Việc xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử (CPĐT) đặt ra yêu cầu cấp thiết về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CPĐT cho cán bộ, công chức. Mô hình CPĐT ở các quốc gia không hoàn toàn giống nhau nhưng có nền tảng căn bản giống nhau. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đã thành công trong xây dựng, vận hành CPĐT có thể giúp chúng ta thành công như họ hoặc hơn họ. Trong các quốc gia thành công trong lĩnh vực xây dựng CPĐT, phải kể đến Estonia, Belarus, Nga. Quá trình xây dựng CPĐT của họ cung cấp cho thế giới những bài học kinh nghiệm quan trọng.
1. Estonia
Estonia là 1 trong 10 quốc gia dẫn đầu về mức độ phát triển của CPĐT (gồm: Đan Mạch, Hàn Quốc, Estonia, Phần Lan, Úc, Thụy Điển, Anh, New Zealand, Mỹ và Hà Lan) (1). Estonia được cho là có mô hình CPĐT tiến bộ nhất ở châu Âu và đã được Liên Hợp quốc trao tặng danh hiệu “Best of the Best” cho sự thiết lập và triển khai các hệ thống CPĐT trong thập kỷ qua. Chính phủ Estonia cho rằng điều này phụ thuộc nhiều vào việc tạo ra và tích cực sử dụng phần mềm nguồn mở.
Vào thời điểm hiện tại, Estonia là một trong những nước có tốc độ đường truyền băng thông rộng nhanh nhất và giữ kỷ lục thế giới về số doanh nghiệp trên đầu người. Toàn bộ công dân của quốc gia này trả tiền đỗ xe qua điện thoại di động và có các hồ sơ sức khỏe được lưu trữ bằng công nghệ điện toán đám mây. 95% dân số thực hiện việc kê khai hoàn thuế thu nhập hằng năm qua mạng và việc này chỉ mất khoảng 5 phút. Việc đăng ký thành lập một doanh nghiệp cũng chỉ mất 5 phút thao tác qua dịch vụ CPĐT (2). Tại Estonia, hiện nay thậm chí có thể học để lấy bằng tốt nghiệp về chuyên ngành CPĐT (3).
Ở quê hương của Skype, khái niệm xã hội thông tin được định nghĩa rất nhiều cách, nhưng Linnar Wiik – chuyên gia internet của Estonia cho rằng, cần định nghĩa rộng hơn về xã hội thông tin: “Đối với chúng tôi, đây không chỉ là máy tính, nó là kiến thức và nội dung được đồng hóa”.
Linnar Wiik trao đổi: Một xã hội như vậy đặt ra 3 điều kiện sau: Mọi người có quyền truy cập vào các nguồn thông tin điện tử; Biết cách sử dụng chúng; Thông tin phải đầy đủ và dễ dàng truy cập. “Điều chủ yếu đối với chúng tôi là việc tương thích dữ liệu”.
Linnar Wiik lưu ý rằng các nước đang phát triển “ngay lập tức chuyển sang internet di động, các ứng dụng cho điện thoại thông minh và máy tính bảng”. Tương lai của chính phủ của họ nằm ở lưu trữ đám mây thay vì ổ cứng, điều này có thể giảm đáng kể chi phí cơ cấu để điều hành đất nước.
2. Belarus
Liên Hợp quốc tiến hành nghiên cứu CPĐT toàn cầu 2 năm/ lần. Theo kết quả của nghiên cứu mới nhất – Khảo sát CPĐT 2020: Chính phủ số trong thập kỷ hành động vì phát triển bền vững, mức độ phát triển hiện tại của CPĐT ở Belarus đã cho phép nước này lọt vào danh sách 40 quốc gia có chỉ số sẵn sàng cho CPĐT năm 2020.
Cộng hòa Belarus thuộc nhóm nước đi ngay sau các nước hàng đầu, có tiềm năng lớn và thể hiện sự năng động trong phát triển công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày nay, CPĐT đã vận hành ở Belarus, mức độ phát triển của nó giúp đảm bảo tự động hóa các quy trình quản lý, tăng đáng kể hiệu quả của hành chính nhà nước, tương tác đơn giản, thoải mái và nhanh chóng với người dân và doanh nghiệp. Trong tương lai gần, Belarus sẽ chú ý đến vấn đề tăng hơn nữa khối lượng các dịch vụ điện tử của nhà nước, vì việc tăng mức độ thông tin hóa trong lĩnh vực làm việc với công dân và tổ chức là một trong những nguyên tắc cơ bản của quá trình giảm quan liêu của bộ máy nhà nước.
Từ ngày 17 đến 21-5-2021, tại một trung tâm đào tạo của Cộng hòa Belarus, đã tổ chức Chương trình đào tạo CPĐT dành cho công chức. Mục đích của Chương trình này là cập nhật cho người học các phương pháp lý thuyết và thực hành về vận hành của hệ thống quốc gia trong việc xây dựng CPĐT (4). Danh mục nội dung khóa học này được Ban Tổ chức Chương trình giới thiệu trên mạng internet.
Đối tượng tham dự Chương trình đào tạo nói trên lý nhà nước cấp phó người đứng đầu các bộ phận cơ cấu của cơ quan hành chính nhà nước; Chuyên viên chính, chuyên viên lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cung cấp thông tin phục vụ các công tác quản lý; Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Nội dung Chương trình đào tạo bao gồm:
Chuyển đổi kỹ thuật số; CPĐT, các khái niệm cơ bản, kinh nghiệm nước ngoài
Chuyển đổi kỹ thuật số như một định hướng chiến lược được công nhận rộng rãi của sự phát triển xã hội trong thế giới hiện đại; Quan điểm về CPĐT; Phân tích các cách tiếp cận của nước ngoài đối với việc hình thành CPĐT.
Cách tiếp cận chiến lược của quốc gia đối với CPĐT; Các hệ thống thông tin (tự động) quốc gia của CPĐT
Cơ sở pháp lý của CPĐT; Cơ sở hạ tầng CPĐT thống nhất của quốc gia; Hệ thống thông tin tự động quốc gia với tư cách là thành phần cơ bản của hệ thống dịch vụ điện tử của nhà nước; Offices (tủ) điện tử cá nhân; Cổng dịch vụ điện tử thống nhất làm điểm truy cập duy nhất để tiếp nhận các dịch vụ điện tử, thủ tục hành chính dưới dạng điện tử; Dịch vụ điện tử: số hóa ngành. Thực hiện thủ tục hành chính dưới dạng điện tử; Hệ thống quản lý quốc gia theo phương thức công khai về xác thực chữ ký số điện tử; Hệ thống dịch vụ và thanh toán tích hợp của quốc gia; Hệ thống quản lý tài liệu điện tử liên bộ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác; Gói phần mềm một cửa; Lưu trữ tài liệu điện tử; Triển vọng phát triển CPĐT của quốc gia.
Hợp tác quốc tế
Thực hiện các quy trình chung trong khuôn khổ hệ thống thông tin tích hợp; Công nghệ của bên thứ ba đáng tin cậy.
3. Nga
Ở Cộng hòa Liên bang Nga hiện nay có khá nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng về CPĐT. Nhiều cơ quan, tổ chức công và tư tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CPĐT.
Lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ – Ảnh: dantri.com
Các chương trình có thể chỉ thuần túy về xây dựng, vận hành CPĐT, có thể lồng ghép các nội dung về CPĐT với các nội dung khác. Cán bộ, công chức nhà nước là những đối tượng được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về CPĐT bên cạnh các kiến thức, kỹ năng khác. Một trong các chương trình bồi dưỡng công chức rất đáng chú ý hiện nay là Chương trình bồi dưỡng Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập do Quỹ Chương trình đào tạo kinh tế và quản lý Cộng hòa Liên bang Nga (5) xây dựng. Chương trình này sẽ được Quỹ triển khai trong năm 2022.
Chương trình gồm 13 nhóm nội dung bao quát tất cả lĩnh vực công tác của lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có đến 4 nhóm nội dung liên quan đến kỹ thuật số trong đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như sau:
Chuyển đổi kỹ thuật số đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ sở pháp lý của chuyển đổi kỹ thuật số. Các xu hướng chính của chuyển đổi kỹ thuật số trong các cơ quan, đơn vị nhà nước. Quản lý và tối ưu hóa các quy trình. Con người và văn hóa tổ chức trong giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số. Kinh nghiệm thực tiễn quý giá về chuyển đổi kỹ thuật số của các cơ quan, đơn vị nhà nước.
Làm việc với site quốc gia về đơn vị sự nghiệp công lập (bus.gov.ru) (6); Sự điều chỉnh của pháp luật; Thực tiễn phát triển site trong năm 2021. Sử dụng các công cụ phân tích dành cho các thành viên quan tâm; Các dịch vụ giao tiếp của Cổng thông tin thống nhất; Thiết kế dữ liệu và thiết kế báo cáo; Máy tính (Calculators); Sơ đồ quy trình nghiệp vụ đăng thông tin; Sử dụng các công cụ phân tích dành cho các thành viên quan tâm.
Các đặc điểm đăng thông tin trên Cổng thông tin thống nhất của hệ thống ngân sách Liên bang Nga (budget.gov.ru) bởi các nhà quản lý ngân sách Liên bang cũng như các cơ quan tài chính của Liên bang Nga.
Giám sát các dự án quốc gia trong hệ thống thông tin tích hợp Ngân sách điện tử (ГИИС “Элетрольный бюджет”). Quản lý các dự án thuộc hệ thống Ngân sách điện tử. Hình thành và tiến hành các dự án quốc gia, liên bang, vùng. Hình thành cơ chế báo cáo theo quy định. Kiểm tra tài chính trong quá trình thực hiện các dự án ngân sách. Xác nhận các chứng từ về chi phí của đơn vị sự nghiệp công lập trong thực hiện các dự án cấp quốc gia. Quy trình trao đổi các dữ liệu với hệ thống quản lý dự án cấp vùng. Bổ sung hồ sơ các dự án cho phù hợp sự thay đổi của quy định.
Việc tham khảo các nhóm nội dung liên quan đến kỹ thuật số nêu trên chắc chắn hữu ích trong xây dựng các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nước ta về CPĐT.
4. Một số ý kiến về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về CPĐT ở Việt Nam
Thứ nhất, tài liệu về CPĐT trên mạng internet rất phong phú, trong đó có nhiều tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Nga… về CPĐT, bao gồm các giáo trình, đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, bài báo khoa học, luận án… Tài liệu bằng tiếng Nga về đào tạo cử nhân, thạc sĩ, bồi dưỡng công dân kiến thức, kỹ năng CPĐT có khá nhiều. Tuy nhiên, tài liệu dành riêng cho bồi dưỡng công chức nhà nước về CPĐT lại hết sức khan hiếm. Sẽ là không hoàn toàn phù hợp nếu sử dụng tài liệu dành cho đào tạo cử nhân, thạc sĩ, bồi dưỡng công dân nói chung về CPĐT để bồi dưỡng cán bộ, công chức bởi vì cán bộ, công chức ở Việt Nam đã ở một trình độ nhất định, có những kỹ năng nhất định về CPĐT.
Thứ hai, các CPĐT trên thế giới mặc dù có các nền tảng chung nhưng có mô hình không giống nhau do một số nguyên nhân: hình thành ở các thời kỳ phát triển khác nhau của công nghệ thông tin, kinh phí, đội ngũ chuyên gia tư vấn cho Chính phủ về CPĐT… Một vấn đề hết sức quan trọng là chương trình, nội dung bồi dưỡng phải căn cứ vào mô hình CPĐT mà Nhà nước ta lựa chọn. Nghĩa là phải nghiên cứu mô hình mà Nhà nước lựa chọn trước khi bàn đến chương trình, nội dung bồi dưỡng. Việc xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng phải phù hợp mô hình và nhằm mục đích giúp vận hành mô hình hiệu quả. Giống như đào tạo công nhân vận hành máy móc, đầu tiên phải có một cỗ máy cụ thể, rồi người đào tạo phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm bắt các chức năng, hiểu cách vận hành, sau đó mới đào tạo công nhân cách vận hành cỗ máy. Và như vậy, trong chương trình bồi dưỡng nhất định phải có nội dung về mô hình CPĐT ở Việt Nam và nội dung này phải chiếm dung lượng đủ để người học hiểu rõ về mô hình CPĐT ở Việt Nam.
Thứ ba, chương trình (hay phần của chương trình) đào tạo, bồi dưỡng về CPĐT phải bao quát mọi khía cạnh của CPĐT. Mặt khác, các kiến thức cung cấp cho người học phải có tính ứng dụng cao, thiết thực hướng đến áp dụng ngay để giải quyết các công việc hằng ngày của cán bộ, công chức, viên chức. Các chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng công chức của Nga và Belarus về CPĐT rất đáng được quan tâm bởi tính bao quát của chương trình và tính thiết thực, ứng dụng cao của các nội dung cụ thể.
Thứ tư, có thể nghiên cứu việc đào tạo cử nhân chuyên ngành CPĐT ở nước ta để xây dựng và vận hành tốt CPĐT.
__________________
1. Электронное правительство (CPĐT), nces.by/e-government.
2. Estonia, vi.m.wikipedia.org/wiki/Estonia.
3. Электронное правительство: чему стоит поучиться у Эстонии (CPĐT, Điều gì nên học từ Estonia), tsdea.archives.gov.ua, 11-11-2013.
4. Образовательная программа повышения квалификации «Электронное правительство» (Chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ “CPĐT”), nces.by, 17-5.2021.
5. Курс “Руководитель бюджетного учреждения”, Сайт Российского Фонда Образовательных программ Экономика и Управления (Khóa “Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập”, Site của Quỹ Chương trình đào tạo Kinh tế và Quản lý Cộng hoà Liên bang Nga), profitcon.ru, 2021.
6. Site chính thức để đăng các thông tin về các cơ quan, đơn vị nhà nước. Trên site này có thể tìm thông tin về các cơ quan, đơn vị và sự đánh giá của các tổ chức độc lập, các danh mục dịch vụ quốc gia và dịch vụ địa phương…
Tài liệu tham khảo
1. (“Эстонская модель” электронного правительства. Узбекистан и Эстония вступили в новый этап сотрудничества), CPĐT “mô hình Estonia”. Uzbekistan và Estonia bước vào giai đoạn hợp tác mới, xabar.uz, 26-4-2021.
2. Phyonova L.R, Фионова Л.Р., Оценка готовности государственных служащих к работе в электронном Правительстве, Журнал Теория и практика общественного развития (Đánh giá sự sẵn sàng của công chức để làm việc trong CPĐT), cyberleninka.ru, số 1-2014.
3. Trutnev D.P., Trugunov A.V., Трутнев Д.Р., Чугунов А.В, Подготовка кадров государственных и муниципальных служащих в области электронного правительства: взаимосвязь уровня ИТ-компетенций и результативности проектов, Журнал Вопросы государственного и муниципального управления (Đào tạo công chức nhà nước và địa phương trong lĩnh vực CPĐT: mối quan hệ giữa mức độ năng lực CNTT và hiệu quả của các dự án), cyberleninka.ru, số 3-2011.
TS TRẦN THÚY VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay