Giải thưởng Búp sen vàng của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) được tổ chức nhằm tôn vinh các nhà làm phim, ở lĩnh vực phim tài liệu và phim truyện ngắn, góp phần nâng cao thẩm mỹ, nhận thức về nghệ thuật điện ảnh cho thanh thiếu niên. Đồng thời, tạo nên một diễn đàn để các nhà làm phim trẻ tìm được tiếng nói chung, cùng chia sẻ kinh nghiệm dự định, hoài bão và niềm đam mê điện ảnh… Trong năm qua, TPD đã hỗ trợ các nhà làm phim trẻ thực hiện 83 bộ phim tài liệu ngắn, 25 phim truyện ngắn và 18 phim của học sinh cấp II. Sau quá trình bình chọn của ban giám khảo, của khán giả, 8 giải thưởng đã được trao xứng đáng cho 8 tác giả của những bộ phim xuất sắc.
Các nhà làm phim trẻ của trung tâm TPD có cách làm phim chân thực, một hướng đi riêng tiếp xúc với cuộc sống. Những thước phim về cuộc sống đời thường sâu lắng, khiến người ta như quên đi đây là những tác phẩm của các học viên trẻ, đam mê điện ảnh không chuyên. Chính các bạn học viên là những nhân tố góp phần tạo nên thành công của TPD và thành công của mỗi mùa liên hoan phim.
Mỗi một mùa liên hoan phim của TPD đi qua lại có thêm những tên tuổi của nhiều học viên xuất sắc trên các mảng đào tạo của trung tâm. Đội ngũ làm phim trẻ đầy sáng tạo với cách làm phim riêng, độc lập suốt từ kịch bản đến dàn dựng thành tác phẩm hoàn chỉnh. Những bộ phim của các học viên trẻ TPD dù còn non về chuyên môn, nguồn kinh phí eo hẹp, thiếu thốn về cơ sở vật chất làm phim… nhưng lại được chăm chút, chỉnh sửa chu đáo, được học viên đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào đó.
Trải qua hành trình gần 8 năm đồng hành cùng các nhà làm phim trẻ, giải thưởng Búp sen vàng đã trở thành ngày hội thường niên hàng năm, nơi ghi nhận, tôn vinh lao động nghệ thuật của những nhà làm phim trẻ TPD. Nhiều bộ phim tài liệu và phim truyện ngắn từng được đề cử giải thưởng Búp sen vàng đã được trình chiếu ở nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng làm phim trẻ của cả nước nói chung cũng như của TPD nói riêng.
Tiếp nối thành công của các mùa liên hoan trước, liên hoan Búp sen vàng 2017 tiếp tục mang đến những tác phẩm cháy bỏng khát khao vươn tới cái đẹp của cuộc sống. Đúng với chủ đề năm nay Kính vạn hoa, buổi lễ trao giải Búp sen vàng 2017 là lăng kính đầy sắc màu để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Buổi lễ được chia làm ba phần: phần 1: Lăng kính màu trắng; phần 2: Lăng kính màu xanh dương; phần 3: Lăng kính màu đỏ – màu vàng. Trong đó, màu trắng là của các nhà làm phim nhí (học sinh cấp II), xanh dương của các nhà làm phim đầu tay, màu đỏ của những đạo diễn đã trưởng thành từ cộng đồng chúng ta làm phim, màu vàng của các thế hệ nhà làm phim TPD nối tiếp nhau qua suốt 8 mùa giải.
Màu sắc của các bộ phim tham gia tranh giải năm nay cũng được đánh giá có những đề tài mạnh, góc nhìn đa chiều, táo bạo và cảm động. Đạo diễn người Hà Lan Manouchehr Abrontan đã chia sẻ có những bộ phim khiến ông xúc động trong từng khuôn hình bởi sự nhạy cảm và bản năng tuyệt vời của các tác giả trẻ. Cũng giống như lời nhận xét của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh), các bộ phim tham dự năm nay là những bước đi đầu tiên còn non nớt, vụng về nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, sự đam mê của các bạn trẻ. Chính từ sự đam mê của những học viên trẻ, nên trong năm qua số lượng và chất lượng những bộ phim được sản xuất của TPD ngày càng được nâng cao. Trong năm qua, TPD đã hỗ trợ các nhà làm phim trẻ thực hiện 83 bộ phim tài liệu ngắn, 25 phim truyện ngắn và 18 phim của học sinh trung học cơ sở. Nhìn vào các con số, có thể thấy Búp sen vàng 2017 có số lượng phim truyện và phim do học sinh cấp II thực hiện cao kỷ lục. Đây chính là tín hiệu đáng mừng hứa hẹn trong tương lai, các tài năng trẻ, đạo diễn trẻ sẽ cho ra đời những tác phẩm hay, giàu ý nghĩa phục vụ cho khán giả. Đồng thời TPD cũng góp phần ươm mầm tài năng cho điện ảnh nước nhà.
8 giải thưởng đã trao về tay những cái tên xứng đáng. Hạng mục phim truyện đầu tay xuất sắc nhất của Búp sen vàng 2017 thuộc về tác phẩm Đêm giặt ủi của đạo diễn Trần Thành. Giải phim truyện do Ban giám khảo và khán giả bình chọn đã thuộc về Muộn của đạo diễn Hồ Thanh Thảo, Chuyện anh hùng của đạo diễn Nguyễn Hoài Nam. Nếu như Muộn là cái nhìn chân thực, gai góc về một Hà Nội với những góc khuất dưới ánh đèn đêm, thì Chuyện anh hùng đưa đến lời nhắc nhở nhẹ nhàng, hài hước về ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cùng với những tác phẩm của học sinh cấp II. Để thúc đẩy tài năng trẻ, ươm mầm tương lai, Búp sen vàng 2017 đã dành hẳn 2 hạng mục cho phim của học sinh cấp II và lần lượt: Tấm vé cuối cùng của đạo diễn Thảo Linh, Unknown name của đạo diễn Nguyễn Vũ Huyền Linh giành giải phim Teen xuất sắc nhất do ban giám khảo, khán giả bình chọn. Dù cho những sản phẩm của các bạn học viên nhỏ tuổi vẫn còn nhiều hạt sạn, nhưng không thể phủ nhận với tiềm năng, niềm đam mê. Đây sẽ là những cái tên sáng giá cho điện ảnh Việt Nam trong tương lai nếu được đào tạo bài bản.
Điểm nổi bật nhất trong lễ trao giải chính là lần đầu tiên trong lịch sử Búp sen vàng, một bộ phim dành trọn cả ba giải thưởng là phim tài liệu đầu tay xuất sắc, phim tài liệu xuất sắc nhất do ban giám khảo bình chọn và phim tài liệu xuất sắc nhất do khán giả bình chọn. Đó là bộ phim Lẫn của tác giả Nguyễn Ngọc Mai.
Khi thực hiện bộ phim tài liệu Lẫn, với sức sáng tạo và niềm say mê nghệ thuật, muốn khám phá tới cùng và tìm cho được những hình ảnh ý nghĩa, nhằm biểu đạt ý tưởng một cách cao nhất, Nguyễn Ngọc Mai đã khiến một câu chuyện đời thường giản dị trở thành tác phẩm đặc biệt tạo được ấn tượng mạnh cho người xem. Bộ phim kể về câu chuyện tình vô cùng cảm động dưới con mắt tinh tế, nhạy cảm và cách dựng lôi cuốn của cô gái 18 tuổi, lần đầu đến với việc làm phim. Phim tài liệu Lẫn gây thiện cảm cho khán giả bởi lối kể chuyện tinh tế, chân thực và đầy xúc cảm, đặc tả cuộc sống tuy giản dị nhưng chan chứa tình cảm của đôi vợ chồng già. Bộ phim dẫn dắt người xem đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, có lúc bật cười, có lúc lại rơi nước mắt… trước những hành động của cụ ông tận tình, ân cần chăm chút từng ly từng tý cho cụ bà bị tai biến, bắt đầu lẫn và thay đổi tính nết. Hình ảnh hai ông bà ngồi bên thềm, nhìn mưa rơi kết thúc phim khiến khán giả như lắng lại sau những bộn bề, tấp nập ngoài kia và tin rằng tình yêu đích thực luôn tồn tại. Những người làm bộ phim đã có cách nhìn nhân văn về tình cảm gia đình. Một phim tài liệu không quá đặc biệt mà quanh đi quẩn lại là những người trong gia đình, cả bộ phim không có nhiều cảnh lãng mạn, hay kịch tính mà vẫn hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối, bởi tính nhân văn. Ngoài nội dung mang ý nghĩa nhân văn, bộ phim còn được đánh giá cao vì không chỉ nắm bắt được những khoảnh khắc đáng giá của đôi vợ chồng già, mà còn có nhiều khuôn hình trữ tình ngoại đề ghi lại hình ảnh cuộc sống vùng nông thôn, giúp bộ phim giàu cảm xúc hơn…
Sau mỗi lần liên hoan phim, sau mỗi mùa trao giải thưởng, cứ nhìn vào cơ cấu giải thưởng và danh sách tập thể, cá nhân nhận giải thì thấy TPD cũng chẳng thua kém bất kỳ một liên hoan phim nào trong nước và quốc tế. Sau mỗi lần liên hoan như vậy, tình cảm và bầu nhiệt huyết của các nhà làm phim như được an ủi, được hâm nóng lên, để họ thấy rằng điện ảnh Việt Nam vẫn có những ánh hào quang tỏa sáng bởi những lớp trẻ, những mầm non của tương lai điện ảnh nước nhà.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017
Tác giả : TUỆ SAM
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Nhận diện đạo diễn phim việt những năm gần đây
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh