Chuyển biến trong chính sách Văn hóa – Nghệ thuật tại Nhật Bản những năm 1980-2000 (tiếp theo số 458 và hết)

3. Sự ra đời của Luật cơ bản chấn hưng văn hóa – nghệ thuật và cải cách hành chính – tài chính những năm 2000

Luật cơ bản chấn hưng văn hóa – nghệ thuật

Do gia tăng cơ sở, phí quản lý cơ sở văn hóa tăng mạnh từ nửa sau những năm 1990, đến năm 2006, 45% tổng dự toán văn hóa của đoàn thể công cộng địa phương đạt 167,8 tỷ yên. Môi trường sáng tạo và phổ cập trong hạ tầng văn hóa – nghệ thuật từng bước hình thành. Tuy nhiên, từ sau năm 2000, ngân sách cho phần mềm của đoàn thể địa phương liên tục tăng trưởng ngang quanh mức 100 tỷ yên, và về khuynh hướng tổng thể, vẫn phình đại về phần tiêu dùng.

Liên tiếp trong năm 2000-2001, Liên minh nghị sĩ Âm nhạc Nhật Bản đề trình báo cáo “Hướng tới thành lập Luật cơ bản Nghệ thuật – Văn hóa”. Đồng thời, Hội đồng đoàn thể nghệ sĩ biểu diễn Nhật Bản (Geidankyo) cùng các nhà nghiên cứu đề xuất “Ban hành luật cơ bản Nghệ thuật Văn hóa và việc hoàn thiện luật pháp liên quan”. Cùng chung động thái, đảng Komei (Công minh) cũng tiếp tục đệ trình đề xuất “Hướng tới xây dựng Nhật Bản – quốc gia văn hóa nghệ thuật”. Tháng 11 năm 2001, Luật cơ bản Chấn hưng Văn hóa Nghệ thuật đã được Thượng nghị viện thông qua thành lập. Việc có sự tham dự của nhân sự Tổng cục Văn hóa trong Ủy ban Nghiên cứu Đặc biệt Luật cơ bản của Liên minh Nghị sĩ Âm nhạc cho thấy mối quan tâm và sự tham dự của Chính phủ trong quá trình soạn thảo Luật.

Tuy có nhiều vấn đề về luật được các nghiên cứu chỉ ra như sự nóng vội trong việc ban hành hay tính mơ hồ về khái niệm “quyền văn hóa” được sử dụng, luật đã thể hiện một bước tiến lớn trong chính sách văn hóa của Nhật Bản. Đặc biệt, không chỉ tôn trọng tính sáng tạo và tự chủ của nhà nghệ thuật, nâng cao vị thế của văn hóa và người hoạt động văn hóa, luật còn hàm chứa nhiều nội dung có tính bước ngoặt như “quyền tự nhiên” của con người trong sáng tạo và thụ hưởng văn hóa qua việc hoàn thiện hoạt động văn hóa – nghệ thuật của người cao tuổi, người tàn tật và trẻ em (được thể hiện trong Ý niệm cơ bản – Điều 8 của Luật).

Luật cũng quy định việc ban hành phương châm cơ bản 5 năm/lần dựa trên luật và tình hình thực tế. Các cơ sở quốc gia và pháp nhân độc lập đều được đặt mục tiêu trung hạn 5 năm, dựa trên kế hoạch trung hạn hướng tới nâng cao dịch vụ và cải cách kinh doanh. Theo đó, ngân sách của Tổng cục Văn hóa năm 2001-2002 lại gia tăng mạnh.

Nhờ phương châm cơ bản từ việc hình thành luật, trách nhiệm của đoàn thể địa phương cũng trở nên rõ ràng hơn. Các tự trị địa phương xây dựng Điều lệ chấn hưng văn hóa – nghệ thuật. Trong đó, có 3 nhóm địa phương mang những đặc điểm khác nhau: phụ thuộc vào ngân sách của Chính phủ, vốn đã tự chủ đi trước nhà nước (như Tokyo (1983) hay Kumamoto (1986)), đáp ứng chủ trương của Chính phủ và thuận theo Luật nhưng nửa vời (tuy nhiên, được đánh giá vẫncó thể xây dựng những chính sách khả quan nếu kết hợp tốt với hoạt động của người dân). Thành quả của luật cơ bản là tạo nên môi trường pháp lý thuận lợi cho sự mở rộng của các xu hướng nghiên cứu, cũng như xác lập tầm nhìn mới và kế hoạch hành động cơ bản trong phát triển văn hóa – nghệ thuật tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, mặt khác, ngân sách văn hóa cho các đoàn thể địa phương lại bị cắt giảm, đòi hỏi cần thiết phải xây dựng dự thảo và chính sách văn hóa được gia cố trong những biện pháp và dự án cụ thể.

Hoàn thiện cải cách hành chính – tài chính

Có thể thấy, trong dòng chảy chung của nỗ lực cải cách hành chính – tài chính quốc gia, chính sách văn hóa đã được quan tâm một cách nghiêm túc. Trong đó, việc ban hành Luật Quy tắc chung về Pháp nhân hành chính độc lập tháng 7-1999 đã mở màn cho xu thế cải cách tư cách pháp nhân của nhiều cơ sở văn hóa quốc gia do nhà nước quản lý trong đầu những năm 2000 như Bảo tàng Lịch sử – văn hóa, Bảo tàng Mỹ thuật… từ “pháp nhân đặc biệt (5)” sang “pháp nhân hành chính độc lập”. Năm 2002, các luật cụ thể liên quan đến văn hóa như Luật về Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Quốc gia lần lượt được sửa đổi. Cũng tháng 12 năm đó, Hội Chấn hưng Nghệ thuật Văn hóa Nhật Bản và Quỹ Giao lưu Quốc tế (trực thuộc Bộ Ngoại giao) cũng được thành lập với tư cách pháp nhân hành chính độc lập. Năm 2001, Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa (pháp nhân hành chính độc lập) được thành lập trên cơ sở sáp nhập Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa quốc gia Tokyo (vốn là một cơ quan thuộc Tổng cục Văn hóa) với Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa quốc gia Nara, và đến năm 2007, được sáp nhập với Bảo tàng quốc gia (pháp nhân hành chính độc lập) để hình thành Cơ quan Di sản Văn hóa quốc gia (pháp nhân hành chính độc lập). Có thể thấy, nhiều pháp nhân hành chính độc lập là các cơ quan đảm trách trung tâm của chính sách văn hóa Nhật Bản. Mục đích của những cải cách hành chính này là chia tách các nghiệp vụ, dự án trong hạng mục thực thi chính sách khỏi hoạt động hành chính của các phủ/tỉnh, mang đến tư cách pháp nhân độc lập cho các cơ quan chuyên trách, nhờ vậy, kích hoạt và nâng cao chất lượng nghiệp vụ, hiệu quả, tính tự chủ – tự giác, minh bạch của các cơ quan hành chính quốc gia trong các lĩnh vực chuyên môn liên quan.

Cuối 2005, Hội Cải cách Quy chế của Chính phủ và Xúc tiến Giải phóng Tư nhân đã đề xuất phương châm áp dụng “thử nghiệm thị trường hóa”, giải phóng tới khối tư nhân cả những nghiệp vụ căn bản như lên kế hoạch triển lãm và sưu tầm tác phẩm của bảo tàng và bảo tàng mỹ thuật quốc gia. Đề xuất này đã tạo nên cuộc tranh luận lớn. Một số nhà nghiên cứu chính sách đã trình văn bản phản đối tới Tổng cục trưởng Tổng cục Văn hóa và Bộ trưởng Văn hóa – Khoa học – Giáo dục, trong đó nêu lên: “Nếu chỉ theo đuổi hiệu quả kinh tế, những nỗ lực dài hạn bao gồm nghiên cứu điều tra nguyên nhân suy thóai của văn hóa – nghệ thuật sẽ bị xem nhẹ”, trong “Báo cáo lần 2 về Xúc tiến giải phóng tư nhân và cải cách quy chế” cũng trì hoãn việc áp dụng “thử nghiệm thị trường hóa” đối với các bảo tàng và bảo tàng mỹ thuật quốc gia. Mặt khác, để nâng cao hiệu suất, phương châm xúc tiến hơn nữa hoạt động ủy thác và mở rộng phạm vi nghiệp vụ ủy thác tư nhân được đề xuất.

Trên thực tế, cải cách hành chính hướng tới thực hiện “chính phủ hạn chế” (6) có ít nhiều mâu thuẫn với ý niệm cơ bản của Luật cơ bản chấn hưng văn hóa – nghệ thuật và trách nhiệm của đất nước. Bởi nếu chỉ đơn thuần ủy thác tư nhân hoặc thuê lại các chương trình biểu diễn sẽ gây ảnh hưởng tới ý nghĩa tồn tại của các cơ sở công lập.

Tương tự, dòng chảy cải cách hành chính cũng diễn ra ở cấp địa phương. Trong việc sửa đổi Luật tự trị địa phương năm 2003, Chế độ người quản lý chỉ định được áp dụng. Trong chế độ này, các doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận (công ty cổ phần, công ty TNHH, liên doanh), pháp nhân quỹ, pháp nhân NPO hay nhóm người dân được chỉ định làm người quản lý thay thế trong một thời gian nhất định nhằm áp dụng trí tuệ và phương pháp của tư nhân vào quản lý các cơ sở công lập. Chế độ này có ảnh hưởng to lớn không chỉ trong việc vận hành các cơ sở văn hóa công cộng mà còn tới chính những chính sách văn hóa của các đoàn thể công cộng địa phương.

Tuy nhiên, trong việc vận hành các cơ sở văn hóa, việc chuyển giao trong thời hạn 3 hoặc 5 năm cũng tồn tại một số nhược điểm như không thể đảm bảo trách nhiệm của người quản lý với dự án trong kế hoạch, cũng như không thể xác nhận và đánh giá thành quả của dự án, hoặc gây nên một số hỗn loạn về “thủ tục” như việc chuyển đổi từ ủy thác quản lý trước đó thành chế độ người quản lý chỉ định hay việc tuyển chọn người quản lý chỉ định. Mặt khác, tuy việc áp dụng chế độ người quản lý chỉ định không phải là nguyên nhân duy nhất và trực tiếp, nhưng trên thực tế, kinh phí văn hóa – nghệ thuật của các thành phố, thị trấn vẫn bị cắt giảm xuống gần 30% từ 329,1 tỷ yên năm 2004 còn 234,4 tỷ yên trong năm tài khóa 2005. Đến thời hạn tháng 9 năm 2006, tất cả các nhà hát công lập đều phải hoàn tất việc chuyển giao sang kinh doanh trực tiếp hoặc chế độ người quản lý chỉ định.

Đến năm 2007, theo kết quả điều tra của Quỹ Sáng tạo Địa phương, 1/3 cơ sở văn hóa công lập trên toàn quốc đã áp dụng chế độ người quản lý chỉ định, khoảng 50% đối với các phòng hòa nhạc, phòng luyện tập và xưởng sáng tác chuyên dụng. Trong số các cơ sở áp dụng chế độ này, 3/4 là pháp nhân quỹ hoặc pháp nhân hiệp hội có đăng ký, cho thấy nhiều đoàn thể địa phương chỉ định pháp nhân công ích để vận hành cơ sở công lập. Nhưng khi công bố chính thức, ngoài những pháp nhân kể trên, có thể thấy kết quả là nhiều pháp nhân đa dạng khác nhau đã được chỉ định (7).

Đối với Chế độ chứng nhận tài trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp Bảo trợ Nghệ thuật, từ sau việc điều chỉnh giảm mức sàn đóng góp vào năm 2003 – cụ thể, từ 100.000 yên còn 50.000 yên đối với doanh nghiệp và đoàn thể tư nhân, và từ 50.000 yên còn 10.000 đối với cá nhân. Nhờ cơ chế được điều chỉnh dễ dàng hơn như vậy, số lượng hoạt động và số tiền đóng góp đều liên tục gia tăng đáng kể, thể hiện nhu cầu cao của doanh nghiệp đối với biện pháp ưu đãi thuế, chứng minh lợi điểm của chế độ này. Không chỉ các đoàn thể và doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân cũng sử dụng nhiều, năm 2006 số đóng góp là 31,2%, tổng số đóng góp 44,2% từ cá nhân. Ước tính kinh phí hỗ trợ bởi mecenat doanh nghiệp là 11,8 tỷ (số liệu chưa đầy đủ) so với khoảng 19 tỷ (trong đó 9 tỷ cho đoàn nghệ thuật), cho thấy vai trò của mecenat doanh nghiệp.

Mặt khác, trong lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận (NPO), tiếp tục phát triển mạnh đặc biệt từ sự tham gia tích cực của các tình nguyện viên trong và sau thảm họa động đất vùng Hanshin Awaji miền Trung Nhật Bản năm 1995, đến những năm 2000 càng đặt ra vấn đề về cách thức hoạt động văn hóa – nghệ thuật với chủ thể là người dân. Kể từ tháng 12-1998, việc thi hành Luật NPO xúc tiến hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận chỉ định (SNPC) đã tạo nên một dòng chảy tư nhân mới trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, tạo thuận lợi cho hoạt động của những nhóm công dân quy mô nhỏ bằng luật chính thống được nghị viện thông qua. Tuy nhiên, do chưa nhận thức rõ lợi điểm của việc trở thành NPO, trong 11 lĩnh vực hoạt động ban đầu được quy định trong luật, người làm văn hóa – nghệ thuật vẫn chưa quan tâm. Năm 2004, xưởng diễn kịch Furano (Hokkaido) – đoàn thể của người dân nhằm kích hoạt hoạt động của thành phố Furano bằng sân khấu kịch – là tổ chức NPO về văn hóa được công nhận đầu tiên. Ban đầu với ý định thành lập quỹ, nhưng sau đó, họ đã thay đổi phương châm hoạt động khi có sự ra đời của luật NPO, và được nhà hát công lập “Nhà máy diễn kịch Furano” ủy thác vận hành (với tư cách người quản lý chỉ định).

Trong những năm 2000, các tổ chức NPO nghệ thuật được thành lập mọi nơi, đến năm 2008 đã phát triển tới hơn 35.000 tổ chức trên toàn quốc. Nhiều hoạt động độc đáo đã vượt khuôn khổ những cơ sở văn hóa cũ như hỗ trợ giáo dục sân khấu kịch trong nhà trường, phục hồi về tâm hồn và thể chất bằng nghệ thuật sân khấu…

4. Xu hướng chuyển đổi mô hình trong chính sách văn hóa – nghệ thuật từ sau những năm 2000

Kế hoạch Sáng tạo Văn hóa Nghệ thuật (Kế hoạch Nghệ thuật Thế kỷ mới)

Năm 2002, ngân sách của Tổng cục Văn hóa được mở rộng thành 98,5 tỷ yên, trong đó kinh phí chung (trừ kinh phí cho cơ sở và nhân công) là 68,8 tỷ, tăng gấp 2 lần so với năm 1995. Trong đó, 13,9 tỷ yên được tập trung đầu tư cho các dự án “Hỗ trợ đặc biệt sáng tạo nghệ thuật” (hỗ trợ trọng điểm cho các đoàn nghệ thuật sáng tạo nghệ thuật hàng đầu như opera, ballet, kịch nói, phim ảnh…) và “Bồi dưỡng nhà nghệ thuật mới nổi vươn ra thế giới” trong khuôn khổ “Kế hoạch sáng tạo văn hóa – nghệ thuật (Kế hoạch nghệ thuật thế kỷ mới)” – quy mô ngân sách tăng gấp 6 lần năm trước đó. Nội dung này tương ứng với hạng mục Kích hoạt hoạt động sáng tạo văn hóa và nuôi dưỡng, bảo đảm nhân lực phục vụ văn hóa – 2 trong 6 biện pháp trọng điểm được thể hiện trong “Báo cáo về xây dựng quốc gia văn hóa”. Ngoài ra, 35,3 tỷ yên được đầu tư cho hạng mục Hoạt dụng văn hóa truyền thống, di sản văn hóa và kế thừa thế hệ sau, 760 triệu yên dành cho hạng mục Xúc tiến giao lưu văn hóa quốc tế, và 33,4 tỷ cho hạng mục Xây dựng nền tảng chấn hưng văn hóa.

7 năm sau khi chủ trương Xây dựng quốc gia văn hóa được đề xuất và bàn thảo (1995), liên quan đến hạng mục Chấn hưng văn hóa địa phương và văn hóa đời sống, 1,6% ngân sách của Tổng cục Văn hóa được chi cho việc mở rộng đột phá của Kế hoạch Nghệ thuật. Trong khi đó, ngân sách dành cho hạng mục Cống hiến quốc tế còn hạn chế và mới chỉ dừng lại ở hợp tác quốc tế về bảo vệ di sản và xúc tiến chính sách giáo dục tiếng Nhật. Còn các dự án giao lưu quốc tế về nghệ thuật sân khấu lại được thực hiện hoành tráng trong khuôn khổ “Dự án sáng tạo văn hóa – nghệ thuật”.

Đặc biệt, trải qua nhiều năm, dự án đào tạo nhân lực đã mở rộng đáng kể cả về nội dung và ngân sách. Trong đó, chương trình “Bồi dưỡng nhà nghệ thuật mới nổi vươn ra thế giới” bao gồm 3 hạng mục là: “Chế độ hỗ trợ du học nước ngoài và thực tập trong nước của nghệ sĩ mới nổi (chế độ học bổng nghệ sĩ)”; “Đảm bảo cơ hội biểu diễn cho nghệ sĩ mới nổi” và “Tài trợ chỉ đạo đặc biệt cho nhữngnhà chỉ đạo xuất sắc” với ngân sách mở rộng thành 3,3 tỷ yên (tương đương 4-5 lần chương trình cùng loại của năm trước đó). Liên tục sau đó, chương trình “Bồi dưỡng nghệ sĩ mới nổi vươn ra thế giới” được kết hợp với nhiều thay đổi chính sách vào năm 2005, được đổi tên thành “Đào tạo nhân lực bao gồm nghệ sĩ mới nổi vươn ra thế giới” và “Đào tạo nhân lực nhà nghệ thuật mới nổi và nhà quản lý nghệ thuật” trong năm 2008.

Mặt khác, hạng mục “Xúc tiến hoạt động trải nghiệm văn hóa – nghệ thuật của trẻ em” được bổ sung mới dự án “Xúc tiến dự án lớp học nghệ thuật – văn hóa dành cho trẻ em”; Chính sách được thực thi trước đó với tư cách “Dự án kiến thiết đô thị (machi-zukuri) bằng văn hóa” cũng được đổi mới, rõ nét về chủ trương, trở thành “Dự án hỗ trợ thành phố sáng tạo bằng văn hóa – nghệ thuật”, và cũng được đặt trong “Kế hoạch sáng tạo văn hóa nghệ thuật (Kế hoạch nghệ thuật thế kỷ mới)”. Từ sự ra đời của “Dự án xúc tiến sáng tạo nghệ thuật (Kế hoạch nghệ thuật 21), Chương trình hỗ trợ nghệ thuật – văn hóa của Tổng cục Văn hóa đã được phân chia trách nhiệm rõ ràng với Quỹ Chấn hưng Nghệ thuật – Văn hóa (vốn tài trợ phổ rộng đối với các đoàn nghệ thuật), chuyển hướng thành hỗ trợ trọng điểm các đoàn nghệ thuật đại diện Nhật Bản.

Năm 2003, ngân sách của Tổng cục Văn hóa lần đầu tiên đột phá tới 100 tỷ yên, tuy sau đó lại tăng trưởng ngang (năm 2008 đạt 101,8 tỷ yên). Cũng từ sau năm 2003, tài trợ trọng điểm của Tổng cục Văn hóa đối với các đoàn nghệ thuật giảm và mở rộng hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các nhà nghệ thuật, trải nghiệm nghệ thuật – văn hóa của trẻ em, xây dựng đô thị bằng văn hóa – nghệ thuật, hoạt động sáng tạo điện ảnh – hình ảnh cho đến ngày nay. Trong khi đó, từ sau năm 2000, tài trợ của Quỹ Chấn hưng Nghệ thuật – Văn hóa tiếp tục giảm còn khoảng 2 tỷ yên và tịnh tiến ngang từ đó đến nay. Đến năm 2007 (17 năm từ khi Quỹ được thành lập), về cơ bản, nội dung tài trợ của cơ quan này không thay đổi, với 12 loại chương trình tài trợ dựa trên 3 hệ thống chính sách. Năm 2008, kế hoạch trung hạn mới được khởi động, dừng “Hoạt động giao lưu quốc tế về nghệ thuật” và “Hoạt động sáng tạo nghệ thuật tiên phong và thể nghiệm” để tập trung hỗ trợ những hoạt động phong phú về tính sáng tạo của các nhà nghệ thuật hay những hoạt động không giới hạn ở một lĩnh vực nghệ thuật riêng biệt nào bằng việc thiết lập mới chương trình tài trợ mang tên “Hoạt động sáng tạo nghệ thuật bao gồm cộng đồng đa lĩnh vực”.

Trong phương châm cơ bản lần II của Tổng cục Văn hóa từ sau sự ra đời của Luật cơ bản chấn hưng văn hóa nghệ thuật, quy định 6 hạng mục trọng điểm về chấn hưng văn hóa – nghệ thuật gồm: Đào tạo người kế tục, phát triển và sáng tạo văn hóa; Xúc tiến giao lưu văn hóa quốc tế, quảng bá văn hóa Nhật Bản; Hỗ trợ chiến lược hoạt động văn hóa – nghệ thuật; Chấn hưng văn hóa địa phương; Hoàn thiện hoạt động văn hóa – nghệ thuật trẻ em; Hoàn thiện bảo tồn và hoạt dụng di sản văn hóa.

Có thể thấy, ngoài những nội dung đã được chú trọng từ trước, “hoạt động văn hóa – nghệ thuật của trẻ em” đã được nêu thành một hạng mục quan trọng. Mặt khác, trong Tiểu ban Chính sách Văn hóa của Hội Đồng Thẩm định Văn hóa khi ban hành phương châm trên, đã diễn ra những cuộc thảo luận sôi nổi, đặc biệt về 2 nội dung: “đào tạo nhân lực kế thừa, phát triển, sáng tạo” và “hỗ trợ hoạt động văn hóa – nghệ thuật/phụ trách quản lý nghệ thuật, kết nối với người dân và thuê nhân lực chuyên môn kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp”. Mặt khác, nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến việc cải thiện chế độ tài trợ công. Đặc biệt trong đó là đòi hỏi: kinh phí tài trợ phải bao gồm cả phí nhân lực sản xuất, phí sử dụng phòng tập; xem xét lại phương thức trả sau toàn bộ kinh phí (điểm này hoàn toàn khác với các nước Âu – Mỹ, tạo nên áp lực lớn đối với nhiều đoàn nghệ thuật vốn có nguồn tài chính hạn chế); xem xét hạn mức tài trợ từ 1/3-1/2, trong phạm vi đoàn thể tự chịu (điều này dễ dẫn tới các báo cáo giả/dự toán vượt quá kinh phí thực tế, hoặc khai nguồn thu ít từ vé vào cửa…). Đến năm 2007, vấn đề kinh phí tài trợ đã được cải thiện; tuy nhiên, các vấn đề còn lại vẫn chưa được khắc phục.

Trong khi đó, với Chế độ chứng nhận tài trợ của Quỹ Doanh nghiệp Bảo trợ Nghệ thuật, đến năm 2008, khoảng 1 tỷ yên đã được hỗ trợ cho 209 hoạt động. Trong suốt 14 năm (từ 1994-2008), chế độ này đã phát huy vai trò to lớn trong việc hỗ trợ các hoạt động văn hóa – nghệ thuật. Bình quân kinh phí hỗ trợ cho mỗi hoạt động còn “hào phóng” hơn quỹ hỗ trợ của nhà nước. Để tiến hành hoạt động, khoảng 60 cổng trao đổi thông tin đã được thiết lập tại các Phòng Chấn hưng Văn hóa và Quỹ Văn hóa ở các đô thị cấp quốc gia và tỉnh, huyện.

Vai trò của nghệ thuật trong sự chuyển hướng mô hình chính sách văn hóa – kết nối với chính sách đô thị và chính sách công nghiệp

Thấy rõ qua tiêu đề “Kế hoạch Nghệ thuật Thế kỷ mới” cũng như các hạng mục trọng điểm, “nghệ thuật” lần đầu tiên đứng độc lập trong kế hoạch mang tầm quốc gia trong chính sách văn hóa với cách dùng từ gây chú ý A-tsu (phiên âm từ thuật ngữ Art trong tiếng Anh) và được sử dụng với tần suất cao trong tên gọi của các chính sách, cơ quan, tổ chức hay chương trình hành động như Art NPO, Tái sinh đô thị bằng Art, Art Literacy… Từ đây, “nghệ thuật” đã không còn chỉ một lĩnh vực nghệ thuật đặc thù như âm nhạc hay mỹ thuật mà bắt đầu được nhận thức với một hàm nghĩa rộng và giá trị xã hội cao. Sự chuyển hướng này là một phần quan trọng trong quá trình nhận thức và chuyển hướng mô hình chính sách văn hóa của Nhật Bản.

Sự chuyển hướng này xuất phát từ thực tiễn môi trường xã hội Nhật Bản đã có nhiều biến chuyển trong vài thập niên qua. Thực tế, nước Nhật đang loay hoay tìm kiếm hướng đi sau quá trình tăng trưởng thần kỳ trở thành cường quốc kinh tế tự hào với GDP thứ 2 thế giới nhưng lại trải qua “10 năm mất mát” trong đó có sự sụp đổ của kinh tế bong bóng, đình trệ kinh tế kéo dài và nhiều vấn đề xã hội như suy giảm dân số, già hóa. Đặc biệt đáng quan tâm là tình trạng ngày càng suy thóai về giá trị và ý nghĩa sống của người Nhật trong xã hội hiện đại. Tham khảo các mô hình đô thị sáng tạo ở EU, những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản ngày càng chú trọng, đề cao việc phát huy tính sáng tạo, năng lực ý tưởng và giá trị xã hội của văn hóa – nghệ thuật trong việc tìm kiếm một giải pháp đem đến năng lượng sống mới cho đô thị và địa phương nói riêng, đất nước nói chung, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động tiêu dùng, giải trí, thưởng thức của một bộ phận dân chúng đơn thuần. Với ý nghĩa đó, chính sách văn hóa đã được nhận thức không còn chỉ phục vụ cho phát triển văn hóa và nghệ thuật, mà nhằm đưa những sáng tạo nghệ thuật – văn hóa xâm nhập vào từng ngóc ngách của các lĩnh vực đời sống, cải thiện toàn bộ xã hội.

Trong các mô hình quốc gia tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan…, hệ thống chính sách nhất quán giữa các lĩnh vực xã hội của nước Anh được nghiên cứu, tham khảo nhiều, tuy nhiên cũng được đánh giá là không khả thi với chính phủ và hiện trạng nước Nhật. Tuy nhiên, điều được rút ra có ý nghĩa tham khảo quan trọng hơn hết là việc chia sẻ chung tầm nhìn về khả năng tạo ra những ý tưởng sáng tạo, linh hoạt nghệ thuật hay văn hóa trong bất kỳ lĩnh vực chính sách nào, hướng tới xây dựng hệ thống chính sách văn hóa mới linh hoạt vượt qua bức tường ngăn cách dọc, mà không phải là xóa bỏ nó.

Theo đó, từ những năm 2000, mô hình “chính sách văn hóa” từng bước chuyển hướng từ nghĩa hẹp sang một hàm nghĩa mở rộng về lĩnh vực đối tượng, với mục đích hoạt dụng tính sáng tạo của văn hóa – nghệ thuật đạt thành quả chưa từng có trong các lĩnh vực ngoài văn hóa, đòi hỏi có sự liên kết giữa các lĩnh vực thành 3 nhóm như sau: Các lĩnh vực có khả năng liên kết lớn với các chính sách hành chính khác hay hoạt động phi doanh lợi, hoạt động công ích: như giáo dục, phúc lợi, sức khỏe, y tế, phòng hỏa; Các lĩnh vực có thể trở thành cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân hay phát triển các dự án kinh doanh có lợi nhuận: chính sách kinh tế, chấn hưng công nghiệp; Các lĩnh vực chính sách đô thị tổng hợp trùng lặp với 2 nhóm đầu như kiến thiết đô thị, khôi phục sức sống địa phương hay du lịch.

Có thể lấy ví dụ về hoạt động out-reach (phái cử nghệ sĩ tới giao lưu với trẻ em trong các trường học) kết hợp giữa đoàn thể nghệ thuật công cộng, NPO nghệ thuật và cộng đồng địa phương. Mục đích của hoạt động không phải để dạy cho trẻ các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, kịch, múa, mỹ thuật, mà sử dụng đặc tính của nghệ thuật trong một hàm nghĩa bao trùm và năng lực của người nghệ sĩ, bằng phương pháp không có trong các giáo khoa kiến thức thông thường, nhằm khơi gợi sức sáng tạo và tưởng tượng, nuôi dưỡng “năng lực sống” của trẻ em. Đặc biệt, khi môi trường xã hội hiện đại xung quanh trẻ em ngày càng trở nên khó khăn với nhiều tác động tiêu cực và hệ lụy khôn lường, hiệu quả của nghệ thuật càng được chú trọng trong việc khôi phục năng lực giao tiếp, nuôi dưỡng sự tự tin, năng lực tư duy, phản biện, thái độ sống tôn trọng các quy luật, trân trọng và biết ơn các giá trị cuộc đời cho thế hệ tương lai. Mặt khác, kinh nghiệm của nước Anh trong việc tổ chức các giờ học phối hợp với nghệ sĩ và nhà sáng tạo, cho thấy hiệu quả nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ có năng lực sáng tạo, kết nối với sự phát triển của các ngành công nghiệp mới, nâng đỡ nền kinh tế nước Anh trong tương lai – đây là một phương châm cơ bản có tính chiến lược quốc gia và tầm nhìn dài hạn về đào tạo nhân lực dung hòa giữa chính sách văn hóa và chính sách giáo dục.

Mặt khác, vai trò đảm trách các chính sách văn hóa cũng được đa dạng hóa, có nghĩa các bộ ban ngành ngoài Tổng cục Văn hóa, các cơ quan ngoài bộ phận Chấn hưng Văn hóa của các tự trị địa phương đều có thể đóng góp vào chính sách văn hóa bằng việc hoạt dụng những tiềm năng của văn hóa – nghệ thuật trong mỗi mục tiêu chính sách. Các phòng ban phụ trách văn hóa của địa phương và quỹ văn hóa phát huy chức năng với vai trò nghiên cứu và tư vấn cho các ban ngành khác, kết nối và hợp tác với các bộ phận liên quan, có vai trò trọng yếu trong các cộng đồng địa phương hay các NPO nghệ thuật – lấy văn hóa – nghệ thuật làm hạt nhân trong các nỗ lực cải thiện về chất các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xu hướng này thể hiện trong chính sách của các bộ ban ngành như Phủ Nội các, Bộ Nông lâm thủy sản, Bộ Đất đai, hạ tầng và du lịch… Mặt khác, đối với khối doanh nghiệp tư nhân, trong hơn hai thập niên gần đây, các quỹ tài trợ được thành lập không còn dừng lại ở mục đích phát triển lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật đơn thuần, mà đã chuyển hướng sang phát triển “quỹ chấn hưng địa phương bằng văn hóa – nghệ thuật” lấy việc kích hoạt sức sống của địa phương làm mục đích trên cơ sở hoạt dụng văn hóa – nghệ thuật.

Tạm kết

Tuy có nhiều khác biệt về quá trình và đặc tính lịch sử – văn hóa, thể chế chính trị và mô hình phát triển kinh tế – xã hội giữa các quốc gia, nhưng điều quan trọng khi tham khảo các mô hình tiên tiến nước ngoài chính là việc nghiên cứu nhằm lý giải những tiền đề, điều kiện nào đã tạo nên những thành tựu cũng như vấn đề trong quá trình chuyển biến, bên cạnh đó là xu hướng diễn tiến nhằm có cái nhìn đa chiều, trong một tầm nhìn phát triển hiệu quả dài hạn. Nền kinh tế – xã hội Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và có nhiều chuyển biến lớn, tuy nhiên đang cho thấy rất nhiều hạn chế cũng như nhiều vấn đề đặt ra về tầm nhìn phát triển, trong đó có việc cải thiện nhận thức, chính sách và hành động thực tiễn để thực sự phát huy tầm quan trọng của văn hóa – nghệ thuật trong mối tương tác với các lĩnh vực của đời sống xã hội hướng tới phát triển thực chất và bền vững.

Mô hình chính sách và thực tiễn phát triển của Nhật Bản cho thấy nhận thức từ rất sớm về tầm quan trọng của văn hóa – nghệ thuật, cũng như sự chủ động tham gia có tính tổng lực của các nguồn lực bao gồm nhà nước, địa phương và tư nhân trong phát triển văn hóa – nghệ thuật. Mặt khác, trong quá trình ban hành và hoàn thiện chính sách luôn hiện diện vai trò tham gia phản biện đa chiều của cộng đồng các nhà khoa học, trí thức và người dân. Giống như nhiều quốc gia phát triển, trong hơn hai thập niên qua, chính sách phát triển văn hóa – nghệ thuật của Nhật Bản đã chuyển hướng sang nhận thức theo hàm nghĩa rộng, vượt khỏi giới hạn của ngành dọc và liên kết với các lĩnh vực khác nhau để giải quyết nhiều vấn đề mới nổi, mang tính cấp thiết của xã hội hiện đại. Có thể thấy, tuy là một quốc gia phát triển, nhưng trong việc định hướng chính sách, Nhật Bản vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhiều mô hình chính sách, hành chính văn hóa, phát triển nghệ thuật ở các quốc gia tiên tiến khác ở Âu – Mỹ để khắc phục những vấn đề tồn tại và tìm kiếm hướng đi mới.

Tuy mới dừng lại ở sự khái quát vấn đề trên cơ sở tổng hợp các văn bản lưu trữ chính sách của bộ ngành liên quan và công trình nghiên cứu của các học giả Nhật Bản, tác giả bài viết hy vọng có thể đóng góp trong việc gợi ý nhiều khía cạnh đáng quan tâm trong nghiên cứu và xây dựng chính sách văn hóa ở Việt Nam, và mong muốn tiếp tục đào sâu nhiều vấn đề liên quan trong thời gian sắp tới.

_______________

5. Được áp dụng theo quy định tại Mục 9 Điều 4 Luật Tổ chức do Bộ Nội vụ và truyền thông ban hành, là pháp nhân được thành lập trực tiếp theo luật hoặc pháp nhân được thành lập với công tác thành lập đặc biệt được quy định bởi một luật đặc biệt.

6. Là một tư tưởng và chính sách làm giới hạn tối đa quy mô, quyền hạn và sự can thiệp của các tổ chức công và doanh nghiệp quốc doanh bằng việc loại bỏ sự can dự của chính phủ trong các dịch vụ tài chính trong khả năng cung cấp vừa đủ của giới tư nhân.

7. Yoshimoto Mitsuhiro, Tái khảo sát – Chính sách văn hóa – Vai trò mở rộng và chuyển hướng mô hình đòi hỏi – Từ bảo trợ, hỗ trợ văn hóa – nghệ thuật đến đổi mới lấy nghệ thuật làm trọng điểm, Viện nghiên cứu cơ bản Nissei, Nhật Bản, 2008, tr.63.

Tài liệu tham khảo:

1. Hội nghị xúc tiến chính sách văn hóa, Quy hoạch tổng thể chấn hưng văn hóa – Đề xuất khẩn cấp hướng tới Xây dựng quốc gia văn hóa, Tổng cục Văn hóa, Nhật Bản, 1997.

2. Fujino Kazuo, Chính sách văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản và các vấn đề xây dựng luật – Trên cơ sở so sánh giữa Nhật Bản và Đức về sự hình thành của “quyền văn hóa, Luận văn kỷ yếu của Khoa Văn hóa Quốc tế, Đại học Kobe, Nhật Bản, 2002.

3. Báo cáo nghiên cứu của Hiệp hội đoàn thể nghệ sĩ biểu diễn Nhật Bản, Để xây dựng cơ chế hình thành chính sách văn hóa – Nghiên cứu so sánh với nước ngoài và chỉnh lý các luận điểm, Nhật Bản, 2002.

Tác giả: Nguyễn Dương Đỗ Quyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *