Từ bao đời nay, người dân thôn Mai Xá nói riêng, xã Hiệp Lực (Ninh Giang, Hải Dương) nói chung luôn coi đình Mai Xá như báu vật của mình. Bởi đây là di tích cổ kính hàng trăm năm duy nhất còn tồn tại, như minh chứng cho sự trường tồn của di sản giữa bao thăng trầm lịch sử của địa phương.
Ngôi đình trên 300 tuổi
Đình Mai Xá nằm trên tuyến đường nối hai huyện Ninh Giang và Thanh Miện của tỉnh Hải Dương. Căn cứ vào tấm bia “Lê triều vạn vạn tuế, Trịnh chúa vạn vạn niên, lưu truyền vạn vạn đại, lập miếu đình bi ký” hiện còn lưu giữ tại di tích thì đình được dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) tại xã Lực Đáp, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Đồng, trấn Hải Dương. Đình được trùng tu lớn nhất vào năm Quý Mão (1903) thời vua Thành Thái. Đình Mai Xá nổi tiếng là to và đẹp trong vùng. Theo tư liệu của địa phương, trước đây, mỗi thôn ở xã Hiệp Lực đều có một mái đình, tuy nhiên đình Mai Xá to, đẹp nhất và cũng là ngôi đình cổ duy nhất còn tồn tại cho đến ngày nay trên địa bàn xã.
Đình được xây dựng theo lối chữ Đinh truyền thống gồm năm gian Đại bái và ba gian Hậu cung với quy mô khá lớn, xung quanh có ao hồ, phía trước là giếng bán nguyệt. Từ ngoài nhìn vào, tòa Đại bái gồm 5 gian lợp ngói mũi kiểu “vỏ sò” (loại vật liệu phổ biến vào đầu thời Nguyễn – thế kỷ XIX). Bờ nóc soi khép chạy suốt, hai đầu hồi đắp kìm nóc được cách điệu gối thân trên đấu vuông rêu phong cổ kính. Hệ thống đao mái uốn cong được đắp hình tượng tứ linh “Long, Ly, Quy, Phượng” xen kẽ góc chối của bờ mái còn được các nghệ nhân thể hiện hình tượng nghệ thuật múa chầu khá đẹp mắt. Qua năm tháng và chiến tranh tàn phá, nhiều chi tiết điêu khắc nghệ thuật bị hỏng một phần, song không làm giảm đi vẻ đẹp phong sương, cổ kính vốn có của ngôi đình. Với những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình Mai Xá được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2006.
Đình Mai Xá là nơi thờ tứ vị tôn thần gồm: Ông Thinh, Ông Linh, Phúc Chính và Đào Từ Nhân. Trong đó, ông Thinh, ông Linh là thiên thần với thần tích khá ly kỳ, song thực chất là truyền thuyết về thờ thần nước – nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất nông nghiệp… nên có thể coi đây là di sản văn hóa phi vật thể của làng xã gắn với di tích cần được trân trọng và bảo vệ. Hai vị Phúc Chính và Đào Từ Nhân là nhân thần được thờ theo tín ngưỡng dân gian từ lâu đời của nhân dân địa phương. Theo sử sách, đây là hai vị quan trong triều đình đã có công giúp dân làng thoát cơn binh hỏa chiến tranh, cấp phát lương thảo cho nhân dân sinh sống, đồng thời cung ứng tiền bạc để tu sửa miếu đình. Ngoài ra, trong đình còn thờ tượng một cô tiên, thân hình cân đối, đẹp mắt, hai tay gắn liền với hai cánh chim dang rộng trong tư thế bay từ trên cao hạ xuống, tên là “Tiên Sa”. Sự tích về nàng “Tiên Sa” được dân làng truyền tụng: “Mai Xá xưa có nhiều phụ nữ xinh đẹp, không ít quan lại triều đình đã về làng chọn vợ. Vào một đêm nọ, có anh thư sinh người làng Mai Xá mơ thấy một nàng tiên sa xuống cánh đồng làng mình. Tỉnh giấc, không kìm được cảm xúc và khát khao, anh thư sinh đã tự vẽ hình cô tiên và thuê thợ giỏi khắc thành tượng, sơn son thếp vàng. Sau thấy tượng cô tiên xinh đẹp, dân làng đã rước vào đình để thờ”.
Tấm bia “Lê triều vạn vạn tuế, Trịnh chúa vạn vạn niên, lưu truyền vạn vạn đại, lập miếu đình bi ký” hiện còn lưu giữ tại di tích
Báu vật quý
Ông Đoàn Tiến Sử (81 tuổi), người có trên 16 năm trông giữ đình cho biết: “Đình Mai Xá đã gắn liền với biết bao thế hệ của người dân chúng tôi, có thể coi ngôi đình như một sợi dây liên kết truyền thống văn hóa, là minh chứng tồn tại giữa thăng trầm lịch sử của quê hương suốt hàng trăm năm. Chính vì vậy, người dân thôn Mai Xá nói riêng, xã Hiệp Lực nói chung đều rất sùng bái các vị Thành hoàng, đồng thời coi ngôi đình như báu vật của mình. Trước đây, khi đình bị xuống cấp, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thì nhân dân địa phương cũng đã chung tay đóng góp tu sửa để phục hồi mái đình trở về nguyên trạng”.
Bồi hồi nhớ về thời kỳ chưa xuất hiện đại dịch COVID-19, ông Sử cho biết lễ hội đình đã từng diễn ra với không khí rất vui tươi và rộn rã. Khác với không ít lễ hội diễn ra vào dịp đầu năm, Lễ hội đình Mai Xá diễn ra vào tháng 11 Âm lịch.
“Từ những tháng cuối năm, khi kết thúc vụ mùa là người dân trong làng lại háo hức sắm sửa lễ vật để đón chờ Lễ hội đình. Lễ hội diễn ra từ ngày 10-15 tháng 11 âm lịch và thường thì lễ hội năm chẵn sẽ có quy mô lớn hơn năm lẻ. Tới ngày diễn ra lễ hội, đại diện các thôn cùng mang lễ vật tới dâng Thành hoàng để làm lễ tế khai hội. Sau đó, đình được mở cửa để người dân vào lễ bái. Đồng thời, các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian như pháo đất, chọi gà… cũng sẽ được tổ chức để người dân tham gia, tạo không khí sôi động” – ông Sử chia sẻ.
Hiện tại, việc quản lý di tích được giao cho thôn quản lý, trưởng thôn làm Trưởng ban quản lý di tích. Ban Quản lý có trách nhiệm cắt cử người trông nom, mở cửa vào mồng 1 và 15 âm lịch hằng tháng để nhân dân tới lễ bái. Tuy việc trông nom di tích đều do những người cao tuổi trong làng tự nguyện nhưng tất cả đều chu đáo, được nhân dân cảm mến, tin tưởng. Ngoài việc sinh hoạt tín ngưỡng, đình còn là nơi tổ chức các cuộc hội họp, học tập đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư.
Theo Ban quản lý di tích, thời kỳ chiến tranh, đình từng có gian hậu cung nhưng đã bị dỡ bỏ, còn gian Đại bái trở thành nơi họp bàn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và làm nhà kho của hợp tác xã. Đến mãi sau này, đình mới được trả lại cho nhân dân thờ cúng theo đúng mục đích. Hiện nay, tuy hậu cung đã được dân làng phục dựng lại nhưng bị “bê tông hóa” gần như hoàn toàn (cột, kèo, hoa văn đều được làm theo kiểu bê tông giả gỗ). Vì vậy, kiến trúc khá khô cứng, giảm vẻ thanh thoát và không ăn nhập với gian Đại bái. Chưa hết, một số hạng mục của di tích bị xuống cấp nghiêm trọng như: mái đình bị xô ngói dẫn đến thấm dột, nhiều chi tiết điêu khắc trên mái bị hỏng. Ngoài ra, đình hiện không còn tượng thờ Thành hoàng mà chỉ còn cỗ ngai công đồng thờ chung cho cả bốn vị. Bên cạnh đó, đình hiện nằm sát đường giao thông, gây mất mỹ quan cho đình cũng như bất tiện và mất an toàn giao thông mỗi khi tổ chức các nghi lễ trong lễ hội.
Ông Lê Lương Hường, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết: Hiện di tích đình Mai Xá đang nằm sát trên trục đường liên xã do huyện quản lý. Trục đường này dự kiến sẽ được mở rộng lên 32m, lúc đó đình sẽ nằm ngay trong khu vực cần giải tỏa. Vì vậy, xã đã sớm xây dựng dự án quy hoạch di tích để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm các hạng mục: dịch chuyển đình về phía sau so với đường giao thông, xây dựng sân đình, nhà tả vu, hữu vu, phương đình, am hóa vàng, lăng mộ, khu tiểu cảnh, khu vệ sinh, hồ nước… với kinh phí dự kiến khoảng 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
“Bên cạnh việc phát triển kinh tế, địa phương rất quan tâm, chú trọng tới việc phát triển đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân thông qua phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng. Đặc biệt, trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng thì đình Mai Xá và thần tích của các Thành hoàng đã gắn bó với người dân xã Hiệp Lực từ bao đời nay. Việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của di tích là trách nhiệm chung của chính quyền và nhân dân trong xã. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành liên quan sớm tạo điều kiện để tu bổ di tích, để đình Mai Xá tiếp tục là “báu vật quý” cho các thế hệ mai sau” – ông Lê Lương Hường bày tỏ.
TRƯỜNG THÀNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)