Nằm sâu hun hút trong một ngõ nhỏ thuộc phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa Liên Phái còn có tên gọi là chùa Liên Hoa, Liên Tông, đầu thời Nguyễn, chùa nằm trên địa phận huyện Quảng Đức, đến năm 1813 thì đổi thành Vĩnh Thuận, sau đó là huyện Hoàn Long. Xưa, đây vốn là tư gia của thế tử Trịnh Thập, em ruột chúa Trịnh Cương (1709-1729), con trai Tấn Quang Vương Trịnh Bính (1670-1702). Vào đời Lê Hy Tông (1675-1705), do mến tài học, ông được vua gả công chúa thứ tư và cấp đất rộng 6 mẫu Bắc Bộ ở làng Hồng Mai (1), tổng Tả Nghiệm, huyện Thọ Xương. Tương truyền, khi đào đất làm nhà, gia nhân phát hiện thấy một ngó sen lớn. Ông cho rằng mình có duyên với Phật nên xuất gia đi tu và cải nhà thành chùa, gọi là Ly Trần Viện, lấy đó làm nơi học đạo Phật. Như vậy, niên đại khởi dựng của chùa Liên Phái là chính năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Nơi dựng chùa là một vùng rộng lớn, phía trước chùa có hồ lớn hình tròn trồng sen, bên trong là các tòa tiền đường, đại hùng bảo điện, trai phòng, kho chứa kinh, nhà khách nối tiếp nhau (2).
Sau khi xuất gia, Trịnh Thập đến Yên Tử cầu đạo pháp, được Chân Nguyên thiền sư thâu nhận làm môn đệ. Thấy ông là người có tâm lại có trí huệ hơn người, sư tổ đặt pháp hiệu là Như Như, tự là Như Trừng Lâm Giác theo pháp danh truyền thừa. Chân Nguyên thiền sư vốn là tổ thứ 36 của Lâm Tế chính tông. Còn Như Trừng Lâm Giác sau khi nhận tâm ấn từ Chân Nguyên đã khai sáng ra sơn môn Liên Phái, lấy chùa Liên Hoa (Liên Phái) làm trụ tự.
Trước tác của ông chỉ còn lại Ngũ giới Quốc âm và Thập giới Quốc âm bằng thơ Nôm theo thể lục bát, được viết khi còn làm sa di ở chùa Long Động. Trong thời gian hoằng hóa đạo pháp, ông có lập thêm chùa Hộ Quốc (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng ngày nay) và trông nom chùa Hàm Long (Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Năm 1733, nhà sư viên tịch khi 37 tuổi, cảm công đức ông là tổ khai sơn sáng lập thiền phái, các môn đệ đã dựng tượng, xây tháp thờ xá lị và đổi tên chùa thành Liên Tông. Năm 1841, do phải kiêng chữ húy của vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông) nên chùa trở lại tên Liên Phái. Sau Như Trừng Lâm Giác, sơn môn Liên Phái truyền thừa được 13 đời và đã cho trùng san hàng ngàn bộ sách kinh. Cùng với chùa Bà Đá, chùa Liên Phái đã trở thành một trung tâm in khắc đồ họa cổ lớn nhất chốn kinh kỳ xưa. Ngày nay, chùa vẫn còn lưu giữ một kho kinh tạng đồ sộ, mặc dầu đã có sự thất lạc nhiều bề.
Kiến trúc
Trải qua gần 300 năm, chùa Liên Phái đã ít nhiều bị thu hẹp. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy các lớp lang kiến trúc được xây dựng và tu bổ theo từng giai đoạn lịch sử. Theo ngõ quanh co, bắt đầu bằng một cái cổng gạch nhỏ, để vào chùa, người ta phải đi theo lối cổng ngách phía bên tay trái của tam quan trước đây. Tam quan nằm theo trục của ngôi chùa hướng tây nam, có dạng thức tương tự như nghi môn ngoại của chùa Láng, với bốn cột trụ cao, lưng chừng tạo ra một bộ vì lửng bằng gỗ để tạo thành ba bộ mái nhỏ với những đầu đao cong vút. Tam quan này, nay chỉ còn là biểu tượng cho hình dáng và lối đi xưa, bởi phía trước sát với nhà dân.
Qua một khoảng sân rộng là lạc viên, giữa có tháp diệu quang hình lục giác cao 10 tầng, bằng gạch trát vôi, dựng năm 1890. Kiến trúc của ngôi tháp được xem là một biệt lệ trong nghệ thuật Phật giáo, bởi thông thường các tháp dạng này thường cao 11, hoặc 13 tầng – tức tháp biểu tượng Phật. Nếu tháp được dựng là biểu tượng của Cửu phẩm liên hoa – tịnh độ tông thì không thể xây 10 tầng như được thấy. Vậy sẽ có 2 giả thuyết: Thứ nhất, do quá trình trùng tu sau này mà họ đã xây thêm hoặc bớt số tầng của cây tháp. Thứ hai, số tầng phải chăng có liên quan đến tên của nhân vật Trịnh Thập. Trong khu vườn tháp ta còn bắt gặp hai con chó đá chầu hai bên, dấu vết của tư dinh xưa nơi phủ chúa. Tất cả như tạo nên một khung cảnh tĩnh lặng, thư thái, như bỏ qua cái ồn ào của phố xá trước khi tiến vào chính điện. Phía trước tiền đường là một phương đình nhỏ chứa bia Gia phả bi ký dựng năm Bảo Đại 3 (1928) chép về các thế hệ trụ trì thuộc truyền thừa sơn môn Liên Phái.
Kiến trúc tổng thể của chùa Liên Phái là một biến thể của dạng thức nội công ngoại quốc. Hai dãy tả hữu, nhà tăng và nhà tổ phía sau tạo thành một đường bao hình chữ quốc. Tuy nhiên khu chính điện lại là một tổ hợp bao gồm 3 nếp nhà kiểu trùng thiềm điệp ốc, nhưng theo lối tiền nhị hậu đinh. Điện Phật có dạng thức hình chữ đinh được dựng lên từ một tòa hình chữ nhất nối thêm 3 gian dọc xây tường hồi bít đốc. Tòa hình chữ nhất này hay còn gọi là tòa trung đường chứa đựng những dấu vết kiến trúc cổ xưa nhất của ngôi chùa với những đầu bẩy chạm rồng và hàng cột vuông bằng đá do tổng đốc Nguyễn Đăng Giai cúng dường. Phía trước là tiền đường được dựng thêm trong năm 1941 và nối với chính điện bằng dạng thức vòm trần mai cua. Kiểu thức này rất phổ biến trong kiến trúc cung đình Huế thời Nguyễn. Nó vừa có chức năng thông khí, lấy ánh sáng, vừa có tác dụng biến toàn bộ khu tiền đường và trung đường thành một mặt bằng thống nhất. Các nếp nhà này đã tạo thành 3 nếp mái lớn nhỏ liên tiếp khiến cho tiết điệu của kiến trúc được thay đổi cả trong lẫn ngoài.
Từ mặt bằng rộng lớn với các hàng chân cột, trên các vì kèo của khu nội điện, các kiến trúc sư dân gian đã tạo nên những trang trí kiến trúc tầng tầng lớp lớp với cửa võng được chạm thủng tinh xảo theo đề tài long phượng, hoa cúc, hoa sen, như bày ra một thế giới cực lạc. Kết hợp với đó là các hoành phi, câu đối ca ngợi cảnh chùa, đạo pháp và công đức của sư tổ Như Trừng Lâm Giác.
Sau chính điện là nhà tổ, được dựng trên mặt bằng của Ly Trần Viện. Nhà tổ cũng có một kiến trúc khá đặc biệt và cho thấy những dấu vết của việc mở rộng ngôi chùa. Mặt bằng chính điện của nhà tổ vốn là một tòa nhà 3 gian đầu hồi bít đốc được xây cao hơn hẳn thượng điện. Sau đó, tòa nhà này đã được nối thêm 3 hàng chân cột và tạo ra một bộ vì trong, kéo dài Ly Trần Viện về 2 bên đầu hồi tạo thành 11 gian với các cửa lớn. Do vậy nếu theo dạng thức mặt bằng thì toàn bộ khu tổ đường này có dạng thức hình chuôi vồ, nhưng trên dạng thức mái thì chúng lại tạo ra hai hệ vì song song trùng một thượng lương tòa nóc và thêm một thượng lương cho vì của những gian bên chạy suốt qua tòa chính điện. Sự trùng hưng mở rộng qua những giai đoạn khác nhau cũng là điểm đặc trưng cho các ngôi chùa cổ đất Hà Thành.
So với những ngôi chùa cổ Hà Nội, Liên Phái là một trong những ngôi chùa có một vườn tháp khá lớn. Vườn tháp nằm trên gò Mai Phong, nơi tìm thấy ngó sen mang điềm lành phía sau nhà tổ, cũng là điểm kết lại của ngôi chùa nhưng nay bị vây bọc bởi nhà dân. Chính giữa là ngôi tháp cứu sinh, thờ xá lị tổ Như Trừng Lân Giác, được dựng năm 1733 bằng đá xanh. Tháp được làm theo kiểu tu di tọa, gồm 3 tầng, cao hơn 4m có dạng thức hoa sen với đế vuông giật bốn cấp. Trên cấp thứ tư có chạm lớp cánh sen úp cách điệu, bốn mặt vuông ở trên có trang trí mỗi mặt hai con lân và hoa sen, tiếp đến là một lớp cánh sen khác đối xứng ngửa lên trên đỡ tầng một của tháp. Trong khám có đặt bài vị sư tổ. Điểm đặc biệt là trên trần của khám thờ có khắc hình bát quái đủ tám quẻ. Điều này càng khẳng định tính chất Mật tông được vận dụng và kết hợp một cách chặt chẽ trong phái Lâm Tế với sơn môn Liên Phái. Đỉnh tháp là một chóp hình bầu rượu cách điệu hoa văn hình cánh sen. Ngôi tháp này cũng được xem là một trong những tháp tổ đặc sắc của TK XVIII. Các tháp khác được xây bằng gạch gồm: Từ hòa, chân như, phổ minh, từ phong, bảo sơn, đầu đà. Theo thống kê năm 1945, chùa Liên Phái có khoảng 30 ngôi tháp mộ (3), nhưng đến nay chỉ còn lại 7 tháp dựng sau nhà tổ, 2 tháp dựng trước điện Mẫu, với một cái hình lục giác nhưng không rõ danh tính. Phía trước tiền đường còn có một khu “tàng bản thất” tức nhà lưu giữ ván kinh, nay dùng làm nhà tiếp khách và nơi thờ địa tạng bồ tát.
Điêu khắc
Chùa Liên Phái có niên đại khởi dựng và đầu TK XVIII (1726), do vậy, những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Phật giáo ở đây cũng chỉ có sau niên đại kể trên. Theo như tấm bia hiện còn tại chùa, năm Tự Đức thứ 7 (1854), thiện nam tín nữ quyên góp công đức 1.000 quan tiền để sửa nhà tổ, nhà tăng, hành lang và tô tượng Phật uy nghi rực rỡ. Công việc mất đến 6 năm mới hoàn thành (4). Do đó, có thể xem đây là niên đại hoàn thiện hệ thống tượng Phật ở đây. Chùa Liên Phái ngày nay vẫn còn giữ được khá đầy đủ các bộ tượng quan trọng như Tam thế Phật, Adi đà tam tôn, Thích Ca Cửu Long, tượng Quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.
Đặc sắc nhất có lẽ là bộ tượng Tam thế đặt trên cùng của thượng điện. Nhìn vào phong cách tạo hình, rất có thể 3 pho tượng này có niên đại TK XVIII, vào giai đoạn sư tổ Như Trừng Lâm Giác dựng chùa. Bộ tượng có kích thước không lớn, cao hơn 2m gồm cả bệ nhưng được chạm khắc một cách cầu kỳ. Bộ tượng này cũng khác xa với đa phần với các pho tam thế cùng niên đại do có sự diễn tả hành trạng của Phật trong từng pho chứ không phải là ba vị giống hệt nhau tượng trưng cho 3.000 thế giới Phật. Chính giữa là Phật hiện tại ngồi trên tòa sen, tọa trên một bệ bát giác trang trí đồ án hoa sen và lân. Tay phải tượng kết ấn cát tường, tay trái giơ lên kết ấn chuyển pháp luân, bắp tay phải đeo vòng dẹt có dải hoa dây chay quanh, cổ tay trái mang vòng tròn nhỏ. Khuôn mặt thanh tú, đầu có nhục kháo nổi khối giữa các lọn tóc xoắn ốc. Ngực tượng có chữ vạn. Những đường gân áo được diễn tả cầu kỳ, chảy mềm xuống, tạo nên sự viên mãn. Hai bên tả hữu là tượng Phật quá khứ và vị lai có tướng mạo tương tự, chỉ khác biệt bởi các thế tay kết ấn và trang trí trên bệ tượng. Phật quá khứ ngồi theo thế bán kiết già tay bắt ấn tam muội, bệ bát giác trang trí hoa văn hình học theo kiểu đan nong mốt và nút thắt, ở giữa hình con nghê đang vờn lá. Phật vị lai tay phải ấn xúc địa, tay trái để trong lòng với viên như ý ngọc, bệ trang trí hình chữ vạn và hoa thị bốn cánh, lân vờn lá ở giữa. Ba pho tượng này cũng chính là sự đại diện cho Thích ca, Di đà và Di lặc, được diễn tả ở những tầng tượng tiếp theo. Những trang trí trên bệ tượng này, có lẽ không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa Phật giáo, mà còn mang giá trị thẩm mỹ của một ngôi chùa quý tộc, mà Trịnh Thập là người khởi xướng.
Nếu đa phần các ngôi chùa thuộc phái Tịnh đô tông coi trọng việc thờ Adiđà và Quan âm thì các ngôi chùa thuộc phái Lâm Tế, Tào Động, lại coi trọng việc thờ Thích ca. Do đó chúng ta bắt gặp sự tương đồng khá lớn giữa các ngôi chùa như Bà Đá, Liên Phái, Trấn Quốc. Ngoài việc vẫn có tượng Adiđà đặt sau 3 pho tam thế, thì tượng Thích Ca được đặc biệt chú trọng. Các pho tượng này thường là tượng Thích ca thuyết pháp hoặc tượng Niên hoa vi tiếu. Đi theo pho Thích ca thường là Tứ đại Bồ tát. 4 pho tượng này cũng khác với các ngôi chùa thông thường. Nếu đi cùng cặp với tượng Quan âm thường là pho Thế chí – 2 vị phò tá cho đức Adiđà, thì nay tượng Thế chí được thay bằng Nhật Quang bồ tát. Hai pho tượng này ngồi theo thế hiền tọa trên bệ vuông hai chân đặt song song, đầu đội vương miện trang trí cầu kỳ với tóc vấn cao. Tượng Quan Âm thì nâng bình cam lồ tượng trưng cho sự cứu khổ cứu nạn, còn Nhật Quang là vị bồ tát cầm mặt trời, đây là pháp để diệt trừ ngu tối và có tác dụng chữa bệnh cũng như tượng trưng cho sự sáng suốt của trí tuệ. Vị trí của hai pho văn thù và phổ hiền, thông thường miêu tả hai vị Phật cưỡi voi trắng và sư tử xanh, thì ở đây đã được thay thế bằng hai vị bồ tát ngồi kiết già cầm pháp lửa tam muội, một trong những pháp có thể diệt trừ mọi vọng niệm và vô minh. Bốn pho tượng này tuy vị thế không khác nhau giữa các chùa trên nhưng hình thái của các tác phẩm mỗi chùa mỗi khác làm nên sự phong phú đa dạng.
Việc xuất hiện đa dạng các pho tượng Thích ca ở các ngôi chùa này cũng chính là sự biểu dương phương cách “truyền tâm ấn” mà phái Lâm Tế, Tào Động đề cao. Nó gần với câu chuyện ngộ đạo mà Phật giáo kể ra khi Thích ca giơ cao bông hoa sen, đại chúng chưa hiểu gì, chỉ có Ma Ha Ca Diếp mỉm cười rạng rỡ. Pho tượng ở chùa Liên Phái chính là sự khắc họa lại giây phút này của Thích ca với thế ngồi bán kiết già, khuôn mặt tĩnh lặng đôi chút nữ tính, đầu đội vương miện trang trí cánh sen và mây lửa, và bông hoa sen giơ cao ngang tai như phá đi cái động thái tĩnh lặng đó. Đây là một trong những tác phẩm đẹp xuất sắc của TK XVIII.
Cùng với pho Thích ca thì hai bên thượng điện còn thờ riêng hai pho A nan và Ca diếp là hai đại đệ tử của Thích ca. Hai pho tượng này khá nhỏ là lối điêu khắc mang đậm chất dân gian.
Ngoài lối bài trí tượng phật thông thường ở các ngôi chùa TK XVIII, XIX, thì điểm đặc biệt của chùa Liên Phái là không có hệ thống tượng Thập điện Diêm Vương, mà thay vào đó là bốn pho tượng hàng quan văn võ. Rất có thể, sự xuất hiện của pho tượng hàng quan này ít nhiều liên quan đến thân thế của Trịnh Thập vốn là một vương thân trước khi trở thành sư tổ của sơn môn Liên Phái.
Hệ thống tượng tổ của chùa cũng là những tác phẩm đáng chú ý. Gian bên phải thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma, bên trái thờ tổ Như Trừng Lân Giác và các sư tổ: Tính Tỉnh Trạm Động hòa thượng, Từ Phong Hải Quýnh tổ sư, Kim Liên Tịch Truyền đại sư, Tường Chiếu Khoan tổ sư, Phổ Tính đại sư, Phúc Điền hòa thượng, Đầu Đà chùa Bà Đá. Những pho tượng này không chỉ ghi nhận danh tính những thế hệ truyền thừa sơn môn, mà còn mang đậm giá trị của nghệ thuật điêu khắc chân dung. Mỗi nhân vật như được khắc họa cá tính và có đời sống nội tâm riêng biệt.
Mặc dầu là một ngôi chùa có niên đại muộn so với những ngôi chùa Lâm Tế có lịch sử cả ngàn năm trên đất Hà thành, nhưng từ kiến trúc đến điêu khắc của chùa Liên Phái đã góp một giá trị căn bản cho lịch sử nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Nó vừa mang đậm những dấu ấn của một kiến trúc vương phủ xưa, nhưng đồng thời cũng lại pha trộn với kiểu kiến trúc chùa làng.
_______________
1. Sau Hồng Mai được đổi thành Bạch Mai, bây giờ thì thuộc đường Bạch Mai.
2, 3. Chùa Liên Phái, danh lam nổi tiếng đất Hà thành, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009.
4. Bản dịch bia, trong sđd.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 318, tháng 12-2010
Tác giả : Trang Thanh Hiền
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày