Nói đến chất liệu trong nghệ thuật điêu khắc người ta thường nghĩ ngay đến đồng, đá, sắt… những chất liệu có tiếng nói mạnh mẽ trong ngôn ngữ tạo hình. Tuy nhiên, những năm gần đây, quan niệm về chất liệu trong sáng tác điêu khắc đã thay đổi, dẫn đến ngôn ngữ biểu đạt và không gian trưng bày tác phẩm cũng thay đổi. Bất cứ vật liệu nào cũng có thể trở thành chất liệu sáng tác của điêu khắc miễn nó có thể chuyển tải được nội dung và ý tưởng của tác phẩm. Với Thái Nhật Minh, một chất liệu mỏng nhẹ như giấy cũng đã được anh xử lý, tìm tòi và biến thành một vật liệu đầy sức nặng biểu cảm trong nghệ thuật điêu khắc của mình.
Bột giấy – một thể nghiệm chất liệu
Thái Nhật Minh là một điêu khắc gia trẻ đã gặt hái được khá nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác của mình. Từ 2005 đến 2014, anh đã dành được 10 giải thưởng, bằng khen cho tác phẩm tham gia nhiều triển lãm từ cấp khu vực đến toàn quốc. Minh sáng tác trên rất nhiều chất liệu, nhôm, đá, composit, gốm, gỗ và mới đây nhất là chất liệu bột giấy.
Sự quan sát tinh tế, óc sáng tạo phong phú đã mang đến cho anh những ý tưởng sáng tác gây bất ngờ từ chất liệu cho đến tạo hình. Nhiều đồ vật, sự vật thứ vô cùng giản dị, gần gũi, đôi khi ngẫu nhiên thấy trong cuộc sống, cũng trở thành những gợi ý sâu sắc cho các sáng tác của anh. Chất liệu giấy cũng vậy, nó đến với sáng tác của anh khá tình cờ. Một tờ giấy bị bỏ quên trong túi, sau khi được giặt, khô đã biến dạng trở thành một cục giấy khó gỡ, có tính kết dính cao. Điều này đã gợi ý cho anh về khả năng tạo khối của chất liệu giấy được vò nát trộn với keo trong điêu khắc. Ý tưởng này thực ra cũng đã từng được các nghệ nhân Việt Nam xưa áp dụng trong việc tạo chất kết dính cho chất liệu đất của một số tượng chùa. Trong đời sống có thể thấy bột gỗ trộn với keo từ tuyến nước bọt của các loài ong đã trở thành một chất liệu cho những chiếc tổ bền chắc chịu được mưa nắng. Giấy tuy mỏng manh nhưng lại có khả năng hút và nhả ẩm rất linh hoạt. So với một số chất liệu hội họa, tranh vẽ trên giấy khá bền vững trong quá trình bảo quản, nhất là với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam. Đặc biệt, bột giấy khi trộn với keo chẳng khác gì đất sét, mềm quánh, dễ tạo hình nhưng khi khô lại cứng đanh như xi măng, ngâm trở lại nước cũng không bở.
Giấy là chất liệu sẵn có, đa dạng, dễ kiếm, lại có thể tận dụng từ những giấy phế liệu, rất thuận tiện cho việc sáng tác. Thay vì hàng ngày phải thu dọn giấy bỏ đi, giờ đây, giấy đã trở thành chất liệu đầy cảm hứng cho sáng tác của Thái Nhật Minh. Cách làm bột giấy và tạo hình điêu khắc của Thái Nhật Minh khá đơn giản nhưng đó lại là cả một quá trình tìm tòi, thử nghiệm không ngừng trong suốt chặng đường sáng tác của anh. Từ việc tìm ra loại keo kết dính đến cách làm cốt, tạo khối, việc sử dụng từng loại giấy, loại màu được hình thành, hoàn thiện dần trong từng trải nghiệm thực tế sáng tác của anh. Với anh, không có sách vở nào có thể thay thế bằng sự tự trải nghiệm với chất liệu. Chỉ khi sống với chất liệu, người nghệ sĩ mới có thể phát hiện được những khả năng biểu hiện của từng loại, từ đó phát huy thích hợp thế mạnh của chúng với từng nội dung, tác phẩm.
Kỹ thuật và đặc điểm tạo hình với bột giấy
Kỹ thuật làm bột giấy của Thái Nhật Minh khá đơn giản, theo cách làm thủ công. Giấy được sử dụng để tạo bột có thể là bất cứ loại giấy nào, từ giấy trắng, giấy báo, giấy vở cho đến giấy vẽ… Tuy nhiên để tiết kiệm, anh thường dùng các loại giấy cũ, giấy phế thải cho những lớp bên trong, còn giấy trắng sẽ được dùng cho lớp ngoài cùng để khi trộn với màu, sẽ đạt được sắc độ như mong muốn. Giấy, sau khi ngâm nước, được vò nát, làm nhỏ và tạo độ khô nhất định qua phương thức chà sát trong một chiếc rá. Bột giấy sau đó sẽ được trộn với keo sữa và màu nước hoặc acrylic để tạo thành một hỗn hợp có sắc màu tươi, mềm, quánh, dính. Hỗn hợp bột giấy này có thể sử dụng trong vòng một tháng, chỉ cần bảo quản ở nơi thoáng mát.
Cốt trong tác phẩm điêu khắc bột giấy của Thái Nhật Minh cũng rất đơn giản. Chúng được hàn từ những ống đồng rỗng với nhiều kích cỡ khác nhau. Đồng vừa có độ cứng nhất định vừa dễ uốn, lại không rỉ khi gặp nước. Để tạo dáng cho tác phẩm, anh dùng giấy báo vo thành khối theo hình gần sát với ý tưởng rồi cố định lại bằng băng dính và gắn vào cốt đồng. Khi đã có một bộ khung và hình khối cơ bản, tác phẩm sẽ được tạo hình bằng cách đắp các lớp bột giấy theo nguyên tắc nhiều lớp. Đây là công đoạn tỉ mỉ, công phu và mất khá nhiều thời gian vì phải chờ khô từng lớp mới được đắp thêm lớp mới. Kỹ thuật đắp được sử dụng chính trong tạo hình tác phẩm của anh. Tuy nhiên bột giấy cũng cho phép loại bỏ những phần dư thừa bằng cách lấy bớt khi ướt hay gọt bỏ khi khô. Kỹ thuật đắp giấy có ưu thế hơn so với kỹ thuật bồi giấy bởi nó cho phép nghệ sĩ chủ động trong tạo hình, khối, chất cảm.
Nhận xét về tạo hình điêu khắc bột giấy của Thái Nhật Minh, mọi người thường cho rằng anh có phong cách tối giản. Nhưng Thái Nhật Minh cho rằng đó cũng không hẳn là sự tối giản. Anh không thích rườm rà, mà hướng đến sự cô đọng, khúc chiết trong ngôn ngữ hình khối như một thủ pháp tạo hình. Tuy nhiên những điểm trọng tâm của tác phẩm luôn được anh chú ý, nhấn mạnh, thậm chí cường điệu hóa và mô tả khá chi tiết. Cách tạo hình tương phản này giúp làm cho các hình tượng điêu khắc của anh đầy sự biểu cảm. Có thể thấy rõ lối tạo hình này ở dáng điệu, hình khối của các loài vật trong triển lãm Mùa sinh sản của anh tại không gian nghệ thuật Manzi (Hà Nội) năm 2014. Những hình tượng chó, mèo trong mùa yêu của chúng căng tràn khát vọng, sinh lực cùng những bản năng hoang dại. Những con đực được nhấn mạnh sức căng cơ thể với những chiếc lưng uốn cong hoặc kéo dài hết mức. Con cái nặng nề với những bầu vú được tạo khối căng tròn. Để nhấn mạnh những yếu tố đó thì phần đầu, chân các con vật được thu nhỏ, giản lược về kích thước cũng như hình khối, chi tiết.
Một điểm dễ nhận thấy là hình tượng nghệ thuật trong các sáng tác của Thái Nhật Minh đều lấy cảm hứng từ thế giới động vật như ốc sên, chim, chó, mèo, dê, hổ, khỉ, voi… Tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ để anh thể hiện những suy tư, cảm xúc cũng như trăn trở của mình về cuộc sống con người. Đàn mèo ghi xám được giản lược hết mức về hình khối, chi tiết để nhấn mạnh đến dáng điệu co ruỗi, vặn vẹo đầy sợ hãi, hoang mang. Những đám chó, mèo, dê tươi vui tràn đầy sức sống, bản năng, dáng điệu sinh động, màu sắc rực rỡ. Những chú khỉ thông minh, dí dỏm, tự tin nhưng cũng đầy suy tư về cuộc sống.
Bên cạnh sự biểu cảm của hình khối, dáng điệu, màu sắc cũng góp một tiếng nói quan trọng không nhỏ trong sáng tác của anh. Giai đoạn đầu khi mới thử nghiệm với chất liệu bột giấy cùng nội tâm riêng, màu sắc trong điêu khắc của anh thiên về gam trầm ghi xám của nguyên bột giấy báo, như Những con mèo (năm 2013). Ở triển lãm Mùa sinh sản một năm sau đó, màu sắc đã tươi hơn nhưng chưa có độ sâu bởi khi đó anh mới sử dụng cách tô màu lên tác phẩm hoặc nhúng tác phẩm vào màu. Phải đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, khi anh phát hiện ra cách trộn màu vào bột giấy, tác phẩm của anh có sức biểu cảm mạnh hơn hẳn về chất, màu có độ sâu, độ no. Thể nghiệm về màu này đã mang đến cho anh những thành công trong những tác phẩm Mùa sinh sản lần 2, tượng dê, khỉ trong triển lãm xuân 2015, 2016. Chính chất liệu bột giấy với độ thô nhám, chất xốp tự nhiên, khi trộn keo và màu đã tạo nên một chất cảm riêng. Đó là độ tươi, âm vang sâu thẳm mà vẫn êm dịu, mộc mạc và đằm thắm. Thái Nhật Minh có cách biểu cảm màu khá đặc biệt, đó là cách nhìn hình cảm màu. Sau khi tác phẩm hoàn tất về tạo hình khối, tùy thuộc vào cảm xúc, ý tưởng và sự cảm nhận về hình mà anh sẽ có cách dùng màu hiệu quả nhất cho tác phẩm. Tuy nhiên cũng có thể nhận thấy cách cảm nhận màu riêng của anh trong một số tác phẩm có con đực và con cái. Thường với con đực anh sử dụng màu đỏ, xanh lá cây, đen, lam còn con cái thường có màu hồng, vàng, tím, trắng. Màu trên chất liệu bột giấy vốn đã có độ trong sâu, ánh sáng, chất cảm phong phú nên cách dùng màu của anh cũng khá đơn giản. Mỗi con một màu và chỉ thay đổi một chút sắc độ tươi rực ở mặt, chân… nơi cần điểm nhấn và diện tích không nhiều.
Chất liệu bột giấy và những giá trị mới
Có thể nói Thái Nhật Minh là một điêu khắc gia trẻ đầy tài năng và có sức sáng tạo phong phú. Anh có cách làm việc cần mẫn, đầy đam mê và hết sức nghiêm túc. Luôn tìm tòi, khám phá những cách biểu đạt mới trên nhiều chất liệu, anh đang hướng đến sự đa phong cách trong sáng tác trên con đường sự nghiệp của mình.
