Căn cứ Tiên Động nơi ghi dấu lòng yêu nước


Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Tiên Động xã Tiên Lương (Cẩm Khê – Phú Thọ), gắn liền với tên tuổi và công lao của tướng quân Ngô Quang Bích cùng các nghĩa sĩ của phong trào Cần Vương thời kỳ chống Pháp.

Đền thờ tướng quân Ngô Quang Bích tại Tiên Động

Tiên Động là căn cứ đầu tiên chống Pháp ở Bắc Kỳ, đây là di tích lịch sử quan trọng, xuất hiện trước phong trào Cần Vương. Theo sử sách ghi chép, Ngô Quang Bích, hiệu Ngư Phong sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (1832), người làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Năm 1861, ông đỗ Cử nhân và mở trường dạy học. Năm 1869, khoa Kỷ Tỵ ông đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp và lần lượt giữ các chức vụ Nội các Thừa chỉ ở kinh đô Huế, Tri phủ Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa, Tri phủ Lâm Thao tỉnh Hưng Hóa, Án sát tỉnh Bình Định, Án sát tỉnh Sơn Tây, Tế tửu Quốc Tử giám tại kinh đô, Chánh sứ Sơn phòng kiêm Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa v.v.

Vào tháng 4 năm 1884, tỉnh Hưng Hóa bị thất thủ, tuần phủ Ngô Quang Bích được triệu hồi về kinh. Ông đã nộp trả ấn tín rồi dẫn quân lên Tiên Động (Cẩm Khê) dựng cờ khởi nghĩa. Hơn một năm sau, phong trào khởi nghĩa Cần Vương được phát động trong phạm vi cả nước thì Tiên Động trở thành trung tâm chỉ đạo của toàn Bắc Kỳ.

Với ý chí và lòng yêu nước sôi sục, suốt 7 năm lãnh đạo cuộc kháng chiến, trên cương vị lãnh tụ phong trào Cần Vương Bắc Kỳ, Ngô Quang Bích đã kêu gọi, tập hợp được lực lượng ở khắp vùng hai bên sông Hồng thành một đội quân hùng hậu và lớn mạnh. Nhiều tướng tài mưu lược đã phò giúp Ngô Quang Bích như Tống Duy Tân, Tán Thuật, Vũ Hữu Lợi, Bố Giáp, Đề Kiều, Đốc Ngữ, Lãnh Hoan, Đề Vân, Đề Thành, Đề Dị, Đề Mạc… Chính vì thế, quân Pháp phải nhiều phen thua chạy.

Văn bia ghi lại ý chí chống giặc ngoại xâm của Ngô Quang Bích tại đền Tiên Động

Thực dân Pháp rất lo sợ trước mưu lược của tướng quân Ngô Quang Bích cũng như căn cứ Tiên Động ngày càng lớn mạnh. Vào tháng giêng năm 1890, Ngô Quang Bích lâm bệnh trọng và mất tại khu căn cứ Tiên Động. Thi hài ông được mai táng trên núi Tôn Sơn, châu Yên Lập (Phú Thọ). Ba năm sau, nghĩa quân Cần Vương đã bí mật đưa hài cốt ông chôn cất tại Cát Trù (Cẩm Khê – Phú Thọ, quê của viên tướng thân thuộc Đề Kiều. Hai năm sau đó mới chuyển về an táng tại quê nhà Thái Bình.

Hiện nay, ngôi đền thờ tướng quân Ngô Quang Bích được xây dựng khang trang ngay tại khu căn cứ Tiên Động (Xã Tiên Lương, Cẩm Khê). Trong đền có tượng thờ ông, các văn bia ghi lại ý chí và lòng quả cảm của ông cùng các nghĩa sĩ Cần Vương. Trên tấm bia bên lề đường dẫn lên đền thờ Ngô Quang Bích khắc ghi những dòng thơ đầy cảm phục của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết ngợi ca ý chí và tấm lòng yêu nước của vị dũng tướng: “Lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu/Giữ lấy Thao, Đà dải thượng lưu/Họp đám cô quân nơi viễn cảnh/Cầm ba thước kiếm chém quân thù”. Đó là tinh thần và hành động của Ngô Quang Bích cùng các nghĩa sĩ đã quyết tâm giữ trọn từng tấc đất, từng con sông, không để cho kẻ thù lấn chiếm.

Cột cờ tại đền Tiên Động nơi diễn ra lễ tế cờ của tướng quân Ngô Quang Bích.

Ngô Quang Bích giữ trọn lòng trung hiếu với vua, với nước và nhân dân. Ông từng khảng khái, đanh thép tuyên bố: “Thắng mà sống thì làm nghĩa sĩ triều đình; chẳng may thua mà chết thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc…”. Đứng dưới chân cột cờ, những dòng chữ đầy nhiệt huyết đưa chúng tôi ngược dòng thời gian vào năm 1884, trong lễ tế cờ, Ngô Quang Bích đọc hai câu thơ như một khẩu hiệu thiêng liêng “Việt quốc thiên thu nguyên bất dịch,/Lạc Hồng tiên chủng phục hoàn tô”(Trời Nam Việt ngàn năm vẫn thắm/Đất Lạc Hồng vạn thuở nguyên xanh).

Căn cứ Tiên Động thuộc xã Tiên Lương, hiện nay còn lưu giữ lại được các địa danh nổi tiếng như đồi Tướng Quân, gò Mai, gò Đồn, gò Múc, đồn Cỏ Rác, đồi Cột Cờ là những địa điểm gắn liền với tên tuổi của Ngô Quang Bích và phong trào khởi nghĩa chống Pháp. Ngày 12/02/1999, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã có quyết định số 05 /QĐ-BVHTT về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đối với căn cứ Tiên động – Tiên Lương, huyện Cẩm Khê. 

Tác giả: Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *