Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Quyết định số 847/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Nhân dịp này, chúng tôi đã phỏng vấn PGS,TS. Hà Huy Phượng, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền về việc áp dụng Bộ Quy tắc này cũng như ý nghĩa của nó trong đời sống xã hội, nhất là trong môi trường đào tạo báo chí – truyền thông hiện nay.
* Xin ông cho biết đánh giá của mình về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành?
PGS,TS. Hà Huy Phượng: Như chúng ta đã biết, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã ra Quyết định số 847/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc này nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bộ quy tắc cũng hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
* Bộ quy tắc ra đời được áp dụng đối với 3 nhóm đối tượng, gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội, tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS,TS. Hà Huy Phượng: Theo tôi, bên cạnh việc phải tuân thủ quy tắc ứng xử chung, mỗi nhóm đối tượng tham gia, sử dụng mạng xã hội còn phải tuân thủ các quy tắc khác. Đối với tổ chức, cá nhân, ngoài việc tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
Bộ quy tắc này cũng đã khuyến nghị rất rõ việc sử dụng họ, tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên hệ khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
Mỗi tổ chức, cá nhân cần thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các tổ chức, cá nhân chỉ nên chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; đồng thời không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Bộ Quy tắc này cũng đã khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước – con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; đồng thời vận động mọi người tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Bộ Quy tắc quy định rất rõ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước phải thực hiện nghiêm nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ quy tắc xử trên mạng xã hội mới được ban hành còn hướng dẫn cụ thể về ứng xử của cơ quan nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội được yêu cầu phải tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được phép của chủ thể thông tin.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cũng cần phải hướng dẫn, hỗ trợ người sử dụng mạng xã hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ý kiến PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Hiểu rõ thách thức và mặt trái của mạng xã hội để giữ lửa nghề Không phải bây giờ, trong thời đại cách mạng 4.0, vấn đề đạo đức nghề nghiệp mới được coi trọng, mà đối với người làm báo, ở thời nào, trong bất cứ nền báo chí nào, đạo đức nghề nghiệp cũng là yêu cầu tất yếu, cốt lõi. Tôn trọng và tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp là cách duy nhất để báo chí tồn tại và đứng vững trong lòng công chúng. Song, sự xuất hiện của internet cùng sự bùng nổ của mạng xã hội đã làm đời sống báo chí thay đổi rất nhiều, đặc biệt trong đạo đức nghề báo. Vừa qua, Bộ TTTT ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của xã hội và người sử dụng mạng xã hội. Theo đó, Bộ Quy tắc áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: (i) Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; (ii) Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; (iii) Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, một cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với phạm vi, đối tượng áp dụng rộng. Bộ quy tắc được ban hành nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, trước Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ra đời, tại Việt Nam đã triển khai nhiều bước đi như: Luật hóa các nguyên tắc đạo đức báo chí; đưa các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp vào quy chế, quy định của cơ quan; xây dựng các bộ quy tắc báo chí của cơ quan báo chí xử lý kỷ luật những vi phạm đạo đức nghề nghiệp trên không gian số; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, công chúng; phối hợp với những mạng xã hội lớn để giải quyết vấn đề tin xấu độc; tự trau dồi, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp… Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, cách thức, phương thức làm nghề không ngừng đổi mới nhưng đạo đức làm nghề, lý tưởng làm nghề thì không thể khác, vì những giá trị tốt đẹp của xã hội. Do đó, mỗi công dân nói chung, đội ngũ những người làm báo nói riêng cần tuân thủ pháp luật và những quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội để góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Đối với sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhà trường đã lồng ghép Luật Báo chí và các luật có liên quan đến hoạt động tác nghiệp vào chương trình đào tạo đại học; mở các buổi tọa đàm, nói chuyện với các nhà quản lý, chuyên gia đến nói chuyện về Quy tắc đạo đức nghề báo của Việt Nam; Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và tới đây là Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TTTT mới ban hành giúp sinh viên, giảng viên hiểu và tuân thủ các quy định trong tác nghiệp và sử dụng mạng xã hội trong thực tiễn hoạt động của báo chí Việt Nam. Những quy định nêu trên trở thành “la bàn” dẫn đường cho nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà. |
---|
* Theo ông, vai trò của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có ý nghĩa như thế nào trong môi trường đào tạo nói chung và Học viện Báo chí Tuyên truyền nói riêng, nhất là đối với các sinh viên báo chí – truyền thông?
PGS,TS. Hà Huy Phượng: Tôi cho rằng Bộ Quy tắc này không chỉ có ý nghĩa trong thực tiễn hoạt động truyền thông mà còn ý nghĩa trong cả môi trường đào tạo nói chung, trong đó có đào tạo báo chí – truyền thông. Bởi, tất cả chúng ta tồn tại và phát triển trong xã hội đều phải giao tiếp xã hội. Truyền thông giúp chúng ta kết nối, liên kết với nhau trong xã hội, cùng nhau đấu tranh, sinh tồn và phát triển. Những quy tắc chuẩn mực về giao tiếp, ứng xử trong truyền thông sẽ giúp cho xã hội phát triển lành mạnh. Chúng ta muốn có những công dân có ý thức tốt trong giao tiếp, ứng xử thì mọi công dân đều phải được giáo dục từ các nhà trường.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trường Đảng, đồng thời là một trường đại học xây dựng trở thành trường trọng điểm quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà trường có chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí – truyền thông và một số ngành khoa học xã hội nhân văn khác thì Bộ quy tắc này càng có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh hệ thống giáo trình được xây dựng bài bản, trong đó có cả những môn học về luật pháp và đạo đức nghề nghiệp báo chí – truyền thông, Bộ quy tắc này sẽ là cơ sở pháp lý, tài liệu hữu ích phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường trong bối cảnh hiện nay.
Ý kiến Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam):
Xã hội tràn ngập thông tin và thách thức của nhà báo
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TTTT mới ban hành có ý nghĩa rất quan trọng đối với người sử dụng mạng xã hội nói chung (áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng) được nêu trong Bộ quy tắc và những nhà báo tác nghiệp trong môi trường mạng nói riêng. Đây được coi là “hành lang giao thông” dành cho tất cả mọi người khi sử dụng mạng xã hội bắt buộc phải tuân thủ, không thể làm khác được. Do đó, người sử dụng mạng xã hội phải tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật. “Ngày nay công nghệ làm thay đổi cuộc sống, song chúng ta chưa hiểu hết tác động của nó, cả tích cực lẫn tiêu cực. Bản thân báo chí cũng đang chịu thách thức rất lớn để tồn tại trong thời đại kỹ thuật số như: các mô hình mới (Google, Facebook…) bỏ qua trách nhiệm của nhà xuất bản tin tức; hành lang pháp lý hiện tại chưa đủ để giải quyết những vấn đề mới phát sinh; làm thế nào để xây dựng những “thang giá trị mới” trong văn hóa và truyền thông… Đặc biệt là sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên môi trường số – thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch… trên mạng internet ngày càng trở nên nghiêm trọng. Không chỉ là những công dân “nhấn nút chia sẻ” một cách vô thức mà ngay cả các nhà báo/chuyên gia truyền thông cũng chia sẻ thông tin hoặc viết/đăng một bài báo dựa trên thông tin chưa được xác minh, chưa được biên tập” – ông Nhật chia sẻ. Trước những thách thức trong thời đại số và hiện tượng “mạng xã hội dẫn dắt báo chí” hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Nhật đề xuất các cơ quan thông tấn báo chí cần: Tăng năng lực “tự kiểm duyệt”; “Không khoan dung” với tin giả, xúc phạm; thúc đẩy truyền thông “có trách nhiệm”; tiếp cận công chúng trên các “phương tiện truyền thông mới”; xây dựng sự tôn trọng của công chúng với “các giá trị đạo đức”; xây dựng, bồi đắp “mối quan hệ tin cậy” giữa công chúng và báo chí. Đối với phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) tránh xu hướng giật gân, tránh xuất bản vội vã; tin tức này đã được kiểm chứng hay chưa; đặt câu hỏi liệu tin tức này có kích động hay không? Tin tức này có sử dụng ngôn từ phù hợp hay không? Mặt khác, khi khai khác thông tin trên mạng xã hội cần phải rất tỉnh táo, kiểm chứng thông tin một cách cẩn trọng, có những phân tích, lập luận biện chứng, khoa học, chính xác để thông tin, viết bài phụng sự bạn đọc. |
* Vậy, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có sự chuẩn bị như thế nào vào việc giảng dạy, định hướng cho sinh viên trong việc sử dụng mạng xã hội “đúng – văn minh – văn hóa – nhân văn” trong thời gian tới, thưa ông?
PGS,TS. Hà Huy Phượng: Trước khi có Bộ Quy tắc này, chúng tôi cũng đã rất quan tâm đến việc làm công tác tư tưởng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên về bối cảnh phát triển của xã hội trong thời đại số, việc nắm bắt cơ hội, ưu việt của internet và mạng xã hội để ứng dụng trong nghiên cứu, giảng dạy, giao tiếp; đồng thời có những kiến thức và kỹ năng sử dụng internet và mạng xã hội hiệu quả, không vi phạm pháp luật về văn hóa giao tiếp, ứng xử trên không gian mạng.
Chúng tôi luôn xác định: là cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của trường Đảng thì kỷ luật phát ngôn luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt ở bất cứ không gian giao tiếp nào. Việc thông tin giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên luôn đảm bảo các nguyên tắc chung, đó là tôn trọng, tuân thủ pháp luật, lành mạnh, an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm.
Ngoài không gian giao tiếp trực tiếp trong công sở, giảng đường, nhà trường còn có nhiều kênh, phương tiện truyền thông tự do, công khai, dân chủ để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên công bố kết quả nghiên cứu học thuật, trao đổi thông tin nghiệp vụ và các vấn đề lên quan. Cũng chính từ văn hóa trường Đảng mà hầu như không có những phát ngôn thiếu văn hóa, sai trái, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên của Học viện trên internet, nhất là trên mạng xã hội.
Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất trong chương trình hoạt động của nhà trường sẽ lồng ghép Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào trong các buổi sinh hoạt chính trị tư tưởng và trong các bài giảng về văn hóa, báo chí – truyền thông để sinh viên, học viên có thêm những kiến thức mới về quy tắc giao tiếp, ứng xử nói chung, trên mạng xã hội nói riêng. Chúng tôi cũng sẽ coi Bộ quy tắc là một trong những nội dung chính trong giảng dạy và học tập môn học về đạo đức và luật pháp báo chí – truyền thông.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Ngô Xuân Lộc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)