Anh từng bộc bạch về sự ngưỡng mộ của bản thân với cách làm việc của Picasso, hình tượng của một nghệ sĩ thiên tài không bao giờ giới hạn sự sáng tạo của mình ở một thể loại hay phong cách nghệ thuật. Với Thái Nhật Minh, sự trải nghiệm đa chất liệu trong sáng tác chính là sự khám phá những tầng cảm xúc để làm mới chính mình. Mỗi chất liệu sẽ gợi cho anh những ý tưởng và cách biểu đạt mới. Đá, gỗ, đồng thiên về cách tạo khối đặc mang lại những cảm xúc về sức nặng, tĩnh tại, khỏe khoắn. Sắt thiên về khối rỗng, mảnh cho người nghệ sĩ sự chủ động, linh hoạt trong sáng tạo. Với kết cấu của dạng tấm, que, sắt tạo cho tác phẩm sự chắc chắn, mạnh mẽ nhưng cũng không kém thanh thoát, bay bổng. Tuy nhiên, các chất liệu kim loại phải qua khâu đổ khuôn, đúc, sửa nguội, rất mất thời gian do vậy cảm xúc sáng tác phải duy trì lâu.
Riêng với giấy là chất liệu có khả năng cơ động cao, có thể sáng tác bất cứ lúc nào. Giấy cho phép sáng tác nhanh, linh hoạt hơn trong việc tạo khối, nếu hỏng có thể đắp thêm, thừa có thể gọt bỏ. Chất liệu giấy cho anh cảm xúc tức thời về hình khối, chất cảm và màu sắc. Quá trình tạo tác được biểu hiện ngay trên bề mặt tác phẩm. Ưu điểm vượt trội của bột giấy trong điêu khắc của anh là không hạn chế về khả năng biểu cảm màu với những sắc độ tươi mà vẫn êm dịu, mộc mạc mà đằm thắm, điều mà các chất liệu điêu khắc khác không có được. Đó cũng là những khám phá chất liệu đã mang đến sắc thái biểu cảm riêng trong điêu khắc giấy của anh. Hơn nữa, giấy là một loại nguyên vật liệu có sẵn, rẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người sáng tác. Cách làm điêu khắc với chất liệu giấy cũng nhẹ nhàng, dễ thể hiện, có thể sáng tác bất cứ đâu. Bởi vậy, anh thường đan xen làm điêu khắc giấy với các chất liệu khác như đá, gỗ, nhôm… Cách nặn giấy cũng giống với nặn đất, mang lại những cảm hứng cho sáng tạo, đặc biệt là ở khả năng cảm nhận và biểu đạt khối. Có thể nói, bằng sự trải nghiệm, sáng tạo tự thân, Thái Nhật Minh đã tạo nên một chất liệu cho riêng mình, vừa thuận tiện, dễ bảo quản lại mang lại những hiệu quả bất ngờ. Từ quy trình làm bột giấy, tạo hỗn hợp với keo, màu cho đến cách tạo cốt, đắp lớp, tạo hình… chính là quá trình sáng tạo và hoàn thiện cảm xúc của chính anh. Không dừng ở đó, anh vẫn tiếp tục những tìm tòi thể hiện chất khác nhau trên tác phẩm bột giấy như dùng dao khắc vạch trên bề mặt tác phẩm, tạo các chất cảm khác nhau. Hay tìm tòi cách tạo màu ngẫu nhiên do kỹ thuật phủ nhiều lớp màu rồi mài như với tranh sơn mài… Sắp tới, anh cũng sẽ thể nghiệm chất liệu giấy dó và màu tự nhiên trong sáng tác điêu khắc của mình.
Chất liệu, cảm xúc, sáng tạo luôn đầy ắp trong Thái Nhật Minh, một điêu khắc gia trẻ. Giản dị trong lối sống, phong cách nhưng tinh tế trong tạo hình, ý tưởng cùng sự sáng tạo không ngừng đã tạo cho anh một vị trí trong lòng những người yêu mến nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016
Tác giả : ĐẶNG THỊ PHONG LAN
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày