Balram Halwai vẫn còn nhớ cái ngày mẹ mất, bà nội Kusum hớn hở đưa xác con dâu đi hỏa táng trên bãi đất dọc sông Hằng. Người ta bảo hồn người chết sẽ siêu thoát nhờ nước thánh của sông thiêng. Nhưng trong tâm trí Balram, mẹ cậu mãi mãi nằm lại trong đám bùn đen của dòng sông bốc mùi và đầy rẫy xác người cháy dở… Dưới giọng văn gấp gáp, hài hước trong tiểu thuyết Cọp Trắng của nhà văn Ấn Độ Aravind Adiga, người đọc vẫn nhận ra mạch ngầm của nỗi u buồn thế sự. Nỗi buồn Ấn Độ hiện lên qua ký ức về người mẹ đáng thương. Nỗi buồn đó mênh mông như một dòng sông huyền thoại.
Nhà văn Aravind Adiga sinh năm 1974 tại Chennai (Ấn Độ) – một thành phố có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới và là điểm đến văn hóa, lịch sử ghi dấu một thời vàng son đã qua của nền văn minh Veda rực rỡ. Sau khi tốt nghiệp ngành văn học tại trường Đại học Columbia và Oxford, A.Adiga bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò phóng viên lĩnh vực tài chính và đầu tư cho nhiều hãng truyền thông lớn như Financial Times, Independent và The Times… Những năm tháng làm việc trong ngành báo chí đã giúp anh có dịp trui rèn ngòi bút trở nên sắc bén và mang đậm hơi thở của đời sống kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, A.Adiga vẫn không thỏa mãn với những gì đạt được. Anh đã quyết định từ bỏ công việc đầy triển vọng để khám phá thế giới của những tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Ấn Độ đương thời. Thế giới đó đã bị đẩy ra rìa của văn minh, co mình vào bóng tối của nghèo đói vĩnh hằng.
Để rồi từ thế giới rừng rú và bốc mùi ấy, tiểu thuyết Cọp Trắng đột ngột bước ra, làm kinh ngạc cả văn đàn thế giới. Một bức chân dung ngồn ngộn sự thật về Ấn Độ được phơi bày. Với giọng điệu mỉa mai, đầy ranh mãnh, Cọp Trắng đã cho độc giả thưởng lãm trái tim mục nát của nền kinh tế đang lên qua góc nhìn của một kẻ cùng đinh. Được viết dưới hình thức bức thư, giọng văn hóm hỉnh, nhãn quan sắc bén, tiểu thuyết Cọp Trắng của A.Adiga được giới phê bình văn học đánh giá rất cao và trở thành tên sách bán chạy nhất tại Anh quốc thời điểm bấy giờ. Năm 2008, Cọp Trắng đã xuất sắc đạt giải thưởng văn học danh giá Man Booker cho tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh.
Truyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật Balram Halwai. Anh là đại diện cho tầng lớp tiện dân đang cố vươn lên trong xã hội đương thời. Balram Halwai sinh ra trong một gia đình nghèo tại ngôi làng Laxmangarh, phải làm mướn khổ sở để nuôi thân và nuôi cả gia đình. Nhưng do chịu khó lắng nghe và ham học hỏi, anh chọn nghề lái xe và lên thành phố tìm việc để đổi đời. Tính cách Balram đầy phức tạp: đầy tớ, doanh nhân, kẻ giết người, nhà cách mạng. Nếu tính cách Balram được ví như một thứ đất sét nung dở thì hiện thực xã hội Ấn Độ cũng là một bãi công trường bề bộn, dở dang.
Tuổi thơ của Balram Halwai lớn lên trong nghèo khó và hoài niệm về người mẹ đáng thương. Cha Balram là một phu xe suốt ngày làm việc vất vả như một con lừa để nuôi sống gia đình. Mẹ của Balram là người phụ nữ hiền lành, yếu đuối và sống cam chịu dưới sự bạc đãi của mẹ chồng. Anh còn nhớ như in cái ngày mẹ mất, bà nội Kusum đã hớn hở đưa xác con dâu đi hỏa táng trên những bãi bùn đen dọc sông Hằng. Người ta bảo rằng hồn người chết sẽ siêu thoát nhờ nước thánh của sông thiêng. Nhưng trong tâm trí của Balram, mẹ cậu mãi mãi nằm lại trong đám bùn đen của dòng sông “bốc mùi” và đầy xác người cháy dở.
Trong hồi ức của người Ấn Độ, sông Hằng là thiên trường ca oai hùng về sự hình thành của nền văn minh cổ đại trong lòng tiểu lục địa huyền bí, hoang vu. Đó là những chuỗi dài nhiều thế kỷ vinh quang và phồn thịnh của xứ sở này. Cách đây hơn bốn ngàn năm, trong cuộc hành trình từ đỉnh Tuyết sơn chảy xuôi về biển lớn, Hằng Hà đã mang đến sức sống diệu kỳ cho vùng châu thổ mà nó đi qua (1).
Đối với người Ấn Độ, mẹ sông Hằng không chỉ mang đến sự phì nhiêu về vật chất mà còn là nguồn cội thiêng liêng trong đời sống tinh thần. Theo cách nói của khoa địa lý huyền môn, sông Hằng linh thiêng của xứ Ấn Độ đã khơi nguồn từ mái tóc siêu nhiên của chúa tể Shiva trên đỉnh thiên cung, phóng lượn sóng muôn thu dào dạt qua dãy Tuyết sơn cô tịch, uốn lượn miệt mài trong những cánh rừng sâu ngàn năm không dấu chân người, để rồi kết tụ nơi lưu vực những gì tinh túy nhất của giang sơn.
Tuy nhiên, trong tác phẩm Cọp Trắng, người đọc không còn nhận ra một đất nước Ấn Độ quen thuộc với những đền đài thiêng liêng, các tiên nữ Apsara với vũ điệu gợi tình, những dòng sông Ấn, sông Hằng hùng vĩ… Dòng sông quê hương đối với nhân vật Balram là thế giới của bóng tối, thế giới của tồi tàn và cùng khổ. Dưới hình thức bức thư giả định gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, nhân vật Balram đã kể về sông Hằng bằng giọng văn đầy chua chát: “Tôi đang nói về dòng sông đen nào – dòng sông Chết nào mà hai bờ của nó đầy bùn đen đặc quánh vùi chôn mọi thứ trồng lên đó, làm cho chúng ngạt thở, sặc sụa và còi cọc?” (2). Biểu tượng sông Hằng trong tiểu thuyết Cọp Trắng đã hoàn toàn thoát ly khỏi nội hàm truyền thống để hóa thân thành dòng nước chết chóc, đen ngòm, bẩn thỉu “chứa đầy phân, rơm rạ, những bộ phận thi thể người trương nước, xác trâu thối rữa, và bảy loại axít công nghiệp khác nhau” (3). Đọc tác phẩm Cọp Trắng, chúng ta không khỏi tiếc nuối cho những giá trị truyền thống đã mất đi sức sống nội sinh, trở nên tha hóa và phân rã. Chúng tôi đã vô cùng băn khoăn và tự hỏi: tại sao người ta vừa cầu nguyện cho sự tái sinh lại vừa giết chết đối tượng mà mình đang cầu nguyện? Trong khi chính nguồn nước trong lành đó mới đem tới sự sống và thịnh vượng cho cả cộng đồng. Phải chăng, A.Adiga đang hướng đến một khuynh hướng phát triển thịnh hành ở Ấn Độ lúc bấy giờ: bột phát, chông chênh và nôn nóng.
Theo quan điểm của Romer, trong mô hình kinh tế cũ, đồng tiền là trung tâm và tối thượng. Các giá trị về con người, môi trường và văn hóa trở thành yếu tố phụ họa, bên lề phát triển. Một nền kinh tế vận hành theo mô hình như vậy chắc chắn khó vượt qua những cú sốc từ các thay đổi bên ngoài… Trên thực tế, hậu quả của tăng trưởng nóng đã biến di sản văn hóa và tương lai của cộng đồng trở nên u ám: “Mẹ Hằng Hà, con gái thần Vedas, dòng sông ánh sáng, người bảo vệ tất cả chúng tôi, người phá vỡ mắt xích của sự sinh và tái sinh. Dòng sông này chảy đến đâu, bóng tối bao trùm đến đó”(4). Biểu tượng bóng tối trong tiểu thuyết Cọp Trắng chính là hố sâu phân hóa giàu nghèo, là sự cạn kiệt tài nguyên, sự bần cùng của cư dân bên lề đô thị. Nó hiển hiện rõ nét qua sự điêu tàn của những làng quê trên lưu vực sông Hằng: “Rộng bằng ít nhất một phần ba đất nước, một nơi màu mỡ, bạt ngàn những cánh đồng lúa gạo và lúa mì… Những người sống ở nơi này gọi đó là bóng tối” (5). Nơi đó có những thanh niên Ấn Độ thông minh học công nghệ như cá gặp nước đang phải làm mọi công việc để nuôi thân, sống lay lắt qua ngày. Nơi mà nguồn tài nguyên đang chết dần như một bà mẹ đáng thương. Theo WHO, cư dân nơi đây chiếm đến 37% dân số nước này. Hàng nghìn khu công nghiệp ngày đêm xả hóa chất không qua xử lý xuống dòng sông – nguồn nước uống trực tiếp của hơn 40 triệu người (6).
Ngoài ra, A.Adiga còn sử dụng cặp đôi biểu tượng đại dương – ánh sáng như công cụ đòn bẩy làm nổi bật ý nghĩa và sức biểu cảm cho cặp biểu tượng trung tâm sông Hằng – bóng tối. Tác giả đã mô tả hố sâu phân cách giàu nghèo của Ấn Độ không phải bằng những con số thống kê mà bằng những hình ảnh tương phản, gây ấn tượng: “Xin Ngài hiểu cho, Ấn Độ là hai nước trong một: một Ấn Độ của ánh sáng và một Ấn Độ của bóng tối. Đại dương đem ánh sáng đến đất nước chúng tôi. Mọi nơi trên bản đồ của Ấn Độ nằm gần đại dương đều phát đạt. Nhưng dòng sông đem bóng tối đến Ấn Độ – dòng sông đen” (7). Sau 20 năm đổi mới, kinh tế Ấn Độ đã có bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng GDP chuyển từ 3,5% năm (1991) sang 7% trong nhiều năm liên tục (8). Thành tựu đó đạt được là nhờ chính sách mở cửa, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ. Nhiều thành phố công nghiệp mọc lên dọc các cảng nước sâu – nơi có lợi thế về hạ tầng và logistics. Ấn Độ đã và đang trở thành một trong những siêu cường, một phép màu kinh tế châu Á đương thời. Tuy nhiên, để vươn lên đại dương – ánh sáng như một quốc gia phát triển, Ấn Độ vẫn phải đối mặt với hàng loạt các thách thức về xã hội và ô nhiễm môi trường. Thách thức đó đã được A.Adiga hình tượng hóa qua cặp biểu tượng sông Hằng – bóng tối.
Giữa hai cặp biểu tượng đối lập trời vực đó, lớp bùn đen đóng vai trò trung gian, nhưng không phải để nối hai miền hiện thực và hy vọng. Nó hiện lên như một bước sa lầy trước ngưỡng cửa thiên đường. Nó đang cảnh báo những cái đầu liều lĩnh và thiển cận về cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo: “Mọi thứ chết lún trong đó, phân hủy rồi tái sinh từ đó, và chết lún trong đó một lần nữa… Không một thứ gì giải thoát khỏi nơi đây” (9). Có phải A.Adiga, cây bút xuất sắc của Financial Times đang nghĩ về bẫy thu nhập trung bình khi viết những dòng này? Điều gì sẽ xảy ra khi ưu thế nhân công giá rẻ mất đi? Tương lai cộng đồng sẽ ra sao khi tốc độ tăng trưởng bắt đầu chững lại, tài nguyên cạn kiệt và một xã hội phân hóa? Xét về bình diện quốc gia, biểu tượng mẹ Hằng Hà và lớp bùn đen giống như cái bẫy chết người, vết thương chí mạng cho tham vọng của một siêu cường – một con Cọp Trắng.
Trong tác phẩm, người mẹ thân yêu của Balram đang cháy rụi trên đống lửa và bị hút vào đống bùn ô uế của dòng sông mang tính biểu tượng và gây xúc động lớn lao. Dù Balram đã trở thành một doanh nhân thành đạt nhưng ký ức đen tối đó vẫn đeo bám anh. Thông qua câu chuyện về cuộc đời chàng trai được mệnh danh Cọp Trắng. Sự thành công của những cá nhân kiệt xuất không thể khỏa lấp niềm trăn trở đối với cộng đồng. Mẹ Balram sống trong đau khổ và chết trong bùn dơ. Mẹ Hằng Hà chết mòn trong ô nhiễm. Balram xót thương vô hạn trước cuộc đời của mẹ. Tác giả A.Adiga cũng xót xa cho di sản quốc gia bị hủy hoại từng ngày. Còn với người Ấn Độ, sông Hằng là nguồn sống đang cùng kiệt, một tình yêu bi thương, sâu sắc âm thầm. Dưới giọng văn gấp gáp, mỉa mai, hài hước của tiểu thuyết, người đọc vẫn nhận ra mạch ngầm của nỗi u buồn man mác. Nỗi buồn nhân sinh hiện lên qua ký ức về người mẹ đáng thương. Nỗi buồn đó mênh mông như nỗi buồn của dòng sông huyền thoại.
___________
1, 2. E. M. Burns và P.L.Ralph, Các nền văn minh thế giới – lịch sử và văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin, 2008, tr.179
3, 4, 5, 7, 9. A.Adiga, Cọp Trắng, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2009, tr.35, 35, 35, 34, 34, 38.
6. WHO, Water Pollution Control – A Guide to the Use of Water Quality Management Principles, Nxb E.& F. Spon, 2012.
8. cato.org.
Tác giả: Huỳnh Thị Diễm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay