Cách sử dụng hiệu quả tiếng Việt trong quá trình dạy tiếng Anh


Ngôn ngữ mẹ đẻ đóng vai trò quan trọng trong việc học tiếng nước ngoài. Chính tiếng Việt giúp cho sinh viên hiểu được ngoại ngữ một cách dễ dàng hơn. Vì vậy, giáo viên cần sử dụng tiếng Việt trong quá trình giảng dạy tiếng Anh nhằm thúc đẩy quá trình học cho học sinh trên lớp. Tuy nhiên, trong một số lớp học tiếng Anh, cả giáo viên và người học hơi lạm dụng tiếng Việt. Bài viết đưa ra một số cách thức giúp giáo viên sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách hiệu quả trong quá trình giảng dạy tiếng Anh.

1. Một số lý thuyết liên quan tới việc sử dụng tiếng mẹ đẻ khi học ngoại ngữ

Từ điển Oxford đưa ra định nghĩa tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ con người học nói đầu tiên, được sử dụng tại nhà (từ lúc sinh ra). Đặc trưng của người nói tiếng mẹ đẻ của một ngôn ngữ là trực giác về những gì họ có trong ngôn ngữ của họ mà những người khác không thể nói được. Với cách hiểu này, một người có thể có nhiều hơn một tiếng mẹ đẻ. Thường thì đứa trẻ sẽ học ngôn ngữ đầu tiên từ gia đình chúng.

Theo Atkinson, D.(1993), ngoại ngữ được định nghĩa là một ngôn ngữ không được sử dụng bởi người bản địa tại vùng đó, hay nói một cách khác, ngoại ngữ là một ngôn ngữ không được coi là bản ngữ của một đất nước. Ví dụ như tiếng Anh là một ngoại ngữ ở Nhật Bản. Người nói tiếng Anh sống tại Nhật có thể nói rằng tiếng Nhật Bản là một ngoại ngữ với họ. Ngoại ngữ được học để giao tiếp với người nước ngoài sử dụng chính ngôn ngữ đó hoặc để đọc những tài liệu được in bằng thứ tiếng đó.

Tiếp nhận một ngôn ngữ nước ngoài có thể là một quá trình học tập trọn đời đối với một vài người. Hầu hết người học khó có thể đạt được mức độ bản xứ đối với ngôn ngữ đó. Quá trình tiếp nhận ngoại ngữ diễn ra theo các giai đoạn có hệ thống. Rất nhiều bằng chứng đã được thu thập để chỉ ra rằng các âm cơ bản, từ vựng, cụm phủ định, đặt câu hỏi, sử dụng mệnh đề quan hệ… được phát triển dần dần. Sự phát triển này không phụ thuộc vào lượng kiến thức được thu nạp, cũng không chịu sự ảnh hưởng của môi trường học tập và được áp dụng cho rất nhiều đối tượng học sinh. Quá trình này giống với những giai đoạn mà một đứa trẻ trải qua khi tiếp nhận tiếng mẹ đẻ: bập bẹ (bababa), tích lũy từ vựng (milk sau đó tới milk drink), sử dụng hình thức phủ định (no play), đặt câu hỏi (where she go)…

Việc chữa lỗi dường như không ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học ngoại ngữ. Chỉ dẫn có thể tác động tới tốc độ tiếp thu, nhưng các giai đoạn vẫn giữ nguyên. Đối với ngôn ngữ thứ nhất, trẻ em không phản ứng với việc chữa lỗi. Thêm vào đó, những đứa trẻ ít tiếp xúc với giao tiếp hàng ngày vẫn tiếp nhận ngôn ngữ thứ nhất bình thường.

Người học ngôn ngữ thứ nhất hay ngoại ngữ đều có kiến thức vượt lên trên khối lượng kiến thức họ nhận được, nói cách khác, kiến thức tổng thể có phần tốt hơn các phần tách biệt. Người học có khả năng sử dụng lối diễn đạt chính xác (cụm từ, câu và câu hỏi) mà họ chưa từng thấy hay nghe trước đây.

Sự thành công trong việc học ngôn ngữ có thể được tính bằng hai cách: tính hợp lý và chất lượng. Khi học tiếng mẹ đẻ, người học có thể thành công ở cả hai khía cạnh này. Mặc khác, đối với người học ngoại ngữ, thành quả khó có thể được đảm bảo. Một số người có thể gặp phải hiện tượng hóa thạch hoặc bị ngắc ngứ khi mắc lỗi ngữ pháp. Theo nghiên cứu của Cole, S.(1998), hiện tượng hóa thạch xảy ra khi các lỗi ngôn ngữ trở thành một lỗi cố định, lặp đi lặp lại. Sự chênh lệch trình độ giữa người học với nhau vì thế có thể rất khác biệt.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng tiếng mẹ đẻ đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy học ngoại ngữ về mặt nội dung và nghĩa biểu đạt. Theo Paul Nation (Đại học Victoria Wellington, New Zealand), vai trò này là tiên quyết hơn cả 4 thành phần cấu tạo nên một khóa học ngoại ngữ, đó là: lượng kiến thức đầu vào: học thông qua nghe và đọc; lượng kiến thức đầu ra: học thông qua nói và viết; ngôn ngữ: học chú trọng vào những đặc trưng của ngôn ngữ; sự trôi chảy, lưu loát: học tiến tới để sử dụng ngôn ngữ một cách trôi chảy.

Sử dụng tiếng Việt trong lớp học tiếng Anh sẽ giúp sinh viên cảm thấy tự tin và thoải mái hơn khi giáo viên sử dụng tiếng Việt. Sinh viên hiểu bài tốt hơn. Họ cảm thấy dễ dàng hơn trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ mới. Khi phải học những kiến thức nền về ngữ pháp hoặc những cấu trúc phức tạp, học viên không gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý khi thực hành nói. Sử dụng tiếng mẹ đẻ là một cách thức hiệu quả cho giáo viên giải thích nghĩa những từ khó hoặc phân biệt dễ dàng những từ đồng nghĩa.

Tuy nhiên, trong khi sử dụng tiếng Việt ở lớp học tiếng Anh, sinh viên sẽ gặp một số khó khăn như: không thể nâng cao được khả năng nói và nghe tiếng Anh; sử dụng quá nhiều tiếng Việt sẽ không khuyến khích sinh viên tư duy bằng tiếng Anh; sinh viên có thể lạm dụng tiếng Việt khi học ở cả 4 kỹ năng; trở nên bị động và thiếu tự tin khi sử dụng quá nhiều tiếng Việt; giáo viên mất rất nhiều thời gian để dịch sang tiếng Việt.

2. Ứng dụng vào thực tiễn

Quả thực, tiếng Việt đã được sử dụng tương đối nhiều trong lớp học tiếng Anh, nhất là với những lớp trình độ sinh viên không đồng đều hoặc chưa đạt chuẩn. Vì vậy, một vài ứng dụng được đưa ra trong phần này nhằm giảm lượng dùng tiếng Việt khi giảng dạy tiếng Anh trên lớp.

Theo nghiên cứu của Brown, H.(1994), tác giả đã chỉ ra những cách sau đây để sử dụng tiếng mẹ đẻ như một công cụ hữu hiệu trong quá trình học ngoại ngữ, đặc biệt với những sinh viên mà trình độ ngoại ngữ vẫn ở mức độ thấp. Việc nhận biết sự giống và khác nhau giữa hai ngôn ngữ (mẹ đẻ và ngoại ngữ) là vô cùng hữu ích. Người học có thể sử dụng tài liệu học một cách hiệu quả nếu như không quá khó đối với họ. Giáo viên có thể cho phép người học sử dụng tiếng mẹ đẻ, điều đó khích lệ khả năng nói của họ một cách tự nhiên và trôi chảy hơn. Sử dụng tiếng mẹ đẻ có thể cung cấp cho người học một số từ vựng và cách diễn đạt mà họ cần trong quá trình học ngoại ngữ. Sử dụng tiếng mẹ đẻ giúp cho hoạt động nhóm sôi nổi, người học có thể đưa ra những ý kiến phản hồi một cách chính xác.

Giáo viên trên lớp có thể áp dụng một số cách thức dưới đây nhằm sử dụng tiếng Việt một cách hiệu quả nhất và hạn chế được những điểm bất cập. Đầu tiên, giáo viên nên tạo ra một môi trường học tập tốt nhất để giúp sinh viên phát huy được những khả năng của họ. Giáo viên có thể cho sinh viên chơi trò chơi theo nhóm, tạo ra những tình huống khác nhau để sinh viên có thể giao tiếp với các nhóm bạn. Một môi trường học sôi nổi sẽ làm sinh viên trở nên gần nhau hơn, tiến tới những mục đích sử dụng tiếng Anh hiệu quả nhất. Thứ hai, giáo viên cần đảm bảo những tài liệu giảng dạy phải phù hợp với trình độ sinh viên, những nguồn đó có độ tin cậy cao. Giáo cụ trực quan như tranh, ảnh, video… luôn sinh động và cuốn hút sinh viên. Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện cho sinh viên làm việc theo cặp hoặc nhóm để họ có nhiều cơ hội diễn đạt bằng tiếng Anh.

Nếu sử dụng quá nhiều tiếng Việt sẽ làm sinh viên cảm thấy thụ động khi tiếp thu bài, nhưng sử dụng quá nhiều tiếng Anh cũng khiến họ mệt mỏi, chán học. Vì vậy, sử dụng tiếng Anh trong khi giảng dạy, giáo viên nên dùng những từ dễ hiểu, đơn giản để diễn đạt. Hơn nữa, giáo viên nên tránh những từ khó hoặc giải thích quá dài. Nếu sinh viên không hiểu, giáo viên có thể sử dụng tiếng Việt như một công cụ để giải thích rõ những điều muốn truyền đạt, thúc đẩy sự sáng tạo cũng như khả năng học tập độc lập cho sinh viên.

Khi giải thích nghĩa của từ mới, có thể sử dụng tranh, ảnh theo hai cách: vẽ lên trên bảng hoặc sử dụng những tranh, ảnh được chuẩn bị trước giờ lên lớp. Lúc này, những từ ngắn gọn, dễ hiểu sẽ được dùng để giúp sinh viên nhớ được từ mới. Có thể sử dụng giáo cụ trực quan như những đồ vật cụ thể để giải thích nghĩa từ mới. Đó có thể là tất cả những đồ vật xung quanh lớp học. Sử dụng điệu bộ, cử chỉ để giải nghĩa từ mới như một số động từ hành động (ngồi, đứng, mở…) hoặc một số tính từ diễn tả tâm trạng (vui, buồn, lo lắng…). Ngoài ra, sử dụng từ đồng nghĩa, trái nghĩa để giải thích nghĩa của từ mới cũng mang lại hiệu quả.

Một trong những kỹ thuật mà chúng tôi muốn đề cập trong nghiên cứu này chính là giáo viên đưa cho sinh viên một danh sách những từ hay sử dụng trong lớp học. Ví dụ:

Could you repeat? Once more, please? Pardon?

Could you speak more slowly, please?

Can you speak louder, please?

How do you spell _________?

How do you say ___________ in English/ Vietnamese?

What does __________ mean? – It means…

Look at the book, page ________

Could you turn to page ________

Read the passage at page _________

Could you translate it into Vietnamese?

Giáo viên có thể sử dụng những câu hỏi dưới đây để thường xuyên kiểm tra độ hiểu của sinh viên về bài giảng của mình:

How is ___________ similar to/different from ___________?

What are the characteristics/parts of __________?

In what other way might we show/illustrate ________?

What is the big idea/key concept in __________?

How does _________ relate to _________?

What ideas/details can you add to _________?

Give an example of ___________.

What is wrong with __________?

What might you infer from _________?

What conclusions might be drawn from ___________?

What questions are we trying to answer? What problem are we trying to solve?

What are you assuming about ___________?

What might happen if ____________?

Bài viết này đã cố gắng làm rõ một số cách thức để sử dụng tiếng Việt hiệu quả nhất trong quá trình dạy tiếng Anh cho sinh viên năm nhất Khoa Sư phạm tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ. Những lưu ý và cách thức sử dụng tiếng Việt trên lớp một phần nào đó giúp giáo viên có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề này.

Tác giả : Nguyễn Minh Hạnh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *