Cái tôi trữ tình trong thơ văn xuôi việt nam hậu hiện đại

Thơ văn xuôi, một thể thơ lưỡng tính giữa thơ trữ tình và văn xuôi tự sự, xuất hiện ở Việt Nam từ phong trào Thơ mới. Ra đời và phát triển đến nay đã gần một thế kỷ, tuy thành tựu không nhiều như các thể thơ khác vì nó “ít được phổ cập trong tâm lý người sáng tác cũng như người tiếp nhận” (1), song thật sự thể thơ này cũng đã theo sát diễn trình của nền thơ dân tộc, có mặt trong từng bước chuyển hệ hình, thậm chí có những lúc nó còn đứng ở đầu sóng ngọn gió như với Tình già của Phan Khôi, những sáng tác thơ văn xuôi của Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh… Từ cuối TK XX đến nay, thơ văn xuôi Việt Nam đã thật sự khởi sắc. Nó đã đồng hành thường xuyên cùng những cây bút có khuynh hướng cách tân mạnh mẽ, trong đó bao gồm cả những thể nghiệm thuộc hệ hình sáng tác hậu hiện đại.


         1. Nhìn chung về thơ văn xuôi Việt Nam hậu hiện đại

         Chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành một trào lưu văn hóa lớn, tác động đến văn học nghệ thuật trên toàn thế giới từ nhiều thập niên qua. Ở Việt Nam, nó cũng được giới thiệu từ những năm 90 của TK XX. Bước sang TK XXI, hậu hiện đại đã trở thành vấn đề được bàn luận thường xuyên trong đời sống văn học, đã thành một khuynh hướng phổ biến. Song, thực tiễn sáng tác ở Việt Nam đã có văn học hậu hiện đại chưa? Nguyễn Đăng Điệp dè dặt xác nhận: “Theo sự quan sát của riêng tôi, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu hậu hiện đại trong thực tiễn sáng tạo văn học cho dù trên bình diện lý luận chúng ta vẫn chưa tìm được sự nhất trí rõ ràng về nguồn gốc, đặc tính tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam” (2). Lã Nguyên mạnh dạn hơn trong khẳng định: những yếu tố của hậu hiện đại đã xuất hiện ở văn học Việt Nam hơn mười năm qua song với sự hiện diện của Đặng Thân thì “bước ngoặt quyết đoán của sự ra đời văn học hậu hiện đại ở Việt Nam mới được khẳng định”. Đỗ Lai Thúy trước đó cũng đã nhìn nhận lối viết mới mẻ của Đặng Thân đã đưa văn học Việt Nam từ hệ hình sáng tác hiện đại qua hậu hiện đại (3).

         Sự khẳng định còn dè dặt, bên cạnh quan điểm hoài nghi, phủ nhận vẫn cùng tồn tại đã cho thấy việc nhìn nhận về hệ hình sáng tác này còn thật sự phức tạp. Hơn nữa, hậu hiện đại của Việt Nam lại phát triển trong hoàn cảnh diện mạo nền văn học hiện đại chưa thật sự hoàn chỉnh – nói như Inrasara là Việt Nam nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì nên đây cũng là một thử thách, nhất là trong việc xếp tác giả, tác phẩm vào hệ hình nào khi giữa chúng có rất nhiều điểm chung. Theo phần đông các nhà nghiên cứu, việc phân định ranh giới giữa hiện đại và hậu hiện đại dựa trên cấp độ thủ pháp là một việc làm rất khó khăn, đôi khi là không thể bởi “nhiều thủ pháp nghệ thuật … được cả hai trào lưu này dùng chung hay thủ pháp của trào lưu sau có nguồn gốc từ trào lưu trước như cắt dán, lắp ghép, vật liệu có sẵn”(4). Và, không chỉ có chung thủ pháp mà cái nhìn về thế giới của hiện đại và hậu hiện đại cũng có điểm giống nhau – cả hai đều nhìn thế giới là những hỗn độn, vỡ vụn, đầy những ngẫu nhiên, phi lý. Do đó, tinh thần khủng hoảng, tâm thức hoài nghi, nỗi cô đơn toàn phần, sự nổi loạn, tính phân mảnh, vấn đề tính dục, giễu nhại, phi lý,… đều xuất hiện ở cả hiện đại và hậu hiện đại. Sự khác biệt chỉ còn biểu hiện rõ qua cách quan niệm về thực tại cùng thái độ, cách ứng xử của con người trước thực tại đó. Đứng trước sự vỡ vụn của thực tại, con người của chủ nghĩa hiện đại vẫn còn có niềm tin là hàn gắn được nó bởi theo họ, cái thế giới nhìn thấy chỉ mới là bề mặt, chưa phải là thực chất, là tất cả nên họ nỗ lực “tìm kiếm một thực tại khác ở cái tổng thể nằm ở đằng sau, bề sâu hay bề trên những mảnh vỡ”(5) của cái thực tại biểu kiến đó. Trong khi đó, hậu hiện đại lại cho rằng “không có thực tại duy nhất mà có rất nhiều thực tại…Mỗi mảnh vỡ là một thực tại” (6). Người nghệ sĩ hậu hiện đại ngay từ đầu đã cho việc làm của nhà văn hiện đại là vô ích. Do đó, nếu thái độ của nhà văn hiện đại là nuối tiếc, khóc than trước những đổ vỡ thì hậu hiện đại, với cảm quan của mình, đã điềm nhiên đón nhận nó, xem như một tất yếu, thậm chí họ còn giễu nhại, còn nhập cuộc chơi cùng nó.

         Xác nhận Việt Nam đã có văn học hậu hiện đại nhưng liệu thơ văn xuôi Việt Nam đã đi tới hệ hình hậu hiện đại? Trong hệ thống thể loại thơ ca dân tộc, thơ văn xuôi thuộc loại sinh sau đẻ muộn, song nó lại được dùng nhiều trong các thể nghiệm thơ, cũng là thể thơ biểu hiện rõ sự dung hợp thể loại – một thuộc tính của hậu hiện đại và cũng là thể thơ có khả năng ôm chứa thoải mái “hiện thực thậm phồn” nên chắc chắn ít hay nhiều cũng đã có những tác phẩm nằm trong hệ hình này. Và cụ thể, theo chúng tôi đó là một số sáng tác thơ văn xuôi của Bùi Giáng, Mai Văn Phấn, Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Đặng Thân, Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Khương Hà, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thế Hoàng Linh,…

         Ở đây xếp Bùi Giáng vào hệ hình hậu hiện đại liệu có hợp lý hay là sự gò ép, khiên cưỡng khi trào lưu sáng tác này chỉ mới bắt đầu từ những năm 60 TK XX ở vài quốc gia phương Tây, đến những năm 90 TK XX mới được giới thiệu sang Việt Nam – và cũng chỉ là những tài liệu dịch về các bài viết lẻ mà thơ văn xuôi của Bùi Giáng đã có trong hai tập xuất bản từ năm 1962 (Mưa nguồn) và 1973 (Lá hoa cồn)? Theo chúng tôi, không phải Bùi Giáng chịu ảnh hưởng trực tiếp của lối viết hậu hiện đại mà tâm thức, tư tưởng của ông có những liên hệ nhất định với lý thuyết sáng tác của trào lưu này. Bùi Giáng là người có học vấn uyên bác, thông hiểu văn học, triết học Đông Tây kim cổ, dịch thuật rất nhiều công trình của chủ nghĩa hiện sinh, của K. Jasper, J.P.Sartre, đặc biệt là M. Heidegger, mà chủ nghĩa hiện sinh lại có ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành lý thuyết hậu hiện đại. Ông không những dịch sách của Heidegger mà còn trực tiếp trao đổi thư từ học thuật với nhà triết học này. Rồi nguồn mạch truyền thống tư tưởng phương Đông chảy trong tâm hồn ông cũng ôm chứa nhiều định đề của chủ nghĩa hậu hiện đại. Ông lại sống trong một thời đại mà con người rơi vào trạng thái hồ nghi tồn tại, đau đớn, hoang mang, khủng hoảng niềm tin… Ông tìm đến văn chương như tìm đến một cuộc chơi bằng ngôn ngữ. Tất cả các yếu tố đó đã đưa đến lối viết mang màu sắc hậu hiện đại của thơ ông. Trong Thơ như là mỹ học của cái khác, Đỗ Lai Thúy cũng đã nhìn nhận ông là đại diện cho hệ hình hậu hiện đại ở Việt Nam. Và các nhà phê bình khác như Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Inrasara khi nghiên cứu về ông, đều gặp nhau trong sự khẳng định: thơ Bùi Giáng đã in đậm dấu ấn hậu hiện đại.

         Trong sự nghiệp sáng tác của Bùi Giáng, thơ văn xuôi chiếm số lượng hết sức khiêm tốn, song ta vẫn bắt gặp trên những trang thơ này hình ảnh một kẻ rong chơi cùng thơ ca, làm thơ như một nghịch đùa với ngôn ngữ. Nó vẫn là thứ thơ ông đã từng bày tỏ quan điểm sáng tác. Vẫn là những bài thơ không dễ tìm thấy sự thống nhất của các yếu tố đề tài, chủ đề, ngôn ngữ, hình ảnh… Tất cả cứ lộn xộn, ngôn từ nối tiếp, chồng xếp lên nhau, lồng vào nhau như một ma trận chữ, hình ảnh, ý nghĩ nhảy cóc. Những biểu hiện này, thật ra, ta đã thấy ở thơ văn xuôi hiện đại chủ nghĩa, song, ở thơ Bùi Giáng bên cạnh biểu hiện của sự rời rạc, đứt đoạn, phân mảnh đó, là tính phi nghiêm cẩn, là giải cấu trúc quan niệm về chất liệu, là sự nghịch đùa, mà nói theo cách của ông là “vui thôi mà”. Chính những điểm này là cơ sở để chúng tôi xếp thơ văn xuôi Bùi Giáng vào hệ hình hậu hiện đại.

         Xuất phát từ Bùi Giáng rồi phải đến hậu đổi mới, thơ văn xuôi hậu hiện đại mới được tiếp nối. Song, ở thế hệ các nhà thơ này, sự chơi đùa ngôn ngữ của họ đã không còn vẻ “hiền lành” như đười ươi thi sĩ thuở nào. Nếu Bùi Giáng chỉ là bông lơn, dí dỏm thì với một số cây bút như Đặng Thân, Bùi Chát, Khương Hà, Thanh Xuân, Nguyễn Hữu Hồng Minh… đã là giễu nhại, khiêu khích, gây hấn trực tiếp. Hay cũng là giải cấu trúc ngôn ngữ như Bùi Giáng, không phân biệt ngôn ngữ nào mới là thơ, ngôn ngữ nào không được vào thơ nhưng với các cây bút thời hậu đổi mới này, họ cũng quá đà. Họ bê vào thơ tất tần tật từ lời ăn tiếng nói, phương ngữ, tiếng lóng, ngôn ngữ vỉa hè. Đáng nói hơn là cả từ tục, tiếng chửi thề, hay những bộ phận sinh dục, hành vi tính giao được gọi tên bằng chính những từ nguyên của nó cứ xuất hiện nhan nhản, thật sự gây sốc. Thậm chí, họ thay ngôn ngữ thơ mượt mà, du dương bằng những “đớt đát” của phương ngữ (Hàng tháng – Bùi Chát). Giải trung tâm quan niệm về chất liệu nên họ cũng hết sức thản nhiên mang vào “ngôi đền thiêng” thơ ca những “hầm bà lằng” đến mức tạo cho người đọc ấn tượng “thơ hậu hiện đại là chửi bậy và làm tình”, là “vô văn hóa”(7).

         Dễ thấy là những bài thơ văn xuôi đậm tính giễu nhại của các cây bút giai đoạn này đã thể hiện một tâm thức khủng hoảng, hoài nghi triệt để, dẫn đến giải thiêng những “đại tự sự”. Việc làm thơ của họ như một hành động phá phách hay phá cách tùy vào cách nghĩ của mỗi người. Song, nếu cho là phá cách thì thật sự họ đã rất nhiều khi rơi vào sự cực đoan, tùy tiện (chẳng hạn: Lỗ thủng lịch sử của Nguyễn Hữu Hồng Minh hay một số bài thơ của Bùi Chát, Lý Đợi). Nếu sự giễu nhại nhằm vào hạ bệ một cảm quan thẩm mỹ đã cũ mòn, phản ứng lại những áp lực, định kiến hay chống lại sự đạo đức giả,…thì cách nói, cách diễn đạt cần phải thế nào bởi nghệ thuật chân chính không bao giờ chấp nhận sự tùy tiện, không bao giờ chấp nhận chuyện sáng tác thơ như một hành vi buông xả bản năng hay uất ức…

         Bên cạnh những sáng tác đậm tính giễu nhại, thì từ những mảnh ghép phi lý của thực tại trong thơ văn xuôi hậu hiện đại của Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều… ta thấy được những phận người trong guồng quay hỗn độn đầy những ngẫu nhiên bất trắc, khắc nghiệt của cuộc sống hay sự lựa chọn thích ứng với thực tại ấy một cách nhẹ nhàng trong thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh…

         Có thể nói, thơ văn xuôi thuộc hệ hình hậu hiện đại ở Việt Nam đến nay đã xuất hiện khá nhiều nhưng đa phần thuộc sáng tác ngoài lề, được giới thiệu chủ yếu qua các trang web. Hơn nữa, ở Việt Nam, các nhà thơ cũng không phải chỉ sáng tác thuần một hệ hình, trong đó, hậu hiện đại hầu như mới là những thể nghiệm. Tuy vậy, đặc điểm của hệ hình sáng tác này qua một số thi phẩm của những tác giả tiêu biểu bước đầu cũng đã có sự định hình khá rõ.

         2. Thơ văn xuôi hậu hiện đại – nhìn từ phương diện cái tôi trữ tình

         Cái tôi trữ tình trong thơ văn xuôi tiền hiện đại là cái tôi bản ngã, một cái tôi vừa thoát ra “ từ cái bọc trăm trứng của cái ta ”, lúc nào cũng đề cao tự do cá nhân. Thế giới trong mắt nó bấy giờ là thế giới khách quan, và bằng trí tuệ, khoa học, nó tin rằng mình có thể khám phá và khám phá đến tận cùng thế giới đó. Đến con người hiện đại, cái thế giới khách quan, trắng đen rành mạch kia đã trở thành một thực tại hỗn độn, vỡ vụn với đầy những ngẫu nhiên, phi lý. Đối diện với nó, con người đã rơi vào những hoài nghi, bất an, đã chịu những chấn thương tinh thần sâu sắc. Những dư chấn thời đại hay những thương tổn tinh thần khiến con người rơi vào khủng hoảng. Họ luôn tự tra vấn, tự đào sâu vào bên trong, đối thoại, soi chiếu, không ngừng tranh đấu với mình. Tương ứng với quan niệm về thực tại ấy, và cũng là sản phẩm của xã hội ấy, trong thơ giờ là cái tôi đa ngã. Nó là cái tôi chứa nhiều cái tôi, là kiểu “con người trong con người” đầy phức tạp. Và nếu con người hiện đại bằng niềm tin họ cho rằng mình có thể sắp xếp, thiết lập lại cái thế giới vỡ vụn, phi lý hay có thể đi tìm thế giới khác, thuần khiết và hoàn mỹ hơn thì trong cái nhìn của con người hậu hiện đại, việc làm đó chỉ là vô nghĩa. Bởi, thế giới chỉ là tập hợp của những khả năng hay nó là những thế giới song song ở không gian đa chiều mà chỉ khi nào có sự tương tác với ý thức người thì một trong những khả năng hay thế giới ấy mới biến thành hiện thực. Tuy nhiên, những tương tác này là hoàn toàn ngẫu nhiên nên thực tại cũng trở nên bất định, hỗn độn không dễ nắm bắt (8). Tương ứng với quan niệm về thực tại ấy, trong thơ hậu hiện đại là cái tôi vô ngã. Nó có tất cả nhưng tất cả đều tồn tại ở dạng khả năng, ứng với từng trường hợp cụ thể, nó sẽ thể hiện cái tôi cụ thể.

         Biểu hiện trước hết của cái tôi vô ngã hậu hiện đại chính là cái tôi tương đối – tương đối với cái chung song có giá trị tự thân, độc lập trong trường hợp cụ thể. Biểu hiện thứ hai của cái tôi vô ngã này là cái tôi ngoại hiện – kiểu cái tôi không có chiều sâu, chỉ đáp ứng ngay trong trường hợp của nó hoặc nếu có chiều sâu thì cũng nằm ngay trên bề mặt. Những biểu hiện này có thể thấy qua trường hợp Nguyễn Thế Hoàng Linh. Ở thơ của tác giả này, người đọc không dễ tìm thấy những băn khoăn dằn vặt, những truy vấn, đào sâu vào bản thể. Thơ anh, nói như Nguyễn Đức Tùng “có vẻ khơi khơi” mặc dù vẫn có giọng điệu rất riêng. Không kể thể lục bát vốn có thể viết nôm na mà ngay đến thơ văn xuôi của tác giả này cũng chẳng có gì là khó hiểu, khó cảm. Mọi thứ cứ dàn trải ra hết trên bề mặt, rành mạch, rõ ràng. Đặc biệt hơn, những vấn đề mà thơ anh quan tâm lại là những vấn đề hết sức đời thường ai cũng thấy, cũng biết. Không chỉ những việc đời thường, mà vấn đề nhiều khi còn hết sức vặt vãnh, vô nghĩa đối với người khác nhưng tác giả vẫn cứ kể một cách tỉ mỉ, rành mạch, logic. Không bàn luận sâu, không ẩn ý, cũng không có gì to tát, nó cứ như cái nhịp sống hàng ngày mà con người trong thơ anh đang trải nghiệm. Cần một sự dịu nhẹ, phóng khoáng, thư giãn thì đi cho cá ăn, nhìn cảnh chúng túm lại một chỗ, những chen chúc rất mềm mại, đè lên nhau mà không làm nhau đau làm anh dễ chịu. Thế thôi. Thậm chí nếu anh có đề cập đến những vấn đề lớn lao hơn thì vẫn cứ bằng lối thể hiện theo phong cách “để trần” ấy. Vậy, cái tôi ngoại hiện không chỉ thiên về sự giản đơn mà nó còn biểu lộ đậm qua lối viết “thẳng đuột”, qua thứ ngôn ngữ “để trần” không cần đến cách nói tránh, ẩn ý hay ám gợi, không phân biệt từ nào thơ hay không thơ. Một số bài thơ văn xuôi của Thanh Xuân cũng bộc lộ kiểu cái tôi này.

         Nếu biểu hiện đặc trưng của cái tôi vô ngã là cái tôi tương đốicái tôi ngoại hiện thì trong thơ văn xuôi hậu hiện đại hai kiểu cái tôi này thể hiện rõ nhất trong hình tượng cái tôi bông lơn, giễu nhại. Đó là phần bản ngã đậm nhất của một số nhà thơ hậu hiện đại ứng với một thực tại mà trong cảm quan của họ đã là biểu hiện của “một thế giới hỗn độn, vô nghĩa, bất khả nhận thức”, là nơi mà “mọi giá trị đều đổ vỡ, mọi định hướng ý nghĩa đều vô ích”, con người đánh mất niềm tin vào những gì mình đã từng tin. Bùi Giáng trong sự hoang mang, khủng hoảng, đã tìm đến thơ ca, thực hiện cuộc rong chơi cùng ngôn ngữ, đã để lại trong thơ văn xuôi sớm nhất kiểu cái tôi bông lơn, dí dỏm này. Có thể thấy, trong Hạnh phúc, mặc dù lối hành văn rối nùi nhưng nó vẫn đem lại cho chúng ta tiếng cười vui vẻ bởi chính sự hài hước, bông phèng của chủ thể trữ tình. Sự bông phèng, hài hước thể hiện ngay từ bản thân câu chuyện, từ những liên tưởng, so sánh bất chợt, vô lí đến buồn cười, từ việc “nói phét” đến cả việc nhại lối nói lắp, nói cà lăm trong thơ. Rồi cách ghép chữ ngộ nghĩnh, cách liệt kê những từ Hán Việt, từ ghép có chữ đầu giống nhau cứ như một thủ thuật ngôn ngữ của riêng ông. Không thể hiện sự sâu sắc hay thâm thúy gì ở đây, tiếng cười bật ra từ những giây phút thả lỏng, trở về với những hồn nhiên, nhi nhiên của một bậc trí giả.

         Còn với cái tôi giễu nhại của thơ văn xuôi hậu hiện đại, có thể nói, nó hướng đến rất nhiều vấn đề, nhiều đối tượng, đặc biệt nhất là hướng vào cái xã hội tiêu dùng ngày nay khi con người đã quá coi trọng vật chất, luôn đặt giá trị vật chất lên hàng đầu. Nó đi vào nhại từ một mẩu tin tức, đến một thông báo, hay một lời rao vặt. Nó đắp lên chân dung của nàng thơ những mẩu quảng cáo ta thấy tràn lan trên các mặt báo, nhan nhản ở các cột điện, vách tường hè phố, hay ra rả ở các phương tiện truyền thông. Nó giễu từ những bậc tiết hạnh khả phong hoát trở thành tiết hạnh khả nghi đến chuyện chỉ cái quạt mo của Bờm mà cả dân tộc đã tốn bao nhiêu giấy mực để viết về nó. Nó “hạ bệ” thứ thơ là tiếng nói xúc cảm mãnh liệt của trái tim. Nó hướng ngòi bút vào những đảo lộn đến quay cuồng, chóng mặt của những thang giá trị… Đọc Ngước lên là đêm của Khương Hà, người ta khó tránh được sự ngỡ ngàng, bởi phải nhìn lại những gì như đã được mặc định, mặc nhận trước đó. Bạch Tuyết trong tâm thức mọi người vốn là nàng công chúa dịu hiền, xinh đẹp với làn da trắng như tuyết, đôi môi đỏ như son, mái tóc đen như mun. Bạch Tuyết trong thơ tác giả này đã trở thành nàng công chúa lẳng lơ, thậm chí là độc ác. Cũng thế, Hoàng Tử Tai Lừa vốn là chàng hoàng tử đẹp trai, dũng mãnh, cao thượng nhưng ở đây lại là một kẻ võ biền, cậy sức, cậy thế. Còn mụ phù thủy thì ngược lại, vốn là kẻ độc ác, xảo quyệt, đầy quyền phép nhưng ở đây đã trở nên yếu đuối, bất lực và cô đơn. Nhại lại các nhân vật cổ tích, tác giả như đã đặt lại vấn đề: Bạch Tuyết chưa chắc đã hiền lành, nhân hậu, hoàng tử chưa chắc lúc nào cũng dũng cảm, cao thượng và mụ phù thủy cũng không phải luôn luôn là độc ác. Mọi điều, mọi thứ đều có thể hay có cách đánh giá, nhìn nhận khác đi.

         Bên cạnh đó, cái tôi giễu nhại trong thơ văn xuôi hậu hiện đại còn hướng vào những thực trạng khác của xã hội. Trong Dạy trẻ con của Mai Văn Phấn là hình ảnh của trẻ con ngày nay đã mất đi sự ngây thơ thánh thiện như thiên thần vốn có trong nhìn nhận của mọi người về chúng. Đọc bài thơ làm ta bật cười nhưng nhiều hơn là làm cho ta xót. Bởi dường như bao bọc thế giới của trẻ thơ giờ không còn là những câu chuyện thần tiên cổ tích mà là những quảng cáo ra rả trên truyền hình, những lời than thở nơi cửa miệng hay những “tấm gương” sinh động trước mắt chúng. Đối tượng giễu nhại của Đặng Thân lại hướng về sự ô nhiễm môi trường – hướng về những dòng sông chết…

         Có thể nói, giễu nhại là đặc trưng của thơ hậu hiện đại song nó không phải là phát kiến của trào lưu văn học này. Trong văn học dân gian không hiếm những câu ca đầy tính giễu nhại. Các bậc tiền bối Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… cũng đã thường xuyên dùng đến thủ pháp giễu nhại để giải thiêng, giải trung tâm. Song, giữa giễu nhại truyền thống và giễu nhại hậu hiện đại có sự khác nhau khá rõ. Ở truyền thống, các tác giả thường giễu hơn là nhại – tức nêu ra khía cạnh không bình thường của đối tượng để châm biếm, mua vui (chẳng hạn như Nguyễn Khuyến trong Vịnh Kiều: Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/Đời trước làm quan cũng thế a), còn các nhà thơ hậu hiện đại lại xem việc nhại hay phỏng nhại (tức bắt chước tiếng nói hay điệu bộ của người khác để trêu chọc, giễu cợt…) là phương thức sáng tác quan trọng và sử dụng nó như một trợ thủ đắc lực. Điểm khác biệt nữa là giễu nhại ở các bậc tiền bối luôn đề cao sự thâm thúy, sâu sắc trong khi các nhà thơ hậu hiện đại, với cái tôi ngoại hiện đã đưa tất cả lên bề mặt, biểu hiện hết ra bằng ngôn ngữ bề ngoài. Họ còn lấy đề tài từ những chuyện vụn vặt, thể hiện nó bằng ngôn ngữ đời thường. Giễu nhại của hậu hiện đại có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng của thời đại: phi trung tâm hóa.

         Có thể nói, thơ văn xuôi sáng tác theo tinh thần hậu hiện đại ở Việt Nam mới dừng lại là những thể nghiệm và thật sự nó vẫn chưa có được sự thuận chiều trong tầm đón nhận của người đọc. Điểm đáng ghi nhận nhất là bằng cảm quan hậu hiện đại, những sáng tác này đã phản ánh trung thực con người và thời đại, đã lật tẩy cái thực trạng mà thơ tiền hiện đại đôi khi cố tô hồng và hiện đại thì nỗ lực thay đổi nhưng bất lực. Song vấn đề là đã có không ít những tác phẩm mà người chơi ngôn từ đã đi quá đà, dẫn đến sự hủy chữ hoại nghĩa, hay tạo cho người đọc có cảm giác cái nhảm, cái vô nghĩa đang lên ngôi. Có thể do đời sống có quá nhiều áp chế, giả tạo, có thể do người làm thơ “trong cái nhu cầu viết vui vẻ hơn về những cái nghiêm trọng hàng ngày để tự chữa thương cũng như để phần nào mua vui cho độc giả buồn”, nói như Nguyễn Thế Hoàng Linh (9) đã đưa đến những bài thơ như thế. Dù sao thì đây mới chỉ là những thể nghiệm, mọi điều còn ở phía trước nhưng cùng với thơ văn xuôi tiền hiện đại, hiện đại thì sự hiện diện của thơ văn xuôi hậu hiện đại đã góp phần khẳng định vị trí ngày càng vững chắc của thể thơ này trong đời sống thể loại thơ ca dân tộc.

         ______________

         1. Lưu Khánh Thơ, Thơ văn xuôi trong sự vận động của thể loại thơ sau 1975, Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.388.

         2. Nguyễn Đăng Điệp, Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng, Nxb Văn học, Hà Nội, 2014, tr.13.

          3. Phan Tuấn Anh, Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam – công viên những lối đi hai ngả rẽ, tapchisonghuong.com.vn, 1996.

         4, 5, 6. Đỗ Lai Thúy, Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp), vanhoanghean.com.vn, 2012.

         7. Triệu Lam Châu, Thêm một bằng chứng về sự vô văn hóa của thơ hậu hiện đại Việt Nam, vannghecuocsong.com, 2012.

         8. Đỗ Lai Thúy, Thơ như là mỹ học của cái khác, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2012.

         9. Nguyễn Đức Tùng, Thơ đến từ đâu, talawas.org, 2006.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ CHÍNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *