người làm nông nghiệp để họ có thời gian phục vụ khách. Như vậy, sản xuất nông nghiệp đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Tổng thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Kinh tế hộ gia đình của người Thái ở một số địa bàn chuyển sang kinh tế thương mại, hàng hóa, dịch vụ dựa trên nền tảng là nền kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường cho hoạt động kinh doanh du lịch nên các hộ gia đình không chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới sàn và xung quanh nhà. Do đó những bản phát triển du lịch phải mua phần lớn lương thực để phục vụ khách và nhu cầu của gia đình. Vì vậy đã kích thích trồng trọt, chăn nuôi ở các bản lân cận không kinh doanh du lịch phát triển mạnh hơn. Trồng trọt, chăn nuôi đã giúp cho các bản này không những đảm bảo cho cuộc sống thường ngày mà còn giúp họ tích lũy để làm giàu, chuyển đổi sang hình thức làm kinh tế cao hơn như phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Từ đây, hình thành một cơ cấu sản xuất mới là sản xuất lương thực, thực phẩm phục vụ khách du lịch và làm thêm các công việc liên quan đến thủ công nghiệp và dịch vụ để tăng thu nhập cho gia đình.
Nghề dệt truyền thống trước đây của người Thái đã có thời kỳ bị mai một. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương nghề dệt thủ công dần có sự khởi sắc. Ở những bản phát triển du lịch như bản Lác, Pom Coọng đã trở thành khu chợ bán hàng dệt thổ cẩm, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình bên cạnh nguồn thu nhập từ nông nghiệp. Đặc biệt trong những năm gần đây, hoạt động du lịch phát triển mạnh, các hộ gia đình dành nhiều thời gian cho phục vụ khách, nên không có thời gian để dệt vải phục vụ cho cuộc sống và làm hàng hóa bán cho du khách. Vì vậy, những bản như bản Lác đã trở thành đầu mối tiếp xúc, đại lý tập kết hàng hóa của những bản khác và các tộc người sống lân cận với nhiều sản phẩm.
Ngoài ra, người dân địa phương còn làm thêm một số dịch vụ phục vụ khách du lịch như: hướng dẫn viên, người dẫn đường, mang vác, cho thuê xe đạp, xe tuk tuk đi dạo quanh bản, lái xe taxi, mở cửa hàng dịch vụ internet, gội đầu, massage, bán nước giải khát, sản vật địa phương, đồ lưu niệm… đã đem lại cho họ một nguồn thu nhập đáng kể.
Với sự phát triển của du lịch, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bản Lác, Poom Coọng và một số bản khác ở Mai Châu, Hòa Bình được cải thiện đáng kể. Sự thay đổi này gắn với thay đổi về các hoạt động sinh kế trong quá trình phát triển du lịch của người dân địa phương. Sự thay đổi về cơ cấu kinh tế với sự xuất hiện của nhiều hoạt động sinh kế mới thể hiện sự linh hoạt và thích ứng nhanh với bối cảnh phát triển du lịch của người dân.
Quá trình phát triển hoạt động du lịch ở Mai Châu dẫn đến nhiều sự thay đổi về văn hóa vật chất của người dân địa phương, trong đó có bản Lác và bản Poom Coọng là hai bản tiêu biểu. Tác động của quá trình này đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ ở cả hai mặt: biến đổi tích cực và tiêu cực.
Với sự phát triển của hoạt động du lịch, sự biến đổi tích cực trong văn hóa vật chất thể hiện ở sự thay đổi về hệ thống cơ sở hạ tầng với những con đường được bê tông hóa, đi lại dễ dàng, thuận tiện, làng bản được vệ sinh sạch đẹp, kiến trúc nhà ở và trang phục truyền thống được giữ gìn, bảo tồn, phát huy, xuất hiện của những loại hình sinh kế mới từ hoạt động du lịch giúp đời sống kinh tế của người dân địa phương phát triển góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những sự thay đổi tích cực còn có những mặt trái của sự biến đổi. Đấy chính là sự biến mất hoặc pha tạp trong kiến trúc nhà ở cũng như cảnh quan gắn với ngôi nhà truyền thống, sự mất đi của những hoa văn và sắc màu thổ cẩm của tộc người…
Thiết nghĩ cần có những biện pháp để khuyến khích người dân phát huy sự biến đổi tích cực, hạn chế sự biến đổi tiêu cực, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ HỒNG TÂM
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long